Trang chủ Tu học Nhớ mãi khóa tu “Hoa ưu đàm” tại cố đô Huế

Nhớ mãi khóa tu “Hoa ưu đàm” tại cố đô Huế

136

Nói thật rằng nếu mời tôi nói về quản trị doanh nghiệp hay kỹ năng lãnh đạo thì tôi nhận lời ngay chứ đây là khóa tu có đến hai ngàn Phật tử tham dự. Mà lại ở Huế, cái nôi Phật giáo của đất nước. Cuối cùng Đại đức Thích Tâm Nguyên cũng đã thuyết phục được tôi. Thế là tôi có chuyến bay về lại cố đô Huế nhân mùa Phật Đản.
   
Khóa tu 2 ngày diễn ra tại chùa Ngọc Anh và chùa Giác Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bạn sẽ hỏi tại sao lại là tại 2 chùa. Đơn giản bởi một ngôi chùa thì không thể đủ chỗ cho khóa tu bao gồm cả ăn trưa cho hai ngàn Phật tử. May mà hai ngôi chùa này nằm ngay cạnh nhau nên khá thuận tiện cho Phật sự.

Bất ngờ đầu tiên là tôi được đón quá long trọng tại sân bay. Nói thật rằng ngoài vài chuyến đi nước ngoài theo các chương trình lớn của các doanh nhân, tôi chưa bao giờ được đón chào long trọng đến thế. Có đến tận 2 xe hơi ra sân bay cùng các quý thầy, quý Phật tử và hoa tươi chào mừng… một mình tôi. Tôi lặng người đi vì xúc động. Tôi vừa bất ngờ vừa cảm thấy tổn phước quá. Mình đã làm được gì đâu, có là ai đâu mà quý thầy và ban tổ chức lại đón tiếp linh đình thế.

Khi về đến chùa tôi thấy các bác Phật tử mang lọng ra đón. Trời đất! Đến lúc này thì tôi thật sự thấy ngại, ngại quá chừng. Tôi có nói với các bác rằng không cần như vậy và tôi cũng không muốn như thế nhưng các bác nói rằng đây là phân công của ban tổ chức, và rằng ở Huế luôn kính trọng và đón khách mời như thế. Tôi bước chậm và thở nhẹ trong sự ngại ngùng. Thôi thì thêm 1 trải nghiệm về phong tục cố đô và cách tiếp khách của Huế.

Tôi có may mắn được nói chuyện với 2 quý thầy trụ trì 2 ngôi chùa Ngọc Anh và  Giác Thế là thầy Thường Nhật và thầy Phước Hòa. Mặc dù trời rất nóng và các thầy phải chạy đôn chạy đáo, rất vất cả lo cho khóa tu lớn nhưng tôi cảm nhận rất rõ niềm vui của các thầy. Các thầy cười rất tươi, rất hoan hỷ. Những nụ cười hiền hậu, bao dung. 

Khóa tu có sự quang lâm chứng minh tham dự của rất nhiều Hòa thượng, Thượng tọa. Tôi ngồi theo dõi hơi thở và nghĩ về hoa ưu đàm như tên của chính khóa tu. Tôi nghĩ đến mùa Phật đản và VESAK thiêng liêng. Tôi tưởng nhớ tới sự xuất hiện quý giá của đức Phật trên thế gian này, rằng mình quá may mắn được là Phật tử, được tu tập theo con đường mà Ngài đã tìm ra. Đức Phật xuất hiện để chúng ta có cơ hội nương vào giáo pháp của Ngài trên bước đường hoàn thiện nhân cách, đạo đức của chính mình nhằm đạt đến an lạc và giác ngộ, giải thoát.

Trời Huế mùa này nắng quá. Cái nắng gay gắt như trùm lên mấy ngàn Phật tử đang có mặt ở đây.  Tuy nhiên tất cả đang một lòng cùng nhau như những người con về thăm cha để cùng nhau tu tập. Hình như ai cũng cố gắng để tận dụng quãng thời gian quý giá và hiếm hoi này để học hỏi, để thay đổi chính mình, để được tiến gần với Phật hơn, mong sao tới đây tâm mình và tâm Phật hòa làm một.

Quan sát tôi thấy rất rõ rằng ai nấy đều đang rất cố gắng và nỗ lực tận dụng năng lượng tập thể của một tăng đoàn hai ngàn người con Phật để điểu chỉnh thân, khẩu, ý, giải trừ nghiệp chướng, trau dồi giới đức, tu tập viên mật dưới ánh hào quang gia hộ của Tam Bảo.

