Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Ngưỡng vọng La hán trên đá ở cố đô Hoa Lư

Ngưỡng vọng La hán trên đá ở cố đô Hoa Lư

71

Và chính ở chùa Bái Đính đang ghi một kỷ lục mới vào văn hóa Phật giáo bằng tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên đá.

Trên ba tầng đồi từ thấp đến cao là chỗ trưng bày tạm thời 500 pho tượng La hán được chạm khắc trên những khối đá cao 2,5m, được các nghệ nhân Ninh Bình tạo tác kể từ năm 2004 đến nay gần như đã hoàn tất.

Đó thật sự là 500 tác phẩm nghệ thuật giới thiệu người xem lịch sử và văn hóa Phật giáo, một kiểu La hán đường đời Tống (Trung Quốc).

Và cũng chính ở đây, phong cách làm tượng Phật của các nghệ nhân làng Ninh Vân huyện Hoa Lư hoàn toàn khác với làng đá Non Nước cũng rất nổi tiếng về nghề điêu khắc tượng.

Tượng Phật của nghệ nhân Đà Nẵng mạnh về chi tiết, khai thác cái khéo léo tỉ mỉ của nghệ nhân. Tượng Phật ở chùa Bái Đính đẹp về hình khối, tạo vẻ thân thuộc truyền thống.

Người xem có thể nhìn ngắm những đường nét của lá sen rủ trên tà áo của các vị La hán sống động và thân thuộc, những dáng ngồi vững chãi oai nghiêm nhưng mỗi vị mỗi vẻ tùy theo hoàn cảnh, tâm thế.

Mỗi pho tượng đều có sắc diện riêng thể hiện cái thần của người tu hành thành chính quả. Từ mắt, lông mày, miệng, tai theo từng chi tiết tượng đều sống động, linh hoạt phù hợp với những truyền thuyết xuất thân, công quả của các vị.

Như pho tượng thể hiện đức Tôn giả Nhã Kiều Trần Như, một trong năm đệ tử đầu tiên theo Thích Ca Mâu Ni được thể hiện có dáng béo tốt, thần thái trầm tĩnh, uyên thâm.

Mẫu tượng La hán được các nghệ nhân Ninh Vân tạc theo các bức ký họa và theo lai lịch 500 vị La hán trong tập “Ngũ bách La hán” do NXB Yên Sơn Bắc Kinh phát hành năm 1991, nhưng có sáng tạo thêm rất nhiều.

Bởi vậy nếu có ai đã từng tham quan La hán đường tại chùa Long Hoa ở Thượng Hải nay vẫn không thể không nhận ra sự khác nhau trong sáng tạo của nghệ nhân Việt Nam thể hiện nỗi đau nhân thế và chí khí của những nhà truyền Phật pháp đến chúng sinh của từng vị tôn giả.

Ngưỡng vọng La hán ở cố đô Hoa Lư, lại như một dịp hành hương vào cõi Phật với những nhân vật có thật được ghi nhận trong lịch sử phát triển Phật giáo như A Nan, Phổ Hiền, hoặc từ truyền thuyết về các thiên thần sinh ra từ nhiều kiếp.

Mỗi pho tượng đều ghi rõ tên của vị La hán được thể hiện. Và đó cũng là những câu chuyện, những truyền thuyết ghi nhận sự xuất hiện, công đức của vị La hán đó bằng ngôn ngữ điêu khắc.

Chùa Bái Đính có quy mô xây dựng lớn nhất Việt Nam ở một vùng núi non thơ mộng và những tác phẩm nghệ thuật trên đá này sẽ là một địa chỉ văn hóa Phật giáo quan trọng cho người hành hương ra xứ Bắc.