Nhưng, thực chất ngôi chùa có đúng là 1000 tuổi không mới thật sự là vấn đề đáng nói. Và chuyện này đã lôi kéo không ít người vào cuộc. Các cơ quan chuyên môn chức trách của địa phương, trung ương, các nhà nghiên cứu, nhà báo, độc giả… Khi thời đại thông tin không còn là bí mật, một cuộc “ném đá” tả tơi đầy phóng túng với sự đôi co, mâu thuẫn giữa hai phe bênh vực và kết tội nhà chùa.
Ồn ào chuyện bức tử ngôi chùa cổ…
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50 km, chùa Trăm Gian nằm trên một quả đồi tại thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Ngôi chùa này được coi là chùa cổ cùng với cụm di tích quần thể chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Trăm Gian là điểm di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng cấp quốc gia từ hàng chục năm nay. Chùa Trăm Gian từ trước đến nay ngoài yếu tố tâm linh là nơi khách thập phương hành hương đến cầu bái, còn là điểm văn hóa để cho học sinh của các trường đến cắm trại, thăm thú thưởng ngoạn.
Gọi chùa Trăm Gian vì ngôi chùa có tròn trặn đúng 100 gian. Ngoài ra chùa còn có những bức phù điêu La Hán sống động mà thực chất cho đến giờ người ta vẫn khó có thể xác định được niên đại thực sự của nó. Khi chúng tôi dừng lại trước cửa của ngôi chùa. Thực chất thì chỉ là cửa phụ vì cửa chính của chùa chỉ được mở vào những ngày tết vì theo như mấy cụ già bán quán sát chùa: “Nếu ngày thường mà mở cửa chính thì cũng chẳng có người trông nom”. Ngoài chùa, gỗ chồng thành đống, ngổn ngang, đình trệ, không có bóng dáng của một người thợ nào.
Bà cụ bán quán bảo: “Khốn khổ, cái gác Khánh hỏng từ lâu rồi, rơi cả cái thanh xà xuống rồi, khó khăn lắm nhà chùa mới xoay xở tiền để sửa sang lại, chẳng hiểu mấy cái anh nhà báo ấy viết những gì mà ở trên người ta đình chỉ lại. Sư thầy phải bị kiểm điểm, đang ủ dột buồn rầu ngồi trong kia”. Một cụ bà bán nước khác cũng vui chuyện nói với sang: “Lấy đâu ra ngôi chùa 1000 năm tuổi, chiến tranh loạn lạc đạn bắn tả tơi thế chùa tan hoang nên hơn chục năm nay xây sửa lại biết bao nhiều lần rồi”.
Trong khi hóng chuyện với mấy cụ già bán nước cạnh chùa, mấy đoàn khách thập phương cũng kéo đến, họ thêm bớt mỗi người một vài câu, nhưng chung quy lại cũng chỉ là: “Ôi! tưởng phá tan nát đến thế nào chứ sửa mỗi cái gian thờ phụ ấy thì có đáng gì đâu”. Bà cụ bán quán bảo: “Tôi bán quán ở đây đã 30 năm nay, chưa bao giờ ngôi chùa lại xảy ra chuyện kinh thiên động địa đến như thế. Cứ nháo nhào hết cả lên. Ầm ĩ hết cả lên. Mà có gì phải ầm ĩ đâu. Còn nguyên tất cả đấy. Sửa là sửa gian phụ chứ có sửa chính điện đâu. Mà ngôi chùa này tu bổ đi tu bổ lại đến dăm ba lần rồi. Các bác cứ vào thử mà xem”.
Khi chúng tôi vào thì gian nhà Tổ đã bị hạ giải. Những cột trụ gỗ mới to đùng cứng cáp được xây lên trên nền đất cũ. Nền gạch ngổn ngang vì người ta mới kịp dỡ nền gạch cũ đi và chưa thể lát nền được. Làm mới bậc tam cấp sân trước tiền đường. Những nét hoa văn chạm khắc trên kèo của gian thờ Tổ cũng rất khác nhau. Đúng là người ta đã dỡ hoàn toàn gác Khánh và may một cái áo mới toanh cho nó. Rất hoành tráng, lộng lẫy. Thế là người ta đã đang tay phá bỏ di tích cổ của ông cha có được cả 1000 năm tuổi ư? Sự phá hoại nghiêm trọng di tích từ sự không hiểu biết về giá trị văn hóa hay còn điều gì uẩn khúc ở bên trong câu chuyện nữa?!
