Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Nhân duyên để có Tăng Ni dân tộc thiểu số vùng cao

Nhân duyên để có Tăng Ni dân tộc thiểu số vùng cao

85

Sau bài viết “Đào tạo tăng ni sinh dân tộc thiểu số vùng cao”, đã có bạn đọc hiểu ý kiến của chúng tôi là “lấy lợi về vật chất để hoằng dương chánh pháp…”.

Tôi nghĩ rằng, có lẽ do tôi đã diễn đạt chưa rõ ý tưởng của mình, nên đã đưa đến cách hiểu như vậy, mặc dù đã nêu lên một số đề xuất rất cụ thể, chi tiết, cần phải làm gì, làm ra sao.

Vì vậy, tôi thấy cần nói rõ hơn về mục tiêu đào tạo tăng ni dân tộc thiểu số vùng cao.

Đào tạo, mà chỉ nghĩ đến mỗi khía cạnh lợi ích vật chất, thì chỉ là ảo tưởng! Nếu chỉ dùng mỗi đồng tiền mà có được người, thì nói chi đến từ “đào tạo”. Vì khi đó, cứ cầm tiền đi mua người, là đã đủ đạt như ý muốn.

Bây giờ, bỏ ra bao nhiêu tiền, để có một vị tăng hay một vị ni người dân tộc thiểu số? Điều đó là không thể. Các tôn giáo truyền đạo thành công ở Tây Nguyên, Tây Bắc đâu phải chỉ dùng tiền “mua” người mà có được chức sắc tôn giáo người dân tộc thiểu số? Họ đã trải qua quá trình nhiều thập niên đào tạo gian khổ, dĩ nhiên là tốn tiền, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều thứ khác nữa. Đào tạo đâu phải là chuyện đi mua một món đồ có sẵn.

Khái niệm “cử tuyển” và “đào tạo” mà chúng tôi đề cập trong bài viết trước không có nghĩa chỉ là cho học bổng, hay trợ cấp. Từ “cử tuyển” hay “đào tạo” ngoài xã hội đang dùng cũng không phải chỉ có nghĩa như vậy.

Điều mà chúng tôi muốn nói đến, là toàn bộ nhân duyên gồm cả tinh thần và vật chất, để có được người tu sĩ Phật giáo người dân tộc thiểu số vùng cao, để hoằng dương chánh pháp cho chính dân tộc mình, tại chính địa phương bản quán của mình.

Nhân duyên đó trước hết là phải chính từ nhận thức của Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam không nên được hiểu chỉ là Phật giáo người Kinh (như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã hiểu), hay chỉ là Phật giáo người Kinh, và một số dân tộc thiểu số đồng bằng như người Hoa, người Khmer (như hiện nay).

Thay vào đó, cần nhận thức lại về Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam là Phật giáo của tất cả những dân tộc sống trên đất nước Việt Nam.

Tất nhiên, từ trước đến nay Phật giáo Việt Nam không có nhận thức như vậy. Hệ quả là không có tăng ni, giáo phẩm Phật giáo Việt Nam là người dân tộc thiểu số miền cao (các dân tộc sống ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên).

Nhận thức lại, rằng Phật giáo Việt Nam là Phật giáo của tất cả các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam thật không phải là điều dễ dàng. Bởi, từ nhỏ, tôi đã được dạy rằng nhiều dân tộc không có nhân duyên với Phật giáo, cho nên không thể hoằng pháp đến họ, huống chi là vùng “biên địa”. Sinh ra ở vùng biên địa thì ít phước, không có cơ duyên với đạo Phật. Giải thích tuy có phần dễ dãi như vậy thì nghe cũng hợp lý? Cũng có người bảo rằng đồng bào Thượng (từ trước năm 1975 gọi đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao) cũng đã có tôn giáo riêng nguyên thủy của họ, và cũng quy lại ở… nhân duyên!

Nhân duyên? Thật vậy, nhưng vì sao lại là nhân duyên với các đạo khác, mà chỉ trừ đạo Phật, điều mà bây giờ đã nhận ra. Nhưng dường như trước 1975, không hề có khái niệm đạo Phật cho tất cả các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Thắc mắc điều này là chuyện trẻ con, kỳ cục. Còn sau 1975, thì việc giữ đạo Phật ở miền đồng bằng đã khó, chẳng gì nghĩ chuyện xa xôi.

