Trang chủ Văn học Tùy bút Nhớ nước

Nhớ nước

86

Mùa này là mùa nước nổi ở quê ta. Nhìn đâu cũng thấy nước, thò chân xuống khỏi giường là đã nước, đồng ruộng, đường sá… tất cả đều mênh mang nước. Tuổi thơ ta xưa mỗi năm ba tháng lắc lư trên xuồng.


Ôi, nhớ nước!


Nghẹn ngào gọi nước yêu ơi


Vắng mình sông cũ lở bồi


ai thương…


…….


Có mình nước chẳng đục hơn


Không ta liệu nước có còn


xanh trong (1)


 Ôi, nhớ nước!


 Ta nhìn vào mặt nước thấy ta


Sau lớp sóng thiệt thà như


nước vậy


Lòng nặng phù sa đi qua cồn bãi


Còn lại trong veo buồn vui,


ròng lớn thật bình thường.(2)


Mình đã viết những câu thơ như vậy, nhưng đã sống được như vậy chưa? “Lòng nặng phù sa đi qua cồn bãi/ Còn lại trong veo buồn vui, ròng lớn… thật bình thường”. Mình đã hào phóng góp vào, bồi đắp cho cồn bãi những hạt phù sa để chỉ còn lại trong veo buồn, vui, ròng, lớn? Hình như con sông mà mình mang mễnh vẫn còn đục lắm. Phải rồi, có tạm ngừng thì phù sa mới lắng, có phút giây nào ta tạm ngừng đâu? Ta quay bốn mùa không nhìn kịp gió. Ta tất tả, ta hối hả, ta bươn bả… Để làm gì? Thật buồn cười! Ta đổ thừa cho tất cả, ta làm như mình bị bắt buộc giữ lại những hạt màu mỡ của đất đai, chớ không phải chính mình đã cần cù tích cóp. Bản thể nước vốn trong veo, khi bốc hơi rồi thì phù sa cũng trả về cho đất, vậy mà cớ sao ta vẫn vớt vát nặng mang? Ta bẻm mép thanh minh rằng ta cần phải lưu giữ một ít phù sa cho những bè lục bình trổ hoa tím mát…


Thật ra, chẳng qua là bởi ta chẳng chịu, chẳng thể, chẳng muốn buông thôi.


Chợt nhớ chuyện ngài Phạm chí, trên đường đi đến gặp Phật cầu giải thoát, thấy hai cây hoa đẹp, liền nhổ lấy, bưng đến cúng dường. Phật bảo: “Hãy buông đi!”. Ngài buông một cây hoa. Phật bảo “Buông đi” lần nữa, ngài buông nốt cây hoa còn lại. Phật vẫn bảo “Buông đi”, ngài liền thưa: “Con đã buông hết rồi”. Phật nói: “Ta nào có bảo ông buông mấy cây hoa, cái cần buông là sáu căn, sáu trần, sáu thức (3). Buông nó, ngay đó ông giải thoát, chẳng phải cầu ta”.


Làm sao buông? Tiếc lắm! Ở đời, có những cái ta biết rõ ràng là xấu, ta muốn buông mà còn chưa buông được, huống là những cái “ta cho là tốt” thì dễ gì buông.


Buông là  từ nay thôi không còn nhớ sông nhớ nước? Buông là sẽ trở thành chai sạn tâm hồn?


Đâu phải thế!


Buông cho tâm hồn cao rộng, chan hòa hơn để có thể nhìn  thấy sông Sài Gòn cũng mang dòng nước của sông Tiền sông Hậu, bởi hơi nước bốc lên từ đất đai sông biển, gộp lại thành mây đâu có phân biệt địa phương. Những đám mây vân du trên bầu trời đâu cần visa, hộ chiếu, bất cứ lúc nào cảm thấy mát mẻ là ùa xuống đất chơi, rồi nước phải chảy thôi, đâu cần phân biệt đây là Nhiêu Lộc Thị Nghè chật chội thì nước nghỉ chơi, bò ngược lên để tung tăng về với rộng rãi Tháp Mười, Mỹ Thuận…


Tuy vậy, ta vẫn chưa thể nào không có tâm phân biệt. Vẫn thấy cách trôi nổi của lục bình trên sông Sài Gòn khác với dáng lững lờ của lục bình trên sóng nước Cửu Long. Vẫn thấy giọt nước Mê Kông gần gũi quanh đời dẫu biết chúng đến từ xa xôi Tây Tạng.


Nhớ nước! Ừ thì nhớ. Mai mốt này ta tranh thủ chạy cái rẹt về quê. Ngắm nước đã đời rồi leo lên xe đò lò dò về thành phố. Về thành phố rồi ta lại vật vờ ngồi xe buýt nhớ quê…


Thôi thì cứ Nhớ nước tha hồ để rồi dẫn đến Cư trần lạc đạo:


Cư trần lạc đạo thả tùy duyên


Cơ tắc xan hề khốn tắc miên


Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch


Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.


Trần Nhân Tông


(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên


Đói cứ ăn đi, mệt ngủ liền


Trong nhà có báu thôi tìm kiếm


Đối cảnh vô  tâm chớ hỏi thiền).


Nếu cần thì hãy cứ quay, quay để hình thành tâm bão.


 


(1) Trích “Nhớ nước” trong tập thơ Cõi lạ


(2) Trích “Nước” trong tập thơ Hoa cỏ bên đường


(3) 6 căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.


6 trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp


6 thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.