Để góp phần xây dựng và phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện hữu hiệu phương châm của Giáo hội và làm tốt đạo đẹp đời trong thời gian tới, chúng tôi kính đạo đạt đôi điều kiến nghị để Đại hội luận bàn:
1. Vấn đề hoàn thiện con người
Như Đức Phật đã dạy, con người muốn hoàn thiện phải qua sự giáo dục đào tạo đạo đức, năng lực. Từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981) đến nay, chư Tôn đức các cấp Giáo hội đều mong muốn thế hệ Tăng Ni kế thừa được đào tạo theo 7 nguyên lý (Hòa hợp, đoàn kết, tuân thủ nguyên tắc của tổ chức, kính trên nhường dưới, không tham ái, đời sống an tịnh, chánh niệm tỉnh giác) và một trật tự từ thấp đến cao, tài đức kiêm ưu, khiêm cung, tôn sư trọng đạo và đầy đủ văn hóa ứng xử.
Tuy nhiên, hiện nay một nghịch lý đã, đang xảy ra là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh là do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, nhưng thực tế Học viện tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ còn chịu dưới quyền quản lý của Giáo hội trên danh nghĩa. Như việc tuyển sinh vừa qua, không cần thông qua Giáo hội địa phương và Thầy Tổ, không cần trình độ Phật học thứ bậc. Như vậy tương lai Đạo pháp sẽ đi về đâu?
Khi những người chịu trách nhiệm đào tạo, giảng dạy Tăng Ni lại phá vỡ những truyền thống tốt đẹp mà các bậc Tiền bối đã dày công vun đắp, tạo điều kiện cho Tăng Ni trẻ không còn biết tôn ti thượng hạ, có trình độ nhưng không có văn hóa, phá vỡ cả một hệ thống quản lý và hệ thống Trường lớp Phật học (Sơ cấp, Trung cấp Phật học) tại địa phương, Tăng tục lẫn lộn, không có trình độ căn bản mà được đào tạo cấp học cao hơn.
Quả đúng như lời Tổ Linh Hựu đã dạy “bất kính thượng trung hạ tọa, Bà-la-môn tụ hội vô thù”. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh có phải do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, hay do một tổ chức nào ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập? Điều này làm chúng tôi nhớ lại lời huyền ký của Đức Phật “chỉ có đệ tử của Như Lai mới làm cho giáo pháp Như Lai hoại diệt”.
Theo chúng tôi, thiết nghĩ muốn tốt đạo đẹp đời thì đội ngũ Tăng Ni trẻ kế thừa phải có tài có đức, không được phá vỡ các truyền thống tốt đẹp của các bậc Tiền nhân để lại và càng không được phá vỡ thiết chế tổ chức của Giáo hội.
Kính đề nghị Trung ương Giáo hội cần có biện pháp kiên quyết đối với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh trong việc tuyển sinh phải tuân thủ theo sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, phải tôn trọng sự quản lý Tăng Ni của Giáo hội địa phương và tôn trọng Thầy Tổ của Tăng Ni sinh, đồng thời có định hướng, quy hoạch lâu dài trong khâu đào tạo để không còn lập lại trường hợp thừa thiếu nhân sự chuyên môn.
2. Vấn đề hội nhập
Trong xu thế toàn cầu hóa, việc hội nhập thế giới để phát triển Giáo hội và đất nước là điều tất yếu. Theo chúng tôi, trong tiến trình hội nhập, chúng ta sẽ tiếp thu những tinh hoa của thế giới nhưng có chọn lọc. Thế giới họ nể trọng chúng ta không phải chúng ta làm giống họ bao nhiêu phần trăm, mà họ nể trọng chúng ta là vì chúng ta giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
Thực dân, đế quốc muốn xâm lược một nước nào đó, việc đầu tiên của họ là bằng mọi giá làm băng hoại bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một bài học mà lịch sử đã để lại cho chúng ta. Một thực tế hiện nay, có một nhóm người rập khuôn nguyên bản của nước ngoài, xem đó là mốt thời thượng, là phương tiện tối ưu để phát triển Đạo pháp. Theo chúng tôi hiện tượng này là mầm móng của pháp nạn, là một sự phá đạo có chủ ý trong thế kỷ 21.
