Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Nguyên nhân suy yếu đạo Phật (tiếp theo): Những ‘vấn đề’ trong...

Nguyên nhân suy yếu đạo Phật (tiếp theo): Những ‘vấn đề’ trong tư tưởng – cập nhật ý kiến độc giả 20h49 10/12/08

87

Trước hết, người viết xin chân thành tri ân độc giả đã quan tâm đến bài viết, cũng như đã có những hồi âm đầy ý nghĩa để đóng góp cho bài viết, và thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những trăn trở về tương lai của Phật giáo tại Việt Nam và trên thế giới.


Xin nguyện chư Phật và Bồ tát mười phương gia hộ cho tứ chúng có đủ sức mạnh, trí tuệ, và bản lĩnh vượt qua những thách thức nghiệt ngã của thời đại, đưa Phật Pháp trở lại vị trí tiên phong dẫn dắt nhân loại bước ra khỏi khổ đau và lầm lỗi.


So với phần 2A, phần 2B có sự khác biệt. Những điều người viết sắp đề cập sau đây là những “vấn đề”, thay vì những “hạn chế” trong tư tưởng, vì “vấn đề” là những sai lầm cần phải được nhìn thấy rõ, khắc phục và loại bỏ, thay vì “hạn chế” là sự vận dụng sai những chân lý mà vô tình dẫn đến trở ngại.


Vấn đề thiếu sự đổi mới


Trước khi đi vào vấn đề này, chúng ta hãy cùng nhìn ra xã hội hiện nay để cùng nhận xét một thực tế. Những bộ môn nghệ thuật truyền thống như Chèo, Tuồng, Cải Lương, Chầu văn tuy đầy tính nghệ thuật và sâu sắc trong nội dung, nhưng đang dần mất đi khán thính giả. Dù cho các nhà học giả đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực ca ngợi những giá trị lớn lao về tư tưởng, cũng như sự tinh tế trong diễn xuất của các bộ môn nghệ thuật được coi là tinh hoa văn hóa Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm qua, nhưng không phải vì điều đó mà quần chúng đến với các môn nghệ thuật này nhiều hơn.


Ngược lại, âm nhạc hiện đại với sự hấp dẫn lôi cuốn và sống động đang thu hút phần lớn sự quan tâm và yêu thích của hầu hết con người trong xã hội. Tuy nhiên, trên đài báo đã có quá nhiều lời phàn nàn về sự ngày càng cẩu thả trong ca từ, trong phong cách thể hiện, trong sự nghèo nàn về thẩm mỹ của dòng nhạc này. Thường thì ai cũng sẽ nhận xét là cái gì cũng có tính hai mặt, được cái nọ thì mất cái kia.


Nhưng…….


Chúng ta hãy thử nghĩ mà xem, nếu đem cái uyên áo, sâu sắc trong ý nghĩa của nghệ thuật truyền thống vào trong giai điệu & cách thể hiện đầy mới mẻ, lôi cuốn, hấp dẫn của âm nhạc hiện đại thì tuyệt đại đa số con người trong xã hội sẽ say mê và tán thán những tác phẩm nghệ thuật này.


Và trong thực tế thì đã có nhiều nhạc sĩ tài hoa đã làm được điều này như Trịnh Công Sơn, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường v.v.. Nếu như những bài hát đó thay vì chỉ chuyên chở tình yêu nam nữ, mà chuyên chở đạo lý thì hiệu quả tác động lên con người sẽ mạnh mẽ biết bao, và được xã hội ngày càng yêu mến hơn.


Từ thực tế này chúng ta thấy bản thân các bộ môn nghệ thuật cổ truyền đang mất đi chỗ đứng trong lòng khán giả không phải vì sự nghèo nàn và hời hợt trong nội dung và trong nghệ thuật, mà vì chúng đã lỗi thời nhiều so với thời đại ngày nay rồi.


Vậy nhưng khi cái hồn dân tộc của mấy nghìn năm lịch sử trong những loại hình nghệ thuật ấy được các các nhạc sĩ tài hoa của nhạc mới tiếp thu và thổi vào âm nhạc hiện đại, thì nó đã đem lại sự hấp dẫn lôi cuốn với quần chúng, vừa làm âm nhạc hiện đại của Việt Nam giữ được một bản sắc rất riêng, cũng như được nền âm nhạc thế giới ngợi khen.


