Hằng năm, cứ vào đầu hạ, khi những chùm phượng vĩ bắt đầu nở hoa thì Phật giáo đồ lại tưng bừng kỷ niệm ngày Phật Đản sinh. Từ cuối tháng ba âm lịch, tôi đến vài chùa ở Sài Gòn nhưng sao thấy không khí năm nay im lặng quá, chẳng có vẻ gì như một đại lễ sắp đến. Tôi cũng không thấy các chùa vận động Phật tử treo cờ, treo đèn như mọi năm, lại cũng chả thấy thông báo vận động đóng góp gì cho lễ Phật Đản.
Mồng 8/4 là ngày Phật Đản theo truyền thống Bắc tông. Các chùa cũng đã bắt đầu làm lễ đài, treo cờ Phật giáo, băng rôn.Tôi đến chùa Viên Giác (quận Tân Bình) dự lễ rước tượng phật Thích Ca Đản Sanh từ trong bảo tháp ra (8/4 âl) và lễ cung nghinh ngọc Xá Lợi Phật (14/4 âl). Nghi lễ trang nghiêm, có ban nhạc lễ phục vụ, các bạn thanh niên nam nữ trong trang phục áo dài khăn đóng cổ truyền tham gia rước kiệu. Người thổi kèn ốc, người đánh chuông trống, cầm hương đăng dẫn thỉnh.
Tuy lễ rước chỉ nội bộ trong phạm vi nhà chùa (từ tháp lên chánh điện, và đi nhiễu ba vòng quanh chánh điện) nhưng lại được tổ chức rất trang nghiêm, bài bản, trật tự. Tiếc rằng lễ rước chỉ trong khuôn viên chùa nên Phật tử tham dự có phần hạn chế, hy vọng rằng Ban Nghi lễ Thành hội, các chùa sẽ mở rộng phạm vi rước Phật ra khỏi khuôn viên nhà chùa trong một tương lai gần.
Tôi đến thăm các chùa trong địa bàn quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình… để ghi nhận không khi Phật đản và viết bài. Tôi nhận thấy việc treo cờ Phật giáo mừng Phật đản năm nay khá tẻ nhạt. Khu Ông Tạ, chợ Phạm Văn Hai vốn là khu xóm Đạo của đồng bào Công giáo di cư năm 1954 thì cờ Phật giáo giăng từ đầu đường đến cuối đường, xen lẫn cờ treo tại tư gia Phật tử, và đường dẫn vào các giáo xứ.
Ngược lại, đường Lê Quang Định (Bình Thạnh) và đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3 (từ Cách Mạng Tháng 8 đến Lý Thái Tổ) tập trung đông đảo khá nhiều chùa vậy mà lại vắng bóng những dây cờ Phật giáo ngoại trừ những con hẻm dẫn vào chùa. Khu này đa số người dân theo đạo Phật nhưng không được mấy nhà treo cờ, treo đèn mừng Phật đản.
Nguyên nhân này do đâu? Trách nhiệm này thuộc về ai, về phía nhà chùa thiếu sự vận động, nhắc nhở hay về phía người Phật tử còn ngần ngại, e dè? Đây là hai hình ảnh trái ngược nhau trong mùa Phật Đản năm nay. Khu xóm Đạo thì những dây cờ Phật giáo giăng khắp nơi, tại nhà người dân treo đèn, làm mô hình vườn Lâm Tỳ Ni, còn khu đông đảo Phật tử thì không khí thật tẻ nhạt, yên ắng vô cùng.
Tôi xuống Hóc Môn, đến chùa Hoằng Pháp, đường dẫn vào chùa nhà nhà treo cờ, treo đèn, băng rôn mừng Phật Đản. Có nhà còn thiết lập vườn Lâm Tỳ Ni, làm bàn thờ hương khói nghi ngút mặc dù người dân ở đây còn nghèo, thu nhập còn thấp so với các quận trung tâm nội thành, quanh chùa còn có các Giáo xứ, Họ Đạo. Vậy thì vấn đề kinh tế đâu phải là lý do để làm cho không khí Phật Đản tưng bừng, náo nhiệt hay vắng lặng, tẻ nhạt.
