Trang chủ Văn học Tùy bút Như Giọt Mưa Trong

Như Giọt Mưa Trong

Các bạn có bao giờ nhìn ngắm những giọt nước mưa đọng lại trên lá, trên hoa sau một cơn mưa rào? Mây vừa tan thì mặt trời xuất hiện, những tia nắng xuyên qua cành lá, chiếu sáng lên những giọt mưa, long lanh, lấp lánh. Ngồi trong phòng học, nhìn qua cửa kính, vô số là những giọt kim cương, tiếp nhận tia sáng mặt trời, nó cũng toả ra ánh sáng, lung linh đủ màu sắc, trên các cánh hoa mỏng manh, trên những chiếc lá xanh mướt. Những giọt nước mưa, đọng lại, nặng trĩu, gió thoảng qua, giọt mưa lăn tròn, rơi xuống, biến mất. Âm thầm, không vang lên một âm thanh nào. Có khác gì một kiếp người, lung linh, lấp lánh, tóc xanh, môi hồng, khóc, cười, trong mấy mươi năm, rồi bỗng nhiên rơi rụng, lao xao mấy ngày, sau đó, là âm thầm, không vang lên một âm thanh nào nữa. Giọt mưa rơi xuống đất, chiếc lá vàng khô rơi xuống đất, mình cũng sẽ về với đất một ngày nào.

Nhìn chiếc lá tiêu non xanh trên cành, buổi sáng sớm nào cũng lấp lánh những hạt sương đêm nhỏ xíu, nắng lên, chiếu sáng rạng ngời như những hạt kim cương li ti đủ màu sắc. Gió nhè nhẹ thoảng qua, tất cả lá đều đong đưa, yểu điệu, trong một vũ khúc thiên nhiên hài hòa. Trong cái tĩnh lặng bao la của trời đất, không tiếng nhạc, không âm thanh, không ngôn ngữ.

Giọt mưa kia, chiếc lá này, đã nhắc nhở mình hãy sống thuận theo qui luật thiên nhiên. Tất cả cái gi hiện hữu trước giác quan của mình đều hình thành qua tiến trình kết hợp của vô số cái khác, cho nên nó biến hóa, thay đổi, không phút giây nào đứng yên. Vậy thì khi ta có mặt trên đời, hãy sống với cái tâm trong veo như giọt mưa, dù rơi trên lá hay trên hoa, vẫn lấp lánh rạng ngời. Hãy sống vui cười, linh động, hồn nhiên, như tất cả những chiếc lá đang nhảy múa cùng nhịp điệu thật hài hoà với làn gió thoảng.

Chúng ta, mỗi người đều có cái tâm đó. Nó trong vắt, không có màu xanh hay đỏ, tím, hay vàng. Nhưng khi trí huệ chiếu sáng lên, nó phát ra đủ màu sắc, ứng phó khéo léo trong mọi hoàn cảnh, cái tâm bây giờ như viên kim cương, cứng cỏi không gì phá vỡ được, mà nó có thể phá tan tất cả cái gì si ám, bất thiện, khổ đau.

Phải nhận ra mỗi người đều có cái tâm trong veo này. Mình chưa nhận ra, nên mình còn đi tìm nơi này, nơi khác, còn tìm vị thầy này, vị thầy kia, còn tìm đọc trong sách vở, trên internet lăng xăng, còn phải tham dự khóa tu này hay khóa tu kia nổi tiếng. Nếu chúng ta còn vui, còn buồn, thỉnh thoảng còn bực bội, đôi khi phải suy nghĩ đắn đo để giải quyết chuyện đời, điều đó có nghĩa chắc chắn là mình chưa nhận thức rõ là mình có một kho báu hạnh phúc vô giá.

Có thể các bạn sẽ biện minh:

– “Ai lại không biết mình có Phật tánh. Kinh sách đã nói rõ ràng!”

Vậy sao mình vẫn còn buồn phiền, còn nghi ngờ:

– “Kinh sách nói viên ngọc trong chéo áo, mà sao không thấy?”

Mình biết mình có kho báu vô giá, nhưng nó chưa trở thành nhận thức rõ ràng của mình. Mình chưa hiểu hết những phẩm chất của nó, những tác dụng của nó vì thế mình còn đi tìm nó ở bên ngoài, ở “bờ bên kia”, hay ở chéo áo của ông thầy.

Trong kinh sách đã từng nói “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, hãy quan sát lại tâm mình, không do bên ngoài mà được. Ngài Đại Mai Pháp Thường, chỉ do ngộ 4 chữ “Tức tâm tức Phật” của ngài Mã Tổ, rồi về núi ẩn tu một mình, đây là bậc thượng căn, trí tuệ bén nhạy.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã từng dạy ngài Huệ Khả, cũng trong mục tiêu đó: tâm vững chắc không nghĩ tưởng, không dính mắc với thế gian bên ngoài.

“Ngoài dứt các duyên,

Trong không nghĩ tưởng,

Tâm như tường vách,

Mới vào được Đạo”.

