Mặc dù đang rất bận rộn các công việc chuẩn bị cho Đại lễ 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại đức Thích Minh Tiến, Phó Chánh Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Đại lễ vẫn dành cho phóng viên một cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề này.
– Đại đức có thể cho biết trong hành trình 2000 năm Phật giáo ở Việt Nam thì 30 năm Giáo hội Phật giáo đã có ý nghĩa như thế nào?
Đại đức Thích Minh Tiến: Ba mươi năm xây dựng và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam so với 2000 năm lịch sử Phật giáo hiện diện ở Việt Nam là một thời gian rất ngắn nhưng ý nghĩa thì rất quan trọng vì từ đây tăng ni Phật tử đã đoàn kết, hòa hợp để chung sức, chung lòng cùng xây dựng Ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.
Được thành lập ngày 7/11/1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là bước ngoặt quan trọng đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể duy nhất có sứ mệnh truyền trì đạo mạch nối tiếp lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Nam, đồng hành với dân tộc và mãi mãi là thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc với truyền thống hộ quốc an dân.
– Vậy việc tổ chức Đại lễ cũng là dịp quảng bá về vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xin Đại đức cho biết các thành tựu nổi bật?
Đại đức Thích Minh Tiến: Đây là dịp ôn lại sự kiện lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự kiện thống nhất 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước. Đó cũng chính là kết quả của quá trình vận động thống nhất Phật giáo từ các giai đoạn trước với cao trào ở các gia đoạn 1951, 1960 và 1964.
Kết quả của sự nhất tâm trong việc vận động thống nhất Phật giáo là sự kiện 30 năm trước, năm 1981, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc được tổ chức tại thủ đô Hà Nội gồm 165 đại biểu của 9 tổ chức và các hệ phái Phật giáo trên toàn đất nước Việt Nam.
Trong ngày trọng đại đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được thành lập. Tăng Ni Phật tử trên toàn quốc có nguyện vọng tha thiết là Phật giáo được thống nhất và phát triển vững mạnh và chính sách ủng hộ tôn giáo tích cực tham gia xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước.
Thành tựu nổi bật nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là hệ thống tổ chức của Giáo hội được thành lập từ Trung ương đến địa phương, có 58 tỉnh thành phố trong cả nước có Ban trị sự, ban đại diện giáo hội.
Hiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 14.778 cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường; gần 46.500 tăng ni; bốn Học viện Phật giáo ở Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, tám lớp cao đẳng Phật học, 30 trường trung cấp Phật học…
Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa trùng tu ba ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa và đã tổ chức an vị tượng ở đây; tổ chức đoàn tăng ni tham quan quần đảo Trường Sa…
– Thưa Đại đức, vì sao Đại lễ kỷ niệm lại được tổ chức ở Sóc Sơn?
Đại đức Thích Minh Tiến: Đại lễ của Phật giáo phải tổ chức ở cơ sở tự viện. Đó không chỉ là Đại lễ mang tính hành chính mà còn là nghi lễ của tín ngưỡng. Tại Học viện Phật giáo ở Phù Linh, Sóc Sơn có hội trường lớn có thể đón tiếp 1500 đại biểu về tham dự. Đây cũng là đất địa linh. Phía trên có chùa, dưới có hội trường và gần đó lại là Đền Gióng. Cả một không gian về văn hóa tâm linh lý tưởng để tổ chức Đại lễ của nhà Phật.
Mặt khác, tổ chức tại Sóc Sơn, Ban tổ chức không lo chuyện ách tắc giao thông, tăng ni phật tử về dự cũng có được cảnh quan để thả hồn vào cõi tâm linh chứ không phải là đi họp và nghe báo cáo kiểu hành chính. Với Phật tử thì không có quan niệm xa hay gần. Hàng vạn, hàng triệu Phật tử có thể trèo núi non Yên Tử trập trùng, có thể từ muôn phương về lễ chùa Bái Đính, Chùa Hương mà không nề hà, không quản ngại đường xá…
Tuy nhiên, tổ chức Đại lễ tại Phù linh-Sóc Sơn ngoài là địa điểm tốt nhất cho các hoạt động Phật giáo thì cũng là điểm đến khá thuận lợi cho Phật tử. Ví dụ như từ Hà Nội có thể đi xe buýt là đến nơi.
– Xin được mạn phép hỏi Đại đức nguồn kinh phí để tổ chức Đại lễ từ đâu?
Đại đức Thích Minh Tiến: Kinh phí hoạt động của Phật giáo đều từ sự hảo tâm, tự nguyện phát tâm công đức của Phật tử. Đó còn là những đóng góp cụ thể, thiết thực tham gia vào chương trình Đại lễ. Ví dụ như các cơ sở sản xuất giấy tặng giấy để in thư mời, người có ô tô thì đăng ký cho mượn ô tô để đón đại biểu…
– Là Trưởng Ban tổ chức, Đại đức có thể cho biết sự chuẩn bị và tiến độ công việc chuẩn bị cho Đại lễ?
Đại đức Thích Minh Tiến: Từ cuối năm 2010, chương trình tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo đã được thông qua. Đến tháng 8, Giáo hội Phật giáo đã có hướng dẫn cụ thể, triển khai đến tất cả các tổ chức Hội Phật giáo ở địa phương.
Mục đích tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo là để tăng ni Phật tử có dịp nhìn lại các chặng đường xây dựng và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Qua đó, để mọi người thấy được những thành tựu Phật sự của tổ chức và các cá nhân thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời cũng chỉ ra các mặt hạn chế, các vấn đề còn tồn đọng để có các chương trình hoạt động ngày một tốt hơn trong phạm vi hoạt động của các cấp Giáo hội.
Có thể nói là không khí hướng về Đại lễ, đón Đại lễ có từ nhiều tháng nay ở cơ sở đến Trung ương Giáo hội Phật giáo. Tất cả tăng ni Phật tử đều chung sự đồng tâm nhất trí tổ chức một Đại lễ kỷ niệm trang trọng và ý nghĩa. Các công việc chuẩn bị đều đang tiến triển tích cực và đúng kế hoạch.
– Trân trọng cảm ơn Đại đức!