Chắc hẳn hai từ “quê hương” thiêng liêng luôn để lại trong góc nhỏ trái tim mỗi người với sự nhớ nhung và trân trọng. Bởi quê hương là nơi con người ta được sinh ra, lớn lên và đó cũng là nơi người ta muốn tìm về sau những tháng ngày lăn lộn mệt mỏi với cuộc sống mưu sinh. Tôi cũng vậy, Bích Khê là nơi tôi đã sinh ra, lớn lên và đã cho tôi biết bao kỷ niệm đẹp ngời thời thơ ấu. Nơi đó có ngôi chùa Hồng Khê (1) mà tôi thường tham gia sinh hoạt với các anh chị em trong khuông hội.
Gia đình phật tử Bích Khê, cái tên mà tôi không thể quên được, cái tên luôn nằm sâu thẳm trong tâm hồn, trong tiềm thức của tôi. Dù đi xa tôi vẫn nhớ vì đó là nơi đầu tiên tôi khoác chiếc áo lam, cùng sinh hoạt với anh chị em nơi đây. Ngày ấy khi tôi còn bé, chỉ chừng khoảng 15 tuổi đã theo chân bà nội đi chùa vào các đêm rằm và mồng một hàng tháng để cầu kinh lễ Phật. Được hòa mình trong thế giới thiền của Phật, nghe những lời kinh tụng đầy triết lý cuộc sống, lòng tôi lại dấy lên một tình yêu kỳ lạ. Tôi tâm sự với bà nội nghe: “Nội ơi! Con muốn đi chùa mặc áo lam như nội”. Nội nói “Ừ, thì đi với nội!”. Kể từ đó, tôi được khoác chiếc áo lam trên mình đi chùa với bà nội trong các ngày rằm, mồng một hay các hoạt động của phật giáo như Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan…lòng tôi ngập tràn niềm vui sướng. Tôi nâng niu chiếc áo lam và xem nó như chiếc áo dài trắng thướt tha mà tôi từng mặc một thời đi học ở trường PTTH.
Cứ mỗi đêm trăng rằm sáng lung linh, tiếng chuông chùa lại ngân lên, vang xa, hòa quyện với tiếng cầu kinh đều đều của phật tử. Tôi lại mường tượng đến những chiếc áo dài lam được xếp ngay hàng thẳng lối trước điện thờ; tôi hình dung những đôi tay trần áp vào nhau bất động hướng về chư Phật, khói trầm hương tỏa mờ thanh thoát… Thế rồi tôi vội dục bà nội: “Bà ơi, mau đi chùa kẽo trễ!”.
Đối với tôi thời đó, kinh phật khó mà thuộc được nhiều. Lui lui lại lại cũng thuộc mỗi mấy câu do bà tôi bắt đọc nằm lòng: “Nam Mô A Di Đà Phật; Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát…”. Thế nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản biết bao. Đúng nghĩa là an nhiên, tự tại!
Lễ Phật xong, mọi người thủng thẳng ra về. Trên con đường làng, chị em ríu rít tâm sự thật vui. Dưới ánh trăng ngà, bóng những chiếc áo dài lam thướt tha tỏa xuống càng tô đẹp thêm những lũy tre làng, những con đường quê yên tĩnh.
Có những năm đến ngày Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan, chị em tôi tất bật mọi công việc ở chùa để chuẩn bị cho đại lễ này như nấu nướng, sửa soạn, quét dọn vệ sinh, tổ chức cắm trại… người mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Những hàng cây cổ thụ trong sân chùa cũng xôn xao lay động bởi tiếng loa hướng dẫn của ban quản trại, tiếng cười vui tay bắt mặt mừng của những trại sinh trong những lần gặp mặt. Tất cả tạo nên một màu lam lung linh, dịu dàng, huyền diệu.
Vào những đêm rằm Tết Trung thu, chúng tôi tổ chức phát quà cho trẻ em nghèo với những chiếc đèn Ông sao, vài gói bánh kẹo, tuy nhỏ nhưng giàu tính nhân văn cao cả. Các em rất vui và hồ hỡi cùng tham gia các tiết mục văn nghệ, các trò chơi do chị Huynh trưởng tổ chức. Tôi còn nhớ có những lần cùng bà nội đi Thọ bát ở các chùa khác lân cận như chùa Hà My, chùa Nại Cửu…, chị em chúng tôi rủ nhau đi, đèo nhau trên chiếc xe đạp, chở những đạo hữu lớn tuổi không có phương tiện đi lại. Đến các chùa bạn, chúng tôi được mở mang thêm kiến thức, học được nhiều điều hay và gắn kết tình bè bạn hơn.