Đó là chuyện đời, còn bây giờ là chuyện đạo.


Để biết được sức thuyết phục của một tôn giáo, hãy nhìn vào “công chúng” của tôn giáo đó. Không phải nói quá, có đến 3/4 những người thường xuyên đến chùa đã có mái tóc bạc. Nếu quý vị đi ra ngoài Bắc sẽ thấy tỷ lệ ấy còn cao hơn rất nhiều, 80-90%. Những người già đến chùa với lòng thành kính, khác với những người trẻ đến chùa chỉ để khấn vái xin xỏ. Nhưng dù già hay trẻ thì sắc thái mê tín vẫn tràn ngập.


Trong khi đó hãy nhìn sang tôn giáo bạn, chúng ta sẽ thấy rất nhiều thanh thiếu niên tham dự vào các khóa lễ nhà thờ mỗi ngày. Nếu tỷ lệ người trong độ tuổi lao động trong xã hội là khoảng 40% thì có lẽ tỷ lệ đó cũng tương đối sát với tỷ lệ “công chúng trẻ” trong Thiên Chúa giáo ngày nay. Có nghĩa là tôn giáo bạn thu hút được mọi tầng lớp trong xã hội.


Nhìn vào các khóa lễ của họ, chúng ta không thấy sắc thái mê tín với đủ thứ cúng kiếng, xin xỏ, bói toán, vàng mã… như ở trong nhiều chùa hiện nay. Xét về hình thức, họ có vẻ văn minh hơn, và phù hợp với lối sống hiện đại hơn.


Như vậy chẳng nhẽ Phật giáo hiện tại đã lỗi thời rồi sao??? Nếu làm một cuộc thăm dò ý kiến trong xã hội, chắc chắn rằng đa số sẽ cho là như vậy. Nhưng chúng ta, những người Phật tử dù già hay trẻ, tại gia hay xuất gia cũng thấy rõ ràng chân lý màu nhiệm của Đức Phật luôn đúng với mọi thời đại, và như nhà bác học Anh-xtanh đã ca ngợi: “Nếu có một tôn giáo nào có thể đối mặt được với những nhu cầu khoa học hiện đại thì đó chính là Phật giáo”.


Vậy thì sự lỗi thời này không phải là do đạo lý của Phật giáo không chuẩn, không ổn, mà chính là do những người đang thay Phật giáo hóa đang mắc phải lỗi bảo thủ. Vậy lỗi bảo thủ nằm ở đâu?


Theo hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân tôi, từ giác độ của một người cư sĩ, nhìn lại hành trình của mình đến với đạo Phật cũng như quá trình đem những hiểu biết Phật pháp của mình tới những người chưa hiểu đạo Phật, tôi thấy có những cản trở rất lớn trên hành trình đến với Phật pháp đối với con người hiện đại thời nay, đó là:


1. Ngôn ngữ cổ, khó hiểu.
2. Kinh điển khó đọc, khó hiểu, và khó tin với những người sơ cơ.
3. Nghi lễ Phật giáo quá rườm rà và “cổ kính”, ít sức hấp dẫn với con người thời hiện đại.
4. Phương thức hành đạo cứng nhắc trong các truyền thống cũ, thiếu sức sống đối với thế hệ trẻ.


Xin được đi sâu vào từng vấn đề:


i/. Thứ nhất, xin được bàn về vấn đề ngôn ngữ.


Đa số các thuật ngữ trong Kinh tạng Việt Nam ngày nay đều là từ Hán Việt. Có một thực tế là sự phát triển của chữ quốc ngữ với hệ thống ghi âm bằng chữ cái La tinh đã đem lại rất nhiều lợi ích về truyền thông, làm bùng phát một nền văn học mới, và nâng cao rất nhanh trình độ văn hóa của con người Việt Nam.