Rõ ràng nhất là Đức Phật và Giáo đoàn của ngài thời xa xưa.

Đức Phật chủ trương hạnh sống viễn ly cho chính mình và chư vị tỳ kheo đệ tử. Đây cũng là điều kiện quan trọng, có thể nói là điều kiện thiết yếu nhất, hay rốt ráo, nó cũng có thể là điều kiện duy nhất của con đường tu.

Tại sao mình dám nói là điều kiện duy nhất? Vì thông thường vị tỳ kheo sau khi xuất gia, Đức Phật cho một đề tài, rồi vị ấy đi vào một khu rừng nào đó tùy ý, miên mật trong chủ đề của mình. Một thời gian ngắn sau đó, quán triệt chủ đề, tâm dừng lại, tâm trở nên trong sáng, tự biết tâm mình không còn lậu hoặc nữa. Tự nhận thức: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong. Sau đời này, không trở lại”.

Trong kinh chỉ trình bày ngắn gọn: xuất gia rồi vào rừng sống một mình. Tuy nhiên vẫn phải đi khất thực trong thôn xóm để sống.

Chúng ta thử tìm hiểu xem hạnh sống viễn ly có những tác dụng ra sao? Trước nhất là rời xa gia đình, sợi dây ái luyến rất khó cắt đứt. Khi đã cắt đứt rồi là bớt đi nhiều phiền não, nhiều trói buộc. Phật đã từng nói: “Đời sống gia đình bị ràng buộc, con đường đầy những bụi đời…” Phật cũng nhận định: “Hễ có một người thân ái là có một mối đau khổ”.

Tác dụng thứ hai của hạnh sống viễn ly là không tiếp xúc với xã hội, với quá nhiều người, tránh xa chỗ tụ hội ồn náo. Vào rừng núi tu một mình. Điều này là theo Trung Đạo. Không khổ hạnh khốc liệt hay sống lợi dưỡng quá đáng như những kinh nghiệm của Đức Phật khi xưa.

Kết quả lần hồi những tham đắm không còn nữa: không dục vọng, không ham tiền bạc giàu sang, không mê say luyến ái, không cầu mong danh tiếng địa vị, không tham lam ăn uống ngủ nghỉ. Tâm trong sạch là niết bàn, là quả vị A la hán. Tuy nhiên, còn cách xa quả vị Phật, vì chưa thực sự phát huy trí huệ tròn đầy nên các vị A la hán này chưa được danh hiệu “Chánh đẳng giác”. Nhưng các vị A la hán cũng thoát khổ, sống thanh thản tự tại và ra đi nhập niết bàn, không còn tái sanh. Nghĩa là giải thoát hoàn toàn.

Bây giờ trở lại chuyện của mình. Từ đầu năm 2020, khi dịch Corona virus bùng lên, chính quyền đã ra lệnh sống cách ly, giảm thiểu đi ra ngoài, những nơi đông người, và phải mang khẩu trang, vì lợi ích cho mình và cho người khác. Đến nay, giữa năm 2021, hầu hết chúng ta đã được chích ngừa, sinh hoạt lần lần trở lại bình thường. Thử quay lại nhìn xem mình đã như thế nào trong thời gian qua.

Xã hội bên ngoài, dường như đã trải qua một cơn xáo trộn nhiều. Thay đổi nghề nghiệp, làm ăn thất bại, sinh ly tử biệt, mất định hướng trong cuộc đời. Thêm vào cho hỗn loạn rối ren là những thiên tai: giông bão, lũ lụt, động đất, cháy rừng khắp nơi. Những ai tâm bị thu hút quay cuồng trong cơn lốc của cuộc đời thì nảy sinh ra bi quan, phẫn nộ, điên cuồng, thù hận.

Nhưng đồng thời, một năm qua, đã là những thử thách, đối với chúng ta, biết Phật pháp, hiểu các qui luật của đời sống: luôn luôn biến đổi, vô thường, sanh già bệnh chết là việc tự nhiên, đời là khổ đau, nên mình có thể vẫn giữ được bình tĩnh chấp nhận những biến đổi thương đau trong đời.

