Hồi đó, dù năm nào cũng được nghe lại câu chuyện về ý nghĩa của lễ Vu Lan nhưng không năm nào tôi cầm được nước mắt. Điều làm tôi tự hào nhất mỗi lễ Vu Lan là khi được cài hoa hồng đỏ, để ý thức rằng mình đang rất diễm phúc vì còn có cha, có mẹ hiện hữu trên đời này.
Nhìn đóa hồng vải được cài trên ngực áo, lòng tôi lâng lâng một niềm vui sướng không thể nào diễn tả và cũng chợt bùi ngùi cảm thương khi nhìn cánh hồng trắng trên ngực áo vài người xung quanh.
Từ khi sang Mỹ, tôi gần như bị cuốn hẳn vào guồng sống công nghiệp hối hả, lúc nào cũng tất bật lo toan. Nơi tôi đang ở không có nhiều người Việt Nam, lại càng không có chùa chiền.
Cuộc sống ở đây có vẻ như quá tự do cá nhân nên sợi dây ràng buộc gia đình rất lỏng lẻo, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái cũng có vẻ không đậm đà sâu nặng như người Việt Nam mình. Tôi luôn phải nỗ lực chống chọi để hòa nhập nhưng vẫn không đánh mất bản sắc của mình.
Mỗi mùa Vu Lan đến, lòng tôi lại khắc khoải nhớ về quê hương, nghĩ về cha mẹ ngày mỗi già mà mình vẫn chưa làm được điều gì để báo đáp. Buổi tối, tôi mở chiếc hộp nhỏ chứa những bông hồng đã được cài lên áo từ các mùa Vu Lan khi còn ở quê hương, lòng bâng khuâng tự nhủ rằng nếu mình còn ở Việt Nam năm nay thì chiếc hộp này sẽ có thêm một bông nữa.
Nhìn hàng ngàn phật tử đang hân hoan với những bông hoa đỏ thắm trên ngực trong đoạn VCD, tôi lại bật khóc. Những phật tử ấy thật may mắn và hạnh phúc vì được đón mừng Vu Lan với bạn hữu trên quê hương Việt Nam giàu tình người, còn tôi, lại một mùa Vu Lan nữa tự cài hoa cho mình trên đất khách…