Tuy nhiên, vì là ký âm nên con người chủ yếu chỉ dùng từ ngữ theo cái vỏ âm thanh của nó, mà ít để ý đến ý nghĩa sâu xa của từ đó là gì, nhất là đối với những từ gốc Hán trong tiếng Việt, mà chúng ta hay gọi là từ Hán Việt. Nếu làm một cuộc điều tra rộng rãi trong xã hội ngày nay, chúng ta sẽ thấy một hiện tượng phổ biến là người Việt Nam mình hiểu sai ngôn ngữ rất nhiều.


Đó là chưa kể có rất nhiều từ Hán Việt có nhiều nghĩa cho một âm, mà chỉ những người nghiên cứu Hán Nôm mới biết được. Cho nên sự hiểu sai nghĩa trong đại chúng là không thể tránh khỏi. Những từ ngữ quen thuộc trong giới nghiên cứu và tu học Phật pháp như vô thường, vô minh, sắc, thọ, tưởng hành thức, ba la mật v.v.. thì lại là một mớ từ xa lạ khó hiểu đối với quần chúng.


Nếu chúng ta không Việt hóa những từ này thì Phật pháp sẽ mãi mãi là một cái rương cũ kỹ bị khóa kín đối với người Việt Nam. Vì vậy, để đổi mới, việc sử dụng các từ thuần Việt thay thế các từ cổ Hán Việt là vô cùng cần thiết. Xin được lấy ví dụ:


Nếu chúng ta nói với công chúng rằng: “Vạn pháp là vô thường”, 1 câu rất chuẩn với đầy đủ chủ ngữ vị ngữ, rất đúng với kinh điển, thì có lẽ 99% người nghe chẳng hiểu gì cả. Nhưng thay vì đó, nếu chúng ta nói: “Mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này đều mang bản chất tạm bợ”  cũng với đúng ý nghĩa đó, đúng theo Phật pháp thì gần như ai nghe cũng hiểu.


Việc dùng ngôn ngữ mới để diễn đạt lại Phật pháp sẽ không bao giờ bị coi là đi ngược lại với tinh thần của kinh điển. Tuy nhiên rào cản ngôn ngữ này không dễ vượt qua. Có một thực tế là trong Phật học, có quá nhiều các thuật ngữ được coi là cố định, và đã dùng quen rồi, nếu chuyển sang dùng từ khác thì tính thuyết phục với các học giả, các bậc Tôn túc là rất khó.


Đồng thời, có những từ quá nhiều nghĩa, ví dụ như từ Pháp, lúc thì có nghĩa là giáo pháp của Phật, lúc thì có nghĩa là phương pháp, lúc thì có nghĩa là chân lý, lúc thì có nghĩa là “mọi sự vật hiện tượng”. Vậy thì phải tìm từ nào mà thay thế đây?


Câu trả lời là: tương ứng với hoàn cảnh ngữ nghĩa nào thì dùng từ Việt đó thay thế. Nếu không có sự linh hoạt, Phật pháp sẽ bị kẹt cứng trong ngôn từ, bị khóa chặt trong kinh điển mà không thể nào đem được lời Phật ra cho mọi người trong thế gian.


Còn một thói quen phổ biến nữa là trong các kinh điển hay các tài liệu Phật học, các học giả và Tôn túc quá ưa chuộng sử dụng từ Hán Việt, mà không chịu dùng từ thuần Việt trong khi ý nghĩa của từ thuần Việt vừa dễ hiểu hơn, mà độ chính xác thì chẳng sai biệt chút nào. Xin được trích dẫn một vài dòng kinh sau đây, và sau đó người viết xin được viết lại bằng từ thuần Việt:


A Nan! Ngươi đánh mất tự tánh, chẳng ngộ kiến, văn, giác, tri của ngươi vốn là Như Lai Tạng. Ngươi hãy xem cái kiến, văn, giác, tri này là sanh hay diệt, là đồng hay dị, là chẳng sanh diệt hay chẳng đồng dị? Ngươi còn chẳng biết, trong Như Lai Tạng, tánh kiến giác minh, giác tinh minh kiến (cái bổn kiến là tự tánh vốn giác vốn minh, cái tinh thể của bổn giác vốn minh vốn kiến), vốn tự nhiên thanh tịnh, cùng khắp pháp giới, tùy theo mức độ hiểu biết của tâm chúng sanh tạo thành nghiệp, và nương theo nghiệp ấy mà biến hiện các cảnh giới hiện hữu. – Trích kinh Lăng Nghiêm