Đến Quan Âm Tu Viện, lễ đài chính của BĐDPG quận Phú Nhuận dự lễ thì mới đọc thông báo của chùa là lễ tắm Phật cử hành vào lúc 4 h sáng ngày rằm tháng tư. Than ôi, lễ tắm Phật là nghi thức thiêng liêng, quan trọng bậc nhất vào ngày Phật Đản, vậy mà tổ chức vào giờ đó thì chỉ có nội bộ Tăng Ni của chùa tham dự thôi, Phật tử có mấy ai tham dự được. Hy vọng năm sau các chùa rút kinh nghiệm điều này.
Lễ đài của BĐD quận Phú Nhuận thì làm trong khuôn viên chùa. Gần bên, chùa Vạn Thọ (quận 1) bên bờ kênh treo đèn kết hoa tưng bừng. Chùa lại làm một hoa sen khá lớn thả xuống bờ kênh trước chùa mừng Phật Đản. Lễ đài được dựng bên bờ kênh ngoài sân chùa, tận dụng khoảng đất trống trước cổng chùa. Tôi đánh giá cao việc làm này, vì nó đưa ngày đại lễ trở nên gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, đưa lễ Phật Đản tổ chức ở nơi công cộng, ra khỏi phạm vi nhà chùa.
Mong rằng các chùa, tự viện ở bên bờ sông nên học hỏi điều này của chùa Vạn Thọ, Pháp Hoa làm thuyền hoa, đèn hoa, lễ đài, thả hoa đăng bên bờ sông trước cổng chùa.
Năm nay có một điều không vui cho Phật giáo quận 5 là không tổ chức được lễ rước Phật. Một phần do chính quyền áp đặt, cứng nhắc gây khó dễ, một phần do tiếng nói yếu kém không có trọng lượng của giới Phật giáo. Thành hội ra thông bạch hướng dẫn Phật đản chung chung, không có chỉ thị rõ ràng, lại đưa ra quá trễ, cho có thì công việc sao hanh thông được. Cuộc họp của Thành hội chỉ trước ngày rằm tháng 4 vẻn vẹn 20 ngày thì không thể giải quyết được chuyện gì.
Trong khi chúng ta vẫn tự hào ngày Phật Đản là một trong những lễ hội tôn giáo lớn của thế giới, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc… mà chuẩn bị đầu tư cho ngày này quá sơ sài, chung chung cho có thì sao mà biến ngày Phật Đản thành ngày hội lớn được. Chả trách Phật Tử chúng ta cứ mỗi dịp đông về, nhìn sang tôn giáo bạn đón Giáng sinh mà lòng lại không khỏi bùi ngùi, chạnh lòng. Người ta chuẩn bị trước cả tháng trời hơn còn mình thì bắt đầu họp trước ngày rằm 20 ngày.
Mùa Phật Đản năm nay chỉ có chùa Kim Cương quận 3 là tổ chức lễ rước Phật đông vui, nháo nhiệt. Tôi thắc mắc, tại sao cũng trong quận 3 mà các chùa lớn như: Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, và VP2TƯGH Thiền viện Quảng Đức lại không thể tổ chức được một lễ rước Phật hoành tráng mà chùa Kim Cương, một ngôi chùa nhỏ trong khu xóm lao động nghèo đã làm được 4 năm nay? Và không biết đến bao giờ thì những hình ảnh rước Phật tươi vui, hoan hỷ này xuất hiện trên các đường phố Sài Gòn mỗi dịp Phật Đản về.