Đến những năm 1990, có dịp lên các tỉnh Tây Nguyên, vào vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thì thấy toàn nhà nhờ, dù nhiều cái rất lụp xụp. Sáng chủ nhật người đi lễ tấp nập không khác ở Hố Nai, Gia Kiệm. Trên tòa giảng cũng là người dân tộc thiểu số. Họ không mặc áo vest, mà mặc y phục dân tộc thiểu số, nên không chắc là mục sư. Và có cả ca đoàn hợp xướng người dân tộc thiểu số. Tất cả cùng tổ chức thánh lễ cho người dân tộc thiểu số.

Bây giờ đặt vấn đề nhận thức Phật giáo Việt Nam là Phật giáo các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam quả là muộn màng, nhưng vẫn không dễ dàng.

Nhân duyên không phải cái mà cầu nguyện để được ban phát. Nếu nghĩ nhân duyên như là định mệnh thì hoàn toàn trái ngược với tinh thần đạo Phật. Đó là cái loại nhân duyên loại trừ Phật giáo ra khỏi cộng đồng đồng bào các dân tộc anh em, và như thế là một bước loại trừ Phật giáo khỏi Việt Nam ra khỏi dân tộc.

Vì vậy, đặt vấn đề đào tạo tăng ni đồng bào dân tộc thiểu số miền cao trước hết là đặt vấn đề nhận thức lại khái niệm về Phật giáo Việt Nam, với nhân mới, duyên mới, trong đó vật chất chỉ là một phần. Xin nhắc lại, không phải “lấy lợi về vật chất để hoằng dương chánh pháp”, mà coi lợi ích vật chất chỉ là một trong nhiều thứ nhân duyên cần có mà thôi.

Đời sống kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, nhìn chung, còn kém xa người kinh đồng bằng, và cả người kinh ở cao nguyên. Buộc tăng ni sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao (nếu may mắn có) đóng học phí như tăng ni sinh thì không thể nói chuyện đào tạo. Lấy học bổng để tạo nhân duyên hóa độ khác rất xa chuyện “lấy lợi về vật chất để hoằng dương chánh pháp”. Không phải đặt điều kiện tu học thì được lợi, mà là hỗ trợ nhân duyên cho việc tu học. Hỗ trợ đó trước hết là nhận thức cần đào tạo tăng ni sinh đồng bào dân tộc ít người, cần họ để hoằng dương chánh pháp, không coi họ là vô duyên với Phật pháp. Rồi sau đó là học bổng, chỗ ở, phương tiện hoằng pháp…

Nhân duyên tu học của đồng bào dân tộc thiểu số không hoàn toàn tương đồng với nhân duyên tu học của người Kinh miền xuôi. Vì vậy, nên đã nhắc tới khái niệm cử tuyển. Cử tuyển tức là nhận đào tạo không phải thông qua thi tuyển, không loại ra bằng thi tuyển, là tuyển sinh với những tiêu chuẩn đặc biệt phù hợp với hoàn cảnh, trình độ đồng bào dân tộc thiểu số miền cao. Rồi sau đó mới là miễn học phí, cấp học bổng.

Cái khó ở đây trước hết không nằm ở chuyện tiền bạc, mà chấp nhận quan điểm có mức chuẩn thấp hơn cho sinh viên tu sĩ đồng bào dân tộc ít người, mà cơ sở là nhu cầu đào tạo đặc biệt đối với đối tượng này. Thế nên, mới có hệ quả là Phật giáo Việt Nam đến nay không có được tu sĩ, giáo phẩm người dân tộc thiểu số vùng cao. Không có tăng ni sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, thì việc đào tạo tu sĩ của Phật giáo Việt Nam vẫn không có được kết quả mỹ mãn.

Những mục sư Tin Lành đồng bào dân tộc thiểu số chắc chắn không phải không kinh qua đào tạo, mà ngược lại, có khi còn được đào tạo bài bản, chặt chẽ. Ví dụ rất sinh động là một mục sư đơn vị cơ sở (không phải là giáo phẩm cấp cao, chủ tịch hay phó chủ tịch Hội thánh) lại cùng ngồi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình hải ngoại với nhị vị Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN. Để đào tạo những mục sư người dân tộc thiểu số vùng cao, chắc chắn cơ sở đào tạo thần học phải có những chính sách tuyển sinh đặc biệt, có chiếu cố điều kiện dân tộc đặc thù. Tất nhiên, cũng sẽ có hỗ trợ tiền bạc, nhưng không phải chỉ là tiền bạc, cũng không phải trước hết là tiền bạc.

Như vậy, trở lại, cái khó là ở chỗ nhận thức. Đó chính là nhân duyên căn bản trong việc đào tạo tăng ni sinh đồng bào dân tộc thiểu số miền cao.

MT