Và đây là sự diễn đạt bằng ngôn ngữ dễ hiểu hơn cho giới trí thức nói chung:


A Nan! Ngươi đánh mất tự tính, chẳng hiểu thấu được rằng những cái “thấy, nghe, hiểu, biết” của ngươi vốn là Như Lai Tạng (Phật tính). Ngươi hãy xem những cái thấy, nghe, hiểu, biết này có mang bản chất sinh diệt hay không, là giống nhau hay khác nhau, là chẳng sinh diệt hay chẳng giống khác nhau? Ngươi còn chẳng biết trong Như Lai Tạng (Phật tính) đó, bản chất của cái thấy chính là cái hiểu biết sáng suốt, (và) bản chất của sự hiểu biết chính là cái thấy sáng suốt, (chúng) vốn tự nhiên thanh tịnh, hiện hữu cùng khắp trong vạn vật và vạn tượng của vũ trụ, tùy theo mức độ hiểu biết của chúng sinh tạo thành nghiệp, và nương theo các nghiệp ấy mà biểu hiện ra các cảnh giới.


Hãy cùng xét thêm 1 ví dụ khác trong kinh Lăng Nghiêm:


Ngươi xem tánh Địa, thô là đại địa, tế là cực vi trần, cho đến cực vi là lân hư trần, là sắc tướng nhỏ tột, nếu phân tách nữa thì thành tánh hư không.”


Có thể được diễn đạt thành:


Ngươi hãy xem bản chất của những vật chất thuộc về nhóm Địa, từ mức vĩ mô là quả địa cầu, đến mức vi mô là các hạt bụi cực nhỏ, rồi cho đến mức siêu vi là các phần tử siêu nhỏ cận kề với hư không, là mức nhỏ tột cùng, nếu phân tách ra nữa thì thành hư không.”


Nếu việc chuyển ngữ hoặc diễn đạt kinh Phật bằng ngôn ngữ khoa học thời đại được thực hiện thành công thì chắc chắn sẽ giải phóng ra được một khối lượng kiến thức “siêu khoa học” vĩ đại cho nhân loại, và để các khoa học gia hướng theo mà định hướng phát triển sự tìm tòi mới của khoa học tương lai.


Gọi là “siêu khoa học” vì những kiến thức ấy nhà bác học Anhxtanh cũng phải thừa nhận là vượt trước khoa học rất xa, và những gì khoa học hiện nay đang tìm ra ngày càng chứng minh những tư tưởng trong triết học và kinh điển Phật giáo là đúng. Tôi xin được lấy ví dụ chuyển ngữ một đoạn trong “Bát Nhã Tâm Kinh” theo sự hiểu của mình bằng ngôn ngữ khoa học hiện đại:


Này ông Xá Lợi Phất, mọi sự vật hiện tượng trong thế giới vật lý (sắc) vốn không khác với chân không, và chân không không khác biệt với những sự vật hiện tượng đó. Bản chất tột cùng của mọi sự vật hiện tượng trong thế giới vật lý chính là chân không, chân không chính là bản chất tột cùng của mọi sự vật hiện tượng đó. Cũng vậy, chân không chính là bản chất tột cùng của cảm thọ, của tư duy (tưởng), và của vô thức bao gồm hành ấm & thức ấm


Nguyên bản tiếng Hán: “Xá Lợi Phất, sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị.”


Kinh điển Phật pháp trong cái vỏ của ngôn ngữ cổ nếu được diễn tả chuẩn xác bằng ngôn ngữ hiện đại sẽ giống như một sự giải phóng năng lượng khổng lồ từ một chút xíu vật chất phóng xạ trong những phản ứng hạt nhân.


