Là người gửi hồn nơi cửa Phật, song, đến với âm nhạc, người nhạc sĩ ấy như lại được “sống” với thế giới của trần thế với bao nhiêu cảnh vật, con người, bao nhiêu cảm xúc và nỗi niềm đan xen. Với cái nhìn sâu sắc và đầy nhân văn của một nhà sư, các ca khúc của người nhạc sĩ này còn rất đặc biệt bởi luôn hòa quyện, nhuần nhuyễn những triết lý sâu xa của đạo Phật. Ông là nhạc sĩ – Thượng tọa (TT) Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang, TP Vũng Tàu.
Gửi hồn vào âm nhạc
Chùa Phật Quang – nơi TT Thích Chân Quang đang trụ trì nằm nép mình trong thung lũng nhỏ được bao quanh bởi dãy núi Dinh. Từ thuở nhỏ, TT Thích Chân Quang đã rất yêu thích âm nhạc. Trong nhà có người cậu ruột biết chơi đàn ghi-ta nên những lúc học xong, ông thường tìm đến để nghe cậu đàn như một nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Học lớp 5, ông đã tự mày mò đánh đàn ghi-ta rồi tự học pi-a-nô và nhạc lý.
Khi đang làm công tác phụ trách thanh niên tại Đồng Nai, như bao nhiêu bạn trẻ khác, ông rất yêu thích bài hát Lá Đỏ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nên viết bản hợp xướng bài hát này để Đoàn góp phần chào mừng ngày Quốc Khánh 2-9 năm 1976.
Từ đó đến nay, ông đã sáng tác được 78 ca khúc với nhiều chủ đề xoay quanh lòng yêu nước, yêu thiên nhiên, ca ngợi con người và tình người, 10 bài hát sinh hoạt đạo tràng, 12 bài hát nghi lễ và viết chung với Linh mục Trọng Khẩn 2 bài hát. Đặc biệt, từ khi bước vào cuộc sống một nhà tu hành, không gian thanh tịnh của cõi thiền đã giúp cho tâm hồn người tu sĩ trong ông có nhiều suy ngẫm sâu sắc, lắng đọng về nhân tình, thế thái.
Không khao khát trở thành nhạc sĩ, nhưng mỗi khi nắm bắt được hình ảnh đẹp trong thiên nhiên, trong đời sống hoặc phát hiện một bài thơ hay, TT Thích Chân Quang lại cho “ra đời” một ca khúc mới. Mỗi bài hát của TT Thích Chân Quang đều chuyển tải một nỗi niềm trầm lắng, u hoài hay sôi động, rộn rã thay cho lời tự sự với đời, phù hợp với tình cảm, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Như những lời bày tỏ với đấng sinh thành trong các ca khúc “Trái tim người mẹ”, “Nhớ về cha”; với tình yêu thiên nhiên có bài “Rừng ơi”, “Khúc hát mưa rơi”, “Giọt nắng ban mai”; với quê hương đất nước có bài “Tình quê hương”, “Xuân an vui”, “Tổ quốc Việt Nam”, “Đi giữa Hà Nội”, “Nghìn năm Thăng Long”…
|
Những lúc rảnh rỗi, TT Thích Chân Quang vẫn gắn bó
với cây đàn pi-a-nô.
|
Cháy bỏng tình yêu Hà Nội
Tuy không được sinh ở thủ đô văn hiến, nhưng tình yêu đối với Hà Nội luôn cháy bỏng trong con người TT Thích Chân Quang. Ngay từ nhỏ, ông đã mơ ước có ngày được ra thăm Hà Nội. Khi trở thành một tu sĩ, ông càng thấy gần gũi, thân thương với mảnh đất kinh kỳ như từ thủa nào. Ông nói vui: “Chắc kiếp trước tôi đã là người Hà Nội!”. Cuối năm 2002, ý nguyện đến Hà Nội đã thành hiện thực khi TT Thích Chân Quang đi thuyết giảng bài Nhân quả Công bằng.
