5 loại bất thiện sinh kế không nên làm
Người Phật tử quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế, bởi lẽ chất lượng cuộc sống cần phải được nhìn nhận thẳng thắn và khách quan trên cả hai bình diện vật chất và tinh thần. Sự giàu có của người Phật tử trong một quốc gia mà dân số chủ yếu theo Phật giáo không chỉ đánh giá chất lượng phát triển của một nền kinh tế mà còn chỉ ra những mục tiêu, đích hướng làm giàu thông qua những việc làm ích mình, lợi người và ích lợi cho cả hai.
"Nhà sư có nên làm giàu hay không?" luôn luôn là một đề tài nóng hổi, thu hút nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, cũng cần xét đến quan niệm về việc "làm giàu" khi xã hội Việt Nam thời trung cận đại chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo. Và trong những thời điểm lịch sử cụ thể, xã hội cũng từng xem nhẹ vai trò của thương gia, thậm chí có cái nhìn không mấy thiện cảm về người giàu.
Có người viện giải "cái giàu" luôn kéo theo nó những hệ quả của tệ nạn, bất công, hay do quá đầy đủ về hưởng thụ vật chất mà làm tiêu mòn những giá trị tinh thần. Song thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Nếu người giàu có được sự dẫn dắt của một lý thuyết nhân bản mà không vướng bận quá nhiều vào những "quan điểm" làm giàu thì sẽ tạo ra những phương thức quản trị mới nhắm đến hạnh phúc của con người nhiều hơn.
Chính từ trong bản chất, Phật giáo cho rằng kinh tế cần phải được nhìn nhận như lĩnh vực mang lại sự ấm no, hạnh phúc, mà ấm no và hạnh phúc không bao giờ tách rời nhau ở bất kỳ mô hình kinh tế nào.
Dung hoà giữa phát triển kinh tế và văn hoá, tâm linh đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và cả lòng từ bi nữa. Người Phật tử muốn đặt chân vào lĩnh vực kinh doanh thì cần phải được định hướng bằng những giá trị xuyên suốt của Phật giáo để không đi chệch mục đích tốt đẹp ban đầu.
Có nghĩa rằng sản phẩm nào được cung cấp ra thị trường cũng cần phải đáp ứng những tiêu chí cơ bản về giá trị nhân đạo, nhân văn và phải bảo đảm tối đa cho môi trường sống. Và chính vì dựa trên những giá trị nhân bản của Phật giáo mà việc quản lý kinh tế được đi theo đích hướng hạnh phúc và an lạc trong việc tạo ra của cải, gìn giữ của cải và sử dụng của cải.
Có năm loại bất thiện sinh kế mà Đức Phật khuyên người Phật tử không nên làm đó là: Kinh doanh vũ khí; buôn bán người; bán động vật đến các lò mổ; buôn bán rượu và các chất gây nghiện, gây say; kinh doanh chất độc hại.
Bên cạnh đó, Ðức Phật cũng nói rất rõ về vấn đề hạnh phúc vật chất, hạnh phúc tinh thần qua việc làm giàu, tiết kiệm, sử dụng của cải một cách hợp lý và thực hành thiện pháp. Cụ thể trong kinh Trường A Hàm, Ðức Phật dạy thanh niên Sigàla nên bỏ ra 1/4 tiền lời để tiêu dùng hàng ngày, dành 1/2 tiền lời để mở rộng đầu tư kinh doanh, và 1/4 còn lại để phòng ngừa sự bất trắc.
Kinh Tăng Nhất A Hàm chép lại sự kiện Ðức Phật giảng pháp cho trưởng giả Cấp Cô Ðộc về bốn điều hạnh phúc của người cư sĩ:
1) Hạnh phúc khi toại hưởng một nền kinh tế vững chắc, hoặc một tài sản dồi dào được tạo ra bằng những phương kế công minh chính trực.
2) Hạnh phúc khi được tiêu dùng tự do cho mình, cho gia đình, cho bằng hữu thân quyến và cho những việc phước thiện.
3) Hạnh phúc khi không có nợ nần.
4) Hạnh phúc được sống một cuộc đời ngay thẳng, trong sạch, không tạo ác bằng tư tưởng, lời nói và hành động.
Ðức Phật cũng không quên nhắc nhở Đại trưởng giả Cấp Cô Độc rằng hạnh phúc vật chất không bằng 1/16 của hạnh phúc tinh thần do đời sống lương thiện mang lại.
