Vào những năm 1969 – 1972, tôi đang lăn lóc ở Sài Gòn vừa là sinh viên Đại học Sư phạm vừa ghi danh học thêm ở Đại học Vạn Hạnh và Đại học Văn khoa. Tôi hoàn toàn tự lập nên phải ở nhờ một căn lầu bỏ trống ở khu Bàn Cờ và đi kèm trẻ ở tư gia để nuôi thân.
Học bổng sư phạm mỗi tháng chỉ đủ cho tôi ăn khoảng một đôi tuần mà còn lắm thứ nữa cần cho một sinh viên đang đi học. Cuộc sống nghèo khó, xa nhà quả là vô cùng vất vả thế nhưng tôi có thể nói là không thiếu phần hứng thú và ý nghĩa: Ngày lao đầu từ giảng đường này qua thư viện khác hoặc nằm nhà đọc hết sách lại “cua” (course: giáo trình). Khó khăn thế mà tâm thân tôi vẫn an lạc ấy là nhờ cái quán cơm chay ở Vạn Quốc tự đó.
Vạn Quốc tự là một ngôi chùa cho các ni tu học, tọa lạc trên đường Phan Thanh Giản (bây giờ là đường Điện Biên Phủ), đối diện với Cư xá Đô thành. Nói đúng ra, quán cơm đó chỉ là một căn phòng lợp tôn trống trải khoảng chừng 30 mét vuông cạnh cổng vào chùa.
Trong phòng vỏn vẹn mươi cái bàn ghế gỗ tạp sơ sài không sơn quét gì, có lẽ được làm từ gỗ của các thùng két hàng. Có hai cái thùng lớn bằng i-nốc, một chứa cơm và một chứa xì dầu. Đó là những thức ăn miễn phí cho bất cứ một linh hồn nào tha phương cầu thực như tôi.
Cứ ghé lại quán, lấy chén bát từ một cái giỏ thép để ở góc quán và ăn cho đến khi nào no rồi thu dọn gọn ghẽ vào một giỏ không khác và ra đi: Quán cơm từ thiện mà. Nước uống ư? Một thùng nước trà nhạt cũng khiêm tốn trong góc quán. Chung quanh tôi toàn là sinh viên cả nam lẫn nữ, người lao động, phu phen… và cả các em bé đánh giày.
Có sinh viên đạp xe từ Phú Thọ vượt cả quãng đường năm bảy cây số về kiếm bữa ăn từ thiện. Ai dư dả năm ba đồng thì có thể mua thêm một bát canh chay hay một dĩa đậu phụ do các ni trẻ, các vải già hay các chị làm công quả bán từ một quầy ở cuối quán. Giá bao nhiêu nhỉ? Thú thật là tôi cũng không còn nhớ nổi vì giá quá rẻ mà.
Tôi nhớ rõ thì quán cơm này không có nổi một lời khuyên của Đức Phật, của các bậc thánh nhân hay một câu châm ngôn gì đó trên vách. Hình như các ni, các vải cũng quên luôn cái việc mà ngày này ta thường gọi là giáo hóa quần chúng.
Thỉnh thoảng tôi thấy một vài người hằng tâm, hằng sản chở gạo, than, xì dầu… đến cúng dường cho quán cơm. Họ chở đến, vác vào rồi ra về mà chẳng ai lấy biên nhận, quay phim, hay chụp ảnh gì hết. Đồ ăn thức uống kham khổ thế nhưng quán khi nào cũng đầy người ăn vì có lần tôi đến muộn thì hết nhẵn cả cơm.
Một vãi già trách móc tôi, sao anh sinh viên mà chậm chạp thế, mai đến khoảng 11 giờ nghe con. Dạo ấy tôi cũng vô tâm, lo ăn lo học nên cũng chẳng biết ai là người đã rổi công lập cái quán đó để nuôi những người cu bơ cù bất như tôi.
Họ cũng như tôi, nghèo khó phải ăn nhờ để khỏi phải làm điều xấu hổ mà nuôi thân, để khỏi sa vào các cạm bẫy tội lỗi nơi xứ phồn hoa đô hội. Ăn nhờ để dư ra mà mua sách đọc như tôi hoặc nuôi người thân như các bác phu phen kia.
Không biết giờ có còn ai đã từng sống lên từ những bát cơm từ thiện ở quán cơm chay Vạn Quốc tự không? Hãy nhắc lại cho tôi một chút ký ức mà thời gian và cát bụi đã lấp đầy trong trí nhớ của tôi. Bây giờ thỉnh thoảng tôi cũng viếng các danh lam tân tự nguy nga và tráng lệ. Mỗi lần như thế tôi lại thoáng thấy lại ngôi chùa Vạn Quốc xưa, cũ kĩ và âm thầm lờ mờ sau dãy phượng ta vàng đỏ ngày nào.
Hẳn ngôi chùa ấy cũng đã chuyển đâu rồi vì đâu có phù hợp với một thành phố văn minh hiện đại như Sài Gòn bây giờ. Hẳn ở đó cũng không còn người nghèo phải đi ăn nhờ như tôi ngày ấy!