Nhà tổ và gác khánh được xây mới. |
Sư thầy Thích Đàm Khoa trụ trì đang ở gian nhà nghỉ. Khuôn mặt mệt mỏi của sư thầy hiện rõ sau mấy ngày họp lên họp xuống về vụ “Phá chùa Trăm Gian”. Khi chúng tôi hỏi, thầy bảo: “Lỗi tại tôi hết, tôi không hiểu quy trình, thấy gác Khánh hỏng quá rồi, đã có lần bị rơi thanh xà xuống, nếu không kịp sửa chữa thì chẳng may đến mùa mưa này thanh gỗ mục nó rơi xuống Phật tử. Phật tử có bị làm sao thì trách nhiệm lại là của nhà chùa hết. Nên nhà chùa phải khẩn trương sửa lại”. Khi chúng tôi muốn xem những bức ảnh chụp về sự xuống cấp nghiêm trọng của di tích theo như sư thầy nói, thì sư thầy bảo có biết sự việc ra nông nỗi như thế này đâu mà chụp lại ảnh.
Sư thầy luôn miệng nói: “Đây là kiếp nạn của tôi. Chắc kiếp trước tôi nợ người ta nên kiếp này phải trả”. Rồi sư thầy bảo: “Tôi sai thì tôi phải chịu. Nhà báo sai thì nhà báo phải chịu…”. Sư thầy bảo gác Khánh ấy hỏng mục ruỗng lắm rồi. Sự việc này lình xình suốt từ năm 2009. Tháng 7/2011, Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch (VHTT&DL) HN đã có công văn đề nghị cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo chùa Trăm Gian và được Bộ VHTT&DL chấp thuận. Tuy nhiên, sau 1 năm dự án trùng tu tôn tạo chùa Trăm Gian vẫn án binh bất động vì không có nguồn kinh phí.
Quá sốt ruột vì sự xuống cấp của gác Khánh nên ngày 1/6 âm lịch vừa qua nhà chùa đã tự ý tu sửa. Sư thầy đã sang tận Lào để mua gỗ lim Lào về dựng cột. Sư thầy bảo một cây gỗ lim Lào này xẻ làm 4 cột gỗ. Chúng tôi hỏi về kinh phí để trùng tu tôn tạo lại nhà Tổ và gác Khánh thì sư thầy tránh không trả lời mà chỉ nói, thầy có rất nhiều các Phật tử ủng hộ, Phật tử trong nước và cả ở nước ngoài đều sẵn lòng muốn góp công đức cho nhà chùa trong việc tu sửa.
Ngay sự việc phá dỡ này được đăng tải trên truyền thông, chùa đã phải đình chỉ lại việc thi công trái với quy trình. Và Bộ VHTT&DL cũng đã cử đoàn thanh tra của Cục Di sản về chùa xem xét tình hình thực trạng của ngôi chùa cổ để ra kết luận cuối cùng.
Tháp chuông của ngôi chùa còn giữ được vẻ cổ kính. |
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền – Cục Di sản Bộ VHTT&DL: Ngắm di sản văn hóa người ta có thể sờ được vào lịch sử.
PV: Theo GS đây có phải là ngôi chùa cổ đã có từ 1000 năm như theo nhận định của nhiều người ồn ã từ nhiều ngày qua?.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Trước nhất chùa Trăm Gian không còn chứng tích vật chất để thể hiện là ngôi chùa cổ 1000 năm. Tuy nhiên, có thể có giá trị về mặt tâm linh văn hóa, còn giá trị vật chất thì không phải. Giá trị lịch sử có giới hạn vì chùa được xây dựng lại từ đầu thế kỷ XX, vào đời Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Nghệ thuật thực chất không có gì, chủ yếu là bào trơn đóng bén. Ngôi chùa có một thượng điện, phần nổi cao lên có thể cho rằng của thời Lý, người đời có thể đặt một dấu hỏi (?) Có thể tin hoặc cũng có thể không tin. Vì nền cao như thế có từ thời Lý (thế kỷ XI) đến tận thời Mạc (thế kỷ XVI). Nên niên đại khẳng định thời Lý cũng khó vì chưa tìm thấy một dấu tích nhỏ nhất của thời Lý. Dấu tích 1000 năm là chưa thấy.
PV: Theo nhà nghiên cứu, ông thấy trách nhiệm phá di tích cũ xây mới này thuộc về ai?
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Cái sai của nhà chùa đây là một kiến trúc văn hóa, một di sản văn hóa đã được xếp hạng cấp Quốc gia, nên mọi sự liên quan đến di tích phải được ngành văn hóa và được Cục Di sản văn hóa thỏa thuận, tán thành. Nhà chùa không thực hiện cách thức ấy mà đã tự động dỡ hai nhà phụ, nhà Hậu và gác Khánh để sửa chữa lại, thì rõ ràng không có bàn tay văn hóa thì không ít thì nhiều cũng có sai lệch, mà đa số các sai lệch nhiều hơn. Nhà chùa vội vã xây vì chùa bị dột nát và dột mái. Điều này nói lỗi của nhà chùa cũng đúng, trách nhiệm còn thuộc về sự quan tâm của ngành văn hóa, nhất là văn hóa địa phương chưa đầy đủ.
