“Tôi sinh ra dưới một mái chùa. Nghe kể rằng sư phụ tôi khi ấy còn trẻ, một hôm đi ngang bỗng động tâm hỏi: “Mô Phật, sao sau chùa lại phơi tã lót?”. Nghe chuyện đời cha tôi, thầy bảo: “Hãy nhớ ngày này. Nếu có cơ duyên, mười năm sau ta sẽ trở lại”. Trở về thầy bỏ tăng viện, lên một ngọn núi hẻo lánh trong rú xa, dựng mấy nếp nhà cỏ. Từ ấy, thầy ẩn tu, hiếm khi xuống núi…” … “Tôi tưới cây bằng nước giếng chùa. Hoàng lan lớn lên, năm này qua năm khác, nở hoa vàng mong manh. Mong manh như tất cả những gì đẹp trên thế gian. Tôi cầm lòng thôi thương, thôi nhớ”…
Truyện ngắn Thương nhớ hoàng lan của nhà văn nữ Trần Thùy Mai được mở đầu và kết thúc như vậy. Một câu chuyện thấm đẫm tinh thần Phật giáo, tưởng như của một người chuyên tâm hành trì, hướng đạo viết ra, với một tâm thức vượt qua những mê cuồng của tham sân si mà kể chuyện đời mình cho đọc giả cùng hạnh ngộ. Kỳ thực đó chỉ là một trong rất nhiều tác phẩm mà tác giá Trần Thùy Mai đã viết. Cho đến nay, chị đã có 11 tập truyện ngắn. Mưa ở Strasbourg là tên tập truyện ngắn mới nhất mà chị vừa ra mắt năm 2007.
Bên tách trà đã trò chuyện với chế về các truyện ngắn của chị cũng như vai trò của tôn giáo trong đời sống tinh thần của một nhà văn hiện đại.
PV: Chị từng có không chỉ một truyện ngắn viết về đề tài Phật giáo. Viết về đề tài này đối với chị có gặp nhiều khó khăn quá hay không? Chắc chắn, ít nhất, chị cũng phải “trang bị” cho mình một “vốn liếng” về giáo lý Phật giáo và dành không ít thời gian để nghiền ngẫm nó?
Nhà văn Trần Thùy Mai: Phật giáo và văn hóa Phật giáo là một biển rộng, mỗi người bơi trong biển ấy tùy theo sức của mình. Tôi có đọc ít nhiều sách Phật, không dám nói là biết Phật pháp vì làm sao bơi qua đại dương được. Nhưng thơ thiền, Phật thoại và những mẩu chuyện về nhà chùa trong cuộc sống thực có thể là nguồn cảm hứng rất phong phú cho người viết truyện…
PV: Thật ra, với các nhà văn “cao tay ấn”, hình như tôn giáo cũng chỉ là một cái cớ, một không gian, một chất liệu… để họ bày tỏ những tâm tư, tình cảm, những cách nhìn về cuộc sống của mình. Tất nhiên, tâm tư ấy, tình cảm ấy đã được phóng dọi qua lăng kính của người cầm bút với những luồng quang phổ tâm linh gắn bó đời sống. Nhưng viết sao cho độc giả dù theo tôn giáo nào, dù có đời sống tâm linh sâu thẳm hay cạn cợt vẫn có thể tiếp nhận tác phẩm của mình, vẫn cảm thấy nhà văn viết về tôn giáo đó mà không phải truyền giáo, lại không mang đến cảm giác khô khan, nặng nề giáo lý triết lý hoặc bị rơi vào hình thức vay mượn huyền sử, thuần chất vẫn một tác phẩm văn chường, điều đó không hề đơn giản…
NV Trần Thùy Mai: Tôi nghĩ ở đây không phải là chuyện tay ấn cao hay thấp, mà chỉ là vì mục đích viết mỗi người mỗi khác. Nhiều nhà văn viết về nhà chùa với mục đích hoằng dương chánh pháp, truyền bá giáo lý đạo Phật, như các nhà văn Võ Đình Cường, Trần Kiêm Đoàn… chẳng hạn.