Muốn tốt đạo đẹp đời, Tăng phong phẩm hạnh của Tăng Ni phải trọn vẹn, kính đề nghị Trung ương Giáo hội cần có quyết sách kịp thời để giữ vững những giá trị truyền thống tốt đẹp của Đạo pháp, của các bậc Tiền nhân đã dày công tạo dựng. Chúng ta khoan dung độ lượng, nhưng nếu cá nhân nào lợi dụng xu thế hội nhập để phá vỡ truyền thống tốt đẹp, đặc thù của Đạo pháp, thì cần có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn sự xâm hại này, giống như đại dương không bao giờ dung nạp tử thi vậy.
3. Vấn đề quản lý Tăng Ni
Khi Đức Phật khai sáng con đường hướng thượng nhằm mục đích là tạo điều kiện cho con người hoàn thiện đạo đức cá nhân, làm cho xã hội hiền thiện hơn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một bộ phận Tăng Ni trẻ có lối sống xa rời phạm hạnh, một ít Tăng Ni trẻ ỷ mình có trình độ nên có những lời lẽ thiếu tế nhị và không còn tôn trọng các bậc Tôn túc lãnh đạo Giáo hội, thậm chí họ còn vọng ngoại và có biểu hiện đi ngược lại phương châm của Giáo hội.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung là vấn đề quản lý và sử dụng con người. Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, chúng ta tạo điều kiện cho Tăng Ni trẻ phát triển, nhưng không thể buông lỏng kỷ cương và phải làm sao cho họ thấy được trách nhiệm, bổn phận đối với Giáo hội.
Quy luật tất yếu của xã hội là tre tàn măng mọc, nhưng măng mọc có theo định hướng phát triển lâu dài hay không, hay để cho mọc vượt ngoài tầm kiểm soát. Theo chúng tôi đây là một vấn đề cần được Lãnh đạo Giáo hội quan tâm và có quyết sách kịp thời. Nếu chúng ta quá trọng dụng nhân tài, trong khi họ thiếu phẩm chất đạo đức, không biết khiêm cung đối với các bậc trưởng thượng, không biết giữ gìn những đặc thù của Đạo pháp, có tâm vọng ngoại, phá vỡ cả thiết chế Giáo hội.
…Theo chúng tôi, Giáo hội đang nỗ lực xây dựng một Giáo hội trang nghiêm vững mạnh, tốt đạo đẹp đời, nếu chúng ta không có biện pháp lập lại kỷ cương, tôn ti trật tự thì sẽ trả một cái giá rất đắc trong việc sử dụng nguồn nhân lực kế thừa.
Đối với Đạo pháp, đức độ là trên hết. Nếu người có tài mà không có đạo đức thì sẽ phá đạo hại đời. Nếu không hội đủ các đức tính trung thành với Giáo hội, trung thành với tổ quốc, tài đức kiêm ưu, đầy đủ văn hóa ứng xử thì nên kiên quyết không sử dụng dù họ tài cao học rộng.
Chỉ có kịp thời và kiên quyết chấn chỉnh những tư tưởng hữu khuynh của một bộ phận Tăng Ni trẻ thì việc làm tốt đạo đẹp đời mới có đầy đủ thắng duyên triển khai thực hiện.
Kính đề nghị Trung ương Giáo hội cần có biện pháp quản lý Tăng Ni ở từng lĩnh vực, từng địa phương một cách cụ thể, việc gì được phép và không được phép làm theo quy định của Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước.
Với những điều trình bày ở trên, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang hy vọng sẽ góp một phần công đức trong việc trang nghiêm Giáo hội, tốt đạo đẹp đời, đồng thời hy vọng với sự lãnh đạo của chư Tôn giáo phẩm Trung ương Giáo hội, mỗi Tăng Ni luôn là viên gạch tốt để xây dựng ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày thêm xán lạn huy hoàng, làm cho đạo thịnh nước hưng.
(*) Tham luận của Ban Trị sự THPG An Giang tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần VI