Chùa Pháp Hoa (quận 3), chùa Diệu Pháp (Bình Thạnh) có thả hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc, sông Sài Gòn vào buổi tối thu hút nhiều người tham dự nhưng vẫn chỉ là quy mô cấp chùa, còn cấp Thành phố thì không thấy. Nếu như Thành hội học theo các tỉnh bạn thả hoa đăng, phóng sinh, làm thuyền hoa trên sông Sài Gòn, khu vực Củ Chi, Thủ Đức vừa tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh, vừa tạo cho người dân vùng ven không khí lễ hội của ngày Phật Đản thì hay biết mấy.
Xem các tỉnh thành lân cận như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và xa hơn là Thủ đô Hà Nội thì chúng ta đều nhận thấy Phật đản năm nay tại Sài Gòn thua xa về mọi mặt. Cả thành phố không hề có một chiếc xe hoa mừng ngày Phật Đản. Nhiều ý kiến cho rằng làm xe hoa như vậy là lãng phí, nên để tiền làm công tác từ thiện xã hội.
Tôi không đồng tình với ý kiến này. Thứ nhất, làm từ thiện xã hội thì Phật Giáo làm quanh năm, bất kỳ dịp nào, trong khi đó ngày Phật Đản sinh thì có có một lần trong năm mà thôi. Thứ hai, ở TPHCM có 24 quận huyện, cả ngàn ngôi chùa lớn nhỏ thì ít nhất cũng phải được mười mấy chiếc xe hoa. Nếu diễu hành xe hoa trong hai ngày 14,15 tháng tư thì lãng phí, nhưng diễu hành từ ngày mồng 8 đến hôm rằm thì sẽ không lãng phí chút nào.
Xe thì Phật tử sẵn sàng cho mượn, cờ, đèn trang trí thì có thể dùng được nhiều năm nhưng các chùa, các Thầy không hề lên tiếng thông báo thì biết trách ai đây.
Nhìn Phật tử Hà Nội trang trí xe hơi, xe máy cá nhân, gắn cờ Phật giáo trên xe vào ngày lễ mà tôi thấy chạnh lòng vô cùng. Hình ảnh này năm nay không thấy ở Sài Gòn. Thành hội không hề quan tâm, nhắc nhở, vận động Phật tử.
Việc này không khó, lại không mấy tốn kém, mong rằng các năm sau Phật tử Sài Gòn chúng ta học hỏi các tỉnh bạn. Tôi rất đồng tình với ý kiến cho rằng hình ảnh những chiếc xe hoa diễu hành trên đường phố chính là những bài thuyết pháp hay nhất, sinh động nhất đến mọi tầng lớp nhân dân.
Năm nay, các buổi trình diễn văn nghệ, hội thi văn nghệ giữa các chùa, hội chợ ẩm thực chay cấp Thành phố không hề có, chỉ có các chùa tự mời ca sĩ, và trình diễn các tiết mục “cây nhà lá vườn” mà thôi. Nhưng tôi cũng rất vui mừng khi các chùa nhỏ, nghèo như: Minh Đạo (quận 3), Giác Uyển (quận Phú Nhuận) đã được chính quyền, người dân địa phương ủng hộ, cho mượn hẻm để làm sân khấu ngoài trời, gắn màn hình lớn để mọi người tiện theo dõi. Việc làm này rất đáng hoan nghênh, cần được các chùa học hỏi, nhân rộng.
Những vấn đề trên rất mong được ban Văn hóa của Thành hội Phật Giáo quan tâm, vận động vào các năm sau để lễ Phật Đản được nâng cao xứng tầm với lễ hội tôn giáo lớn của nhân loại mà Liên Hiệp Quốc đã công nhận.
Ngày rằm tháng tư cũng đến, năm nay Thành hội tổ chức Phật đản tại chùa Phổ Quang, cuối một con hẻm cụt chỉ có một lối vào chùa duy nhất nên dẫn đến tình trạng kẹt xe. Phật tử dự lễ khó khăn lắm mới gửi được xe vào bãi. Những năm trước, khi tổ chức ở chùa Vĩnh Nghiêm và hai năm gần đây ở sân vận động Quân Khu 7 thì đâu có tình trạng này.