Còn tôi, tôi chỉ đi vào khu vườn đầy hoa trái của văn hóa Phật giáo để lấy chất liệu cho những câu chuyện về cuộc sống của con người. Nền văn hóa Việt Nam được hình thành trên cơ sở tam giáo đồng nguyên nên trong sâu thẳm tâm hồn người Việt không thể không có ảnh hưởng của văn hóa tôn giáo dù có người không ý thức được rõ ràng điều đó. Vì vậy viết về con người tất sẽ có lúc phải nhắc tới những dấu vết của tôn giáo trong cuộc sống của họ.
PV: Một vấn đề nghe khá “cũ”, nhiều người cho rằng để đạt được một lối viết tinh tế và có sức nặng, ngoài bản lĩnh, sự trau dồi nghề nghiệp và tài năng, nhà văn còn phải có một chữ Tâm. Cái Tâm trong đời sống và trong nghiệp viết của một nhà văn theo chị là gì?
NV Trần Thùy Mai: Là sống chân thật và hết lòng thương yêu, theo tôi chỉ giản dị như vậy thôi.
PV: Sống Ở Huế, một miền đất có nhiều dấu ấn và không khí Phật giáo, chị có bị ảnh hưởng, đắm mình trong không khí đó? Nghe nói, đi chùa là một trong những sở thích của chị?
NV Trần Thùy Mai: Ở Huế có nhiều chùa đẹp. Riêng vùng Nam Giao tôi ở có hơn một trăm ngôi chùa. Đặc điểm của chùa Huế là thường gắn liền với thiên nhiên trong lành, có sông hoặc núi đồi gần bên. Ở Huế không chỉ Phật tử mới đến chùa, và đến chùa không hẳn lần nào cũng để lễ Phật. Đi chùa, tảo mộ, không phải chỉ là để cúng bái, mà là những dịp để trở về với thiên nhiên và gần gũi với nguồn cội tâm linh của mình.
PV: Chị thường đi chùa để chơi, để thiền tịnh hay để tìm cảm hứng sáng tác?
NV Trần Thùy Mai: Với tôi, đi chùa là tìm đến một không gian văn hoá để làm lòng mình thanh tĩnh lại và tâm hồn phong phú hơn trước cuộc sống.
PV: Cũng nghe nói, trong nhà chị có treo hai bức thư pháp. Một, chữ “Tâm” do thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh ở chùa Huyền Không Sơn Thượng phóng bút. Còn một bức thư pháp chữ Hán, ai đến cũng thấy lạ và đều thích. Hình như đó là một bài thơ, hay một bài kệ… Chị treo và sẽ đọc nó những khu muốn tâm mình bằng an?
NV Trần Thùy Mai: Thầy Phước Thành là bậc thầy về thư pháp Hán, thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh là bậc thầy về thư pháp Việt. Chữ của cả hai vị đều không dễ dàng xin được, tôi có duyên thỉnh được hai bức tự ấy là vì đã chịu khó sắp hàng sau lưng rất nhiều người nhân một ngày lễ Vu lan tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán. Nội dung bức chữ của thầy Phước Thành làm tôi rất ngạc nhiên: “Bất tục tức tiên cốt – Đa tình thị Phật tâm”. Sau khi nghe thầy giảng giải rằng đây là hai câu thơ của sư thầy Giác Tiên, vị Tổ khai sơn chùa Trúc Lâm, tôi bèn thưa thầy rằng con là người chuyên viết truyện về tình yêu, xin cho con câu này treo trong nhà cho nhớ.
