Trang chủ Văn học Tùy bút Nhân mùa Phật đản suy ngẫm về mùa sen Huế

Nhân mùa Phật đản suy ngẫm về mùa sen Huế

99

Dọc theo thành lũy có chu vi gần 10km bao bọc kinh thành là hào sâu (Hộ thành hà). Các cửa chính vào thành đều có xây cầu đá xinh đẹp bắc ngang chia Hộ thành hà ra làm nhiều đoạn mà ngày xưa nghe nói nước trong vắt, nhìn mênh mông như mặt hồ nên được đặt tên là hồ Kim Thủy. Các hồ Kim Thủy đều được trồng sen hồng và trắng, giống quý, có đài sen lớn. Mỗi năm cứ vào mùa Phật đản là sen đua nhau nở rộ, tỏa hương thơm bát ngát khắp kinh thành như phẩm vật của đất trời xứ Huế dâng cúng ngày Đức Từ phụ đản sinh.


Nói đến sen Huế, không thể không nhắc đến sen hồ Tịnh Tâm. Hồ Tịnh Tâm nằm về phía Đông Bắc hoàng thành. Nguyên trước đây là một con sông nhỏ, vua Gia Long cho chặn lại, đào sâu và rộng ra thành hồ, đặt tên là hồ Ký Tế. Đến đời vua Minh Mạng, trước khi bước vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, nhà vua đã có 142 người con, gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa. Càng có nhiều hậu duệ, vua càng lo mối họa tương tranh chiếm đoạt ngai vàng. Năm 1834, Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt khởi loạn lấy danh nghĩa là phò con của hoàng tử Cảnh. Nghe tin, vua Minh Mạng cho giết ngay con cháu và chị dâu giòng hoàng tử Cảnh để trừ hậu họa. Tương truyền sau vụ “huynh đệ tương tàn” này, vua Minh Mạng đêm đêm thường bị giật mình, tâm thần bất định. Nhiều đêm khuya trăng sáng, vua âm thầm cùng tùy tùng đi đến hồ Ký Tế đàm đạo, ngắm trăng, thưởng sen cho thư giãn tinh thần. Trong cái vắng lặng vô cùng của trời đất và hương sen tỏa ngát, nhà vua bất chợt tìm ra nguồn suối an nhiên tự tại, gột rửa bớt những muộn phiền trong tâm. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1839), vua cho tu bổ hồ Ký Tế thành một thắng cảnh của đất Thần kinh, chung quanh hồ có tường bao bọc, bốn cửa ra vào cho bốn hướng, trong hồ cho trồng một giống sen rất đặc biệt mà khi nở sắc và hương có thể làm cho con người tĩnh tâm. Từ đó, vua cho đổi tên hồ Ký Tế thành hồ Tịnh Tâm (hay Tĩnh Tâm) và làm 10 bài thơ thánh chế tả 10 cảnh đẹp ở nơi này.


Trong ký ức của người Huế, có một thời hồ Tịnh Tâm với điện đài ngang dọc nối liền với nhau bằng những hành lang, những cây cầu chạm trổ, trúc và dương liễu soi bóng bên hồ, trong hồ sen chen chúc, nở kín cả mặt nước. Mỗi khi mùa Phật đản về, người ta trang hoàng hai bên bờ hồ nhiều hàng cờ, đèn hoa lung linh cùng với những đóa sen sắc trắng, sắc hồng tạo nên một khung cảnh rực rỡ như dệt gấm thêu hoa…


Ngày nay tất cả đều đã không còn. Sen hồ Tịnh Tâm hiện nay so với trước trăm phần chưa được một. Quần thể kiến trúc hẳn nhiên là đã trở thành “di tích” và sen cũng ngày càng thoái hóa, tuyệt chủng vì ô nhiễm… Hồ Tịnh Tâm bây giờ chỉ còn là dư vang của quá khứ. Mặt hồ ngày càng bị “hoang hóa”, nước hồ cạn kiệt thì lấy đâu môi trường cho sen sống mà dâng hoa hương cho đời.


Mùa Phật đản đã về, nhưng Huế dường như vắng thiếu cái hương sắc của sen. Tôi tưởng tượng đến cảnh “sen xa hồ, sen khô hồ cạn; lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng” mà lo cho Huế…