Năm 1981 xa lìa quê hương tưởng không bao giờ gặp lại, lắm lúc nhớ quay quắt mảnh đất nghèo nhưng chỉ biết ruột đau chín chiều. Mọi phương tiện liên lạc với bên nhà khó khăn trăm bề như ở một hành tinh xa lạ nào. Thỉnh thoảng có ai đó từ Âu Châu gởi cho vài tấm hình quê hương thấy mừng ra nước mắt.
Cuộc đời vật đổi sao dời, thế gian vô thường có gì bất biến đâu, năm 1986 Việt Nam sau những chính sách sai lầm trầm trọng đã có những dấu hiệu cải tổ nhằm đưa đất nước đi lên.
Mùa hè năm 1991 sau mười năm xa xứ, tôi có dịp về thăm quê hương lúc đất nước đang chập chững chuyển mình thay đổi để vươn lên. Đã từ lâu tôi ước ao đến thăm Hà Nội, nơi chốn ngàn năm văn vật vang bóng một thời.
Ngày ấy trên đất ly hương, đọc sử Việt Nam do ngoại quốc lẫn dân ta viết, trong đầu tôi, Thăng Long là một gì đó rất thiêng liêng, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi. Nơi đó nhiều vị vua anh minh, đạo đức thương dân vừa dũng cảm kiên cường, đến khi xong việc bỏ lại ngai vàng đi làm thiền sư chân đất chu du thiên hạ để dạy con người ăn lành ở lành. Chính những vị vua này đã tạo nên một đất nước cường thịnh đầy lòng nhân ái, bên cạnh đánh bại thế lực ngoại xâm từ phương Bắc, trong đó có vó ngựa Mông Cổ từ Á sang Âu tưởng chừng không ai chống lại được nhưng đã bị đốn ngã.
Đáp chuyến xe lửa cà xịt cà tàng, tôi đến Hà Nội vào buổi sáng sớm tháng 4, đi xe ôm về Kim Liên thăm người bác. Đường xá Hà Nội dạo ấy rất vắng vẻ yên tĩnh, đường rộng người thưa, với bao cây cối ao hồ làm cảnh nên thơ. Ở chơi một tuần tại Hà Nôi, lang thang hết phố phường này đến làng xóm nọ, trong đó có vài ngôi chùa cổ kính. Tuy nhiên cứ thắc mắc mãi sao chùa ở Hà Nội nhỏ bé quá, chẳng lẽ nơi kinh thành gần 1000 năm Phật giáo là quốc giáo với các vị vua yêu mến đạo Phật, vua cha, hoàng tộc, quan quân đi tu không phải là ít.
Chẳng lẽ mỗi lần lễ lạt, hoàng gia phải chui vào các ngôi chùa có không gian chật hẹp chứa không được một vài trăm người. Hằng bao thế kỷ từ lúc chọn Thăng Long làm kinh thành, những ngôi chùa đáng lẽ ngày càng được bồi đắp rộng lớn trang nghiêm một vùng, nay nó đâu rồi. Đem thắc mắc đi hỏi người quen người lạ, ai cũng ẩn trong lòng một niềm đau dân tộc: “Tụi Tây, tụi Việt gian nó phá tan tành hết mấy ngôi chùa lớn rồi, nó lấy đất, lấy gạch xây ….”
Di sản văn hoá quê hương tích tụ từ bao khối óc con tim lẫn niềm tin từ ngàn năm đã bị ngoại xâm, nội gián xoá tan xóa sạch chỉ có một trăm mấy chục năm đây thôi. Nỗi đau này theo thời gian nằm yên trong lòng đa số người dân Việt quan tâm đến di sản văn hoá lẫn Phật giáo, bỗng nhiên được khơi dậy trong những ngày cuối năm.
Tất cả các tờ báo Việt ngữ và website tại hải ngoại không ít thì nhiều đang nói đến sự kiện một số giáo dân nhiều ngày qua thắp nến yêu cầu Nhà nước trao trả toà khâm sứ được tịch thu vào năm 1959, cách đây gần 60 năm. Họ dùng nghi lễ, niềm tin tôn giáo để gây áp lực với Nhà nước. Họ dùng những từ ngữ đao to búa lớn như “công lý”, “hoà bình” để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhiều tờ báo, trang web dùng nhiều từ ngữ nghe đến đã thấy viễn cảnh máu và nước mắt.
