Trang chủ Người thời nay Nhà sư Chân Quang: Trên núi hết cây, dưới làng hết nước

Nhà sư Chân Quang: Trên núi hết cây, dưới làng hết nước

101

Trong muôn loài, chỉ mỗi con người là quay lại giết rừng”.


Nhà sư Chân Quang (trụ trì một ngôi chùa tại Vũng Tàu) mở đầu câu chuyện:


– Từ nhỏ đến giờ, tôi yêu thương từng lá cây ngọn cỏ. Sống với cỏ cây, mọi giác quan của con người ta sẽ thính nhạy hơn. Mỗi lần đi giảng đạo, băng qua những bụi cây lúp xúp ven hồ đất ngập nước lầy sình, tôi đều có cảm giác bâng khuâng như là sự lo lắng. Rồi băn khoăn, nhỡ đâu, lần sau mình đi qua con đường này, sinh cảnh đất ngập nước kia sẽ bị cạo gọt đi để mọc lên một dãy nhà bêtông trơ khấc. Rồi lại nghĩ, có đến nửa già số động vật trên thế giới này được sinh ra từ rừng, nhưng chỉ có một mình loài người bạc bẽo đến nỗi quay lại tàn phá “bà mẹ”, “tay nôi” rừng của mình thôi. Con hổ, con gấu dữ dằn hoang dại thế, nhưng nó có phá rừng đâu.


Thế là những bài hát yêu thiên nhiên của ông lần lượt ra đời. Nhà sư Chân Quang ngẫu hứng hát:
“Ngàn xưa hoang vắng/Rừng là tay nôi/tạo nên sự sống/người bước ra đời/Than ôi đau đớn/Đứa con của rừng, giờ đây quay lưng,/quên rừng yêu dấu


 Cây rơi lá khô/Bóng xanh bây giờ, theo từng nhát chém, tan biến đi mau/Rừng đang xơ xác, /gốc trơ trọi phơi/Bầy chim ngơ ngác/suối khô cạn nước,
thú hoang gục đầu”.


Thưa nhà sư Chân Quang, ông đã sáng tác bài “Rừng ơi” như thế nào?


– Năm 1997, có một cơn hạn hán lớn xảy ra ở khu vực chùa tôi và các đệ tử đang sống (ở Vũng Tàu). Các dòng suối khô cạn. Đến mùa mưa rồi mà chờ mãi không thấy một giọt mưa. Mấy mẫu cây mà nhà chùa chúng tôi mới trồng cũng đồng loạt héo rũ cả. Nhìn cảnh ấy mà đau xót, tôi đã làm một bài sám (theo cách gọi của nhà Phật). Chúng tôi tạm gọi là sám Cầu mưa, để mọi người cùng tụng cầu cho mưa xuống. Tôi còn nhớ, bài đó rất ngẫu hứng, nó có hai cái ý: một là người ta phải sống cho có đạo đức, hai nữa là người ta phải tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ rừng cũng là một thứ đạo đức. Cũng không biết là ngẫu nhiên hay bài sám đã thấu… tới trời. Đùng đùng trời bỗng đổ mưa.


Tưởng câu chuyện chỉ có vậy. Ai dè, cũng từ đó, nỗi day dứt, tình thương yêu những cánh rừng trong tôi càng thấm thía. Đến một ngày, ngồi bên đàn piano, tôi đã thốt lên những giai điệu da diết: “Bao nhiêu mến thương, thắp lên cho rừng, ngàn cây tươi xanh, chở che cuộc sống…”. Khi bài hát hoàn thành, cũng là lúc nhạc sĩ Bảo Phúc vừa đến với tôi. Tôi đưa cho anh nghe, nghe xong, anh bảo: “Giai điệu đẹp. Thôi, bài này thầy để tôi hát luôn, không có để cho ai hát trước đâu nhé!”. Thế là anh ấy hoà âm. Bảo Phúc rất kỹ tính: Anh bắt phải hát với ban nhạc sống hẳn hoi.


