Từ những câu chuyện hôm nay!
Đây là bài viết (Khởi quay bộ phim Phật và Thánh Chúng”), theo tôi đã được đưa lên mạng đầu tiên nhưng sau đó lại tháo xuống thay vào là bài viết hiện nay đã cắt đi đoạn đầu.
Sẽ rất khó kêu gọi được sự đồng tình từ nhiều phía khi mà lý do thực hiện bộ phim này được biện giải và so sánh bất cập là “Sau phim Ánh Đạo Vàng và vở cải lương Bước Chân Xuất Thế, chưa có bộ phim nào nói về cuộc đời của các vị đại đệ tử, để cho công chúng Phật tử hiểu thêm về cuộc đời siêu việt và công hạnh vĩ đại của Đức Phật cùng các vị thánh đệ tử…”.
Như vậy êkíp làm phim đã xác định được ý nghĩa vô cùng quan trọng của việc mình làm. Từ đây, cách nhìn nhận vai trò ấy xuất phát từ đâu, Giáo Hội hay Ban Ngành Văn Hóa nào..v…v…Bộ phim Ánh Đạo Vàng ( Dưới đây sẽ được nói thêm bộ phim này) khi thực hiện có sự đồng thuận hay ý kiến chỉ đạo nào từ các cơ quan chủ quản Phật giáo hay đó chỉ là tâm nguyện của một vị Ni Sư hiền lành, cả tin bị khuynh loát bởi những người có …kinh nghiệm!
Cũng vậy, lý giải về việc chọn diễn viên Công Hậu làm đạo diễn cũng nghe như một việc ‘ăn theo” không thể khác khi bài viết thố lộ ”..Thượng Tọa trụ trì chùa Hoằng Pháp Thích Chân Tính cho biết :”AI CŨNG CÓ THỂ BỎ TIỀN RA LÀM PHIM nhưng quan trọng là tìm được người có tâm huyết. Công Hậu từng đóng vai Đức Phật Thích Ca trong phim Ánh Đạo vàng, hiểu biết về Phật pháp, luôn mong có dịp được làm bộ phim về Đức Phật, nhà chùa tin anh sẽ làm được bộ phim tốt”.
Như vậy sự quyết đoán và chủ động ở đây đã vắng mặt.
Về vở cải lương (gọi là Phật giáo) Bước Chân Xuất Thế, cũng tương tự còn rất nhiều điều để nói về vở cải lương này, nhất là khâu sáng tác kịch bản hết sức chủ quan, tác giả dựa vào tư tưởng Đại Thừa hay Nam tông, từng danh từ nhân vật không thống nhất với trình độ tu học Phật tử mà xưa kia Tổng Hội PHGVN từng thống nhất, không phù hợp với ngôn ngữ cải lương.
Tất cả những tình huống xảy ra trên bước đường tìn đạo đều được tác giả “cho” chư thiên hiện xuống giúp đỡ vượt qua, chẳng cần lao nhọc khó khăn chi cả .v v…
Ở đây bài viết này không tiện trình bày hết, xin hẹn dịp khác. Vậy theo tác giả bài viết đây có phải là vở cải lương PG chính thống, được thay mặt tất cả trên mặt bằng nghệ thuật Phật giáo ?
Đây không là lần đầu tiên chùa Hoằng Pháp thực hiện phim truyện Phật giáo. Những lần đó không ai chê trách hay có ý kiến chi vì đó là tâm nguyện cao cả của Thượng Tọa trụ trì và chư tăng chùa Hoằng Pháp chỉ để hỗ trợ cho mô hình hoằng pháp độc đáo của riêng chùa mình.
Lần thực hiện này dường như êkíp “Phật và Thánh và Thánh Chúng” muốn vượt qua ngưỡng cổng tam quan chùa Hoằng Pháp để góp phần sức lực và tâm nguyện của mình vào sự nghiệp hoằng Pháp và văn hóa văn nghệ PG.
Sự cẩn trọng và lượng sức đã không đuợc quan tâm cho bước đi này, để ngay những ngày đầu, tuy chỉ là một vài bản tin, hình ảnh đã bộc lộ khá nhiều hạt sạn từ nghệ thuật cho đến tư duy Phật học.
