Tôi nằm yên lắng nghe tiếng dép mẹ đi lại, tiếng nấu nướng của mẹ dưới bếp… không thể lẫn với bất kỳ thứ âm thanh nào khác. Mẹ dậy sớm để đun nước pha trà, nấu lại đồ ăn cho các con. Mẹ đi vén màn cho từng đứa. Dường như, việc những đứa con của mình ở nhà đông đủ, đang nằm ngủ ngay kia với mẹ thật khó tin. Như hôm qua, mẹ khoe với cô Năm hàng xóm “chúng nó đã về hết rồi” mà tôi nghe giọng mẹ xúc động không nguôi.
Dường như với mẹ, Tết chỉ đến khi anh em chúng tôi đã có mặt đông đủ ở nhà. Ngay khi đón chúng tôi từ đầu ngõ, mẹ không ngớt hỏi, con Út có bị say xe không, con Ba mua chi nhiều bánh trái thế, còn tôi – thằng Hai, khi nào sẽ dắt người yêu về… Câu chuyện đó cứ quanh quẩn cả ngày kể từ khi anh em chúng tôi bước chân về lại ngôi nhà thân yêu của ba mẹ. Và cũng từ lúc ấy, mẹ chưa bao giờ thôi cười.
Rồi mẹ dọn cho chúng tôi bữa sáng đầu năm mới, nhìn lũ con quây quần bên mâm cơm Tết, ăn những món mẹ nấu sau một năm “cơm hàng cháo chợ”, nghe chúng hít hà khi gắp những món ăn yêu thích, với mẹ, bao nhiêu đó đã quá nhiều cho những ngày Tết, cho nỗi chờ mong suốt một năm qua. Những bữa ăn sum vầy thế này dường như cũng giúp mẹ ăn nhiều hơn. Chỉ một cái gắp đũa vào chén của mẹ cũng làm mắt mẹ ánh lên niềm hạnh phúc.
Nhà tôi nằm trên con dốc đầu làng. Trong các ngày Tết, những chuyến xe du xuân cứ nối đuôi nhau chạy về phía trước. Mẹ bảo, sao người ta cứ đi tìm những niềm vui ở tận đâu, có niềm vui nào bằng tại ngôi nhà mình, những đứa con đã lớn lên, tìm phương lập nghiệp, giờ lại quay trở về ăn Tết với ba mẹ. Năm mới, mẹ chỉ cần nhìn thấy chúng tôi khỏe khoắn sau 365 ngày bôn ba, nhìn thấy con bé Ba, bé Út đã phổng phao thành thiếu nữ ngoan hiền, và tôi, đứa con trai nông nổi của mẹ ngày nào trở thành một người đàn ông vững chãi.
“Tết mà”, mẹ tôi luôn miệng bảo thế. Ừ, tết mà, chúng tôi đi xa lập nghiệp cũng chỉ mong đến ngày này, ngày mà trong căn nhà nhỏ bé của tôi ấm áp vị sum vầy.