Trang chủ Nghiên cứu Phật giáo và Khoa học Nhiều ngàn cõi người?

Nhiều ngàn cõi người?

86

Giới khoa học trong tuần lễ này đang tưởng niệm 200 năm ngày sinh của Charles Darwin. Chính xác, Darwin sinh ngày 12/02/1809. Một hình ảnh gắn liền với lý thuyết Darwin là sự tiến hóa của nhân loại. Có phải con người sinh ra từ hình ảnh toàn hảo của một vị Toàn Hảo trên cao, hay đã biến hóa qua nhiều triệu năm với nhiều chặng đường khác nhau?


Darwin đã cho nhân loại một cách giải thích trái nghịch với truyền thống, và bây giờ khoa học đã công nhận rằng, không chỉ riêng loàì người, mà các chủng loại sinh vật cũng đều trải qua các chặng đường tiến hóa.


Bản tin Anh ngữ BBC News hôm 15/02/2009 lại cho biết rằng sinh vật cũng không phải là cái gì độc đáo trên đời này. Bản tin viết rằng Tiến Sĩ Alan Boss của viện khoa học Carnegie Institution of Science nói rằng có thể có tới một trăm tỉ hành tinh tương tự như quả đất trong thiên hà của chúng ta, và nhiều trong các thế giới này có thể là nơi cư trú của các sinh vật thể đơn giản. Ông nói như thế trong hội nghị thường niên của American Association for the Advancement of Science tại Chicago.


Đặc biệt, Tiến Sĩ Boss tiên đoán rằng phi thuyền Kepler của NASA dự kiến sẽ phóng vào vũ trụ trong tháng 3, 2009 sẽ bắt đầu tìm ra một vài hành tinh tương tự quả đất trong vài năm tới.


Bản tin BBC còn cho biết rằng công trình nghiên cứu mới ở Đại Học Edinburgh đã tìm cách đếm số xem có bao nhiêu nền văn minh thông minh (intelligent civilisations) có thể ở ngoài vũ trụ, và nghiên cứu này nói có thể có tới nhiều ngàn cõi văn minh thông minh.


Nhiều ngàn cõi người? Chính xác, chỉ nên nói là nhiều ngàn cõi sinh vật thông minh như chúng ta, nếu có. Và chúng ta không phải là cái gì độc đáo. và cũng không phải là cái gì đã toàn hảo ngay từ khi xuất hiện.


Hai báo ở Anh ‒ The Independent, và The Times ‒ tuần này đã có bài viết về nhà khoa học tự nhiên Charles Darwin và nêu lên chi tiết mới rằng nguồn gốc lý thuyết tiến hóa của Darwin xuất phát từ Phật Giáo Tây Tạng. Quả nhiên, đây là điều hết sức là lạ lùng, nếu đúng như thế.


Khi người ta đọc các kinh Bản Sinh của Đức Phật, đọc các truyện tiền thân Đức Phật có khi là khỉ, là voi, vân vân… Nhiều người tin rằng các chuyện này là ý nghĩa tượng trưng, chỉ muốn nói rằng tâm chúng ta có khi như tâm khỉ, như tâm linh tinh lang tang, và rồi phải giữ lòng nhân và đaọ đức của tâm người, và rồi phải mang tâm Đại Bi Yêu Thương rộng lớn của Đức Phật. Dù tượng trưng hay không, đây cũng là một ý nghĩa tiến hóa. Có phải Darwin đã được gợi hứng từ chuyện khỉ là tiền thân của loài người, và đã dẫn tới lý thuyết tiến hóa?


Báo The Independent nói rằng người ta đã tố cáo Charles Darwin đủ thứ, nhưng chưa ai tố cáo Darwin là “một Phật Tử Tây Tạng tàng hình” (closet Tibetan Buddhist).


Giáo sư Paul Ekman nói rằng cuộc nghiên cứu của ông về các văn bản của Darwin đã cho thấy rằng nhà khoa học Darwin đã có các quan điểm y hệt như các quan điểm Đức Đạt Lai Lạt Ma, một người “bạn thân” của giáo sư Ekman, bày tỏ.


Darwin đã viết dài dòng về cảm xúc con người và lòng từ bi, và mạnh mẽ tin vào sự hợp nhất của nhân loại cũng như tính tương tự cảm xúc chia sẻ giữa nhân loại và các động vật mà chúng ta ăn thịt.


Giáo sư Ekman viết: Những chữ mà Darwins sử dụng thì y hệt như các chữ sử dụng bởi các tín đồ Phật Giáo Tây Tạng mô tả về lòng từ bi và đạo đức. Thiệt là trùng hợp dị thường, nếu gọi đây là tình cờ, khi thấy quan điểm Darwin về từ bi và đaọ đức giống y hệt quan điểm của Phật Giáo Tây Tạng. Khi tôi đọc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma vài đoạn văn, ngài nói, ‘Tôi bây giờ sẽ tự gọi mình là người theo chủ nghĩa Darwin.’


Giáo sư Ekman nói trước hội nghị American Association for the Advancement of Science tại Chicago: Làm sao mà trùng hợp như thế chứ? Nếu chuyện này xảy ra ở thời này, vấn đề đạo văn sẽ khởi lên bởi vì các chữ này gần như là y hệt, hay một cách chính xác là y hệt. Tôi không thể nào tố cáo Darwin là đạo văn được.”


Giải thích đưa ra là, có thể Darwin đã biết về Phật Giáo Tây Tạng qua những lá thư viết cho ông từ người bạn là Joseph Hooker, người đã có mặt ở Tây Tạng để nghiên cứu về các chủng loạị hoa.


Giáo sư Ekman kể rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma kinh ngạc vì các văn bản của Darwin về từ bi và đạo đức y hệt như quan điểm Phật Giáo, như, “Khi tôi nhìn thấy bạn đau khổ, điều đó làm cho tôi đau khổ, và điều đó thôi thúc tôi làm giảm sự đau khổ của bạn để cho tôi có thể giảm bớt nổi khổ đau của mình. Như thế là y hệt quan điểm Phật Giáo Tây Tạng.”


Giáo sư Ekman còn nói rằng quan điểm nhà Phật, cũng như của Darwin, nói, “hạt giống từ bi nằm trong nuôi dưỡng tâm người mẹ, vào lòng từ bi phổ quát: hướng về người khác như là người mẹ.”


Có một chi tiết nữa, bà Emma Darwin, vợ của Darwin cũng say mê với Phật Giáo. Bà từng mô tả một cháu nội/ngoại như là một “đại lạt ma” bởi vì cậu này rất trầm lặng và nghiêm trang.


Giáo sư Ekman dè dặt nói, “Tôi không nói rằng Darwin là Phật Tử. Nhưng cách nhìn của Darwin về bản chất từ bi thì y hệt và từng chữ chính xác như quan điểm của Phật Giáo Tây Tạng.”


Có phải hay không? Hay là Darwin đã từng đọc truyện Bản Sinh và đã tin rằng tiến hóa là chuyện bình thường? Và như thế, nếu có chuyện tiến hóa, chúng ta vẫn có thể tin là có nhiều ngàn cõi người tương tự? Hãy chờ vài năm nữa, để xem phi thuyền NASA nhìn tới đâu.