Ngay từ những thông tin ban đầu, cá nhân tôi rất an tâm vì sự có mặt của đạo hữu Minh Mẫn nhưng mỗi một mình đạo hữu với quyền hạn nhứt định không thực có, làm sao đủ sức can ngăn nhằm hạn chế bớt phần nào trong vô vàn những hạt sạn đó.
Cũng chính đạo hữu đã có những ý kiến đầu tiên về êkíp, đạo diễn, diễn viên…mà ai cũng nghĩ là sẽ được lắng nghe và tạm dừng để khắc phục, chỉnh sửa (bài “Bộ phim Phật và Thánh Chúng cần có thời gian để chín” ngày 2/10/2012). Như vậy những bất cập, sai sót đều đã được báo trước.
Các anh chị em đoàn sinh của người viết xưa kia, mấy ngày nay bàn luận về những hình ảnh bộ phim chưa chi mà đã có nhiều ý kiến lo ngại này rằng; Tôi nghiệp Đức Phật quá chừng khi hậu thế buộc Ngài phải di dời đến rừng cao su tuốt bên VN để thuyết pháp! – Khá mừng cho năm anh Kiều Trần Như sạch sẽ, no tròn sau tháng ngày khổ hạnh, vững bụng ngồi nghe Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên – Mấy nhân vật đóng vai các Thánh Tăng cũng vai no tròn trắng trẻo quá bắt mắt – Đạo diễn có cái nhìn khá độc đáo, muốn “phá cách” bằng hình ảnh chư Ni giới thời Phật tại thế chẵng khác chư Ni của theravada nên cung thỉnh chư Ni của Thiền viện Phước Sơn gần đó vô khung hình luôn cho tiện!- Trời ơi ! sau lưng y áo Đức Phật kìa! Trùm trên hở dưới, lộ hai bắp chân luôn, kỳ quá !- Vì “Đức Phật thấp bé nên khi vào nhà một Tôn Giả phải đứng trên bục gổ-két bia mới ngang bằng vị tôn giả nọ.- Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, người đã làm nên tôn tượng Phật Thích ca theo hình thể thẳng –vuông ở chùa Huệ Nghiêm (Bình Chánh) từ năm 1974 đến 1978, không ngờ rằng mình lại trở thành nhà thiết kế thời trang cho mẫu ý áo nhân vật Phật Thích Ca mặc trong phim này..vv…
Nghe thì rất buồn cười nhưng đó lại là sự thật, rất đau lòng. Tôi có thử bật lên câu nói mang triết lý “ba phải “ rằng Thôi Anh Chị Em mình là Phật tử, dù sao cũng nên ủng hộ để ê kíp có tinh thần làm tiếp, không nên bươi móc , tìm lỗi hoài thì biết bao giờ văn hóa PG mới có một bộ phim hay…
Anh Chị Em nói rằng thì cũng xuất phát từ đó mà tụi em mới nói chứ thật tình lâu nay cái gọi là Phim Phật giáo cũng có nhưng để tìm một bộ phim tròn vẹn thì hoàn toàn không. Nếu không thì bộ phim này cũng sẽ đóng góp vào cái kho tàng phế thải đó thôi.
Theo cách nhìn nhận của chú Minh Mẫn thì nên tạm thời cho dừng lại để chỉnh đốn các mặt hơn là cứ tiếp tục rồi sẽ chẳng tới đâu. Tôi nghe mà nhức nhối tâm cang vì chợt nhớ có đến hai vị thầy thay mặt Thượng Tọa Thích Chân Tính theo sát đoàn phim.
Anh Chị Em còn cho tôi xem một tấm hình chụp các em ngành Oanh Vũ Gia Đình Phật Tử hóa trang –chỉ nghiệp dư thôi- hình ảnh Đức Phật và Tôn Giả Mục Kiền Liên trong một buổi biểu diễn văn nghệ {đinh kèm). Điều quan trọng nhất nếu nhìn kỷ tấm hình chúng ta sẽ bắt gặp từ trong sâu thẳm tính chất con nhà Phật thực sự mới làm nên cung cách tròn vẹn như thế, chưa nói đến y áo, hình thể của các em trong tấm hình này, nó vẫn có cái gì đó giúp chúng ta an tâm hơn hình ảnh Đức Phật do diễn viên Tuấn Phương thể hiện trong bộ phim Phật và Thánh Chúng.
Đến từ câu chuyện hôm qua!