Thời đại cũ, con người vì thiếu phương tiện ngôn ngữ nên sự diễn đạt gặp nhiều khó khăn, vì vậy mà họ phải dùng rất nhiều những từ nhiều nghĩa. Chính cái đa nghĩa này làm cho sự hiểu của con người gặp cản trở, và làm cho việc giảng giải Phật pháp gặp vô vàn trở ngại.


Ngày nay với sự phát triển bùng nổ của khoa học kỹ thuật trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, tri thức của nhân loại tăng trưởng theo cấp số nhân, và cũng song song với đó là phương tiện diễn đạt của ngôn ngữ bùng nổ theo với sự xuất hiện của các thuật ngữ mới, và những khái niệm mới. Vậy thì tại sao chúng ta lại không sử dụng nguồn tài nguyên ngôn ngữ & khoa học hiện đại này để diễn tả chân lý trong Phật pháp?


Trong chuyên ngành biên dịch và phiên dịch mà tôi đã được học trước kia, có rất nhiều cách dịch một văn bản, trong đó có cách dịch hiệu quả nhất là diễn tả lại chính xác ý của tác giả mà không bị vướng vào cái bẫy ngôn ngữ theo cách diễn đạt của ngôn ngữ gốc.


Để làm được điều này, người dịch phải hiểu được chính xác người viết nói gì trong ngôn ngữ gốc, và sau đó diễn đạt lại cho đúng bằng văn phong và văn hóa của ngôn ngữ được chuyển dịch. Thiết nghĩ nếu áp dụng phương pháp này thành công trong việc chuyển ngữ kinh Phật sang ngôn ngữ hiện đại thì đại đa số quần chúng trong xã hội sẽ hồ hởi tiếp nhận lời Phật dạy.


Nhưng để làm được điều đó thì đòi hỏi các nhà phiên dịch/chuyển ngữ kinh điển Phật giáo phải có một vốn kiến thức khoa học uyên thâm và một khả năng sử dụng ngôn ngữ hiện đại thành thạo. Chúng ta không ai có thể làm được việc này đơn độc được, mà phải thực hiện nó trong sự tư vấn của các chuyên gia ngôn ngữ, và cộng tác với các nhà khoa học.


Còn thêm một thực trạng nữa làm chai cứng và khó hiểu ngôn ngữ của Phật pháp, đó là việc sử dụng với mật độ dày đặc các thuật ngữ tiếng Phạn được phiên âm sang tiếng Hán (mà tôi xin được tạm gọi là từ Phạn Hán), rồi từ tiếng Hán được phiên âm sang tiếng Việt.


Các thuật ngữ Phạn Hán này được dùng theo thói quen, và chỉ có những người chuyên tu Phật học mới hiểu nổi. Ngày xưa, việc sử dụng các từ Phạn Hán này sẽ làm cho người nghe cái cảm giác người nói rất uyên thâm về Phật pháp.


Tuy nhiên trong thời đại này, nếu những từ đó vẫn tiếp tục được dùng, thay vì sử dụng những từ tiếng Việt dễ hiểu thì quần chúng sẽ không ai hiểu nổi đức Phật nói gì. Tất nhiên người viết không có tham vọng là chuyển ngữ hết tất cả những từ Phạn Hán đó, vì trong thực tế có những từ quả là không thể tìm được từ Việt tương ứng. Tuy nhiên chúng ta chỉ dùng từ Hán Việt hoặc Phạn Hán trong trường hợp không tồn tại từ tiếng Việt hoặc những thuật ngữ hiện đại có khả năng thay thế.


Mong sao một ngày nào đó các vị học giả Phật học và các bậc tôn túc sẽ có thể cùng nhau lên một kế hoạch hiện đại hóa ngôn ngữ của Phật pháp vì lợi ích của nhân loại nói riêng và chúng sinh vạn loài nói chung.


ii/. Vấn đề thứ 2 tôi xin được đề cập ở đây là về kinh điển.


