Trang chủ Tu học Phổ thông Nhân quả – định luật căn bản của đời sống

Nhân quả – định luật căn bản của đời sống

230

1.    Nhân quả để giải thích đời sống

Nhìn chung quanh chúng ta, sự vật nào cũng có những nguyên nhân, để có thể giải thích tại sao là cái này mà không là cái khác, tại sao nó có mặt ở đây, vào lúc này. Và rồi có những nguyên nhân để nó hư hoại, ngày nào sẽ biến mất khỏi nơi này. Khoa học cũng nói thế: không có cái gì mà không có những nguyên nhân. Cuộc sống khoa học là đi tìm những nguyên nhân của sự vật, và hội hợp những nguyên nhân đã biết để tạo ra kết quả là một sự vật khác với những tính năng mới lạ hơn. Nguyên lý duyên sanh của Phật giáo cũng nói thế, nhưng với tầm nhìn sâu rộng hơn nhiều: cái gì cũng có từ những nguyên nhân, hay những nhân duyên, do nhiều nhân duyên mà sanh.

Theo thuyết tương đối của Einstein, không gian và thời gian mà lâu nay chúng ta cứ tưởng là những thực thể tuyệt đối, đều là tương đối, nghĩa là biến đổi theo điều kiện, theo nhân duyên. Không gian, thời gian hiện hữu do nhân duyên; không gian và thời gian là duyên sanh, nghĩa là tương đối, đây là điều Phật giáo đã nói ngay từ những ngày đầu có mặt.

Đó là nhân quả ở cấp độ vật lý.

Ở cấp độ con người thì nhân quả khó thấy hơn, vì con ngưởi không chỉ có cấp độ vật lý là thân, mà còn có cấp độ khẩu và cấp độ tâm ý. Tâm ý thì khó thấy, hành động (nghiệp) do con người làm (ý tưởng) thì không để lại dấu vết vật lý nào, ngoại trừ trong chính tâm ý. Nhưng tâm ý là cái quan trọng nhất ở con người so với lời nói (khẩu) và hoạt động của thân.

Kinh Pháp Cú bắt đầu bằng hai bài kệ:

Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ, tâm tạo
Nếu nói hay hành động
Với tâm ý xấu ác
Khổ đau liền theo ngay
Như bánh xe theo trâu.

Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ, tâm tạo
Nếu nói hay hành động
Với tâm ý thanh tịnh
Hạnh phúc liền theo ngay
Như bánh xe theo trâu.

Khó thấy nhân quả ở cấp độ tâm ý. Khoa học cũng không thể giải thích tại sao những đứa con cùng một cha mẹ, nghĩa là cùng gien, lại khác nhau, cả về thân thể, tính tình, khuynh hướng, sở thích, thông minh, thọ yểu, nghĩa là khác nhau về thân, khẩu, và tâm ý. Nếu nói về hoàn cảnh xã hội tạo nên sự khác biệt này thì con cái đều được nuôi dưỡng và giáo dục trong cùng một môi trường, cùng một đẳng cấp của cơ sở giáo dục. Bất cứ lãnh vực vật lý học, sinh học, xã hội học, tâm lý học nào cũng không thể giải thích được sự khác biệt này. Tại sao đứa này thích y khoa, đứa kia thích toán, đứa nọ lại chỉ ưa nghệ thuật?

Đạo Phật giải thích rằng những khuynh hướng khác nhau đó là do chúng nó đã thích và luyện tập nhiều những môn ấy trong những kiếp trước rồi. Thân tâm hiện tại là cái quả của những hành động thân khẩu ý là cái nhân trong những kiếp trước. Trong các câu chuyện của Kinh Bổn sanh (Jataka), Đức Phật giải thích chi tiết tại sao người này thế này, gặp những sự cố thế này, được những thuận lợi thế này, chịu những nghịch cảnh thế này. Tóm tắt, những quả tốt xấu mà chúng ta đã gặt là do những nhân tốt xấu mà chúng ta đã gieo. Những nhân là những hành động (nghiệp) tốt xấu mà mỗi người đã làm, và quả là kết quả đã hình thành (nghiệp quả) từ những hành động là nhân trước kia.

