Trang chủ Người thời nay Nhận ra bản chất cuộc đời, tâm sẽ bình yên

Nhận ra bản chất cuộc đời, tâm sẽ bình yên

78

Trong hàng đệ tử Phật lúc Ngài tại thế có nhiều doanh nhân. Đối với doanh nhân, Đức Phật thường dạy rằng cần phải làm ăn đúng pháp, thuận hợp với đạo lý, pháp luật và chia sẻ lợi nhuận có được với cộng đồng.


Trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay, người doanh nhân Phật tử nghĩ gì, nhận thức Phật giáo đã giúp ích gì cho họ trong kinh doanh và cân bằng đời sống? PV VHPG đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phạm Văn Nga (pháp danh Nguyên Cẩn), Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Nam Giang. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


PV: Làm ăn là phải có lợi nhuận. Anh suy nghĩ như thế nào về lợi nhuận?


Ông Phạm Văn Nga: Đó là một điều tất yếu phải nghĩ đến khi làm kinh tế, một nghĩa vụ với những người bỏ vốn đầu tư, với nhân viên và cả với xã hội qua việc nộp thuế. Thế nhưng nó không phải là tất cả vì chúng ta phải cân nhắc nhiều yếu tố khác sao cho cân bằng giữa các trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức…


PV: Thế còn những yếu tố khác mà doanh nhân cần phải có như: chữ tín, lương tâm, trách nhiệm với cộng đồng…?


Ông Phạm Văn Nga: Không phải bây giờ mà từ nghìn xưa, chữ TÍN đã được đề cao. Thiếu lòng tin thì không thể kinh doanh lâu dài được. Thời buổi của những tay làm ăn chụp giựt mà người Mỹ gọi là fast-buck traders đã qua rồi. Có khi phải hy sinh một phần lớn lợi nhuận hay thậm chí chịu lỗ để giữ chữ tín với khách hàng một khi mình đã hứa hay cam kết dù không bằng văn bản. Điều này suy cho cùng cũng sẽ làm lợi cho công ty về lâu dài thôi.


Còn nói về trách nhiệm xã hội như đã nói ở trên, nghĩa vụ kinh tế chỉ là một trong những trách nhiệm xã hội mà người làm kinh doanh phải lưu tâm. Chúng ta còn phải nhắc đến nghĩa vụ đạo đức, dù không được quy định trong luật pháp nhưng đây chính là giá trị tạo nên hình ảnh hay thương hiệu của một công ty.


Không phải tự nhiên mà các hãng xe hơi cho thu hồi hàng nghìn chiếc xe khi phát hiện có một cơ phận nào đó chưa hoàn chỉnh, có thể gây trục trặc về sau. Ngoài ra còn nghĩa vụ nhân văn mà một doanh nghiệp luôn muốn hướng tới, đóng góp thiết thực cho xã hội. Vì vậy, có nhiều doanh nghiệp đã xây dựng những chương trình hướng về cộng đồng rất thiết thực đáng được ca ngợi.


PV: Có ý kiến cho rằng lương tâm là khái niệm rất trừu tượng, mơ hồ; là thứ “xa xỉ phẩm tinh thần” chẳng thể “mài ra mà ăn được”, ý của anh về điều đó thì sao?


Ông Phạm Văn Nga: Theo tôi thì “ăn được cả đấy”. Chúng ta cứ xem mấy cây cầu nghiêng ngả, những chung cư xiêu vẹo, những ngôi trường dúm dó đến tội nghiệp, những tượng đài rỉ sét, những đồng tiền cứu trợ phân bố không đều thì biết rằng lương tâm “ăn được hay không” khi người ta đã và vẫn đang tiếp tục “mài” mòn cái “lương tâm” ấy mà căn bản nhất vẫn là “lương tâm chức nghiệp” chưa tròn. Nói gì đến lương tâm cao quý nằm ở tầng “siêu ngã” theo quan điểm S.Freud thì ở một số người đã “thay răng giả” cả rồi, còn đâu mà cắn rứt (!).


Lương tâm như ai đó đã nói, hình như Pirandello, là “một kẻ khác ngồi tận đáy lòng ta”. Vấn đề là kẻ đó còn ngồi nhưng ta có lắng nghe tiếng nói người ấy hay không khi chính lòng ta đã phủ kín bùn chôn người ấy mất rồi!


