Lung linh một trái tim Thấy tôi loanh quanh trước chùa, nhưng lại không cầm nhang, không có trái cây lễ Phật, bà bán hàng rong trước chùa Kỳ Quang II hỏi: “Có phải chú định vào chùa để mát-xa Nhật? Vào đi! Các con thầy Thiện Chiếu sẽ bấm huyệt, châm cứu cho chú. Hay lắm”. Mát-xa kiểu Nhật, do ông Sasaki – một người mù ở Kobe-Nhật Bản truyền dạy và đang được áp dụng tại đây, tôi có nghe nói. Nhưng chuyện thầy Thích Thiện Chiếu (trụ trì chùa Kỳ Quang II – P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM) có… “các con” thì nay mới nghe. Hôm gặp thầy Thiện Chiếu, tôi mạo muội hỏi thầy chuyện này. Thầy nói: “Thầy hay thức sớm để tụng kinh, thỉnh thoảng lại nghe có tiếng “oe oe” trước cửa chùa. Lúc thì người ta bỏ đứa bé vào trong cái thùng các-tông, lúc thì quấn trong cái chăn. Thầy biết có ai đó đã từ chối một sinh linh vừa chào đời, thầy mang vào chùa nuôi”. Vài ba tháng, thầy lại có thêm một “đứa con”. Biết chùa hay làm phước cứu người, thỉnh thoảng các bệnh viện điện thoại đến nhờ thầy nuôi hộ một đứa bé bị sản phụ bỏ lại bệnh viện. Nghe chuyện, thầy lại xếp kinh kệ, chạy đi… Trong chùa hiện có tổng cộng 218 “đứa con” như vậy. Tất cả đều cất tiếng khóc chào đời mà không có cha có mẹ, đang được thầy và các môn đệ bảo bọc, chở che. Thầy Thiện Chiếu luôn tất bật, luôn xê dịch. Tôi có cảm giác thầy “nhập thế” phần lớn thời gian tu hành cho tha nhân, “bể khổ” hơn là cho kinh kệ. Nhiều lần điện thoại đến chùa, tôi luôn nghe đầu dây bên kia trả lời “Thầy đi rồi” – “Đi đâu?” – “Đi làm từ thiện”. Hôm gặp tôi, trời gần tắt nắng nhưng thầy cho biết bà con nghèo ở đâu đó đang chờ thầy, nên thầy đề nghị chỉ trao đổi 15 phút thôi, nhưng cũng không trọn vẹn. Thay vì “trao đổi”, thầy tranh thủ dắt tôi đi thăm các cháu. Gian nhà phía sau chùa khá rộng, có nhiều phòng dành nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tật nguyền. Gặp các cháu, thầy gọi “con, con”. Dường như đã thành thói quen, các em rất thích mân mê cái đầu… không tóc của thầy. Không nề hà, thầy cúi đầu thật thấp để các em tự do nghịch ngợm, miệng vẫn cười tươi. Chỉ được một lúc, thầy bảo lúc này ngoài miền Trung nhiều tin chẳng lành, lòng thầy không yên được. Thầy lại đi. Thượng tọa Thích Thiện Chiếu kể rằng: “Cuối năm 1994, có đôi trẻ tật nguyền lang thang đến trước sân chùa; một bé trai mù vai cõng một bé trai khác què lệch đôi chân, dắt dìu nhau tìm phương sinh sống khiến lòng tôi thấy bồi hồi xúc động, cảm thương nên tiếp nhận vào chùa chia sẻ bữa cơm thanh đạm. Từ đó bổn tự nảy ra ý định kêu gọi từ tâm của thập phương phật tử xây dựng mái ấm tình thương ngay trong khuôn viên chùa để cưu mang, giúp đỡ những trẻ em tật nguyền, khiếm thị lang thang kiếm sống”.a Trong khuôn viên chùa Kỳ Quang II có Tuệ Tĩnh đường khá lớn chuyên khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn người bệnh. Chùa còn có một trung tâm tư vấn người có HIV và một CLB võ thuật cổ truyền; cả hai loại hình hoạt động này đều miễn phí. Ngoài ra, thầy Thiện Chiếu còn là vị “cứu nhân độ thế” của hàng vạn đồng bào nghèo, đồng bào bị thiên tai.
