– Việt Nam sẽ tổ chức Đại lễ Phật đản vào giữa tháng 5 tới. Và bản nhạc Phật do nhạc sĩ viết sẽ được biểu diễn nhân sự kiện này. Nhạc sĩ có thể giới thiệu về bản nhạc Phật được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay?
– Lễ Phật đản được UNESCO công nhận năm 2000 là lễ hội lớn nhất của nhân loại. Đó là dịp để những người theo đạo Phật kỷ niệm ngày sinh của Đức phật. Đại lễ Phật đản năm nay được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của hàng nghìn quan chức đến từ nhiều nơi trên thế giới. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung.
Trước tiên, bản nhạc ra đời nhằm tôn vinh Đức phật Thích Ca Mâu Ni, tôn vinh Đại lễ Phật đản. Trong khi những bản nhạc để ca ngợi Chúa trời của Công giáo có từ thế kỷ thứ 7 thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo có một bản nhạc viết theo quy mô lớn như thế. Mong muốn của tôi khi viết bản nhạc này là phục vụ tốt nhất cho Đại lễ Phật đản và qua đó bổ sung cho nền âm nhạc Việt Nam, trong đó có dòng nhạc Phật.
Bản nhạc, dài 40 phút, mang tên là “Khai giác” lấy từ chữ “Ấn hiện hư vô tính khai giác” viết cho một giọng nữ cao, một giọng nam cao, một giọng nam trầm, một giọng nam đọc thơ. Một đại hợp xướng gồm 300 hợp xướng viên là các tăng ni, phật tử và nhạc công sẽ tham gia vào bản nhạc này. Dường như ban tổ chức muốn đưa bản nhạc này vào kỷ lục Ghi-nét Việt Nam nên rất quan tâm đến chất lượng của nó.
– Điểm đặc biệt của bản nhạc là gì?
– Bản nhạc này sử dụng một bài kinh kệ dài 7 trang của một tín đồ Phật giáo tên là Ngô Minh Thơm. Chị này đã đặt tôi viết. Khi nhận tập thơ, tôi rất đắn đo vì đây thực sự là công việc khó khăn, bởi lẽ nó không đơn thuần là bản nhạc mà còn phải mang tính chất tâm linh, nội tâm khác thường. Sau khi suy nghĩ rất lâu, tôi quyết định phổ nhạc. Chị Ngô Minh Thơm rất hiểu tôi nên đã cho tôi toàn quyền sử dụng bài thơ của chị. Tôi có thể cắt, xén, gọt giũa tùy theo ý của mình. Tuy nhiên, lúc đó tôi không nghĩ bản nhạc này sẽ được biểu diễn tại Đại lễ Phật đản.
Bản nhạc đi từ cuộc đời của Đức phật Thích Ca Mô Ni và lấy bài thơ lồng vào cuộc đời của Đức phật. Có như vậy bản nhạc mới đứng vững. Bản nhạc có 7 chương gồm nhập thiền, tử, sinh, ác quỷ, thiền, bay lên và niết bàn. Riêng chương cuối cùng chỉ dùng ca từ gồm 6 chữ: Nam mô a di đà phật.
– Nhạc sĩ lựa chọn phong cách nào cho bản nhạc?
– Tất nhiên, tôi lựa chọn nhạc truyền thống dân tộc. Bản nhạc đã khai thác nhạc ngũ cung và một số nhạc dân tộc như tuồng, chèo, tài tử Nam Bộ. Nhưng tôi không muốn dừng lại ở mức đơn thuần mà muốn cách tân và phát triển đến nhạc bác học hiện đại. Song đó chỉ là mong muốn của tôi, tất cả còn phụ thuộc vào các nhạc sĩ trong nước (cười).
– Mục đích để tạo cho người nghe là gì?
– Bất cứ một nhạc sĩ nào khi cho ra đời tác phẩm của mình đều mong muốn có nhiều người nghe. Mong muốn của tôi cũng vậy. Đó là làm cho người nghe, dù không phải là người yêu thích âm nhạc hay am hiểu âm nhạc, nhưng vẫn có cảm xúc khi nghe bản nhạc. Do đó, người nghe sẽ đón nhận bản nhạc này với một lòng tin sâu sắc vào Đức phật Thích Ca Mô Ni.
– Chi phí để viết tác phẩm này?
– Không thể đặt vấn đề kinh tế ở đây được. Là một nhạc sĩ có mong muốn là phục vụ đất nước, cống hiến cho dân tộc một bản nhạc nhân dịp lễ Phật Đản, nên chi phí ở đây rất thấp, chỉ bằng 1/10 so với ở nước ngoài thôi. Chúng tôi đã tập bản nhạc này được một tháng tại Nhạc viện Hà Nội. Dự kiến bản nhạc sẽ được biểu diễn vào ngày bế mạc Đại lễ Phật đản.
– Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, một Việt kiều Pháp được Nhà nước Việt Nam tặng huân chương Kháng chiến hạng ba; huy chương Chiến sĩ Văn hóa. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo là nhà soạn nhạc được ghi tên vào từ điển Danh nhân Thế giới Le Petit Larousse từ năm 1982, người nhận được giải thưởng “André Caplet” của Hàn lâm viên Mỹ thuật Pháp cho toàn bộ tác phẩm của mình năm 1983; được Chính phủ Pháp tặng Huân chương “Chevalier des Arts et des Lettres” năm 1984. |