Trang chủ Văn học Tùy bút Nhật ký, ngày… tháng… năm…

Nhật ký, ngày… tháng… năm…

257

Tiết trời se lạnh, gió hiu hiu luồn qua kẽ tóc thoảng mùi thơm dịu nhẹ, lòng người dễ chịu, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Người lớn thì có cơ hội được khoác trên mình những chiếc áo len nhẹ với đủ các kiểu mẫu. Trẻ em thì xúng xính trong những đôi giày vải nhỏ xinh đủ màu sắc. Một bức tranh đa màu sắc hoàn chỉnh. Cứ mỗi độ xuân về, dường như trời đất giao hòa nên con người cũng được hòa mình vào trong không gian hạnh phúc ấy.

Trên con đường quen thuộc từ nhà tới sở làm, thoáng giật mình với những cơn gió lùa qua tay áo, có cảm giác run run. Khi ấy trong tâm khởi một ý niệm rất con người nhưng rồi mọi thứ lại vụt tắt. Cứ miên man trong dòng suy tư mà đến sở làm lúc nào không hay.

Sau một vài câu chào hỏi thân thuộc với những con người thân thuộc, thì ai về chỗ của người ấy. Cánh cửa phòng làm việc khép lại, thế là chỉ còn ta với nồng nàn. Một ngày mới bắt đầu, với núi công việc cần giải quyết. Cảm giác phấn chấn của buổi sớm tinh mơ ấy, nhanh chóng qua đi khi bất ngờ gặp những sự cố không thể lường hết. Vậy là rơi vào trạng thái uể oải, chán nản, biếng nhác và ủ dột.

Than thân trách phận, nhưng rồi dường như có luồng điện chạy qua cảm xúc của chính mình, bắt đầu ngồi nghĩ về những con người đã được gặp và nói chuyện, sự việc, hiện tượng mình đã được chứng kiến qua. Và hiểu rằng những gì mình đang trải qua hôm nay, có thể là không vui nhưng có lẽ còn hạnh phúc hơn rất nhiều, so với những số phận con người đang ở ngoài kia.

Nghĩ về những cụ già trên tay với vài xấp vé số, gặp ai cũng chào mua với sư khẩn khoản đến nao lòng hay các cụ bà với gánh hàng rong, đi qua từng con hẻm nhỏ, len lỏi trong các khu phố để rao bán với món hàng như cóc, xoài, ổi, vài bịch bánh nhỏ, hay món bánh tráng trộn sẵn v.v….Mùa này gió se lạnh, tấm áo mỏng manh không đủ làm cụ ấm nên dường như tiếng mời chào khách, tiếng rao cũng nhỏ dần và thưa thớt hơn nhiều.

Nghĩ về những con người lấy góc chợ là nhà, những mảnh bìa catong làm chiếu, tấm áo mưa cũ kỹ làm mái che, sống cùng những núi rác chất chồng sau một phiên họp chợ, đủ mọi thứ hỗn hợp tạo nên một mùi vị, vừa nồng vừa ngai ngái nhưng họ vẩn đang sống ấy thôi. Hạnh phúc của họ là đủ ăn mỗi ngày.

Một ngày nọ, dậy sớm và đi bộ để thả hồn vào không gian tĩnh mịch, trong lành, tình cờ bắt gặp một toán trẻ em đánh giày, nhặt ve chai trò chuyện rôm rả, cười nói vui vẻ như không hề có bất cứ sự khó nhọc nào, hiện diện trong suy nghĩ của các em. Câu chuyện của các bạn chỉ là ước muốn được đi chơi công viên nước, được một lần xem phim 3D, được mặc quần áo đẹp và ăn vài món ngon nhân ngày Quốc tế thiếu nhi. Mỗi đứa một mơ ước, không ai giống ai nhưng mơ ước nào cũng chính đáng và chẳng có chút xa hoa.

Nếu với ai đó điều này thật quá dễ dàng thì với các em đó là một điều xa tầm tay. Nó xa tới mức các em không bao giờ dám nghĩ. Chỉ là nói cho vui miệng và tự biện luận rằng giấc mơ không bao giờ bị đánh thuế nên ta cứ mơ đi. Và quả đúng là gia đình là vương quốc của người cha, là thế giới của người mẹ, là khu vui chơi của người con.

Đứng thư giãn, nhìn ra con đường trước mặt tấp nập người qua kẻ lại, vô tình chứng kiến một vài hình ảnh trớ trêu. Những con người nửa tỉnh nửa mê, lảm nhảm điều không ai hiểu, ai cho gì ăn nấy, trên tấm thân thể trân quý kia, chỉ có một mảnh áo đã cũ nát và cái quần đã rách bươm. Dăm ba chàng thanh niên ngồi trong quán cà phê, gác chân chữ ngũ, miệng phì phèo điếu thuốc nhìn nhìn, chỉ trỏ cười cợt, bàn tán chuyện này chuyện kia. Mấy cô con gái với những mảnh vải thiếu trước hụt sau, bĩu môi dài thượt, quăng cái nguýt sắc lẹm.