Ngay từ những ngày đầu của thập niên 90 thế kỷ trước. Khi tôi và nhiều cộng sự trình lên Thượng Tọa rất nhiều kịch bản của nhiều thể loại từ kịch nói, ca nhạc kịch, cải lương và cả chèo , thậm chí Hát Bội với nội dung chính là lịch sử Phật Thích Ca, chứ không phải lúc ấy không ai biết hoặc không có ai viết về những vở tuồng , kịch bản thuộc đề tải này đâu.
Nhưng Thượng Tọa Thích Đồng Bổn sau khi định hình các hình thái nghệ thuật, chuẩn bị cho bước khởi tiến đến vùng trời văn hóa văn nghệ Phật giáo bao la, đã từng có chủ trương và khẳng định chắc nịch rằng về cuộc đời Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni , nếu thể hiện qua nghệ thuật thì chỉ có điện ảnh mới phần nào dung chứa sự vĩ đại đó của Ngài một cách xứng đáng.
Thượng Tọa còn nói nền nghệ thuật Phật giáo mới có những bước đầu tiên, khi ổn định chúng ta sẽ kêu gọi sự hợp tác từ nhiều phía, kể cả không loại trừ khả năng liên kết với nước ngoài để thực hiện nghiêm túc tâm nguyện lớn lao này.
Trong quá trình chuẩn bị cho tâm nguyện cao cả đó thì được tin: Ngày 10/8/1995 tại chùa Diệu Giác, chư Ni sư và hãng phim Mekong (Hội Nhà Văn) cùng các diễn viên, nghệ sĩ họp báo ra mắt đoàn làm phim KHAI NGUỒN SÁNG của tác giả nhạc sĩ Hằng Vang. (báo Sông Bé số 1197 ngày 17/9/1995). Ban Văn Hóa thành hội PG tp.HCM bị…”việt vị”.
Đây chính là những thông tin ban đầu gây chú ý đến nhiều giới, và nhất là giới báo chí tìm đến lấy tin bài về sự kiện này, khiến Ban Văn Hóa Thành Hội lúc bấy giờ phải lên tiếng đại ý rằng Ban Văn Hóa thành hội chưa có chủ trương hoặc chưa có xét duyệt một kịch bản điện ảnh nào như thế, kề cả chưa có ai, đơn vị nào lên tiếng thỉnh ý cả.
Tín hiệu đèn đỏ này được êkíp làm Phim Khai Nguồn sáng nhận thấy rất nhanh chóng , để rồi sau đó từ kịch bản Khai Nguồn Sáng của Hằng Vang được hô biến thành Ánh Đạo Vàng của tác giả Võ Đình Cường, và tất nhiên nơi được gởi trình duyệt và cấp giấy phép cũng chính là nơi cư sĩ Võ Đình Cường đang tại chức Trưởng Ban : Ban Văn Hóa Trung Ương ! Ban Văn Hóa Thành Hội Tp.HCM thua…0-1 .
Khi bộ phim được hoàn thành và có tổ chức chiếu bản mộc tại xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu, mời ê kíp làm phim và Phật giáo đến xem nhằm tranh thủ sự thẩm định cuối cùng trước khi cho công chiếu. Phía Phật giáo gồm cố Hòa Thượng Thích Thiện Hào (Trưởng ban Trị Sự ), cố cư sĩ Võ Đình Cường (Trưởng Ban Văn Hóa TW), Hòa thượng Thich Giác Toàn (Trưởng Ban Văn Hóa thành hội PG tp.HCM), Thượng Tọa Thích Đồng Bổn (phó Ban Văn Hóa ) và người viết bài này.
Về phía thực hiện có cố Ni Trưởng Thích Nữ Bảo nguyệt và Ni sư Thích nữ Huệ Trí. Ngoài một vài nghệ sĩ diễn viên ra còn có diễn viên Công Hậu, Phước Sang.