Kinh điển Phật giáo gồm 2 hệ chính: Nguyên Thủy và Đại Thừa. Nhớ lại những ngày ban đầu đến với Phật pháp, tôi có duyên được tiếp xúc với các kinh điển nguyên thủy trước. Ban đầu vì sự tò mò, tôi đọc kinh là để xem đức Phật đã dạy gì. Nhưng ngay khi tiếp xúc, tôi bị “dội” liền vì những lý do sau:


– Từ ngữ trong kinh điển quá xa lạ với ngôn ngữ hiện đại khiến người đọc khó hiểu. (Phần này đã được nêu lên ở trên)


– Văn phong trong kinh điển lặp đi lặp lại quá nhiều, đọc rất chóng chán.
Để đọc hết được một bài kinh Trung bộ, người đọc phải vô cùng kiên trì.


Nếu vượt qua được rào cản này thì chúng ta mới cảm nhận được sự kỳ diệu trong giáo lý của đức Phật, nhưng xét theo lẽ thường tình thì ít ai có thể vượt qua nổi cửa ải này.


Ngay chính đức Phật đã từng nói, giáo pháp của Ngài là chiếc bè để vượt sang bên kia sông, giải thoát khỏi vòng sinh tử. Điều quan trọng của kinh điển là ý nghĩa chứ không phải văn tự. Mục đích của kinh điển là để người đọc hiểu được chính xác những điều Phật dạy, chứ không phải là một sự bảo toàn y nguyên các văn tự qua mấy ngàn năm lịch sử.


Tất nhiên chúng ta cũng rất cần những bộ kinh “hoàn toàn nguyên thủy” để các học giả và người tu nghiên cứu. Nhưng với quần chúng thì khác. Để giáo pháp của đức Thế Tôn truyền sâu được vào thế gian, từ xưa đến nay rất nhiều những bậc tôn túc đã chuyển thể kinh Phật thành dạng thơ lục bát, hoặc những dạng văn dể hiểu để ai đọc được cũng thấm.


Xuyên suốt các bộ kinh của Phật, chúng ta cũng thấy phổ biến những bài kệ do chính Phật ứng tác với những lời kinh mộc mạc nhưng sâu sắc, được quần chúng ghi nhớ và ứng dụng rất tốt. Bộ kinh Pháp Cú là một ví dụ điển hình. Ở đây những giáo lý uyên thâm được diễn tả bằng ngôn ngữ rất bình dị và qua những ví dụ rất dễ hiểu. Cách thuyết kinh đó của Phật cho quần chúng là điều chúng ta rất cần kế thừa và phát huy cho thời đại mới.


Xét về phương diện lịch sử, thời đức Phật còn tại thế, chữ viết tuy đã có nhưng việc viết lại là một công việc rất cực nhọc và tốn thời gian vì chưa có giấy mực. Để viết được chữ, người ta phải khắc văn bản lên một bề mặt cứng giống như gỗ, tre hoặc đá. Còn nếu chữ được viết lên những tấm da thì việc đó gián tiếp khuyến khích sát sinh, làm tổn hại lòng từ bi của người tu theo Phật.


Do đó đức Phật khuyến khích phương pháp dùng trí nhớ để lưu lại. Vì phương tiện là như vậy nên khi thuyết kinh, đức Phật phải dùng lối nói dễ trùng tụng, đó là lặp đi lặp lại các cấu trúc câu. Chính nhờ cách này mà các đệ tử của Ngài đã bảo tồn y nguyên được nội dung kinh điển suốt mấy trăm năm trước khi chính thức lưu lại bằng chữ viết trên lá bối.


Nhưng dù cho trí nhớ các bậc đệ tử của đức Phật có siêu đẳng thế nào thì kinh tạng cũng không thể tránh khỏi tình trạng “tam sao thất bản” sau suốt gần 500 năm tồn tại dưới dạng trùng tụng. Đó cũng là 1 phần trong nhiều nguyên nhân dẫn tới sự phân chia bộ phái sau này.


Nhìn lại lịch sử như vậy, chúng ta sẽ đủ can đảm để viết lại những bộ kinh Nguyên Thủy của đức Phật bằng văn phong mới và ngôn ngữ mới. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người tiên phong trong việc viết lại kinh điển bằng ngôn ngữ thời đại.


