Có lẽ dư âm Phật Đản vừa rồi tạo một sinh khí phấn khởi trong tín đồ PG và tín ngưỡng quần chúng, Vu Lan năm nay, số lượng người dân đến các chùa ngoài dự đoán. Hầu như không chùa nào dưới vài trăm; những am cốc cá nhân cũng không thiếu người vãng cảnh lễ Phật. Chùa Phật Quang núi Dinh mọi năm, chỉ có lễ Phật Thành Đạo mới trên 10.000 người, Phật Đản vừa rồi trên 6.000 thì Vu Lan năm nay trên 12.000, do lượng người tham dự tăng đột ngột, vấn đề lương thực cung cấp trở nên lúng túng; nhiều đoàn xe từ Bắc, Trung Nam vào; hơn 300 Phật tử Cà Mau sau khi vượt hàng trăm km đường bộ, đến lễ Phật xong, quay xe xuống núi, vì không có nơi trú ngụ, núi rừng mênh mông bổng nhỏ hẹp lại, các chùa phố chợ làm sao không khỏi chen lấn đùn đẩy giữa khói nhang nghi ngút, hầu hết các chùa đều không được rộng lớn như các nhà thờ. Càng ngày quần chúng biểu lộ nhu cầu tín ngưỡng càng cao, nhưng kiến thức tín ngưỡng và hiểu biết về Phật giáo càng giảm, đó là điều đáng báo động, phần lớn trách nhiệm do tu sĩ không giảng dạy cho tín đồ hiểu đạo, biến quần chúng thành người chỉ biết lạy lục, van xin, trái ngược lại tính chất trí tuệ trong đạo Phật.
Một truyền thống đẹp của mùa Vu Lan, giúp mọi người nhớ đến ân sanh thành dưỡng dục, ân tổ tiên đất nước, ân Tam Bảo thầy bạn, ân chúng sanh thí chủ. Chẳng những nhớ mà còn thể hiện qua nghĩa cử báo đáp, cầu nguyện, cúng dường, bố thí, viếng thăm. Những tác phẩm văn học như Kiều của Nguyễn Du, các nhà thơ nhà văn lớn đã ảnh hưởng ít nhiều tinh thần Vu Lan của đạo Phật,Thập loại cô hồn là một ví dụ. Vu Lan biến thành một mô hình văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng dân tộc Việt. Trong thế kỷ trước,Thiền sư Nhất Hạnh đem cánh Hồng vào mùa Báo Hiếu, mỗi độ Vu Lan, ta nhớ đến lễ cài Hoa , nhắc nhở Hiếu Hạnh của đạo làm người. Trong cộng đồng xã hội, người con Phật nghĩ đến những kẻ không nhà, người thiếu ăn, trẻ bất hạnh và những mãnh đời dau thương quanh mình, vì vậy có những cuộc chẩn thí cho người sống và chẩn tế cho cỏi âm. Các chùa vẫn giữ được truyền thống đẹp trong mùa lễ, tùy mỗi chùa chọn ngày thuận tiện thiết đãi trai duyên cho bá tánh. Hầu như sau mỗi lần thiết đãi, chùa đều kiệt quệ; suốt năm dành dụm của cúng dường, đãi một ngày cho bá tánh vạn gia; dân mình nghèo, đa phần là lao động, bỏ vào thùng công đức cũng chỉ dăm ba đồng lẻ, hoặc thẻ nhang, nải chuối, nhưng tất cả đều hoan hỷ hài hòa.
Có những người ăn chay nguyên tháng bảy, một số người kiêng dè làm chuyện trái lương tâm thường ngày; trong cung cách giao tế đối xử, cũng tử tế như ba ngày tết, hành động và lời nói làm kẻ khác buồn là thất đức, vì họ tin rằng, việc tốt đẹp phước báu họ làm, ông bà cha mẹ quá cố nhờ thế được siêu thăng. Nhiều công ty, cơ quan cúng thí thực kèm theo đốt vàng mã; chứng tỏ người dân ta tin rằng thế giới vô hình, người quá cố và cuộc sống hiện thực có liên quan mật thiết; Loại đạo đức tín ngưỡng như thế góp phần làm nền tảng đạo đức bản thân và đạo đức xã hội cho những ai uống nước nhớ nguồn!
Đất nước ta đang phục hồi lại nền tảng đạo đức mà gần thế kỷ bỏ quên, xem thường, đưa đến những tệ nạn mà luật pháp không thể giải quyết bằng trừng phạt, chỉ có tín ngưỡng tôn giáo mới giáo dục và ngăn chận những phạm tội manh nha từ tâm thức. Nhà nước nên tạo điều kiện thêm cho các cơ sở giáo dục Phật Giáo phát triển ngoài xã hội cũng như trong chốn lao tù. Riêng PG, chư tăng cũng cần loại trừ những hình thái mê tín, phí phạm, trong quần chúng, khuyến khích tín đồ tu tập tự thân và lợi ích cho cuộc sống quanh mình hầu triệt tiêu những hình thái tiêu cực.
Quần chúng hình như có phần thoải mái khi mà các đạo tràng tu tập thường xuyên được phát triển, băng giảng đạo đức xã hội của PG được phổ biến trên phương tiện truyền thông công cộng, giúp ngành an ninh nhẹ gánh lo âu trước mối đe dọa bất an từ những hành tung tung thiếu đạo dức, đang phát triển.
Việc còn lại, kẻ xấu luôn lợi dụng mọi kẽ hở, nhất là lợi dụng niềm tin của quần chúng, PG và nhà nướ`c cần ngăn chận, đừng để xẩy ra như vụ cô Arăng Tâm Hiền, lạm dụng sự chơn chất của người sắc tộc, kẻ làm tiền tạo ra những hình ảnh từ thiện mà bản thân cô ta không đủ khả năng như thế, vì cô ta là người bị não thương thần kinh.
Lễ hội Vu Lan cần phát triển khía cạnh tích cực, mang tính giáo dục đạo đức tình người và nhân quả thiện lành, là cơ sở đạo đức xã hội, chúng ta bằng mọi cách, tạo thuận duyên để xã hội hóa bản chất mà không còn là hình thái tín ngưỡng riêng của đạo Phật. Nhà nước cũng nên xem đó là lễ hội lớn của đất nước, đưa vào tiêu chuẩn của một ngày lễ , mọi công dân, cán bộ được nghĩ một ngày,Chẳng những thế, chương trình giáo dục học đường, nên đưa vào giảng dạy đạo nghĩa mùa Vu Lan, đó là một trong những cách đạo đức hoá xã hội, giúp qưần chúng sống và làm việc không chỉ theo pháp luật mà còn thuận với đạo đức lương tri, hầu ổn định nếp sống mà truyền thống ông cha ta hàng ngàn năm kiến lập.