Thực tế, "kinh tế nhà chùa" được hình thành (tự giác hay tự phát) cũng không nằm ngoài sự chung sức của cả hai chúng tại gia và xuất gia. Vì vậy, trí tuệ của những người Phật tử cần phải được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Nhưng mục tiêu kinh doanh luôn phải dựa trên tinh thần của Bát chính đạo. Cụ thể là Chính nghiệp cũng như thực hành lời dạy của Đức Phật về những việc làm ích mình, lợi người và ích lợi cho cả hai. Một số nhà kinh tế học đã đánh giá sự phát triển của một quốc gia không chỉ dựa trên chỉ số GDP mà còn dựa trên chỉ số hạnh phúc, sự thỏa mãn tinh thần, và đã có những nhà nghiên cứu kinh tế đánh giá sự phát triển kinh tế thông qua những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo.
Đức Phật hiểu rất rõ về giá trị của việc đảm bảo đời sống vật chất. Kinh Cakkavattisìhanàda Sutta có nói: Nghèo khổ là kết quả của sự bại hoại luân thường đạo lý và tội ác như trộm cắp, gian tham, hiếp dâm, thù oán, hung ác. Trong kinh Kùtadanta-Sutta, thuộc Trường A Hàm, Ðức Phật khuyến cáo rằng, muốn cho con người từ bỏ ác nghiệp thì phải cải thiện kinh tế xã hội.
Nên giúp giống và mọi vật liệu cần thiết về canh nông cho tá điền, cho dân cày; giúp vốn cho các thương gia và nghiệp đoàn; trả tiền thù lao thích đáng cho lao công. Khi dân chúng được giúp phương tiện để làm ra hoa lợi đủ xài, thì họ vừa lòng, không âu lo phiền muộn. Dĩ nhiên xứ sở sẽ được thanh bình và không còn trộm cướp, án mạng nữa.
Từ những tư liệu chỉ ra ấy, không ít những bài nghiên cứu đề cập đến lĩnh vực "kinh tế học Phật giáo" và vai trò của các nhà sư trước xu thế chung của thời đại. Và có người đã đặt ra câu hỏi: Chùa làm kinh doanh trong phạm vi có thể, tại sao không? Vấn đề nhấn mạnh ở đây chính là "phạm vi có thể", tức những phạm vi phù hợp với giáo luật và năng lực của các nhà sư.
Không xa rời nguyên tắc đạo đức Phật giáo
Làm kinh tế để có nhiều điều kiện hơn đóng góp cho phúc lợi xã hội. Đó là những điều đã được đặt ra từ rất lâu trong đời sống tu viện ở một số truyền thống Phật giáo trên thế giới. Thực tế người Phật tử đã, đang và vẫn sẽ làm kinh tế dựa trên những mục tiêu tốt đẹp đó.
Nếu đặt vấn đề người Phật tử làm kinh tế thì Đức Phật đã đặt ra cách đây hơn 2.500 năm. Vấn đề ở đây là vai trò chủ động của các nhà sư trong nền kinh tế.
Các nhà sư làm kinh tế, dĩ nhiên đòi hỏi phải thoát ra ngoài tiêu chí "có nhiều tiền". Bằng không hãy để điều đó cho những người tại gia làm, và họ có thể làm tốt hơn các nhà sư. Vậy phải chăng, thực tế xã hội đang có những khuyến khích nhà sư làm kinh tế như một sự hướng tâm cho xã hội bằng các dự án phát triển lối sống cộng đồng, tác động đến những mục tiêu kinh tế đang có nguy cơ làm tổn hại đến các giá trị nhân đạo, nhân văn và môi trường sống?
Những người mang danh là Phật tử không thể thực hiện những mục tiêu kinh doanh mà xa rời những nguyên tắc đạo đức Phật giáo. Phật giáo tồn tại dựa trên tinh thần cơ bản là "khế lý, khế cơ", tức khả năng "nhập thế", thích ứng cao với những đòi hỏi của thời đại, nên không thể đơn thuần xem các giá trị Phật giáo là tĩnh tại, bất biến, bởi vốn dĩ những giá trị gì mất đi hay còn lại luôn cho người ta những trải nghiệm quý báu.
Hầu hết mọi người đều có thể nói một cách dễ dàng điều ước của mình: Ước gì lúc này tôi có thật nhiều tiền để giúp đỡ người khác. Nhưng có thực khi có nhiều tiền thì người ấy sẽ giúp đỡ người khác không? Người Phật tử chắc chắn không thể thất hứa với chính mình nếu trong tâm anh ta luôn luôn nuôi dưỡng chí nguyện làm giàu để cứu giúp người.
Đó không phải là "vận may" do một đấng tối cao nào ban phát mà là tinh thần nhân đạo đã được nuôi dưỡng một cách thường xuyên, liên tục để đến lúc nào đó, nó mới trổ quả. Điều đó khác với một người giàu "muốn" trở thành một nhà nhân đạo hay muốn lấy tiếng cho thương hiệu của mình một cách phù phiếm.