Đọc những bài kinh mà Thiền sư viết lại, chúng ta thấy giáo lý của đức Phật thật là gần gũi và dễ hiểu hơn. Và khi so sánh những bài kinh mới ấy với bản kinh gốc, toàn bộ nội dung về giáo pháp được đạt rất chính xác.


Giờ xin bàn đến kinh điển Đại Thừa. Khác với văn phong của kinh Nguyên Thủy, văn phong của kinh Đại Thừa dễ đọc hơn. Tuy nhiên lượng thông tin, chiều sâu về giáo lý trong kinh điển Đại Thừa rất dầy đặc. Xét về dung lượng, các bộ kinh Đại Thừa rất đồ sộ. Nếu ai đó chỉ chuyên tâm đọc hết tất cả các bộ kinh này mà không cần hiểu nghĩa thì cũng phải mất cả chục năm.


Điều khó khi một người sơ cơ tiếp xúc với kinh Đại Thừa bên cạnh khó khăn về ngôn ngữ (như đã trình bày ở trên), còn là sự choáng ngợp trước những miêu tả các cảnh giới siêu hình quá hoành tráng và khó tin.


Sự choáng ngợp đó dễ khiến người đó phát sinh tâm lý nghi ngờ và dẫn tới sự quy kết những giáo lý trong kinh là hoang đường, phi lý. Ở điểm này thì kinh Nguyên Thủy có nhiều lợi thế hơn bởi người đọc sẽ thấy ở đó một hình ảnh đức Từ Phụ rất thật và gần gũi, sống trong một bối cảnh xã hội thực tại với đầy đủ những sinh hoạt sinh động.


Vì thế, nếu đem kinh điển Đại Thừa nếu phổ cập cho quần chúng, có lẽ chúng ta nên lược bớt những đoạn mở đầu quá hoành tráng để đi thẳng ngay vào giáo lý mà Đức Phật muốn nói. Điều này không có nghĩa là chúng ta bớt xén, cắt bỏ kinh điển, nhưng để “nhập gia” thì phải “tùy tục”, hay nói cách khác là “tùy cơ ứng biến”.


Vì thương chúng sinh căn cơ còn mỏng nhỏ, các vị tôn túc nên cắt bớt những phần “hoành tráng” dễ gây nghi ngờ để chúng sinh có điều kiện tiếp xúc với kinh điển được viết lại bằng ngôn ngữ gần gũi với thời đại hiện đại. Nên chăng chúng ta lập nên 2 dòng kinh điển, một cho đại chúng với ngôn ngữ mang tính hiện đại và bớt những khung cảnh siêu hình khó tin và chuyên chú vào những phần đạo lý mà Phật tuyên thuyết, còn dòng kia là những kinh điển gốc dành cho người chuyên tu với đầy đủ nội dung và các “thuật ngữ Phật học chuyên ngành” như hiện nay.


Nếu làm như vậy thì Phật giáo sẽ vừa bảo tồn được kinh điển, vừa đem được giáo lý phổ biến rộng rãi vào quần chúng với tính chất hiện đại. Việc này chắc chắn không đi ngược lại ý Phật bởi kinh Phật ngay từ đầu đã được gọi là “Khế Kinh”. “Khế” là phù hợp với căn cơ, kinh là giáo lý căn bản. Nếu chúng ta quá chú trọng vào phần “Kinh” mà quên đi phần “Khế” thì chúng ta mới chuyển tải được một nửa ý Phật mà thôi.


(Còn nữa)







Ý KIẾN ĐỘC GIẢ


Đoàn Thanh Hương ([email protected]) Tôi rất vui mừng về cách đặt vấn đề hoàn toàn chính xác và cấp thiết về con đường hoằng dương Phật Pháp tại Việt Nam, và thế giới của cư sĩ Nghiêm Minh. Bản thân tôi đã có những trải nghiệm tìm tòi cách thể hiện tuệ giác của Phật bằng phương tiện khoa học, tôi mô tả bằng ngôn ngữ Toán học rất rõ ràng sắc nét đến độ người nghe phải bang hòang khi biết được: không gian Niết bàn là có thật. Tôi đã thử nghiệm giảng giải những vấn đề lớn: Sự tồn tại của Niết bàn và con đường đến Niết bàn,  hạnh phúc ở Niết bàn, sự tồn tại của tâm, thân, vũ trụ, con người, luật vô thường, vô ngã, sự tai hại của tham sân si… Ngần ấy vấn đề tôi giảng trong 2 tiếng đồng hồ, người nghe đã vỡ lẽ được sự thật, và họ rất vui mừng vì thấu hiểu Đạo Phật dưới góc độ khoa học. Tôi biết rằng cách diễn đạt chính xác của Toán học đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, có sức chuyển hóa rất sâu sắc, trình độ học vấn bình thường cũng  hiểu được, nên có thể đem lại lợi lạc phát triển Phật Pháp.