Nhớ mùa Phật đản 2008, Ban Nghi lễ thành hội tán tụng theo các pháp khí Phật giáo (chuông, mõ, khánh, linh, tang…) rất ấn tượng. Phật Đản 2009 lại không có hình ảnh này, bù lại Thành hội đã rước Phật từ chùa Phổ Quang ra sân vận động Quân Khu 7 thu hút nhiều sự chú ý.
Phật đản năm nay (2010) thì không có gì hết, không có rước tượng Phật, cũng không dùng khánh, linh, tang, tẩu… trong nghi lễ và cũng không thả những chùm bong bóng đủ màu sắc mừng Phật Đản như mọi năm…..
Nghi lễ Phật đản tổ chức càng ngày càng kém, lần sau kém hơn lần trước, chả biết Phật Đản 2011 thì như thế nào? Chiều tối ngày rằm tháng tư, tôi đến chùa Hưng Phước (quận 3), vẫn còn trong ngày rằm, Phật tử đến lễ bái khá đông vậy mà lễ đài Phật Đản đã được dẹp từ lúc nào, chỉ còn mấy dây cờ mà thôi. Không hiểu vì lý do gì mà nhà chùa dẹp lễ đài sớm thế, không đợi được đến sáng hôm sau hay sao? Quả thực là một câu hỏi lớn không lời đáp. Tôi đến lễ chùa về mà dạ vấn vương, với những thắc mắc không biết hỏi ai.
Trái ngược với hình ảnh này là buổi lễ tắm Phật tại Ni viện Kiều Đàm (quận 3, bên hông Văn phòng 2 TƯGH). Các Ni làm lễ rất trang trọng mặc dù Phật tử tham dự không đông lắm. Trước khi tắm Phật, Ni sư trụ trì có dặn các Phật tử chỉ dội nước từ vai Đức Phật trở xuống mà thôi, không nên dội từ đỉnh đầu Đức Phật để tỏ lòng kính trọng. Cuối buổi lễ có vị Bố Đại Hòa Thượng tới thăm và tặng quà cho mọi người, khiến ai ai tham dự cũng vui vẻ, hân hoan với hình ảnh mới lạ này.
Tôi tự hỏi tại sao một ngôi chùa nhỏ, lại tổ chức Phật Đản trang nghiêm đến thế, lại hướng dẫn Phật tử tắm Phật trong niềm tôn kính Ngài, lại có Bố Đại Hòa Thượng đến tặng quà? Có được mấy chùa làm được như thế, Phật tử thì cứ vô tư dội nước từ trên đỉnh đầu Đức Phật, chen lấn nhau, nhang khói mù mịt?
Trên đây là những hình ảnh trái ngược nhau trong mùa Phật Đản 2554 tại Sài Gòn. Khi tôi viết những dòng này thì mùa Phật Đản đã khép lại. Tôi chỉ hy vọng rằng Thành hội Phật Giáo TPHCM, các Ban Nghi lễ, Ban Văn hóa của Thành hội, rút kinh nghiệm, sớm có kế hoạch chuẩn bị cho các mùa Phật Đản năm sau.
Đã hai năm nay, hình ảnh những chiếc xe hoa, đủ màu sắc tươi vui chạy trên đường phố Sài Gòn mừng ngày Phật Đản đã trở thành dĩ vãng. Biết bao giờ Phật tử Sài thành lại được trông thấy những hình ảnh này thật sự chứ không còn là nhũng hoài niệm xa xưa nữa?
Biết đến bao giờ thì người dân Sài Gòn mới hân hoan, tưng bừng rước Phật khắp đường phố Sài Gòn, thả đăng, phóng sinh, kết thuyền hoa… vào những ngày đầu tháng tư như các tỉnh bạn?
