Trang chủ Quốc tế Nhà sư Hàn Quốc thời scandal

Nhà sư Hàn Quốc thời scandal

134
Ngồi trong ngôi đền chính Jogyesa ở Thủ đô Seoul, nhà sư Sung Jin trong bộ đồ tu hành màu xám truyền thống đã chia sẻ về việc tu hành ở Hàn Quốc trong thời hiện đại này, đặc biệt là sau những scandal liên quan tới các nhà sư khiến dư luận nước này ngày càng mất đi sự tôn kính dành cho họ.
 
Scandal rúng động
Hồi tháng 5 vừa qua, một sự kiện xảy ra tại ngôi đền chính Jogye ở Seoul khiến dư luận Hàn Quốc xôn xao và các nhà sư nước này đã gặp phải không ít những lời chỉ trích. Một đoạn video dài hơn 1 phút quay cảnh một vài nhà sư đang tu tại đền Jogye uống rượu, hút thuốc và chơi cờ bạc ở trong một căn phòng thuê tại khách sạn. Sự việc trên là đã trở thành một thảm họa giáng xuống tôn giáo được xem là lâu đời nhất ở Hàn Quốc, đặc biệt, khi Phật giáo đang bị cạnh tranh rất lớn từ những tôn giáo khác.
Những hành vi được xem là phi Phật giáo như cờ bạc, tham nhũng và thậm chí là trả tiền mua dâm bị cho là khá phổ biến trong hệ thống đền thờ Joyge, ngôi đền được phân chia ra nhiều cấp lãnh đạo với những cách thức tổ chức riêng rẽ. Ven Seong Ho, người đã tung đoạn video lên mạng cho biết trên trang BBC rằng việc phân thứ bậc trong các ngôi đền ở Hàn Quốc giống như “bệnh nhân đang phải điều trị với căn bệnh ung thư. Nó đã quá… ốm yếu, vô dụng và gần như là đã chết nhưng hiện, những người lãnh đạo vẫn chưa thể tìm ra được liều thuốc đặc trị căn bệnh này”.
Nhiều người dân xứ Kim Chi tỏ ra không đồng tình với lời nhận xét này và cho rằng nó quá ngoa ngôn. Tuy nhiên, những scandal gần đây đã làm dấy lên một câu hỏi lớn trong tâm trí nhiều người. Đó là câu hỏi về vai trò thật sự của những nhà sư tu theo Đạo phật trong đời sống Hàn Quốc hiện đại. Trong thời đại của tình dục tự do, những chiếc điện thoại thông minh đắt tiền và sự tự do trong đời sống xã hội, liệu còn tìm được bao nhiêu người đủ sự tận tụy và niềm tin để từ bỏ những thoải mái trong đời sống thường nhật để gắn bó phần đời còn lại của mình trong những ngôi đền tĩnh mịch gần như cách ly với mọi thú vui của đời sống hiện đại?
Sau khi scandal video “thác loạn” của các nhà sư bị lộ, những người đứng đầu ngôi đền Jogye đã tuyên bố dành 100 ngày để ăn năn và hàng loạt kế hoạch cải tổ lại đã được vạch ra để ngăn các nhà sư không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề tài chính hoặc những cám dỗ hằng ngày mà không cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Theo các vị sư đứng đầu, việc làm này không chỉ giúp các nhà sư trẻ tránh khỏi những việc làm sai trái với đạo lý nhà Phật mà còn giúp các nhà sư tập trung vào nhiệm vụ chính của mình là rèn luyện sự thanh tịnh cho tâm hồn. Trong lễ diễu hành của giáo đoàn Phật giáo Hàn Quốc tại lễ hội đèn lồng Hoa sen diễn ra tại Seoul vào ngày 19/5 vừa qua, một lần nữa cộng đồng Phật giáo đã đồng lòng tuyên bố sẽ cùng nhau cố gắng lấy lại niềm tin của dân chúng.