Nhưng nhìn chung, tôi cho rằng vẫn còn rất nhiều người tốt với lương tâm trong sáng trong chúng ta. Chỉ cần xây dựng lại hệ thống xã hội với một cơ chế cho phép những giá trị văn hoá nền tảng như sự tự trọng, lòng danh dự, tính liêm chính… được tôn vinh trong xã hội thì người ta sẽ phải dựa vào lương tâm như một kẻ phán xử sau cùng.


PV: Anh nghĩ như thế nào về hiện tượng các sản phẩm tiêu dùng có chất lượng không tốt hay thậm chí gây độc hại cho người tiêu dùng trên thị trường hiện nay?


Ông Phạm Văn Nga: Điều này không mới và Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, vẫn phải đương đầu với tình trạng hàng hoá kém phẩm chất.


Điều đáng nói là trong một cuộc hội thảo tháng 10 năm ngoái mà tôi tham dự ở Viện Vệ sinh – Y tế cộng đồng, có rất nhiều tham luận công bố những con số đáng báo động về tình trạng an toàn vệ sinh mà chất 3 – MCPD trong nước tương chỉ là một trường hợp rất nhỏ, có một chi tiết cần phải nêu là 80% những nhà sản xuất chả lụa dùng hàn the mà có đến 70% trong số đó biết hàn the độc hại (?) và cũng biết là có chất phụ gia khác thay thế (đương nhiên là giá cao hơn) nhưng vẫn cứ sử dụng. Chúng ta lại nói về “lương tâm” nữa rồi!


Vậy thì khi mà đạo đức doanh nghiệp chưa được thể chế hoá, chưa thành ra một lối sống, một nếp nghĩ gắn liền với công việc, khi mà người ta vẫn chạy theo “Lợi” mà quên “Nhân” như Khổng Tử từng dạy, chính nhà nước và những cơ quan thi hành luật phải thực hiện vai trò của mình, nếu không sẽ có tội với những người đang đóng thuế để trả lương cho mình.


Ở đây, các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý đã không làm tròn nghĩa vụ pháp lý, chứ chưa nói gì đến đạo đức – một giá trị nghe quá xa vời. Ngay ở Mỹ, có hàng loạt đạo luật quy định chặt chẽ từng lãnh vực kinh tế sau bản “Tuyên bố về Quyền của người tiêu dùng” (Consumers’ Bill of Rights) do Tổng thống Mỹ ban hành năm 1962 bao gồm các quyền được hưởng sự an toàn, quyền được biết, quyền được lựa chọn và quyền được lắng nghe. Đó là lý do mà ngày nay, trong các công ty lớn như GE, GM, Caterpillar… người ta đưa vào các chương trình huấn luyện, các cuộc hội thảo những nội dung về môn học Đạo đức kinh doanh.


PV: Anh tìm được điều gì từ trong Phật giáo để ứng dụng vào kinh doanh?


Ông Phạm Văn Nga: Nếu cố tìm để ứng dụng sẽ không gặp gì cả. Nhưng triết lý nhà Phật tự thân là một triết lý sống. Cứ đọc, cứ suy ngẫm, rồi… quên. Rồi trong công việc hàng ngày khi gặp phải những điều không như ý, vốn không phải là ít, tự nhiên mình có những suy nghĩ hay hành động, những phương cách giải quyết mà khi nghĩ lại thấy nó là thích hợp.


Nhận ra bản chất cuộc đời, chúng ta sẽ giữ được tâm trạng bình yên, và cảm thấy vẫn có thể lạc quan cả trong những khi mọi chuyện đều bế tắc. Có lẽ triết lý nhà Phật có lúc cứ như bàng bạc quanh ta, có lúc lại sâu kín trong tâm hồn, nên giúp ta kềm chế hơn, biết thông cảm với tha nhân, với đối tác, với nhân viên, đồng sự. Nhờ thế, tôi giải quyết được khá nhiều những xung đột không đáng có trong cũng như ngoài doanh nghiệp.


Người ta đã đưa ra nhiều lý thuyết về tổ chức hệ thống doanh nghiệp nhưng dù tổ chức theo mô hình nào đi nữa thì mô hình dựa trên yếu tố con người vẫn là cốt tuỷ của cơ thể doanh nghiệp. Ở đó, vai trò và phong cách lãnh đạo sẽ thể hiện thành những nét đặc trưng văn hoá công ty.