Trong năm qua, không được ra ngoài nhiều, mình quay lại sống trong nhà riêng. Như là được ẩn cư, để ẩn tu. Nhất là trên thiền viện này, một vùng núi đồi vắng vẻ, mỗi nhà cách xa nhau hơn 4 mẫu đất. Không ai thấy ai. Không nghe tiếng nói của con người. Mỗi sáng ra vườn, chỉ nghe tiếng chim ríu rít, mỗi loại ríu rít khác nhau. Thỉnh thoảng xa xa có tiếng chó sủa, tiếng gà gáy. Một năm tròn an trụ trong thiền viện, mới biết vườn nhà có những hoa nào. Mùa xuân có hoa đào đỏ, đào trắng, đào hồng hai màu, có hoa tím mười giờ, có trúc đào, có hoa hoàng hậu nữa, có cả mai vàng mười cánh, có hoa thủy tiên trắng tinh. Mùa hạ có hoa phượng tím, buổi sáng sớm thường sương mù, buổi trưa nắng nóng. Mùa thu có lá vàng, có mưa thu, có trời xanh, mây trắng, gió thốc, lá rụng. Mùa đông Cali không lạnh lắm, cây cảnh hoa lá chỉ ngủ yên một thời gian rồi qua vài cơn mưa rào, tất cả thức dậy, nhú mầm non, để trổ hoa sớm chờ đón mùa xuân. Mùa nào cũng đầy sức sống, mùa nào cũng có nét đẹp riêng. Một búp hồng vươn lên cao, tự tin, độc lập. Một cành trúc đong đưa in nét sắc bén mà dịu dàng trên nền trời xanh, một đóa hoa đào trắng giữa sương khuya lạnh buốt, tỏa hương, tinh khiết, con thỏ núi nhỏ xíu chạy lăng quăng trong vườn, kê cái miệng nhỏ xíu vào chỗ vặn vòi nước tưới cây, uống nước.

Dường như cả thế gian đều có trong mảnh đất nhỏ này, có người, có thú, có cây cổ thụ, cũng có hoa, có trái, có trời mây, có trăng, cũng mưa cũng nắng, khi gió, khi giông, lúc nóng lúc lạnh. Cho nên “mấy ông tiên” thường trú ở thiền viện vẫn sống bình an, sáng thì tưới cây, trưa nắng thì nghỉ, chiều mát lại tưới cây tiếp. Mỗi người một góc vườn. Làm sao có thì giờ nói chuyện phiếm, đâu có biết tới xứ nào bị động đất, nơi nào đang bão lụt, chỗ nào biểu tình, bạo động. Thành ra tự nhiên mà “mấy ông tiên” không rối ren với những biến động trong đời, quan sát lại tâm mình, thấy rõ “nhờ” dịp bị hạn chế giao tiếp, mà mình được sống ẩn tu, được rảnh rang nghe cỏ cây hoa lá “thuyết pháp”. Trải nghiệm sâu sắc Chánh pháp hiển hiện khắp mọi nơi, Phật cũng thường trụ ba đời tột hư không khắp pháp giới. Tăng cũng vậy. Pháp âm vang rền ngày đêm. Chỗ nào không phải là chân lý thường hằng: duyên khởi duyên sinh, biến dịch vô thường, trống không, huyễn ảo?

Nhận thức rõ ràng những sự thật mà trong kinh nói, còn gì vui hơn. Đó là hạnh phúc thực sự, tự nơi mình, không do bên ngoài. Vậy suối nguồn hạnh phúc chính là trí tuệ, hay chánh trí, hay chánh kiến. Khổ đau, phiền não, ngược lại, là vô minh.

Tuy nhiên cái vô minh, may thay, cũng là biến dịch vô thường, đủ duyên, vô minh trở lại là minh. Minh mới là bàn thể của vô minh.

Khổ đau, phiền não cũng sẽ vô thường, bản thể cũng là trống không, là huyễn, như chiêm bao, có khác gì. Tất cả, cũng y hệt như giọt sương trong, một thoáng gió, nó sẽ lăn tròn xuống đất, biến mất.

Khổ đau phiền não không những làm cho chính mình mệt mỏi, chán đời, khó chịu mà cha mẹ, anh em, vợ chồng con cháu, bạn bè cũng mệt mỏi theo, không ai thích tới gần mình nữa. Có khác nào con Corona virus kia nó lây lan nhanh chóng tới những ai tiếp xúc. Chúng ta lo sợ tránh con Corona virus, sao không lo sợ con virus khổ đau phiền não này. Cả thế giới lo chích ngừa, vaccines hai mũi mới tạm yên tâm. Vậy ai đang khổ đau phiền não, nên mau chích mũi thứ nhất, tục đế bát nhã, thế gian là vô thường, duyên hợp duyên sinh, rồi tiếp mũi thứ hai, chân đế bát nhã, bản thể thế gian là trống không, như huyễn mộng mà thôi. Thì sao?

Tất cả những bám víu, mong cầu trong cuộc đời đều rơi rụng hết. Vậy đâu còn tham đắm nữa, là tâm bình an, vô nguyện, vô niệm, thì vô ngã, vô trụ, là giải thoát. Hóa ra từ xưa tới giờ có ai trói buộc mình đâu, có cái gì trong đời níu kéo mình đâu. Mà tại sao mình phải tái sinh hoài để trả nợ đời? Vậy mới nói chỉ vì mình vô minh. Bật đèn sáng lên, thấy rõ vô minh đâu có thật. Hễ có trí huệ thì không có vô minh. Vô minh không có thật, vậy trí huệ có thật không? Hễ vô minh không có thì cần gì có trí huệ.

Vậy mình tu để làm gì?

Mình tu để có trí tuệ.

Trí tuệ đã nói là không thật.

Nhưng vì mình còn vô minh, nên phải tu để có trí tuệ.

Thích Nữ Triệt Như – Ngọc Huyền

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here