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra scandal liên quan đến cộng đồng Phật giáo ở Hàn Quốc. Cách đây khoảng hơn chục năm, hàng loạt đài truyền hình ở nước này đã đưa tin về hình ảnh các nhà sư gây náo loạn ở Thủ đô Seoul để phản đối cách thức phân chia quyền lực trong chính tôn giáo này. Theo nhà sư người Mỹ Ven Moo Shim, người đã tu hành tại Hàn Quốc gần 30 năm, các nhà sư Hàn Quốc cũng khá nổi loạn. Trước đây, họ được ngưỡng mộ vì luôn là những người sẵn sàng đấu tranh cho những gì họ tin là thực sự tốt và giúp ích được cho người dân Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau những scandal gần đây, các nhà sư dần mất đi hình đẹp của mình trong lòng dân chúng.
Khó khăn tìm người đi tu
Chia sẻ về việc ngày càng có ít người muốn đi tu, trụ trì Ven Sung Jin cho biết, ai đó quyết gắn cuộc đời mình với nghiệp tu hành thường có một biến cố nhất định trong cuộc đời như mất đi một người thân yêu, cháy nhà, mất việc… Vào khoảnh khắc khi người ta nhận ra rằng trên đời này không có gì là kéo dài mãi mãi và họ muốn tìm được sự thanh thản trong chốn cửa Phật thanh tịnh và linh thiêng. Ông cho biết thêm rằng, hiện tại, số lượng người quyết định đi tu ngày càng giảm ở Hàn Quốc. So với thời điểm cách đây 20 năm khi ông Ven Sung Jin bắt đầu nghiệp tu hành, số lượng người tìm đến với các ngôi đền để xin đi tu đã giảm từ 50 tới 70%.
Nhà sư trụ trì Ven Sung Jin.
Ông cho biết việc ông đến với nghiệp tu hành hoàn toàn là tình cờ. Cách đây 20 năm, ông là một sinh viên năng động tham gia những hoạt động đấu tranh sôi nổi ở Hàn Quốc. Trong một lần tham gia biểu tình, ông đã bị cảnh sát truy đuổi nên đã bỏ chạy và tình cờ trốn vào trong một ngôi đền. Khi nói chuyện với vị sư trụ trì của ngôi đền, ông đã giác ngộ ra nhiều điều và bắt đầu nghĩ tới việc sẽ xuống tóc đi tu, sống một cuộc đời thanh tịnh. Hiện, nhà sư Sung Jin đã trở thành người đứng đầu của ngôi đền linh thiêng Jogye. Sư ông Ven Sung Jin đã có 10 năm tu hành và chiêm nghiệm cuộc đời trong một ngôi đền ở trên núi ở miền Nam Hàn Quốc trước khi chuyển tới làm trụ trì tại ngôi đền Jogye ở Thủ đô Seoul.
Lý giải về điều này, nhà sư cho biết khi cuộc sống có quá nhiều tiện nghi, con người có quá nhiều cách để tận hưởng cuộc sống hiện đại thì rất ít người nghĩ đến việc sẽ cạo trọc đầu, mặc những bộ đồ tu hành nhàm chán và sống một cuộc sống buồn tẻ cùng một vị trụ trì đã ngoài 70 tuổi tại một ngôi đền cách biệt trên núi. Ngày càng có ít người muốn mang những trách nhiệm nặng nề khi trở thành một nhà sư bởi dù chỉ mắc một lỗi nhỏ nhất cũng có thể dẫn tới những kết quả to lớn mà bản thân người đó cũng không thể lường trước được.
Nói về vấn đề này, nhà sư Ven Moo Shim cho biết hiện nay, nhiều người có những thái độ khác nhau về Phật giáo ở đất nước này. Nếu như ở Thái Lan, người ta có thể chọn việc đi tu khoảng từ 3 tới 6 tháng, sau đó lại có thể quay trở lại xã hội nhưng ở Hàn Quốc thì lại không đơn giản như vậy. Theo quan niệm của người dân, một khi ai đó đã quyết định đi tu có nghĩa là họ sẽ phải dành cả phần đời còn lại để cống hiến nơi cửa Phật và sẽ sống một cuộc sống thanh tịnh, tránh xa bụi trần. Vì lẽ đó, khi những người dân thường thấy các nhà sư dính líu đến những điều “vụn vặt” trong cuộc sống thường ngày, họ sẽ vô cùng thất vọng.