Chúng ta đã từng nghe thuật ngữ humanagement (quản trị nhân bản) như một quan niệm mới về quản trị hiện nay. Khi nghe TS Nhất Hạnh nói về tam đức, ngẫm lại tôi thấy chính đoạn đức là điều kiện vô cùng cần thiết để ta biết dừng lại đúng lúc trước khi lao mình theo những đam mê dù là vì công việc hay những cuộc vui. Nó giúp ta giữ được thăng bằng giữa cuộc sống riêng tư và công việc.


PV: Người Phật tử và doanh nhân trong anh là một hay là… phân vai?


Ông Phạm Văn Nga: Là hai khi đang làm việc nhưng là một khi giải quyết vấn đề. Như vừa nói, triết lý nhà Phật là ngọn đèn sáng lên khi mọi thứ xung quanh vụt tối. Có những rắc rối, ta phải lắng lòng, tĩnh tâm suy ngẫm mới giải quyết được.


Trong quan hệ khách hàng, sự thành tín, trung thực luôn là tôn chỉ. Không phải chỉ biết lợi cho riêng mình mà gây hại cho người. Điều này cũng đúng với quan điểm hiện đại khi cho rằng người lãnh đạo phải theo nguyên tắc quan hệ trên cơ sở Win-Win, hai bên đều lợi.


Khi xây dựng công ty, tôi chú trọng đến phong cách dân chủ và hợp tác, mang hình ảnh một gia đình lớn có kỷ cương nền nếp, có phân công, có thưởng phạt nghiêm minh, và đặc biệt là xây dựng văn hoá ứng xử trong công ty, với khách hàng, và với mọi người qua những buổi hội thảo, liên hoan sinh nhật tập thể, ngày hội gia đình, sao cho mọi thành viên đều thấy mình là một phần trong sự thành bại của công ty.


Theo Ridderstrale thì sức mạnh đó xuất phát từ “nền kinh tế dựa theo tâm hồn con người”, mà việc xây dựng nguồn nhân lực (human capital formation) đóng vai trò then chốt không chỉ hôm nay mà cả ngày mai.


Tất cả là gì nếu không phải là sự vận dụng ân đức tinh thần Phật giáo vào đời sống?


PV: Khi gặp khó khăn, gặp chuyện không như ý trong công việc làm ăn, đời sống bình thường, gia đình, anh thường làm gì?


Ông Phạm Văn Nga: Việc đầu tiên là tìm một quán café có không gian yên tĩnh, có nhạc hay, đến đó và mang theo một quyển sách đang cần đọc, không nhất thiết phải là sách về Thiền. Ngồi và đọc cho đến khi nào thấy cần về thì…về. Có khi thấy cần viết thì viết, và cũng có khi làm…thơ.


Nói chuyện cùng những người thân, bè bạn, và con cái cũng là một cách chia sẻ tâm sự và thư giãn.


Được biết anh từng là một nhà giáo. Từ bục giảng đến thị trường, đoạn đường đó có dài không và có làm anh phải đấu tranh nhiều không?


Không dài lắm xét về mặt thời gian vì chỉ mất khoảng hai năm sau khi rời bục giảng ở trường đại học là đã theo kịp công việc ban đầu ở một công ty quốc doanh Việt Nam sau đó sang các công ty nước ngoài. Nhưng phải vượt qua điểm yếu của ông thầy là “tính dễ tổn thương” (vulnerability) khi va chạm với đồng nghiệp, đối thủ, cấp trên.


Đấu tranh ư? Chỉ trong thời gian đầu. Sau đó, gặp lại sinh viên ngày xưa trong nhiều cương vị khác nhau: đồng nghiệp, đối tác, thậm chí là đối thủ, tôi vẫn giữ sự bình đẳng và thẳng thắn khi tiếp xúc, dĩ nhiên phải dựa trên một số nguyên tắc căn bản trong kinh doanh khi ứng xử. Có lúc chợt ngẫm nghĩ hai câu thơ của Bùi Giáng:


Giã từ cõi mộng điêu linh
Anh về buôn bán với mình phôi pha.


Thấy mình cũng phôi pha, nhưng chỉ phôi pha ít nhiều năng lượng và thời gian mà nhận lại không ít niềm vui vì nghĩ cho cùng, mình cũng đâu đã giã từ cõi mộng.


PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh luôn sống như lời thơ Bùi Giáng: “Còn ở lại một ngày còn yêu mãi”.