Phải đi tìm những khu rừng có góc quay thật thuyết phục để thực hiện. Đoàn quay phim, ca sĩ lỉnh kỉnh đi qua nhiều khu rừng, người ta trông thấy người ta cứ thể đuổi đi. Cuối cùng lực lượng bảo vệ rừng ở cánh rừng nguyên sinh vùng Xuyên Mộc đã cưu mang những người làm phim tuyên truyền bảo vệ rừng. Riêng làm hậu kỳ mất hai tháng. Về phần tiếng Anh (chiếm một nửa đĩa VCD với âm thanh và hình ảnh động), may quá có cô bé Mai Thảo, con một gia đình ngày xưa tôi đã cưu mang…


Nhà sư nói rằng, từng lá cây ngọn cỏ dù mong manh nhất, cũng có một ý nghĩa nào đó trên thế gian này. Tức là ở góc độ bảo tồn loài, ở góc nhìn nhân văn, một con kiến với một con voi có quyền năng ngang nhau. Xin được hỏi, nhà sư đã thu nhận những kiến thức về môi trường từ đâu?


– Tôi tự suy ra điều đó. Từ nỗi trăn trở về số phận con người trước thiên nhiên. Từ sự bao dung và dữ dội của thiên nhiên. Có lẽ cũng vì thế, mà sau này, có đôi lần, Đài Truyền hình Việt Nam có giới thiệu sơ qua về bài hát cũng như trích nhiều đoạn của “Rừng ơi!”. Vừa rồi, một đài truyền hình khác cũng phát lại toàn bộ băng đĩa này.


“Tôi cũng từng là một thủ phạm phá rừng”


Có rất nhiều loài sinh ra lớn lên từ rừng, nhưng chỉ có con người là loài duy nhất quay lại phá rừng – tác phẩm của nhà sư có lời bình rất hay như thế, hình như chúng tôi đã đọc chúng ở đâu đó?


– Không có loài động vật nào quay lại phá rừng cả. Tôi nghĩ về điều này từ rất lâu, đạo đức bảo vệ rừng là thứ tôi quan tâm từ rất lâu. Bởi tôi cũng từng là thủ phạm phá rừng.


Nhà sư cũng là thủ phạm phá rừng?
– Hồi đó, năm giải phóng tôi mới 16 tuổi, ba tôi đi làm rẫy làm nương. Lúc đó ai cũng làm rẫy, phá rừng để sống. Phá rừng nấu than củi bán để lấy ngắn nuôi dài. Còn làm rẫy làm nương cứ phải đợi ngày đợi tháng. Tôi đau lắm, yêu rừng từ tấm bé, thế mà vẫn phải đi phá rừng. Đó là những cánh rừng vùng Long Thành, Đồng Nai.


Nhà sư bắt đầu đến với âm nhạc như thế nào?


– Hồi nhỏ, mẹ tôi thích tôi học đủ thứ, đặc biệt là đàn.


Nhà sư đã cho xuất bản nhiều băng đĩa hình, nhiều đêm biểu diễn “chuyên sâu” cho âm nhạc của mình, cả các đĩa hát dành cho thiếu nhi – với sân khấu khum cong hình đoá sen hồng của nhà Phật. Đó quả là một điều không dễ hình dung. Thường, nhà sư đối xử thế nào với cảm xúc và những tác phẩm mới của mình?


– Tôi nói với nhạc sĩ Bảo Phúc, bao giờ anh soạn nhạc, ra đưa cho cái bà bán chuối ở đầu ngõ nhà anh nghe “nếm” thử. Nếu bà ấy khen hay thì là nhạc hay. Nhạc của tôi, tôi soạn được một khúc lại cho chú tiểu trong chùa nghe thử. Chú ấy còn nhỏ, nói rất khách quan.


