Trên nền tảng Giới-Định-Tuệ, đặc trưng của các mô hình giáo dục Phật giáo, diễn đàn này hy vọng sẽ góp phần khai thông lộ trình đi đến một phương thức đào tạo nhằm mang lại hiệu quả mong đợi. Trong tinh thần đó, những ý kiến đóng góp dưới đây sẽ là những viên gạch xây dựng nền móng cho nền giáo dục Phật giáo đương đại.
Đọc mục “Thông báo tuyển sinh” của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh trên tuần báo Giác Ngộ số 381, trong tôi gợn lên nhiều nỗi vui mừng xen lẫn lo lắng, bâng khuâng.
Lẽ tất nhiên, sự phong phú về các chương trình giáo dục của Phật giáo là một dấu hiệu cho thấy tính năng động trong hệ thống giáo dục của Phật giáo Việt Nam ở thời kỳ hội nhập, mở ra những lựa chọn mới cho người học Phật, dù ở trong bất cứ hình thức nào, tu sĩ hay cư sĩ. Ước mơ về một đại học Phật giáo mà cửa ngõ luôn mở ra với nhiều người là khát vọng bấy lâu nay của những nhà giáo dục Phật giáo hữu tâm. Dẫu biết rằng, con đường đã mở, vấn đề có đi hay không là tuỳ thuộc nhân duyên của mỗi người. Tuy nhiên, đứng trước một quy trình đào tạo khá “mới mẻ” và hấp dẫn như thế, đã đặt ra những thách thức cho ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam hôm nay.
Được biết, trên bước đường phát triển tri thức, nhân loại đôi lúc cũng phạm phải những bất cấp về xu thế, con đường, phương thức giáo dục, rõ ràng hơn là đã có những bước giật lùi. So với các lĩnh vực khác của xã hội, giáo dục không được quyền phạm sai lầm, dù đó là nội dung, cách thức, con đường hay mục tiêu giáo dục. Vì giáo dục mà sai lầm thì tai ương cả một thế hệ. Đối với Phật giáo, vấn đề giáo dục dĩ nhiên luôn được cân nhắc và xem trọng hàng đầu. Vì chỉ cần một sơ-suất nhỏ, dù ở phương diện nào trong hệ thống giáo dục, hệ quả kéo theo sẽ rất khó lường. Ở đây, bài toán được đặt ra là sự xuất hiện của một quy trình giáo dục mới này có ảnh hưởng như thế nào đối với các hệ thống giáo dục đã và đang vận hành trước đó?
Trong thực tế, khát vọng kiện toàn tri thức bằng năng lực và con đường ngắn nhất luôn là nỗi khắc khoải trong tâm của những người xuất gia trẻ tuổi. Xu thế này đã được sự đồng thuận đông đảo của chư tôn đức Tăng Ni trong “Hội thảo Giáo dục Phật giáo” do Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương tổ chức ngày 14 và 15-4-2004. Tuy nhiên, phát xuất từ hiện trạng đã có những Tăng Ni, có lẽ do động lực kiện toàn tri thức thúc đẩy mà quên đi việc ý thức về bản thân và thậm chí có những hành xử khác người. Báo cáo hàng năm của Ban Tăng sự các tỉnh, thành cho thấy nhiều hiện tượng báo động về phẩm hạnh của Tăng Ni trẻ mà lý do đùn đẩy chính là quá ham học nên bất chấp phương diện. Một điều mà ai cũng rõ, ngoài kiến thức, lẽ tất nhiên lối sống, đức hạnh chính là thước đo nhân cách của mỗi con người. Tu sĩ Phật giáo dĩ nhiên không ngoại lệ, nếu không nói là bắt buộc phải có trong trường hợp này.
Giáo dục đại học thực chất chỉ là yếu tố định hướng, môi trường đại học là nơi khơi gợi cho sinh viên những ý tưởng được chắt lọc từ những tài liệu nghiên cứu cũng như những buổi giảng của giáo sư. Ngoài ra, các vấn đề về kiến thức nền tảng, thái độ và quan niệm sống, cách thức hành xử, quan niệm tu tập, đạo đức lối sống chưa được quan tâm đúng mức trong môi trường này. Tuy nhận định đó chưa hoàn chỉnh nhưng có thể đúng trong một chừng mực nào đó. Vì đã có không ít trường hợp, tuy hoàn thiện học vị cử nhân và trên cử nhân Phật học, nhưng thực tế thì kiến thức nền tảng và cách thức hành xử căn bản của người xuất gia vẫn chưa nắm vững. Thế thì, với một người xuất gia, những chuẩn tắc hành xử, những kiến thức nền, những bộ kinh căn bản sẽ được học hỏi ở đâu và trong môi trường nào? Nếu nói rằng kiến thức nền tảng đó được giao cho Bản sư thì liệu có đảm bảo hay không? Trong khi đó, chư vị Bản sư thì quá ư bận rộn với những Phật sự và nếu có rảnh đi chăng nữa thì sẽ rất khó có đủ điều kiện để kiện toàn cho đệ tử những phẩm chất nền tảng như đã nêu.
Do đó ở đây, dù muốn dù không, theo suy nghĩ riêng của người viết thì bắt buộc cần phải có một môi trường giáo dục mang tính “bước đệm” cho một tu sĩ Phật giáo trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học, dù đó là đại học Phật giáo hay đại học ở bên ngoài. Với cái nhìn hạn hẹp, mang tính khơi gợi bước đầu, người viết mong mỏi rằng sẽ có nhiều ý kiến cùng quan tâm thảo luận về vấn đề này, để tìm ra một giải pháp chung cho con đường giáo dục Phật giáo Việt