Việc kỳ lạ trước đó, khi trùng tu và thỉnh sư trụ trì chùa Hoằng Phúc, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình chỉ làm việc với cấp TƯ mà không thông qua Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình là một tiền lệ xấu vi phạm hiến chương GHPGVN, sai nguyên tắc quản lý hành chánh, khiến Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Tỉnh Quảng Bình vốn đang được phục dựng có nguy cơ bị làm suy yếu, bị xâm phạm quyền quản lý các tự viện trên địa bàn tỉnh của mình, chỉ vì sự nhượng bộ của GHPGVN và sự khuynh loát của ông Nguyễn Hữu Hoài – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cùng lãnh đạo ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Đồng tiền có làm tha hóa nhân cách của vị chủ tịch tỉnh Quảng Bình này hay không khi mà các văn bản ký kết đầu tư xây dựng và thỉnh sư trụ trì chùa Hoằng Phúc không thông qua sự quản lý, điều hành của GHPGVN tỉnh nhà. Vì đâu nên nỗi này?
Chùa Hoằng Phúc khánh hạ, di tích cổ xưa cách đây hơn 700 năm lại được tô hồng. Vậy là vấn đề nước có vua chùa có sãi đã nảy sinh những điều mới, cái cảnh “cậy sức cây đu nhiều chị nhún, tham tiền cột mở lắm anh leo” lại được tô màu, có thể biến chùa Hoằng Phúc thành nơi du lịch tâm linh của vị chủ tịch tỉnh Quảng Bình- Nguyễn Hữu Hoài, đã trở thành chủ đề đàm tiếu và những lời dị nghị của chư Tăng Ni, Phật tử nhân dân tỉnh nhà.
Lãnh đạo chính quyền địa phương huyện Lệ Thủy chắc cũng đã nghe thấy những ý định không lấy gì tốt đẹp của chủ đầu tư và lãnh đạo cấp trên mà trực tiếp là ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, người có quyền lực và ưu thế để thực hiện ý định biến chùa thành ao nhà trong việc thỉnh sư trụ trì Chùa Hoằng Phúc.
Theo đó, trong thư thỉnh sư trụ trì từ GHPGVN do ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và bà Lê Thị Kim Khuyên – chủ tịch công đoàn BIDV đã không làm việc với BTS GHPGVN tỉnh mà gửi văn bản cho văn phòng I trung ương GHPGVN, đề nghị cung thỉnh Hòa thượng Thích Gia Quang, vị tu sĩ có duyên với Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, nặng nghĩa tình với đất Lệ Thủy anh hùng làm trụ trì.
Nhưng Hòa thượng đã từ chối vì không đồng tình với chỉ ý của ông chủ tịch tỉnh Quảng Bình. Sau đó, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình lại làm việc với Trung ương GHPGVN nhiều lần mà không thông qua Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình là do sự chỉ đạo của ngài chủ tịch tỉnh. Như vậy, việc tự xây dựng tu bổ và thỉnh sư trụ trì chùa Hoằng Phúc, không thực hiện dưới sự quản lý trực tiếp của GHPGVN tỉnh Quảng Bình là đã vi phạm nghiêm trọng hiến chương GHPGVN và vi phạm pháp luật Việt Nam.
Hiến chương GHPGVN (Chương VI, Điều 30) quy định: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh do Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng cấp suy cử Ban Trị sự để điều hành Phật sự. Ban Trị sự là cơ quan hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong địa bàn tỉnh.”
Vậy là cái ý nguyện tốt lành đẹp đẽ và vô cùng trong sáng của nhân dân và lãnh đạo chính quyền huyện Lệ Thủy đã bị bài xích. Mọi nỗ lực cố gắng để hoàn mãn công tác Phật sự của BTS GHPGVN tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ II (2012-2017) đã bị chôn vùi uy tín, danh dự của các vị chức sắc cùng toàn thể Tăng Ni Phật tử Quảng Bình đã bị xúc phạm.
Phật giáo Quảng Bình bị mai một, thậm chí bị lãng quên trong một thời gian dài, nay đang được hồi sinh, có xu hướng phát triển trong giai đoạn (2009-2015). Để có sự thay đổi quan trọng và hết sức ngoạn mục của Phật giáo quê nhà, không thể không nói đến sự quan tâm chu đáo của chính quyền các cấp là Đảng, chính phủ, nhà nước.
Đặc biệt là các cấp lãnh đạo địa phương tỉnh Quảng Bình, nhất là sự chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của Trung Ương GHPGVN. Từ ngày thành lập đến nay, Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình đã vượt qua những khó khăn gian khổ và đạt được những thành tựu có thể nói là hết sức kỳ diệu. Đại hùng bảo điện Chùa đại giác, trụ sở của BTS GHPGVN tỉnh Quảng Bình, trung tâm mái nhà tâm linh của phật pháp quê nhà được xây dựng rất quy mô và bề thế, đúng với ý tưởng và cố vấn của đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, người con ưu tú của Quảng Bình.
Cảnh Chùa Đại Giác hùng tráng, hiện hữu giữa trung tâm thành phố Đồng Hới uy nghiêm và hiện đại trên một cái hồ hoang vu nhơ mặn đã được san lấp, là bằng chứng hùng hồn khẳng định sức mạnh có thật của đạo pháp quê nhà, của BTS PG Quảng Bình, góp phần trong cuộc chấn hưng nền văn hóa Phật giáo, làm nức lòng hàng triệu Tăng, Ni và phật tử với sự hân hoan tôn kính và quy ngưỡng.
Nhưng buồn thay, mọi lẽ vô thường vẫn cứ xoay, trong hoàn cảnh hiện tại, việc quản lý vượt cấp điều hành có thể nảy sinh những vấn đề có thể nói không có gì tốt đẹp, đã phô bày trên mảnh đất gió lào khô cằn này, giờ đây có nguy cơ tạo ra sự bất bình, vì xâm phạm quyền quản lý điều hành của GHPGVN tỉnh Quảng Bình trầm trọng.
Với tài năng và đức hạnh của một nhà chức sắc tu hành, lấy sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Như lai cùng phương châm: “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa Xã hội” làm trọng yếu, Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp – Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục vượt qua muôn ngàn gian khổ để lèo lái con thuyền đạo pháp Quảng Bình đến ngày cập bờ viên mãn.
Hy vọng ông Nguyễn Hữu Hoài- chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và GHPGVN có sự sáng suốt trong cách quản lý làm việc của mình, để giáo hội và Phật tử tỉnh nhà được tôn trọng, việc sinh hoạt giáo hội cần thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Hiến chương GHPGVN và pháp luật quy định.
Tại lễ khánh thành chùa Hoằng Phúc, HT.Thích Thiện Nhơn – chủ tịch HĐTS GHPGVN đã khẳng định: “Các cấp giáo hội cần có sự thống nhất thủ tục hành chánh từ cấp tỉnh đến trung ương”.
Thiết nghĩ, việc trùng tu, bổ nhiệm trụ trì chùa Hoằng Phúc, trong hiện tại và tương lai cần phải tuân thủ hiến chương GHPGVN, và đặc biệt là phải có quyết định bổ nhiệm trụ trì của GHPGVN tỉnh Quảng Bình theo quy định hiện hành. Đây cũng là mong mỏi thiết thực của chư Tăng ni và Phật tử Quảng Bình vậy.