Sự giàu có của anh ta phải trải qua một giai đoạn đổi thay (thậm chí đấu tranh) trong nhận thức khi tiếp cận những lời dạy cao cả của Đức Phật về lòng từ bi, vị tha, để anh ta có thể sử dụng của cải của mình một cách hữu ích nhất cho cộng đồng. Anh ta cần phải hiểu, chừng nào xã hội còn làm giàu cho anh ta nhiều hơn cái anh bỏ ra để trợ giúp cho người khác thì anh vẫn chưa thực sự trở thành "người giàu" đúng nghĩa. Đó là chưa kể nhiều người trở nên giàu có do làm ăn phi pháp, gây nhiều tổn hại cho con người và môi trường sinh thái.
Sự giàu có về tiền bạc cần trải qua một quá trình kinh doanh chính đáng, và đồng tiền không thể được sử dụng một cách tuỳ tiện, lãng phí. Một nhà sư có thể làm kinh tế? Sẽ là quá sớm để nói đến vấn đề hiệu quả khi guồng quay "tiền bạc" luôn luôn đi về phía tha hoá, và liệu các nguồn lực kinh tế có được do uy tín đạo đức có đủ sức cạnh tranh với những khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường?
Lúc đó "sản phẩm" mà các nhà sư đưa ra phải là những sản phẩm đáp ứng tất cả những nhu cầu tối thiểu của thị trường, tức sản phẩm thiết thực và hữu ích cho cộng đồng. Có thể lập một ngân hàng nhà chùa dành cho người nghèo, mà trước tiên việc hỗ trợ vốn vay cho những Phật tử nghèo trên căn bản của những ràng buộc về mặt đạo đức và niền tin, cũng như tư vấn đầy đủ cho những việc làm ngắn và dài hạn của người Phật tử, để đồng tiền có thể sinh lời đủ sức nuôi sống họ.
Xin ví dụ về việc phát triển "đài hoá thân" (hỏa thiêu) trên diện rộng, vừa phải đưa vào đó những lý thuyết, phong tục của Phật giáo, vừa tuyên truyền cho những lợi ích về việc hoả thiêu bằng điện rất có lợi cho môi trường sống, giảm chặt gỗ trên rừng, giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm, giảm chi phí tang ma… Hay đơn giản như các lĩnh vực như "trà đạo", "hoa đạo"… với những sản phẩm nông nghiệp có giá trị thương hiệu. Những lĩnh vực này, các nhà sư hoàn toàn có thể làm một cách hiệu quả, song song với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam.
Không có biểu tượng thuộc về của riêng ai trong tinh thần phục vụ con người và làm thăng hoa cái đẹp. Nếu một nhà sư có thể làm tốt vấn đề chăm sóc môi trường thì bản thân công việc kinh doanh đó là một trong những hiệu quả của nhận thức tu hành khi có thể đưa những giá trị xuyên suốt và giá trị thời điểm của Phật giáo đi vào cuộc sống, chứ không phải là những lý thuyết khô khan mà mỗi khi nói ra người ta chỉ biết lắc đầu "nói thì hay" nhưng không thấy làm.
Các lý thuyết kinh tế luôn luôn thay đổi và bổ sung những lý luận mới. Duy chỉ mục đích làm giàu được soi sáng bởi một định hướng giá trị Phật giáo là không thay đổi trong ý nghĩa làm lợi cho cuộc sống của chính con người. Và mối quan tâm chính của kinh tế Phật giáo chính là hạnh phúc hay an lạc (an lạc thụ dụng, an lạc sở hữu), song song với những hoạt động kinh tế phù hợp luật pháp quốc gia.
Nhà sư có bổn phận và trách nhiệm hướng dẫn đúng đắn cho người Phật tử về mục đích làm giàu và hiểu được giá trị đích thực của hạnh phúc. Nhà sư có thể trở thành những nhà tư vấn phát triển trên tinh thần đạo đức học Phật giáo, cùng với với quá trình tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Một sản phẩm do một người Phật tử kinh doanh mà dựa trên những thang giá trị của Phật giáo chắc chắn phải là một sản phẩm hữu ích.
Và rõ ràng trong mối tương quan, phụ thuộc lẫn nhau giữa các mối quan hệ xã hội, không thể nói rằng nhà sư đang không làm kinh tế. Vì đỉnh cao của sự phát triển kinh tế vật chất cũng gắn với những nhu cầu cơ bản của con người trong một đích hướng hạnh phúc. Nếu chỉ nhìn đơn thuần "làm kinh tế" giống như một sự mặc cả mua bán theo kiểu cạnh tranh "ta sống, nó chết" trong thương trường thì không thể hiểu hết được những giá trị mà Phật giáo hướng đến.
(Còn nữa)