Ông kể, khi đặt chân đến đất Hà thành, ông đã vòng qua khắp phố phường Hà Nội chỉ để ngắm những con phố rợp bóng cây, dáng vẻ thâm nghiêm và lắng nghe tiếng chuông u trầm từ phía Tây Hồ ngân vọng. Sau đó 4 năm, lại có dịp trở lại Hà Nội, viếng thăm Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông mất 3 ngày viết xong bài hát “Đi giữa Hà Nội” với những ca từ đầy cảm xúc sâu lắng: “Rồi buổi chiều nắng rơi vàng trên Hồ Gươm; Giọng Hà Nội tiếng muôn đời sao là thương; Về Hà Nội thấy thêm niềm yêu Tổ quốc; Nguyện lòng rằng sẽ không phụ ơn của Người…”.
Một trong những bài hát viết về Hà Nội thành công nhất của TT Thích Chân Quang chính là bài “Nghìn năm Thăng Long”. TT Thích Chân Quang bộc bạch, cuối tháng 5- 2008, ông trở ra Hà Nội để thuyết pháp. Sau khi đi chiêm bái các danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử, TT Thích Chân Quang cảm thấy những dấu ấn quá khứ của hào quang Thăng Long như tái hiện rất rõ trong tâm thức, cuốn hút ngay vào những vần điệu, những cung bậc và ca từ. Đặc biệt, hình ảnh vua Lý Thái Tổ đã gây ấn tượng mạnh mẽ với ông, bởi vua Lý Thái Tổ từng lớn lên từ cửa chùa. Ngay khi trở về chùa Phật Quang, TT Thích Chân Quang đã chắt lọc từng câu, từng chữ và từng phách nhạc và hoàn thành bài hát “Nghìn năm Thăng Long” sau những cảm nhận sâu sắc về hồn thiêng dân tộc.
Có thể nói, tất cả những gì tinh hoa nhất của hàng sĩ phu Bắc Hà và biểu tượng về nền văn hiến của cố đô Thăng Long đã được TT Thích Chân Quang dành tâm huyết thể hiện trong nhạc phẩm “Nghìn năm Thăng Long”. Bài hát đã phục hiện lớp lớp quân sĩ với bóng câu, rợp cờ tiến quân trong tiếng hò reo lẫn ánh thép của những đường gươm oai hùng đánh ngoại xâm. Hình ảnh linh thiêng của vua Lý Thái Tổ nổi bật giữa trùng trùng các quần thần trong âm thanh lừng vang của không gian đất trời khi dời đô về đất Đại La xây đắp cơ đồ đã mở đầu cho ca khúc “Nghìn năm Thăng Long”: “Thuyền về trên sông dậy sóng; Người về xây đắp cơ đồ; Trùng trùng quân theo nhịp trống; Hào hùng linh khí kinh đô…”.
Nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam nhận xét: “Bài hát “Nghìn năm Thăng Long” được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao về nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật. Đặc biệt, chất mới lạ của ca khúc này là nhạc sĩ đã kết hợp khéo léo giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, lời và nhạc của ca khúc đan xen nhau những âm hưởng nhấn nháy lẩy hạt ca trù, âm “í” của chèo, âm “a” của tuồng, dô ta của nhịp chèo trong nhịp gõ, tiếng cồng, tiếng trống phách nhạc cụ truyền thống, tạo nên nét đặc trưng của bài hát. Đó là điểm khác biệt lớn nhất trong hòa âm phối khí mà chưa có ca khúc nào viết về Thăng Long trước đó có được”.
Lời bài hát “Nghìn năm Thăng Long” cho thấy, niềm mơ ước của TT Thích Chân Quang cũng là mơ ước của hàng chục triệu người dân Việt Nam đó là đất Việt sẽ mãi mãi an bình, trở thành con rồng của Châu Á trong tương lai: “Tình yêu non nước đong đầy; Hồn thiêng sông núi còn đây; Gửi lòng ra bốn phương trời, xây tình nhân ái đẹp tươi; Nghìn sau xin nắm tay nhau để cho hạnh phúc bền lâu; Thủ đô yêu dấu muôn đời; Rồng bay trên khắp đất trời”. Bài hát “Nghìn năm Thăng Long” của TT Thích Chân Quang là một bài hát hay, giàu ý nghĩa và gợi nhiều cảm xúc cho thế hệ trẻ hiểu biết thêm về cội nguồn dân tộc.
( Theo Công an Đà Nẵng )