Chữ nghiệp (karma) có nghĩa là hành động. Hành động tốt xấu nào cũng được tạo ra từ động lực, và động lực tạo ra ấy sẽ phản hồi lại trên chủ thể hành động. Thí như một trái banh khi ném vào tường sẽ dội, phản hồi trở lại. Sức ném càng lớn thì sự phản hồi càng mạnh. Tạo ra động lực và động lực phản hồi này là định luật nhân quả. Có động lực tạo ra thì phải có động lực dội về, chứ động lực ấy không mất đi đâu cả. Toàn bộ thân tâm con người đều tạo ra những hành động (nghiệp), hành động của thân, của khẩu và của tâm ý. Những hành động ấy hoặc tốt hoặc xấu đều dội lại nghiệp quả hay quả báo hoặc tốt hoặc xấu.

Trước một sự cố bất ngờ xảy ra cho một người, chúng ta tự hỏi tại sao như thế này, tại sao không như thế kia, và khi không tìm ra những nguyên nhân có thể thấy, bằng bất cứ ngành khoa học nào, chúng ta phải kết luận rằng đó là nghiệp quả, nghĩa là kết quả của những nguyên nhân là những hành động trong quá khứ ở đời trước của người ấy.

Luật nhân quả là sự công bằng. Không có cái gì xảy ra với chúng ta do “may mắn” hay “rủi ro” ngẫu nhiên. Nói theo một châm ngôn Phật giáo “Không có cái gì (quả) có thể xảy ra với chúng ta nếu nơi chúng ta không có mầm mống (nhân) cho cái đó”. Mỗi người là kẻ duy nhất thừa kế những hành động đã làm của mình. Đây là sự công bằng phổ quát cho tất cả, sự công bằng của nhân quả này khiến chúng ta không sợ hãi, lo âu vô cớ.

Trong khi khoa học hiện đại không thể giải thích câu hỏi tại sao về đời sống thì triết học Tây phương cũng không thể làm gì hơn. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần thì cho cuộc đời là phi lý, triết học và tôn giáo nhất thần thì tốt xấu gì cũng đổ cho Thượng Đế, nhưng nếu tất cả đều do Thượng Đế thì chẳng lẽ Thượng Đế lại không công bằng khi tạo ra đời người này thì sướng, đời người kia thì khổ, người này may mắn, người kia bất hạnh… Thế nên với Tây phương, đạo đức chỉ là lời kêu gọi lương tri con người, nên làm cái này cái kia. Hay đạo đức là mệnh lệnh của một Thượng Đế ở bên ngoài mình; và khi những mệnh lệnh đạo đức đó khác nhau ở những tôn giáo thì lại gây ra đánh nhau để bảo vệ cho mệnh lệnh Thượng Đế của mình.

Nếu chỉ so sánh một lãnh vực là đạo đức, thì đạo đức đời thường là “anh nên làm như thế này, như thế kia”. Với Phật giáo, trước sự công bằng của nhân quả, thì “anh phải  làm như thế này nếu anh muốn được như thế kia”.

Với Phật giáo, định luật nhân quả là định luật của toàn bộ đời sống. Khi không có nhân quả thì cũng không có thiện ác, nghiệp báo, và không có cả sự tiến bộ của con người. Muốn tiến bộ cũng dựa vào nhân quả để tiến bộ; muốn thụt lùi, xuống thấp, cũng phải dựa vào nhân quả để thụt lùi, xuống thấp. Tất cả con đường Phật giáo đều dựa vào nhân quả. Có năm giới căn bản bởi vì có định luật nhân quả. Không có nhân quả thì tám chánh đạo vô hiệu. Mọi con đường Phật giáo, mọi thực hành Phật giáo đều nhằm chuyển hóa con người, đưa nó đến chỗ đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Không có định luật nhân quả sẽ không có nền tảng cho sự chuyển hóa ấy.
Cũng chính vì có nhân quả cho nên phải có đời trước và đời sau. Có đời sau bởi tất cả những nhân tốt xấu đã tạo ra trong đời này không trổ hết quả trong đời này, nên phải có đời sau để cho những năng lượng tốt xấu đã tạo ra đó biểu lộ và tiêu tan. Cũng thế, vì có đời này như là kết quả của những nhân đã từng tạo ra, thì phải có những đời trước để tạo ra những nhân đó. Đời này tôi chịu những động lực nào đó là vì đời trước tôi đã tạo ra những động lực ấy. Đời này tôi bị trái banh đánh trúng mặt, vì đời trước tôi đã ném nó.

Không tin nhân quả, không tin có đời trước đời sau, người ấy sẽ rơi vào đoạn kiến, hư vô. Và đây là cái xấu ác lớn nhất:

        Ai vi phạm vào pháp (nhân quả)
        Ai nói lời vọng ngữ
        Ai bác bỏ đời sau
        Không ác nào không làm.
            Kinh Pháp Cú, phẩm Thế Gian.
       
2.Nhân quả để tạo dựng một đời sống hạnh phúc.

Kinh nói, “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.

Người thiện lành thông minh sợ tạo ra những nhân xấu vì sẽ hưởng những quả xấu, và biết tạo ra những nhân tốt để lợi mình lợi người. Còn không sợ quả là khi quả xấu đã đến do đã tạo ra những nhân xấu ở trong những đời trước mà những hành động tốt trong đời này không đủ để chuyển hóa toàn bộ chúng thì phải thản nhiên chịu nhận thôi. Cách cải thiện duy nhất cuộc đời mình là từ nay chỉ tạo những hành động tốt, những nhân tốt. Cho nên cuộc đời chúng ta hạnh phúc khi chúng ta có những hành động tốt là nhân để tạo ra hạnh phúc. Nếu khổ đau, không như ý thì chúng ta phải tìm và sửa lại những nhân đã tạo ra khổ đau, không như ý đó bằng những nhân ngược với chúng. Như thế, cuộc đời này là những cơ hội trước mắt để tạo ra hạnh phúc.

Chính nhờ định luật nhân quả này mà người ta có thể cải thiện cuộc đời mình, tiến đến chỗ đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn, nghĩa là đến chỗ hạnh phúc hơn, bằng cách tạo ra những nhân đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn.

Người ta tạo ra những nhân tốt hay xấu trong từng giây phút một bằng vốn tài sản thân khẩu ý của mình. Trước một sự cố, phản ứng người ta có thể tốt hoặc xấu, có thể tích cực hoặc tiêu cực. Chẳng hạn, trước một sự cố trái ý mình, thay vì tức giận và làm sự việc thêm rắc rối theo chiều hướng tiêu cực, thì với một tâm an nhẫn, chúng ta giải quyết sự việc theo chiều hướng tích cực lợi mình lợi người. Trước một sự việc, chúng ta có một phản ứng tích cực thay vì tiêu cực, đó là một hành động tốt. Tất cả những hành động tốt con người có thể làm được đều được nói đến trong Bồ-tát hạnh. Bồ-tát hạnh gắn liền sự tích tập phước đức và tích tập trí huệ với nhau.

Đời sống này được tạo bằng những phản ứng, những tương tác của thân khẩu ý của những cá nhân. Nếu chúng ta phản ứng theo chiều hướng tiêu cực do tham, giận, si, kiêu mạn, đố kỵ… chúng ta đã làm cho đời sống nhiễm độc. Kết quả là khổ đau, bất như ý từ cá nhân, gia đình, đến xã hội. Trái lại, phản ứng theo chiều hướng tích cực, nghĩa là phản ứng theo trí huệ và từ bi, dần dần chúng ta sẽ biền đổi thế giới này thành vàng ròng: tất cả thế giới được trang nghiêm bằng vàng ròng của trí huệ và từ bi.

Một xã hội lành mạnh và hạnh phúc là một xã hội tin và làm theo nhân quả.   

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 196