Khi bộ phim vừa chiếu xong, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hào thì nở nụ cười hiền từ không nói gì. Cố đạo hữu Võ Đình Cường cũng không khác, hơn nữa vì đây là tác phẫm của đạo hữu nên rất khó nói. Hòa Thượng Thích Giác Toàn thì rõ ràng hơn khi nêu ra hai vấn đề, thứ nhất tại sao có danh xưng Ban Văn Hóa thành hội PG tp.HCM trong phần hạy chữ giới thiệu (générite) đầu phim; thứ hai cách vấn y áo của nhân vật Đức Phật không có thời Ngài tại thế, đó là của phái Khất Sĩ…
Diễn viên Công Hậu có phần lúng túng nhưng rất thiệt tình lý giải vì sao có danh xưng ban Văn Hóa thành Hội PG dù ngay từ lúc đầu đây không phải là bộ phim của Ban chủ trương và chịu trách nhiệm rằng :“Chúng con nghĩ khi hoàn tất bộ phim sẽ cúng dường tất cả cho Giáo Hội..”.
Cuối cùng Thượng Tọa Thích Đồng Bổn đưa ra ý kiến dung hòa rằng thôi thì đã lở thì nên thêm và vài chữ xem như có sự thông qua của Ban văn Hóa Thành hội. Buổi trình chiếu bản mộc chấm dứt trong khung cảnh nặng nề như thế.
Tưởng cũng cần nên nói thêm trong buổi trình chiếu đó, Ni sư Thích Nữ Huệ trí đã giải trình về những tai tiếng chung quanh bộ phim mà nạn nhân chính là Ni sư trong niềm xúc động. Sự việc này còn kéo dài mãi về sau khi mà bộ phim “Người Con Báo Hiếu” bị tai tiếng ác liệt hơn cũng bởi chính đạo diễn trẻ Triệu Hoàng Quân mà báo chí khi đó phải gọi là “Người Con Báo Đời”.
Các vấn đề này xin quý vị tìm đọc lại các bài báo Thêm một chuyện… báo đời (Tuổi Trẻ ngày 23/9/1997), Hãng Phim và Triệu Hoàng Quân phải chịu trách nhhiệm (Tuổi Trẻ 2/10/1997, Giao Trứng cho ác (Nguyệt san Công An ngày 11/10/1997, Nội Vụ Phim”Người Con Báo Hiếu” sẽ giải quyết ra sao? (Công an 15/10/1997.
Ở đây, chỉ cần đọc hai lời mào đấu của hai bài báo này chúng ta sẽ rõ thực hư. Lời thứ nhất :”Vào dịp lễ Vu Lan năm nay, tranh thủ mùa báo hiếu, một bộ phim mà cái tên phim rất “cơ hội” là Người Con Báo Hiếu đã được quảng cáo ì xèo. Tưởng là chuyện hiếu thảo thời nay, hóa ra là truyện cổ Phật giáo Mục Liên Thanh Đề được chế tác lại. Nếu như mọi việc diễn ra suôn sẻ thì bộ phim này “trúng mánh”. Nhưng chuyện báo hiếu đâu không thấy, mà lại trở thành báo đời (Như Nguyên-Tuổi Trẻ 23/9/1997).
Lời thừ hai : Từ Ánh Đạo Vàng đến “Mục Liên Thanh Đề”, hai bộ phim đếu gắn với tên một “đạo diễn” trẻ nhưng lại có “thành tích” làm phá sản các chủ phim cả tin, nhẽ dã. Trong khi các chủ phim chiếm lĩnh thị trường p[him ành gần như bất “án binh”, thì một vụ việc tệ hại đang nổ ra trong giới điện ảnh. Đi đến đâu cũng nghe người trong giới bàn tán ì xèo về bộ phim “Người Con Hiếu Thảo” và tay “đạo diễn” tài hèn và đức mỏng Triệu Hoàng Quân” (NHóm PVVH-VN CôngAN 11/10/1997).
Thật không vui chút nào khi lật lại những tờ báo cũ đã hoen màu ố vàng của thời gian ấy, thế nhưng làm sao không nhắc lại khi chuyện hôm nay có chìu hướng đi vào những cơn sóng gió đó mà chúng ta vẫn có thể chận đứng nay từ bây giờ bằng tất cả sự chân thành dành cho nghệ thuật PG và tinh hoa Phật học.
May mà êkíp làm phim Phật và Thánh Chúng không dùng đến cụm từ Thông Điệp bộ phim muốn gởi đến mọi người để lên lớp người xem như một vài sự kiện gần đây, làm ít mà nói quá nhiều và tất nhiên giới thiệu danh xưng chức vụ tràn lan. Thật đáng lo ngại biết bao.