Tâm huyết của thầy với vấn đề môi trường, sắp tới sẽ là…?


– Lâu nay, tôi vẫn giảng một bài cho phật tử ở nhiều vùng miền trong cả nước về đám vi khuẩn hung hãn. Tôi cực lực lên án sự lạm dụng xàbông. Bởi vì, người ta sản xuất ra xàbông để diệt khuẩn. Nhưng một ngàn loại vi khuẩn thì chỉ có 01 loại có hại cho con người, còn 999 loại có lợi cho môi trường. Nhưng khi chất tẩy rửa cực mạnh diệt hết các loài vi khuẩn có lợi thì thật tai hại. Khi chất tẩy rửa đổ tràn ra sông hồ, giết hết vi khuẩn, góp phần khiến các dòng nước ở đó trở nên đen ngòm (vì không có vi khuẩn để phân huỷ). Đáng sợ hơn, đến lúc thứ vi khuẩn miễn dịch được với môi trường của chất tẩy rửa ra đời, nó sẽ hoành hành không gì cứu chữa được.


Bất cập hiện nay của chúng ta trong bảo vệ rừng, động vật hoang dã, thưa nhà sư?


– Vì thiếu giáo dục nên nhiều khi người ta cưa, giết một cái cây người ta thấy quá bình thường. Ta phải giáo dục lòng yêu thương người, yêu thương môi trường. Là người tu hành nhưng đôi lúc tôi cũng muốn lên tiếng phải có án phạt thật nặng những kẻ đã thảm sát lá phổi xanh của thế giới!
“Trên núi hết cây, dưới làng hết nước”


Có lần nhà sư đã nói, có sự trùng hợp giữa giáo lý nhà Phật và trách nhiệm bảo vệ môi trường sống chung của chúng ta?


– Có. Khi Đức Phật sinh ra, theo phong tục phải đi từ hoàng cung này đến một hoàng cung khác. Song ngài không đồng ý điều đó, lưng chừng giữa đường, lúc đi qua một khu rừng, ngài đã ở lại và tu đắc đạo ngay dưới gốc cây. Hơn thế, bài thuyết pháp đầu tiên của Ngài là bài về một khu rừng có tên được giáo lý nhà Phật ghi lại hẳn hoi. Lúc ngài mất, cũng lại ở trong rừng. Giới luật rất nghiêm khắc của đạo Phật cũng cấm chặt phá cây rừng.


Giới luật ấy có minh hoạ bằng một câu chuyện. Có một tì kheo, tức là một người tu như tôi ấy, bị bọn cướp nó bắt lại. Lấy hành lý xong, bọn cướp mới nghĩ: nếu ông thầy tu này đi báo quan thì sao? Bây giờ phải trói ông này lại để bọn mình chạy thật xa đi. Một tên nói: “Tao nghe nói mấy ông này đi tu, ông không bao giờ dám làm đứt một lá cây ngọn cỏ. Nếu mình lấy cỏ cột ông ấy lại là ông ấy sẽ không bao giờ dám nhúc nhích vì sợ đứt cỏ”. Chúng lấy những bụi cỏ đang sống, cột chân cột tay ngài vào đó, rồi đủng đỉnh bỏ đi.


Không gian ngôi chùa nơi nhà sư trụ trì cũng là một khuôn viên tràn ngập bóng cây xanh. Trước đây, nghe nói đó là vùng cằn cỗi…?


– Khi chúng tôi tới ngôi chùa trên núi này thì người ta đã phá hết rừng rồi. Chúng tôi phải trồng cây, vận động bảo vệ rừng; nhưng cây cứ lên xanh là người ta  chặt, phá. Năm ấy, trời hạn to, tôi viết chữ thật to lên các vách đá rằng: “Trên núi hết cây, dưới làng hết nước”. Từ bấy không ai chặt phá cây trên núi vườn chùa nữa.


– Xin cảm ơn nhà sư.