Trang chủ Tin tức Nhạc sỹ của Vesak

Nhạc sỹ của Vesak

89

Thầy Quang là thành viên IOC (Ủy ban quốc tế tổ chức Đại lễ Phật đản).


Bài ca Vesak thiêng liêng (Holy Vesak) đã vang lên trang trọng trong buổi sáng khai mạc Đại lễ Phật đản ngày 14/5 vừa qua, với sự trình diễn của 150 nghệ sỹ Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị.


Thầy Quang nói: Trước khi đi tu, tôi đã sáng tác. Bỏ một thời gian không viết cho đến khi lên núi mở chùa, có thời gian rảnh mới ngồi viết lại.


Đến nay tôi có khoảng hơn 40 ca khúc, cả nhạc đạo lẫn những ca khúc về tình yêu thiên nhiên, đất nước. Ca khúc của tôi biểu diễn tại các chùa, thu thành CD, DVD. Tôi cũng chả nhớ đã phát hành bao nhiêu đĩa, nhưng cứ sáng tác đều đặn, đầu năm tới giờ đã có 6 bài. Cũng không hiểu tại sao, có lẽ do nhiều điều mình cần phải nói qua âm nhạc.


Thầy viết bài Vesak thiêng liêng như thế nào?


Tôi là thành viên IOC (Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak) tại Việt Nam. Tôi nghĩ trong không khí Vesak nên có một bài ca thiên về Phật đản phổ biến cho cộng đồng Phật tử để họ có thể mở nhạc trong nhà, trong chùa. Tôi cho tập hợp tất cả những bài nói về ý nghĩa ngày Phật đản.


Nhưng rồi tôi nghĩ tại sao lại không có một bài ca mới đón chào sự kiện này một cách long trọng trang nghiêm, khi đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc, qua hơn 2.000 năm đạo Phật du nhập vào Việt Nam? Lúc đó tôi đang bệnh, nhưng cũng bảo đệ tử rằng “Chắc thầy sẽ viết một bài”.


Tôi hình dung đó phải là một bài ca đảm bảo sự trang nghiêm và tính quốc tế, nói lên ước mơ hòa bình, tình yêu thương. Từ đó, những nét nhạc bật lên: Cả thế giới hân hoan đón ánh mặt trời.


Tôi cầm đàn chơi thử đoạn đầu, để tạo cảm xúc cho những quãng sau. Tôi ngạc nhiên nhất là ở đoạn ba, tôi viết như một lời nói, không nghĩ rằng người ta sẽ thích. Không ngờ người ta thích nhất đoạn cuối cùng ấy: Người là ước mơ yên bình, Người là ánh sao trên trời, Người là núi cao vời vợi trăng chiếu ngang đồi…


Khi anh Bảo Phúc phối khí, anh ấy bảo đoạn này đem ra cho sinh viên luyện thanh được vì câu rất dài (cười). Viết xong, tôi đưa cho đệ tử dịch sang tiếng Anh.


Đến phiên họp trù bị IOC lần thứ hai, tôi đưa bài Vesak thiêng liêng ra hát. Một số người Mỹ góp ý cho tôi về ca từ bằng tiếng Anh. Tôi đồng ý sửa một vài từ, và cảm thấy sửa xong nó hay hẳn lên, chẳng hạn họ dùng chữ “herald new dawn” (ca ngợi ngày mới) rất hay.


Như vậy, Vesak thiêng liêng được hoàn thành trong bao lâu, thưa thầy?


Trong một tháng. Cảm xúc đến nhanh, phần lời thì phải chăm chút kỹ cho dễ hiểu, chính xác và tinh tế.


Thầy cảm nhận thế nào về Đại lễ Phật đản tại Việt Nam?


Lần đầu tiên chúng ta đăng cai, không tránh khỏi những thiếu sót và lúng túng. Phải chấp nhận điều đó. Cái đặc biệt nhất trong Đại lễ là vai trò của Nhà nước.


Trong 17 ngày cuối cùng, Chính phủ nhận thấy bên Giáo hội Phật giáo Việt Nam và IOC chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa quen huy động người để làm mọi việc cho bài bản, nên rõ ràng có lúng túng. Phía Nhà nước đã tham gia tích cực vào từng ban, từng phần và đẩy ngày lễ lên thành công cho đến ngày hôm nay.


Mọi việc diễn ra rất tốt đẹp trong từng chi tiết nhỏ, an toàn, lễ nghi trang trọng, nhân viên phục vụ chu đáo và chuyên nghiệp. Chỉ có sơ suất một chút là trong hội thảo chiều 15/5, dù đủ thiết bị nhưng lại không đủ người dịch để chia ra 7 phòng hội thảo theo nhóm.  


Ngoài Đại lễ ở Hà Nội, bài Vesak thiêng liêng vang lên ở những đâu, thưa Thượng tọa?


Tôi không biết rõ lắm, nhưng trong ngày Phật đản ở chùa Đại Nam (Bình Dương) đã dùng bài này cho đêm bế mạc. Các nơi như Đồng Nai, Huế cũng dùng Vesak thiêng liêng.


Thầy làm quen với âm nhạc lâu chưa? Thầy hài lòng nhất với ca khúc nào do mình sáng tác?


Tôi học nhạc từ nhỏ. Ca khúc nào tôi cũng yêu mến. Tôi không bị áp lực phải sáng tác, chỉ viết khi nào sự tình đến với mình, tác động vào cảm xúc của mình.


Tháng 5 này, thầy còn sáng tác những ca khúc nào?


Tôi vừa sáng tác bài Blood in my heart, viết riêng cho những đứa trẻ người Việt sống tại Mỹ, nhắc họ nhớ về cội nguồn dân tộc: “Tôi cảm thấy trong tim tôi có một dòng máu chảy từ nơi mà bố mẹ tôi vẫn gọi là Việt Nam…”. Nhạc sỹ Bảo Phúc đang phối khí ca khúc này, và sắp tới sẽ tung lên các trang web âm nhạc. Rừng ơi, Quê hương yêu dấu, Thế giới thanh bình cũng là những ca khúc mới của tôi.


Tôi nhận thấy nhiều người nhận ra và vái thầy từ xa. Thầy đã thuyết pháp ở nhiều nơi?


Tôi thuyết pháp nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ ra khỏi biên giới. Hôm qua là lần đầu tiên tôi thuyết trình bằng tiếng Anh. Nhờ Phật độ hay sao đó mà nói khá lưu loát (cười).


Xin cảm ơn Thượng toạ Thích Chân Quang