Tôi được chứng kiến công phu niệm Phật của quý Phật tử cố đô. Giới trẻ rất đông, tuy nhiên các em khá trật tự và chấp hành nghiêm túc các quy định của ban tổ chức. Tôi ngồi và ngắm các Phật tử Huế ăn cơm trong chánh niệm. Thật là đẹp và đáng yêu. Ngay những bước chân của mấy ngàn người con Phật trong thiền hành, trong lúc nhận cơm trưa, khi rời bữa ăn. Thân thương lắm. An lạc lắm. Tôi như thấy trước mặt mình những người anh em ruột thịt thân thương của chính mình.

Phần chia sẻ của tôi diễn ra khá tốt. Tôi đơn giản kể về cuộc sống và công việc của mình về những kinh nghiệm tu tập của một doanh nhân, của một người con miền bắc. Ít nhất để các bạn đạo miền trung có thêm một góc nhìn, một sự sẻ chia. Trước mặt và xung quanh tôi là các đạo hữu Phật tử, huynh trưởng, đoàn sinh gia đình Phật tử huyện Phú Vang và các sinh viên Phật tử thành phố Huế. Tôi cũng thấy có khá nhiều học sinh phổ thông tham dự nữa. Đông lắm. Ngồi khắp nơi. Phần lớn ngồi xa và theo dõi qua các màn hình ti vi.

Tôi thấy các bạn trẻ rất chăm chú lắng nghe. Những tràng vỗ tay động viên tôi làm tôi thấy mình càng có trách nhiệm hơn trong việc sẻ chia và đồng hành với các Phật tử nơi đây. Thật không dễ để có một môi trường sinh hoạt Phật pháp tuyệt vời như thế này. Huế là nơi mà Phật giáo phát triển nhất Việt Nam. Có mấy tỉnh thành trên cả nước có thể tổ chức được khóa tu hai ngày cho mấy ngàn Phật tử.

Tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình gia đình Phật tử ở Huế. Các em ăn mặc đồng phục chỉnh tề, cách ứng xử với nhau rất văn minh và có trí tuệ. Tôi chợt nghĩ, tại sao mô hình này chưa phát triển ở miền bắc. Nên chăng, mình cùng với những người con Phật  tâm huyết khác cần sớm mang về Hà Nội để phát triển. Phật pháp vốn rất nhiệm mầu trong cuộc sống này mà. Cái gì làm mà chẳng được nếu như chúng ta thật sự muốn, nếu như chúng ta phát nguyện.

Bữa cơm tối chúng tôi dùng với thầy Đàm Tịnh. Tôi lại có cơ duyên thăm ngôi chùa Huế mang tên An Lưu. Và rồi chúng tôi được thầy Đàm Tịnh trực tiếp viết tặng một bức thư pháp rất đẹp, một món quà ý nghĩa để mang theo về Hà Nội.

Trước khi rời cố đô, chúng tôi đến thăm chùa Pháp Hải nằm trên cồn đất giữa sông Hương. Thầy Nhật Tuệ và các quý thầy đón tiếp chúng tôi rất ân cần và ấm tình người. Trong suốt buổi nói chuyện hầu như tất cả đều nói về cách hoằng pháp, về đạo Phật với tuổi trẻ, về văn hóa Phật giáo thời nay.

Những ngôi chùa Huế nhỏ, cổ kính, lâu đời vẫn như đang hiện ra trong đầu tôi lúc này. Khuôn mặt hiền hậu, dễ thương của mấy ngàn Phật tử Huế như đang bao quanh tôi giờ đây. Giọng nói nhẹ nhàng, đáng yêu vẫn như lứu lô bên tôi không dứt. Tôi mong có ngày nào đó lại đủ duyên quay lại mảnh đất miền trung với cái nôi Phật giáo tuyệt vời này.

Tôi nhớ lắm quãng thời gian quý giá ở Huế. Mùa Phật đản vẫn đang bên tôi, bên bạn. Hoa ưu đàm có nở trong tâm bạn hay chưa? Chỉ biết rằng hai ngàn Phật tử Huế mà tôi có duyên may được gặp thực sự là những bông hoa đẹp đã và đang tiếp sức cho tôi. Vui biết bao.