Sự kiện này làm cho nhiều người ngoài cuộc tại Việt Nam lẫn trong nước đi tìm rõ căn nguyên. Thì ra Toà Khâm Sứ và Nhà Thờ Lớn Hà Nội vốn là ngôi chùa Báo Thiên được tạo dựng trên cả ngàn năm, một trong 4 báu vật quý giá nhất Việt Nam đã bị thực dân Pháp phá tan vào năm 1883, tức chỉ có 77 năm trước khi bị Nhà nước thu hồi.
Ngày ấy biết bao người con của mẹ Việt Nam đã anh dũng vùng lên chống lại giặc ngoại xâm, chống lại tội ác hủy hoại văn hoá truyền thống của thực dân Pháp, biết bao người đã bị bị chặt đầu đem bêu ở chợ. Không phải chỉ Báo Thiên mà những ngôi chùa lớn như Báo Ân, Huyền Trân, Liên Trì, Chùa Táo tại Hà Nội đều bị chung số phận, và ngoài ra vô số những ngôi chùa, đền, miếu khác trên toàn cõi Việt Nam.
Những người đồng hương Công giáo thắp nến là những người Việt đáng yêu, tốt bụng, không biết có bao nhiêu người trong lúc thắp nến có nghĩ đến niềm đau, nỗi nhục của toàn thể dân tộc cách đây 125 năm phải chứng kiến cảnh thực dân Pháp và Việt gian phá đi một trong bốn báu vật quê hương để thay vào đó một nơi chốn người ta đang cầu nguyện đòi lại.
Đồng bào Công giáo có cảm được niềm đau chung của toàn dân tộc không, hay chỉ cảm được niềm riêng của mình. Những ngọn nến đánh thức người ta đi tìm sự thật và đau buồn theo nỗi đau quê hương, trước bao nghịch cảnh phũ phàng do ngoại xâm đem lại.
Cây nến được thắp lên chưa biết ai được ai mất, nhưng giúp cho nhiều người dân Việt thấy được nguồn gốc căn cơ của vấn đề và thật tình không hay ho cho lắm. Trong môi trường nhỏ, vấn đề này dễ làm mếch lòng tình bạn thắm thiết bấy lâu vì cách suy nghĩ khác nhau.
Trong môi trường lớn, không khéo những ngọn nến này mở màn cho nhiều ngọn nến từ nhiều nguồn khác nhau có cơ nguy thiêu rụi mái nhà Việt Nam. Một viễn cảnh các tôn giáo như Cao Đài, Hoà Hảo, Phật Giáo từng bị thực dân Pháp, độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp lấy đất đai, phá tan chùa chiền đền miếu để xây dựng…. sẽ đứng lên đòi lại. Con cháu của các ngài địa chủ và thực dân bên Tây cũng đòi lại các đồn điền, ruộng đất mà họ đứng tên trước đây.
Đó là chưa kể hàng trăm trường học của Phật giáo và các tôn giáo khác, cơ sở cô nhi, nhà thương, nhà tư bản được Nhà nước trưng dụng sau ngày thống nhất. Và rồi người Champa đòi lại đất, miền cao nguyên đòi độc lập mà lực lượng Fulro luôn chủ động từ thời Pháp, người Khơ-Me đồng bằng sông Cửu Long muốn gia nhập lại mái nhà mẹ Cam-bốt của mình, người Tày, người Nùng muốn nối bàn tay lớn với đa số anh em bên Trung Quốc… Một cuộc khủng hoảng đầy máu và nước mắt có nguy cơ xảy ra, cuối cùng chẳng ai còn lại gì ngoài thịt xương tan rã.
Chỉ cần một kẻ xấu lợi dụng gây đổ máu đến nhân viên an ninh hoặc người cầm nến, tình hình sẽ biến động căng thẳng. Không khéo ta trúng kế ngoại bang để ta sẽ đánh ta lộn tung xèo như thập nhị xứ quân. Ngoại bang thấy ta đang bận rộn hao tổn năng lực tha hồ vào lượm đảo lượm đất, lượm tài nguyên như trước đây.
Mong sao Nhà nước, người cầm nến lẫn người dân bình thường thấy được toàn thể vấn đề để chọn con đường cho toàn dân được an cư lạc nghiệp. Mong thay tất cả đặt quyền lợi tổ quốc lên trên, vì tổ quốc yếu đi tất cả đều bị ảnh hưởng, ngoại trừ phải làm kẻ tha phương như người viết bài này cứ khắc khoải với niềm đau nửa nạc nửa mỡ.
Huyền Lam – 20/1/2008 – Những ngày lo lắng