Trang chủ Quốc tế PGVN Hải ngoại Nhật: Khánh thành chùa Hòa Lạc của người Việt

Nhật: Khánh thành chùa Hòa Lạc của người Việt

107

Buổi lễ diễn ra trong không khí hân hoan hạnh phúc dưới sự chú nguyện của Chư tôn đức Tăng, Ni Việt Nam, đang du học tại Nhật bản. Về phía chư Tăng Việt Nam có: Thượng tọa Thích Minh Quang, Viện chủ Tổ đình Quán Âm ở Mỹ. ĐĐ Thích Phước Điền, ĐĐ Thích Quảng Niệm, ĐĐ Thích Hải Nguyện, ĐĐ Thích  Tịnh Ân, ĐĐ Thích Tường Nghiêm, Sư cô Thích Nữ Như Tâm. Về phía Nhật Bản có: Hòa thượng Takaoka Shucho trú trì Chùa Đức Lâm, Nagoya, Giáo sư Wakahara shusho cùng chư Tăng Nhật bản, các giáo sư trường Đại học Ryukoku, Kyoto, các Sơ của tôn giáo bạn và đông đảo quý vị đồng hương, Phật tử từ Tokyo, Kyoto, Osaka, Himeji, Yao, Kobe.. cùng về tham dự.

Phật giáo Việt nam song hành với đời sống của người con Phật, và còn là chất liệu tâm linh không thể thiếu đối với người con Việt nam sống xa xứ. Chính vì yếu tố ấy, dù có đi đâu, sống ở chốn nào, tâm nguyện khao khát mong cầu của người con Phật luôn tự đặt mình trong trách nhiệm cùng nhau xây dựng lên mái ấm tâm linh để làm nơi tôn thờ Tam bảo và bái sám. Ở xứ Hoa Anh đào cũng vậy, ngôi chùa Việt Nam dần dần dựng lên, ban đầu là ngôi Chùa Nam Hòa ở tỉnh Saitama, và Chùa Việt Nam (đang xây dựng) tại tỉnh Kanagawa, Miền Đông, Nhật bản, thì ngôi Chùa Hòa Lạc cũng dựng lên, đây là ngôi Chùa đầu tiên của người Việt nam sống ở Miền tây, Kansai, Nhật bản.

Sau 2 năm tu học dưới sự hướng dẫn của Đại đức Thích Nhuận Phổ, (du học sinh đang học khóa thạc sĩ tại trường Đại học Ryukoku, Kyoto, Nhật bản), đã đồng hành cùng với chư tôn đức Tăng, Ni đang du học tại Nagoya, Kyoto, qua sự thỉnh cầu của toàn thể Phật tử sống tha hương, đại đức đã chính thức vận động quyên góp, dựng lên ngôi Chùa Hòa Lạc, để làm mái ấm tâm linh cho người con Phật sống xa quê, và ngõ hầu đáp đền công đức của Tam bảo, kế thừa mạng mạch Phật pháp. Sau 7 tháng xây dựng đã chính thức hoàn thành và làm lễ Khánh Thành để tri ân đảnh lễ Tam Bảo, tri ân đến quý vị ân nhân, Phật tử, quý vị đồng hương đã hướng tâm, nỗ lực, cùng nhau đóng góp xây dựng.

Chùa Hòa Lạc dựng lên trong tâm nguyện vun bồi hạt giống bồ đề ngày càng rộng rãi, mọi người sống hòa hợp với nhau, dù là người con Phật hay là người không phải con Phật, tất cả mọi người Việt sống tha hương đều là con cháu rồng tiên, nên phải giữ lấy nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa để lại. Do đó, tên Chùa đặt ra cũng nằm trong ý nghĩa, Hòa là Đại Hòa, tức là Nhật bản. Lạc là Lạc Việt, tức nước Việt Nam. Ý nghĩa rộng hơn, hòa là sự hòa bình, hòa hợp, hòa thuận, chính các yếu tố này mang lại cho con người, và xã hội sự an lạc thịnh trị hạnh phúc tươi vui. Ngôi Chùa mong muốn mọi người con Phật ngồi quay quần lại với nhau, tạo nên một ngôi nhà an lạc thật sự khi sống tha hương. Thêm vào đó, ngôi Chùa dựng lên cũng là nơi duy trì nét đẹp văn hóa tâm linh và ngôn ngữ của người Việt Nam. Chùa sẽ kế thừa tư tưởng “nhà chùa chính là nhà trường tâm linh” mà chư Tổ ngày xưa đã từng ứng dụng. Bởi vậy, trong tương lai, Chùa Hòa Lạc tuy phạm vi còn hạn hẹp nhưng sẽ mở ra các lớp học ngôn ngữ tiếng Việt dạy cho các cháu và phát huy các nét đẹp Chân Thiện Mỹ cho người Việt nam.

Ngôi chùa được thiết kế theo kiến trúc ngôi Chùa Việt Nam. Cổng tam quan, các pho tượng Phật bằng đồng (tượng Phật Thích Ca ngồi 350kg, tượng Địa Tạng Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát đứng 150kg), Tiêu Diện, Hộ Pháp và các Án Thờ đều đặt và đúc tại Huế. Chùa được xây dựng thành 2 tầng, Tầng trên Thờ Tam Bảo. Tầng dưới làm nơi sinh hoạt và tu học Bát Quan Trai cho đại chúng. Ngôi Chùa hiện tại đã được xây dựng trên mảnh đất Thần Hộ (Kobe), nằm ở giữa tuyến đường qua lại của Osaka và Himeji. Nằm tọa lạc trong thành phố Kobe, nên mọi phương tiện giao thông đi lại cũng rất thuận lợi, gần ga Karumo-eki và gần cả các trạm xe bus, siêu thị, tuy rằng ngôi Chùa nho nhỏ nhưng cũng đã un đúc tâm huyết của bao nhiêu người con Việt sống tha hương.

Buổi lễ tổ chức hai ngày đã diễn ra trong niềm hoan hỷ vô biên của tất cả mọi người và thật nhiều tình cảm đã dành cho Đại đức. Trú trì Thích Nhuận Phổ trong ngày vui này.