Các “con” thầy, trừ một số khiếm thị, nghễnh ngãng, bại não… được nuôi dạy theo phương pháp riêng, còn lại đều được thầy cho đi học lớp “tình thương”. Số lớn hơn thì vừa học, vừa làm nhang hoặc theo thầy Sasaki châm cứu, bấm huyệt cho bá tính. Việc mát-xa, bấm huyệt là hoàn toàn miễn phí. Nếu khách thành tâm thì cúng dường cho chùa, tùy hỷ.
Tiếp xúc với các em, nghe cô bảo mẫu kể chuyện đạo – đời “sắc sắc, không không”, lòng tôi nhẹ nhõm. Một cô bảo mẫu (xin không nêu tên) cho biết: quê ở Tây Nam bộ, thi rớt đại học lên Sài Gòn kiếm sống, nhưng chưa tìm được việc làm, cuối cùng về chùa này nương nhờ cửa Phật. Những công việc ở đây là tự nguyện; không ai là chủ, không ai là tớ. Thu nhập của bảo mẫu (khoảng 500-600 ngàn đồng/tháng) tùy vào lòng hảo tâm của thí chủ.
Quanh quẩn trong chùa, tôi gặp nhiều người cũng đang nương nhờ cửa Phật như các cô bảo mẫu. Hoàn cảnh của họ trước khi vào chùa đều éo le, bi kịch như nhau. Nhiều người nói với tôi rằng, nếu không có thầy Thiện Chiếu ra tay cứu độ thì họ cũng không biết rồi sẽ sống ra sao…
Ngôi chùa “4 không”
Kiến trúc chùa Kỳ Quang II do chính thầy Thiện Chiếu phác họa, trông rất lạ mắt. Nhìn tổng thể, nó như một cái hang động; dựa theo mô-típ văn hóa “5 non, 7 núi”, “9 phương trời, 10 phương Phật”. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, đó là không gian của Đức Phật Thích Ca ngồi thiền để tìm một cõi vĩnh hằng cho nhân loại sau khi Ngài ngộ ra rằng cuộc đời chỉ là một vòng luân hồi “sinh, lão, bệnh, tử”; là bể khổ tham, sân, si. Người Sài Gòn gặp chuyện phiền muộn thường tìm đến đây trút gánh ưu tư. Hôm đến chùa, tôi thấy nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là khách Nhật, Hàn Quốc tỏ ra rất thích kiểu kiến trúc độc đáo này.
Chùa xây dựng theo nguyên tắc “4 không”: không tường, không cửa, không cột và không đà. Nói đúng hơn là cũng có cột, có đà nhưng được biến hóa và che giấu rất kín. Tại sao lại phải như vậy? Thầy Thiện Chiếu giải thích: đã là chùa thì phải luôn rộng mở (không cửa) và không bị ngăn cách giữa người với người (không tường). Phật tử vào đây sẽ thảnh thơi, an nhiên, tự tại, không bị trói buộc vì điều gì (không cột). Cái đà trên trần nhà dễ làm cho người ta có cảm giác bị đè nặng, dồn nén, không giải thoát được (không đà). Đại ý là vậy…
Làm phước là “chuyện thường ngày” của thầy Thiện Chiếu. Ấy vậy mà thầy lại không chịu cho ai gọi mình là “ân nhân”. Thầy bảo, thầy chỉ là người tu hành, nhưng chưa thể xa lánh trần tục. Tiền bạc giúp đỡ người nghèo, làm từ thiện là do bá tính đóng góp thành, thầy không có gì. Dân mình còn nhiều người khổ, thầy muốn se mối nhân duyên, kết nối những tấm lòng từ bi lại với nhau giúp đồng bào ruột thịt. Vậy thôi.