Giờ đây, trong không gian đầy ắp sự trầm tư, tĩnh lặng với âm điệu triền miên, thanh thoát của nhạc thiền, lòng tôi lại thổn thức về những kỷ niệm xa xăm, nơi có mái chùa Hồng Khê quê tôi, chứa đựng những kỷ niệm thân thương của tất cả chúng tôi.. Mái ấm gia đình phật tử Bích Khê vẫn trong tim tôi, đó là ngọn lửa không bao giờ tắt. Bởi tôi đã gắn bó ở đây từ khi tôi chưa biết thế nào là tổ chức áo lam, yêu cái vẻ đẹp bình dị sáng trong của nó, yêu cả tinh thần nhiệt huyết của các anh chị em Huynh trưởng và các đoàn sinh gia đình phật tử Bích Khê.
Khi chưa đến với gia đình phật tử Bích Khê, cá tính tôi chưa mấy hòa thuận, hay cãi lại lời ba mẹ, mắng mỏ chì chiết người kia… Nhưng sau một thời gian tham gia sinh hoạt với gia đình phật tử, thật sự tôi đã thay đổi tâm tính rất nhiều: dịu dàng hơn, bình tĩnh hơn, dễ thông cảm và dễ tha thứ. Hoặc tôi học được những lời Phật dạy như “Từ bi, Hỷ xả”, giúp đỡ cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn… Phải chăng chính đó là một phần của sự “Vô ngại, Đại bi” mà đức Phật từng dạy! Tôi nghĩ rằng, muốn làm được điều đó, mỗi cá nhân cần phải tu tập lâu dài.
Càng đi sinh hoạt với gia đình phật tử, tôi càng học được từ các anh chị em nhiều thứ lắm: từ cách sống, suy nghĩ chân chính, 5 điều cấm giới của Phật, đức tính nhẫn nhục, chịu đựng, hy sinh và sẵn sàng tha thứ cho những người có lỗi với mình như lời Phật dạy. Làm được điều ấy không những tốt cho mình mà còn cảm hóa được mọi người xung quanh. Tôi cảm thấy tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo dài lam bình dị và cảm thấy mình sống có trách nhiệm hơn… Điều đó tôi càng nhận thức được rằng cần phải tu tập nhiều hơn nữa để xứng đáng với màu áo lam hiền hòa, thanh khiết ấy.
Những ngày Rằm, mồng Một hàng tháng nào không đi chùa được, tôi lại nhớ và cảm thấy như thiếu một điều gì rất khó tả. Làm sao quên được những buổi chiều sinh hoạt, chị em cùng cười, cùng hát, cùng chơi. Nhớ những giờ lễ phật trang nghiêm và thành kính, nơi tôi đã từng thành tâm cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho mình và người thân; nơi tôi từng sám hối cho những suy nghĩ, hành động chưa được tốt đẹp đã phạm phải và tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng để không bao giờ tái phạm nữa…
Bây giờ, tuy cuộc sống đời thường ồn ào, nhộn nhịp, sự mệt mỏi của công việc, bao lo toan của cuộc sống…, thế nhưng tôi vẫn tạm gác lại để hòa mình vào giai điệu nhạc thiền du dương, nhẹ nhõm. Qua đó, nghe thầy thuyết pháp về đạo Phật, thấy mình tịnh tâm hơn, thanh thản hơn và nguyện được đem một phần sức lực của mình cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội; được yêu thương mọi người và mọi người yêu thương mình như lời một nhà sư đã nói: “Sáng lập gia đình phật tử Việt Nam là để hướng dẫn cho các con em phật tử trẻ vào đường đạo tu học và phụng sự chánh pháp, góp phần xây dựng xã hội vào con đường của chánh pháp”.
Lê Thị Thu Thanh
————————————————-
Ghi chú : (1) Chùa Hồng Khê ở làng Bích Khê xã Triệu Long huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị.