Trang chủ Diễn đàn Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6: Vài mong muốn...

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6: Vài mong muốn đối với Báo chí Phật giáo Việt Nam

162

Hiện nay, Phật giáo Việt Nam có các ấn phẩm báo chí là Tuần báo và Nguyệt san Giác Ngộ (Thành hội PG TP. Hồ Chí Minh); Tạp chí Nghiên cứu Phật học (Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, xuất bản 2 tháng/số); Tạp chí Văn hóa Phật giáo (Ban Văn hóa Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phát hành hàng tháng). Ngoài ra còn có Nội san Vô ưu (Tỉnh hội Phật giáo Đắc Lắc) và một số nội san khác. Các ấn phẩm này là một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều độc giả, là nơi học hỏi Phật pháp, chia sẻ và trải nghiệm kinh nghiệm tu tập, tiếp nhận những thông tin Phật sự quan trọng trong và ngoài nước. Các ấn phẩm Phật giáo Việt Nam cũng tạo ra diễn đàn nghiên cứu, trao đổi Phật học cho các chư tôn đức Tăng Ni, các nhà nghiên cứu, học giả và Phật tử. Các ấn phẩm này cũng góp phần quảng bá hình ảnh Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước, đưa ánh sáng đạo Pháp đến đông đảo chúng sinh, góp phần hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, thực hiện phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” của Phật giáo Việt Nam.

 

 

Tạp chí Nghiên cứu Phật học– Xuất bản 2 tháng/số

 

Tuy nhiên, số lượng ấn phẩm báo chí Phật giáo Việt Nam còn khá khiêm tốn nếu so với tiềm năng sáng tác và nhu cầu của độc giả. Hơn nữa, số lượng phát hành chưa cao, chủ yếu ở địa bàn một số tỉnh miền Trung và miền Nam, đặc biệt là ở Huế, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh. Con số phát hành các ấn phẩm báo chí Phật giáo ở ngoài Bắc còn khiêm tốn. Báo chí Phật giáo Việt Nam chưa đến được vùng sâu, vùng xa, và đặc biệt chưa tới được nhiều đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc.

 

Vậy hướng phát triển của Báo chí Phật giáo Việt Nam là gì? Chúng tôi xin mạo muội trình bày những mong muốn của một người con Phật đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam – ngôi nhà chung của Tăng Ni Phật tử Việt Nam về đường hướng này.

 

Thứ nhất, cần tăng số đầu ấn phẩm báo chí Phật giáo Việt Nam. Như chúng ta đã biết, Phật giáo Việt Nam là một chỉnh thể thống nhất của rất nhiều hệ phái và truyền thống Phật giáo. Cùng là Phật giáo đại thừa nhưng sinh hoạt, tâm lý, văn hóa truyền thống giữa Bắc, Trung và Nam cũng có sự khác biệt. Mỗi một nhóm độc giả khác nhau có nhu cầu báo chí khác nhau. Hơn nữa, báo chí chỉ thực sự hấp dẫn nếu phản ánh chính đời sống của độc giả. Điều đó lý giải tại sao một số ấn phẩm Phật giáo trong Nam chưa quen thuộc ở ngoài Bắc. Nên chăng Giáo hội xuất bản thêm các đầu báo, tạp chí sau:

          Báo Phật giáo cho Tăng Ni, Phật tử miền Bắc, có thể do Thành hội Phật giáo Hà Nội hoặc Văn phòng I – Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện, nên phát hành ở dạng nguyệt san

          Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy (Có thể do Học viện Phật giáo Nam tông (sắp ra đời) phát hành

          Tạp chí Nghiên cứu Phật học của ba Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh, tạo một sân chơi khoa học cho các Giảng sư và Tăng Ni sinh, nên phát hành hàng quý.

          Tạp chí cho Gia đình Phật Tử, với nội dung là sinh hoạt đoàn sinh, các sáng tác văn nghệ của các thành viên gia đình Phật tử, giáo dục Phật pháp cho thanh thiếu niên, tạp chí này nên phát hành hàng tháng, có thể do Báo Giác Ngộ đứng ra thực hiện

 

Việc tăng số đầu ấn phẩm báo chí Phật giáo Việt Nam không làm mất đi tính thống nhất của Phật giáo Việt Nam, vì tất cả các ấn phẩm đó đều dưới sự quản lý Nhà nước của Bộ Văn hóa Thông tin, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, theo đường hướng chung của Giáo hội, đồng thời lại phát huy được trí tuệ, bản sắc riêng của từng nơi ra báo, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả, vốn đang ngày càng có sự cá thể hóa và khác biệt trong nhu cầu thưởng thức văn hóa.

 

Thứ hai, cần đa dạng hóa phương thức truyền tải thông tin báo chí. Tất cả các báo, tạp chí hiện nay của Phật giáo Việt Nam đều dưới dạng báo in, tính phổ biến không cao. Vì vậy, bên cạnh việc phát hành báo in, các báo, tạp chí cần đưa cả phiên bản điện tử lên trên mạng, có thể dưới dạng file word, file pdf hoặc trang tin điện tử. Mục đích chính của các ấn phẩm Phật giáo là hoằng pháp (chứ không phải kinh tế, bản quyền), cho nên việc đưa định dạng điện tử lên mạng sẽ giúp phổ biến nhanh chóng và rộng rãi các báo, tạp chí hơn. Đồng thời, cũng giúp các độc giả là Tăng Ni, Phật tử ở hải ngoại có đầy đủ thông tin về Phật giáo quê nhà. Hơn nữa, phát hành ấn bản điện tử sẽ ít tốn kém hơn rất nhiều so với báo in.

 

Thứ ba, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần xây dựng trang web để phản ánh muôn mặt hoạt động của Giáo hội, của Phật giáo Việt Nam. Đây là kênh thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đối ngoại, trong việc hướng đến đối tượng độc giả là trí thức, cán bộ, nhân viên công sở, học sinh sinh viên, thế hệ trẻ. Bỏ rơi kênh truyền thông và hoằng pháp qua mạng tức là đang đánh mất cơ hội hòa nhập vào xu thế phát triển của thời đại, trở nên lạc hậu, mất dần chỗ đứng trong xã hội. Bỏ rơi internet cũng có nghĩa là tạo cơ hội cho những bầy ma vương lợi dụng sự thiếu thông tin để phá hoại Tam bảo, phá hòa hợp Tăng.

 

Thứ tư, và cũng là điều quan trọng nhất quyết định sự phát triển của báo chí Phật giáo Việt Nam, đó là Giáo hội cần tạo ra cách thức để nâng cao vai trò của Cư sĩ, Phật tử, thiện hữu tri thức, doanh nhân tham gia đóng góp vào nền báo chí Phật giáo Việt Nam. Có như vậy với phát huy trí tuệ, tài lực, vật lực và khả năng quản lý của họ, đồng thời cũng đưa báo chí Phật giáo gần gũi hơn với độc giả.

 

Trên đây là vài điều mong mỏi gửi đến quý Thầy trong Giáo hội, đến độc giả của Phật tử Việt Nam nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 để báo chí Phật giáo Việt Nam ngày càng thiết thực, hay, hấp dẫn hơn, đưa đạo Phật đến gần tới đại bộ phận nhân dân.