Lại nghĩ về những chiếc xe hơi láng bóng, hay những chiếc xe tay ga đồ sộ, bon bon trên những con đại lộ dài hun hút, cảm giác một chút xót xa khi chứng kiến các cô các chị oằn mình, đạp chiếc xe chở đầy hàng hóa khi leo dốc trên chiếc cầu dài, với tấm áo ướt đẫm mồ hôi, mấy bác xích lô chở ông Tây bà đầm đầy khó nhọc. Hay những người bán hàng rau chân tay lấm lem, đen xỉn, nước da đen sạm kèm theo những nốt chân chim vô số kể, minh chứng cho sự lao động vất vả cực nhọc. Người ta hay ví von đó là “dấu ấn thời gian”. Đâu đó có hình ảnh của bố của mẹ. Lòng lại nhói đau, khóe mắt cay cay.

Nhớ về những anh chị công nhân đang từng ngày làm việc chăm chỉ, thường xuyên tăng ca vào dịp cuối năm, mong muốn có chút tài chính dư giả để về thăm quê. Mong chờ những khoản tiền thưởng sau một năm lao động miệt mài. Một ngày họ phải làm việc 15 tiếng so với mình chỉ có 8 tiếng một ngày, như vậy là mình sung sướng hơn họ nhưng sao lại chán nản và than trách.

Nghĩ về những bệnh nhi đáng yêu và cũng rất đáng thương tại các bệnh viện, hay các bạn nhỏ bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc màu da cam, nghĩ về những người mẹ lao tâm khổ tứ để lo cho những đứa con mà sự sống được tính bằng ngày, người mẹ ấy sống nhờ vào những bữa cơm miễn phí của các tổ chức từ thiện hay các mạnh thường quân. Cái khó khăn, vất vả hôm nay chúng ta trải qua cũng còn là quá nhỏ so với những  con người chúng ta từng gặp. Cái khổ họ của họ không có lối thoát, nỗi đau tột cùng của mọi nỗi đau.

Những ngày lễ Tết lớn trong năm, là thời gian để chúng ta đươc nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, người thân, bạn bè. Đó có thể coi là phần thưởng của mỗi người. Vậy những số phận trong kí ức của tôi họ sẽ thế nào nhỉ? Phần thưởng của họ là gì? Họ sẽ thế nào trong những ngày nghỉ lễ ấy? Phải chăng họ không có khái niệm ngày nghỉ? Dòng suy nghĩ cứ tuôn trào và bám vào tôi như từng mạch máu đang chảy trong cơ thể, không thể dừng lại.

Mùa xuân khởi đầu cho một năm mới đã dần qua. Cầu mong cho tất cả những số phận con người trong kí ức của tôi được bình an để có một năm Nhâm Thìn đầm ấm và no đủ. Món quà tặng em của tôi là sự sẻ chia, cảm thông sâu sắc, tôi xin được sống cùng em trong những kỉ niệm hoài bão và ước mơ. Em đi qua tôi trong tất cả những việc tôi làm, để tôi biết rằng ngoài kia có những con người muốn có được một cuộc sống bình thường như tôi nhưng cũng thật khó.

Và tôi cũng hiểu rằng, mình giống như một chiếc thuyền độc mộc trôi dạt giữa biển khơi bao la, không thể cứu vớt ai ngoài bản thân mình, và lòng nhân ái cũng chỉ như giọt sương không thể thấm ướt được sa mạc cuộc đời. Nhưng cho tôi xin gửi yêu thương tới tất cả, mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi chỉ còn tình người ở lại. Cuộc đời của những số phận ấy không đói khát nhưng họ cần được nâng niu, trân trọng, cần được trao hơi ấm tình người và đó là thứ mà tôi có thể trao tặng cho tất cả.

Tôi trân trọng từng phút giây mình có, từng miếng cơm mình ăn, từng giấc ngủ sau buổi làm việc, từng con người mà mình yêu thương và đọc một vài điều tích cực vào mỗi đêm, lắng nghe vài điều bổ ích vào mỗi sáng. Để tự biết rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Giá trị cuộc sống không phải được đo bằng những năm tháng tích cóp tài sản, mà bằng những phút giây quên đi hạnh phúc cá nhân để chia sẻ niềm tin, khơi nguồn hi vọng, lau khô những giọt nước mắt và xoa dịu nỗi đau.