Việc xây dựng chùa Trăm Gian bị ngưng lại chờ cơ quan chức năng giải quyết. |
PV: Có một thực trạng tại các chùa Việt hiện nay là người ta đua nhau xây mới cho bề thế hơn, to cao hơn, lộng lẫy sắc màu hơn, để phù hợp với con người của thời đại hôm nay.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Đúng là bất kể đâu cũng thích làm mới để gây công quả, và tu bổ lại di tích bất kể theo hình thức nào. Nhưng di tích là của quốc gia, của toàn dân chứ không phải là của riêng địa phương ấy nữa. Chùa đã được xếp hạng thì khi người ta muốn tu bổ sửa chữa cũng phải được sự thỏa thuận và cho phép, giám sát của ngành văn hóa, của cơ quan văn hóa chuyên môn. Nếu không có những bàn tay giám sát chuyên môn thì nơi thờ tự đó sẽ dẫn đến Tây không phải Tây, Tàu không phải Tàu, nhưng nhất định không phải Việt Nam. Di tích Việt Nam thì chỉ có anh chuyên môn văn hóa liên quan đến di sản mới có thể giải quyết được.
Vấn đề di sản văn hóa không phải chỉ đáp ứng yêu cầu văn hóa tín ngưỡng mà thực tế ra một di sản văn hóa đáp ứng nhiều vấn đề. Sự hiện diện của di tích nói về lịch sử xã hội của đương thời (thời sản sinh ra nó). Nếu đánh mất những dấu tích ấy là chúng ta đã đánh mất cái gốc, đánh mất bản sắc. Một con người không có gốc, không có bản sắc làm sao có thể tiến về phía trước được. Muốn tiến về tương lai đều phải ngoái nhìn quá khứ, mà cứ lợi dụng di tích hỏng hóc, xuống cấp để phá hoại nó đi thì nó mất gốc. Dân tộc Việt Nam 4000 năm lịch sử, nếu di tích mất đi như thế thì còn gì để xác nhận về truyền thống. Di sản văn hóa có một giá trị đặc biệt, người ta có thể sờ được vào lịch sử. Người ta có thể đối thoại với di sản văn hóa để hiểu được cái tiếng thì thầm của quá khứ của tổ tiên.
PV: Theo sự khảo sát của nhà nghiên cứu chuyên ngành di sản, sai phạm của chùa Trăm Gian đến đâu?
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Người ta nói phá ngôi chùa cổ 1000 năm thực chất là không đúng đâu. Ngôi chùa vẫn giữ nguyên giá trị về tâm linh vì ngôi chùa này có sau nhiều lần xây sửa lại chỉ có niên đại hơn 100 năm thôi. Nhưng quan trọng nhất di sản văn hóa, thì họ phải chú ý đến văn hóa nhiều chứ. Giá trị về nghệ thuật, về văn hóa nghệ thuật trên dạng vật thể của ngôi chùa này thì không đáng kể. Và đứng về mặt tâm linh thì vẫn tồn tại chứ có ai động đến đâu. Bây giờ khắc phục lại ngôi chùa là phải chấn chỉnh lại để giữ được giá trị gốc của gác Khánh ở mức tối đa, và làm theo đúng yêu cầu tinh thần của kiến trúc tín ngưỡng cổ truyền.
PV: Thực trạng về việc trùng tu di tích gây nên nhiều bất cập này theo ông xảy ra có nhiều không?
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Tôi nói thực sự việc lình xình ở chùa Trăm Gian là còn nhẹ đấy. Bây giờ nói gần ngay đây, chùa Hội Xá ở trong nội thành quận Long Biên, gần cầu Đuống vừa mới được xếp hạng thì chính nhà chùa đã xây một ngôi nhà mới, to đùng, to hơn ngôi chùa được xếp hạng ấy, áp sát ngay vào tường hồi của chùa và để mặc cho cái chùa được xếp hạng, bị mưa gió tụt mái, tượng thì để cho hứng nước mưa, để cho tan hoang. Biến cái ngôi nhà mới xây ấy thành chùa mà khi được nhà nước xếp hạng thì có xếp hạng cái nhà mới ấy đâu. Xếp hạng cái chùa cũ kia kìa.
Chùa Cự Linh quận Long Biên cũng bị xóa sạch đến tận đất. Người ta xây dựng một ngôi nhà mấy tầng làm sai mất truyền thống. Tôi có nói rằng những ngôi chùa này của tổ tiên hãy trả lại cho tổ tiên và phải giữ gìn nâng niu từng tí một của tổ tiên, bởi vì những dấu tích ấy là tiếng nói của tổ tiên. Còn các vị giàu có nhiều tiền, muốn làm cho chùa khang trang, đẹp đẽ, các vị ra chỗ đất khác mua đất, tha hồ xây dựng những ngôi chùa thật lớn. Có những ngôi chùa xây rất to, rất chuế nhưng là xây mới ở một khu đất mới không liên quan, không động đến cổ truyền của tổ tiên. Nếu có ý thức biết giữ gìn di sản của tổ tiên thì hãy ở chùa nếu không đi ra chỗ khác.
Theo Công An Nhân dân