Từ chuỗi hoạt động triển khai các dự án cứu hộ và phục hồi tê tê từ buôn bán trái phép, đến nay Save Vietnam’s Wildlife do ông Thái thành lập đã giải cứu 1.540 con tê tê ở Việt Nam khỏi nạn buôn bán động vật trái phép và chăm sóc chúng trước khi thả ra môi trường tự nhiên.
Những con tê tê sau khi được thả vẫn được quan sát và quản lý bằng cách sử dụng nhận dạng tần sóng radio và máy bay không người lái. Bên cạnh đó, các chiến dịch giáo dục và tiếp cận cộng đồng cũng được tổ chức để nâng cao nhận thức của người dân bằng các bài báo, tài liệu về chăm sóc và cứu hộ tê tê. Ước tính trung tâm đã tập huấn cho hơn 11.000 người về tầm quan trọng của các loài động vật.
Trà trộn vào nhóm thợ săn bắt và buôn bán tê tê, tìm hiểu về chuỗi cung cấp và buôn bán loài động vật này, nhóm của ông Thái đã phối hợp với lực lượng quản lý thực hiện hàng trăm cuộc giải cứu tê tê, hơn 500 kẻ săn trộm bị bắt giữ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có tới 80% cá thể tê tê bị thương nặng, nhiễm trùng được nhóm kịp thời cứu chữa và phục hồi…
Ông Nguyễn Văn Thái nói: “Tôi hy vọng giải thưởng này là động lực cho không chỉ riêng mình mà còn cho nhiều người Việt Nam khác cùng có nhiều hành động hơn nữa hướng về động vật hoang dã. Ai cũng có thể bảo vệ động vật hoang dã được, chỉ cần thật tâm và nỗ lực”.
Được biết, ông Thái sẽ dùng số tiền thưởng 200.000USD (tương đương 6 tỉ đồng) để Save Vietnam’s Wildlife tiếp tục thực hiện sứ mệnh bảo tồn động vật.
Cách đây hơn 20 năm, giữa đại ngàn Nho Quan (Ninh Bình), cậu bé Nguyễn Văn Thái 15 tuổi rùng mình khi nhìn thấy những người thợ săn trực tiếp bóc vảy hai mẹ con tê tê để lấy vảy cho những “phương thuốc” truyền miệng chữa đủ thứ bệnh.
Tiếng thét ré lên giữa rừng xanh, giữa chính “ngôi nhà” của những con tê tê như một lời kêu cứu thống thiết ai ngờ lại in đậm vào tiềm thức của cậu bé Thái ngày đó để rồi một quyết định được đặt ra: phải làm gì đó để cứu lấy những con vật đáng thương này.
Để thực hiện ước mơ của mình, Thái thi vào Trường ĐH Lâm nghiệp và bắt đầu hành trình tìm kiếm quyền được sống trong tự nhiên cho tê tê. Anh xin thực tập tại Vườn quốc gia Cúc Phương và có cơ hội tiếp cận nhiều tài liệu cũng như các buổi hội thảo, nói chuyện về công việc bảo tồn động vật.
Điều này đã giúp anh xây dựng nền tảng và được truyền cảm hứng để tiếp tục đi trên con đường dù biết còn lắm gian nan…
Được sáng lập năm 1989, giải thưởng môi trường Goldman là giải thưởng lớn nhất và quan trọng nhất thế giới nhằm tôn vinh các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mỗi năm, giải thưởng này tôn vinh sáu cá nhân xuất sắc nhất ở cương vị lãnh đạo công tác bảo vệ môi trường ở cấp cơ sở, đại diện cho các khu vực châu Phi, châu Á, châu Âu, các đảo và các quốc đảo, Bắc Mỹ, Nam và Trung Mỹ. Tính đến năm nay, giải thưởng đã được trao cho hơn 200 cá nhân (trong số đó có 87 phụ nữ) đến từ hơn 90 quốc gia trên thế giới.
Mai Thương/TTO