Hôm đó thấy Minh Đức viết toàn chữ Tâm và chữ Nhẫn. Tôi không hợp với chữ Nhẫn, nên xin thầy cho chữ Tâm. Đó là những chữ mà đa số người Huế đều có treo chúng nằm trên vách như những cái bến để con thuyền tâm tư của mỗi người có hướng quay về. Người Huế có thói quen chuộng thư pháp Hán hơn thư pháp Việt. Nhưng một lần tôi tiếp một nhà văn nữ người Nhật, chị ấy hỏi “Đây là chữ Việt à?” với một vẻ ngạc nhiên đây ngưỡng mộ. Từ đó tôi hiểu thư pháp Việt có giá trị rất riêng của nó, chứ không phải là “cua bò sáng trăng” như nhiều người nghĩ.
PV: Thường xuyên đi chùa, vậy chị có xem mình là một Phật tử? Trong cuộc sống, chị khuôn mình theo giáo lý nào đó nữa không?
NV Trần Thùy Mai: Thành thực mà nói, tôi không muốn khuôn mình trong giáo lý của riêng một tôn giáo nào.
PV: Vậy đâu là “giáo lý” của cuộc sống và ngòi bút của chị?
NV Trần Thuỳ Mai: Tôi không phải là người học đạo để cầu giải thoát. Tôi chỉ muốn được tắm gội trong văn hóa tôn giáo để làm cho cuộc sống đẹp hơn. Theo tôi các tôn giáo chân chính đều dạy người ta làm lành, tránh ác, cũng làm cho con người trở nên hiền lương và văn minh.
PV: Chị có quan tâm đến Phật giáo trong đời sống hiện đại hôm nay không? Cuộc sống đời thường có quá nhiều bộn bề, nhiều vấn đề để một nhà văn phải quan tâm. Theo chị, tôn giáo hay điều gì sẽ là cứu cánh cho đời sống tâm linh của con người hiện đại?
NV Trần Thùy Mai: Cuộc sống của chúng ta tất yếu sẽ càng ngày càng công nghiệp hóa, và càng phát triển thì con người càng bị cuốn vào cuộc đua hối hả của toàn nhân loại. Tâm linh sẽ là điểm tựa không thể thiếu giúp con người khỏi đánh mất mình. Chỗ nương dựa ấy tôi thường gọi là chân tâm sẽ là nơi xuất phát mọi hành vi hướng thiện, để mỗi người trở thành một trung tâm của tình thương yêu, sự tha thứ, những gì làm cho cuộc đời này trở nên đẹp và đáng sống hơn.
Quan trọng hơn, giữ được chân tâm thì con người sẽ luôn là chính mình, tránh được khỏi trở thành một chi tiết máy trong guồng máy khổng lồ – bi kịch lớn của thời hiện đại.
PV: Trong truyện ngắn Thương nhớ hoàng lan, chị đã viết về một mối tình cầm lòng thôi thương thôi nhớ của một người con gái và một nhà sư – câu chuyện mà chúng tôi đã dẫn ra. Có thể nói, đó là truyện ngắn thẫm đẫm chất Phật giáo nhất trong số các truyện ngắn mà chị sử dụng chất liệu là ngôn ngữ Phật giáo, nhân vật là các vị tiểu tăng, sư giữa đạo và đời, giữa cửa chùa và thế tục, không gian là chùa chiền đâu đó quanh thành Huế… Chị có thể nói gì về truyện ngắn này? Cảm hứng nào đã thôi thúc chị viết truyện ngắn ấy?
NV Trần Thùy Mai: Đó là một câu chuyện hầu như có thực, nhưng tôi không định viết để mà nói về một ai. Điều tôi muốn nói qua tác phẩm là sự lựa chọn trước những vấn đề sinh tử của cuộc sống. Và qua đó, nói lên vẻ đẹp của con người thấm nhuần văn hóa tôn giáo: chú tiểu Đăng Minh và cô bé Lan đều là những tâm hồn trong trắng, biết thương yêu và hy sinh. Tôi chắc rằng những gì mà Đăng Minh trong truyện đã sống, cũng là những gì mà các tiểu tăng đều phải trải qua trong cuộc đời tu hành của chính mình…
PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện cởi mở này!