Không thể cứ quy cho vấn đề kinh tế tài chính được vì các tỉnh bạn sao có thể sánh bằng TPHCM, trung tâm kinh tế văn hóa lớn nhất cả nước, mà chỉ có thể nói do chúng ta còn thiếu một chữ tâm, thiếu sự nhiệt tâm, nhiệt huyết mà thôi.
Các Thầy vẫn không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, ước muốn của người dân, thiếu sự vận động, kêu gọi trong việc treo cờ, treo đèn mừng Phật Đản.
Phật giáo Thủ Đô đi sau nhưng về trước, còn Phật giáo Sài Gòn đi trước nhưng chưa thấy về, chưa đuổi kịp các tỉnh bạn. Phật giáo chúng ta vẫn than rằng sao báo chí, truyền thông ít đưa tin về Phật Đản hơn lễ Giáng sinh? Tại sao không khí Phật Đản lại trầm lắng hơn ngày lễ Giáng sinh mặc dù số lượng Phật tử đông hơn?
Câu trả lời là do Phật giáo chúng ta quá thụ động, chú trọng phần lễ hơn phần hội, thiếu sinh khí hơn, tẻ nhạt hơn. Nguyên nhân là do chính Phật Giáo chúng ta chứ không thể đổ lỗi cho ai được.
Trước khi nhờ báo đài đưa tin, quảng bá ngày Đại lễ thì chính Phật giáo phải tự quảng bá, phải tự đốt đuốc lên, tự tạo không khí tươi vui cho ngày Đại lễ.
Cụ thể như, các chùa phải làm lễ đài, giăng cờ, đèn lồng từ cuối tháng ba, vận động Phật tử tham gia, hưởng ứng treo cờ làm mô hình vườn Lâm Tỳ Ni sớm để tạo không khí tươi vui mùa Phật Đản. Phật giáo cần tổ chức các buổi diễn văn nghệ, hội thi văn nghệ, Phật pháp giữa các chùa, các quận huyện; hội chợ ẩm thực chay trước ngày 8/4.
Thành hội cần phục hồi diễu hành xe hoa, rước kiệu Phật từ ngày mồng 8/4 cho đến hôm rằm. Cứ như năm nay, có chùa đến ngày 12, 13/4 mới làm lễ đài, chưa hết ngày rằm đã dẹp lễ đài thì không khí Phật Đản trầm lắng, đìu hiu cũng là điều dễ hiểu.
Các chùa cần liên kết nhau trong việc giăng cờ, giăng đèn ở những nơi tập trung nhiều chùa để tạo không khí tươi vui. Thành hội cũng cần tái hiện hình ảnh Bố Đại Hòa Thượng tặng quà cho các em thiếu nhi tạo không khí lễ hội tươi vui, gần gũi với các em.
Những việc làm này theo tôi là không mấy khó khăn, nếu chúng ta làm tốt, chuẩn bị chu đáo trước cả tháng thì chẳng cần gì đến báo đài truyền thông, quảng bá cho ngày đại lễ Phật Đản.
Trên đây là những ý kiến của riêng tôi. Hy vọng rằng các Thầy trong Ban Nghi lễ, Ban Văn hóa Thành hội quan tâm, xem xét, vạch định kế hoạch cho ngày đại lễ quan trọng này của Phật Giáo trong tương lai gần để đưa ngày đại lễ Phật Đản đến với sâu rộng quần chúng nhân dân và nâng tầm ngày lễ Phật Đản thành ngày lễ hội tôn giáo lớn của thế giới đúng tầm của nó, đúng như trong thông điệp, khẩu hiệu của chúng ta.
Hy vọng rằng các mùa Phật Đản những năm sau có nhiều chương trình đặc sắc hơn, phong phú hơn, đa dạng hơn trong chương trình mừng đại lễ Phật Đản….
TPHCM, ngày 1/6/2010