“Nhì đâm hà bá” là đánh bắt các loài sinh vật dưới nước. Hà bá là chúa sông. “Hà” là sông, “bá” là người cai quản một vùng. “Đâm hà bá” là sát sanh trực tiếp, dễ hiểu.
Còn “phá sơn lâm” thì chỉ là chặt phá cây cối, có giết hại sinh vật nào mà coi là tội lỗi, còn coi là tội lỗi số một.
Thực ra, ông bà chúng ta có cái nhìn rất sâu sắc và mang đậm tinh thần bất sát của Phật giáo. Có thể nói câu tục ngữ trên ở chính từ Phật giáo mà ra.
“Phá sơn lâm” là phá môi trường sống của sinh vật. Thú rừng, biết bao nhiêu là sinh mạng các loài, không có rừng nữa, không còn nới sinh sống, không còn thực phẩm, nguồn nước…tất yếu sẽ chết hàng loạt, chết hết.
“Phá sơn lâm” là sát sinh gián tiếp, là sát sinh hàng loạt, sát sinh ở quy mô lớn. Vì vậy, ông bà chúng ta xếp thứ nhất là phải.
“Đâm hà bá”, tức đánh bắt cá, nhưng còn sông, còn biển thì cá tôm còn có thể sinh sôi được, chứ “phá sơn lâm” thì là vừa giết hại gián tiếp, vừa làm cho sinh vật tuyệt chủng, triệt phá luôn cả đường hồi sinh. Điều đó tất nhiên cũng là lý do để xếp “phá sơn lâm” ở vị trí thứ nhất. Phá những thứ vô tri vô giác như sơn (núi), lâm (rừng), còn có tội nặng hơn là làm một hành động giết (đâm) đối với một vị thần (hà bá).
Tuy nhiên cái kiểu làm ô nhiễm sông biển đến nỗi không còn sinh vật nào sống được, vỏ tàu sắt còn bị ăn mòn, tạo thành những ‘sa mạc nước” như trường hợp sông Thị Vải cũng là “phá sơn lâm”, là diệt chủng và tận diệt.
Đạo Phật chúng ta coi sát sinh là tội lỗi hàng đầu nên đã là Phật tử thì dứt khoát nên tránh xa hai cách giết chóc hàng loạt đó.
Ngày nay, làm ô nhiễm nguồn nước cũng là sát sinh. Sát sinh hàng loạt.
Làm ô nhiễm nguồn nước giết chết tôm cá không chỉ là giết sinh vật, mà còn là gián tiếp giết cả con người và giết cả chính mình. Những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư do tích tụ chất độc trong cơ thể sẽ giết lần giết mòn những người sử dụng nguồn nước và sinh vật nhiễm độc.
Thông điệp cảnh báo từ câu tục ngữ Việt Nam “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” thấm nhuần tư tưởng bất sát của đạo Phật, là lời cảnh báo nghiêm khắc và rõ ràng. Nó càng có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay việc phá hoại môi trường đang ảnh hưởng đến chính cuộc sống con người.
Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến khái niệm vấn đề sát sinh gián tiếp – vấn đề “phá sơn lâm” và tương tự. Có những chuyện tưởng chừng như vô hại, nhưng thực ra gây những thiệt hại lớn lao đối với đời sống sinh vật. Nói ngắn gọn là cũng sát sinh, sát sinh gián tiếp.
Báo chí hiện nay đang nóng lên xung quanh chuyện thủy điện. Nào ngờ cái công việc tưởng chừng như chỉ đem lại lợi ích đó lại tạo nên những dòng sông không còn tôm cá.
Hay như chuyện mở đường, mà theo đó là sự gia tăng hoạt động của lâm tặc, hay đào bới mỏ vàng, tức cũng là phá sơn lâm.
Với tinh thần bất sát của đạo Phật, chúng ta ý thức rằng tất cả mọi hành động mang lại sự tổn hại mạng sống cho chúng sinh đều là có tội, đều là tạo nghiệp bất thiện.
Chúng ta xây một căn nhà bằng gỗ thật bề thế, với đồ dùng nội thất toàn bằng gỗ tinh xảo. Điều đó thoạt nhìn chẳng có liên quan gì đến việc sát sinh.
Nhưng xét kỹ, với chừng ấy mét khối gỗ đó xây nhà, bao nhiêu cây rừng đã bị chặt đi, bao nhiêu tổ chim bị phá, bao nhiêu sinh vật mất nơi cư trú?
Rồi lũ lụt ngày càng hung hãn, càng giết nhiều người, càng phá nhiều nhà do cây cối không còn để giữ nước.
Bài này được viết như một lời hưởng ứng “Thông điệp xanh từ núi Dinh” (bài của Nguyễn Thị Ngọc Trâm, đăng trên Phattuvietnam.net).
Bài viết này cũng là sự phản hồi trước những bản tin đăng hầu như ở tất cả các báo, rằng cùng với dòng nước lũ hung hãn tràn về các tỉnh miền Trung, là hàng ngàn hàng vạn thân cây rừng bị đốn chặt chưa kịp vận chuyển.
Người viết băn khoăn, việc dùng đồ gỗ có là “phá sơn lâm” không, có là sát sinh gián tiếp không?
MT