Nguyễn Huy TườngNha Trang, Khánh Hòa (biendong18819…@yahoo.com.vn) Giáo lý của Phật giáo không thể chê vào đâu được, nhưng thật sự rất khó và trở ngại cho Phật tử tiếp cận những bản kinh dày, đậm đặc từ Hán Việt mà người tụng không hiểu nghĩa. Hầu hết Phật tử đọc, tụng kinh mà không hiểu nghĩa. Thậm chí một số Phật tử đọc để “tính công” với Phật, chứ chẳng biết sau khi đọc xong thì mình phải có trách nhiệm là phải áp dụng như thế nào vào đời sống hằng ngày! Bản thân tôi đang cố gắng hết sức để thực tập và truyền bá những bản kinh ngắn thực tế vào quần chúng dù bị rất nhiều người nói kinh này đâu có trong nghi thức của Giáo hội. Chúng tôi mong hồi âm từ các thầy trong Giáo hội, các thầy đừng ngủ quên nữa!!!


Vũ Ngọc Tuấn – Hà Nội (oldcapital2312…@gmail.com) Qua loạt bài của cư sĩ Kiên, chúng ta thấy rất nhiều vấn đề nội cộm cần giải quyết để hoằng dương Phật pháp. Tôi là một trí thức đến với đạo Phật từ hồi sinh viên, có cảm tình với đạo Phật, nghiên cứu triết học Phật giáo trong trên giảng đường Đại học, đọc báo mạng Phật giáo, ứng dụng một số triết lý Phật giáo vào đời sống, đến chùa lễ Phật vào ngày rằm, mùng một nhưng thú thực chưa bao giờ đọc nổi đến 01 trang kinh Phật giáo vì những lý do mà cư sĩ Kiên đã chỉ ra. Vì vậy, tôi có một số kiến nghị:


– Giáo hội (cụ thể là ban Hoằng pháp, ban Hướng dẫn Phật tử) nên biên soạn một series sách bỏ túi, sách khổ nhỏ, trang ít với ngôn ngữ hết sức thông dụng, đời thường. Ví dụ: quyển 1: Tổng quan về Đạo Phật, quyển 2: Nghi lễ phổ thông trong đạo Phật, quyển 3: Phật giáo và Hạnh phúc gia đình, quyển 4: Phật giáo và tuổi trẻ… Các quyển sách này cần in ấn và phát miễn phí tại các chùa, nhất là các chùa ở miền Bắc. Khi Phật tử đi lễ chùa, các Thầy trụ trì sẽ tận tay tặng và chúc phúc cho Phật tử. Đó sẽ là một cách hoằng pháp vô cùng dễ dàng…


– Ban Nghi lễ cần việt hóa và chuẩn hóa, phổ biến thống nhất những kinh tụng thông dụng của Phật tử hàng ngày


– Với những bộ kinh Phật, nên chọn một số bộ kinh trọng yếu để dịch lại theo ngôn ngữ thông dụng, mạnh dạn biên tập lại ý sao cho ngắn gọn hơn. Mục đích của những bản kinh này để học, để tìm hiểu và hoằng pháp, nên không nhất thiết phải bám sát từng từ như kinh gốc (mà chưa chắc đã hoàn toàn gốc 100% do tam sao Thất bản).







Nếu quý độc giả có ý kiến về vấn đề bài viết này nêu ra, xin bấm vào đây hoặc gửi email về địa chỉ: [email protected]


Xem thêm: