Ngoại ô thị trấn Osaka có một lâu đài cổ, nằm trong khu vườn mênh mông, yên tĩnh. Lâu đài chỉ còn là những bức tường đổ, lang lổ và rêu mục. Là nơi trú ẩn của chim chuột, của những đàn dơi tung cánh phần phật. Sâu trong vườn là chiếc lều tranh rách nát: nơi nương náu của cụ già mù lòa Mê-đa-su, cùng với Tô-ki – con chó mực cũng già nua như chủ. Cả hai đều sống dai dẳng từ cái thời vàng son phú quý của lâu đài.
Cả thị trấn Osaka này không ai là không biết cái vườn hoa nổi tiếng ấy. Khách đến lâu đài thường trầm trồ thán phục những chậu hoa, những luống hoa tươi nõn, đẹp mắt. Còn hơn thế nữa, khi họ bất chợt thấy từ trong bậu cửa, một cành hoa thò ra. Cành hoa không còn là cái gì đơn điệu – tuy vẫn là đơn điệu ấy – mà là đại biểu cho cả mùa xuân tươi thắm của đất trời. Nó ngưng tụ. Lại đón mời. Dẫu bình hoa chỉ đơn sơ ít nụ hoặc chỉ vài loại hoa cỏ tầm thường trong cái đĩa, cái bình sứt mẻ, chúng vẫn tỏa ra cái vẻ toàn hảo và thanh khiết nhất. Một bình hoa như vậy, chắc hẳn là không phải do ai cắm vào! Mà nó phải được “mọc” ra từ một tâm hồn nắm vững bí quyết của nghệ thuật: cái đẹp, cái nâng bổng, cái làm cho phong phú, tươi thắm thêm cuộc sống và tình người.
Bốn mùa tám tiết, không lúc nào khu vườn ấy thiếu hoa. Đông xuống, tuyết rơi, hoa vẫn nở được trong nhà kiếng, ở đó có sương mù, ánh sáng lẫn khí ấm của mùa xuân. Những bó hoa, những cành hoa, những nụ hoa từ đây được rải ra các phòng khách sang trọng nhất của thị trấn, các ngôi chùa lớn, một vài tư gia bạn thiết của lâu đài. Tuy thế, ít ai để ý đến tâm hồn nhiệm mầu nào đã tạo ra chúng. Lão làm vườn Mê-đa-su cùng với con chó Tô-ki vẫn sống âm thầm bên nhau, vô danh như chưa hề có mặt.
Khi chủ nhân lâu đài qua đời vài năm, cụ già Mê-đa-su bị hỏng mắt, lý do thật ít ai ngờ đến: lão té trong một bụi tử vi. Và kỳ lạ chưa, hai mắt lão bị tối tăm vĩnh viễn! Từ đấy, thị trấn Osaka không có hoa nữa. Hoa cũng có đấy nhưng nghèo nàn và cằn cỗi thế nào. Nó là sứ giả của tàn úa và tử vong. Hoa của Mê-đa-su không có vậy, nhất là những bình hoa: nó có sự sống và linh hồn.
Bây giờ, khu vườn ấy là nơi mà thiên nhiên đã chiếm ngự trọn vẹn. Những bụi thục quỳ, sơn trà, tuyết mai, mẫu đơn… đã già cỗi, sống chen chúc với rác rưởi và cỏ gai đủ loại. Ai nhìn khu vườn điêu tàn và lão làm vườn già nua mù lòa ấy mà không khởi lên một mối u hoài sâu lắng? Cái vô thường của cuộc đời cũng thật khó cho người ta cảm thông vậy thay!
Mùa đông năm ấy, Mê-đa-su hấp hối. Con Tô-ki cất giọng thê thảm tru từng hồi.
Tô-ni-ka, tên chú bé hàng xóm tốt bụng – là người bạn thân thiết sau này của cả hai – chạy qua với vẻ hớt hải:
– Có phải cha già sắp chết không, Tô-ki? Tô-ni-ka cất tiếng hỏi. Con chó nước mắt tươm ra. Tô-ni-ka hiểu. Nó thắp lên một ngọn đèn. Gió lùa từ liếp cửa trống hoác, lạnh cắt da. Ánh sáng lung linh, chập chờn.
– Tô-ni-ka đấy à? Cụ già phều phào hỏi.
– Cha già ơi! Có cháu đây! Chú bé chạy lại nắm tay cụ già lắc lắc – Nằm yên tĩnh đi nào!
– Lão sắp chết. Ông tử thần đã đến với lưỡi hái. Y đang đứng ở đầu giường. Cháu có thấy không, Tô-ni-ka?
Chú bé rùng mình, nhìn quanh quất.
– Bậy nào! Này cha già, đừng nói thế nữa. Cha già có thể sống khỏe. Coi cơn đau như giấc mộng thôi!
– Giấc mộng thôi – Cụ già lắp bắp – Hay lắm, như là giấc mộng thôi! Cụ lại rướn người – Tô-ni-ka! Chú bé tốt bụng! Vậy là lão đã có đủ mọi người thân thiết. Cho lão nắm tay một tí nào! Cả con Tô-ki nữa.
Cả ba yên lặng hồi lâu. Mưa lập đập ở bên ngoài. Gió rú từng cơn. Cụ già giọng như đã lạc hẳn đi:
– Suốt đời lão làm việc. Hai bàn tay lão đã làm cho thành phố nở hoa. Ôi! Hạnh phúc thay là được làm việc và được sống một đời lương thiện. Lão không bất mãn gì về cuộc đời. Lão thân yêu với nó. Dĩ nhiên là thân yêu vừa phải thôi. Lão thân yêu cái vườn hoa của lão hơn. Tô-ni-ka, chú bé tốt bụng! Cháu đã thấy vườn hoa mùa xuân của lão chưa?
– Hoa nở từng chòm, từng khóm, chỗ này, chỗ kia, đẹp lắm!
– Không. Không phải. Nó là những cái luống thẳng tắp. Chỗ thì như ngày hội của bướm. Chỗ thì như đám lửa phun. Chỗ thì như dòng suối tuyết… Đẹp, đẹp lắm kìa! Cụ già lại thở ra – nhưng đấy là ngôi vườn xưa. Tô-ni-ka còn bé lắm. Con Tô-ki nó biết kìa! Tô-ki!
Chó nghe gọi, ve vẩy đuôi, rên ư ử.
– Con Tô-ki nó biết đấy – cụ già ngừng hơi một lát rồi thở dài – bây giờ thì đã hơn mười năm lão không thấy nữa – giọng cụ già lớn hơn một tí – Tô-ni-ka! Từ khi lão bị mù, thành phố không có hoa nữa phải không?
– Vẫn bán đầy ở chợ ấy chứ! Hoa mõm chó, hoa móng lợn, hoa mồng gà, hoa mâm xôi, hoa cứt chuột, hoa vạn thọ, hoa cúc dại…
– Đúng. Đúng. Đúng. Cụ già gật liên hồi – Chỉ có thế thôi. Đúng là không có lão, thành phố không nở hoa! Còn cái chuyện cắm hoa nữa – giọng cụ già như sôi nổi hẳn lên – cái đó mới kỳ diệu! Người đời phức tạp, rối ren, nhiều tham muốn quá. Chỉ nhìn bình hoa của họ là lão thấy ngay. Lão giản lược một tí. Lão cắt một tí, xén một tí nữa.
Đột ngột, cụ già im lặng. Một màn đen như phủ trong mắt. Tô-ni-ka cho cụ già uống một hớp nước. Con Tô-ki vẫn ư ử ở bên chân.
– Tô-ni-ka! Chú bé tốt bụng! Hiện giờ đây lương tâm lão không có yên ổn. Dẫu là một hạt bụi nhỏ, lão cũng không làm ác, tuy thế, lão không thanh thản để nhắm mắt ra đi.
– Cha già ơi! Cha già cứ nói. Biết đâu cháu có thể giúp đỡ cha già được cái gì đó.
– Chú bé tốt bụng! Lão nói với cháu điều này. Lão có một ông Phật…
– Cái đó thì cháu biết đấy.
– Ồ, thế thì rất tốt. Vậy cháu hãy kiếm cho lão một tượng Phật, treo lên đầu giường, đốt một lư trầm, rồi đọc cho lão nghe một bài kinh sám hối.
– Khó đấy! Cả vùng này có ai yêu Phật đâu, ngoài cha già và Tô-ni-ka? Nhưng lò trầm và kinh sám hối thì có ngay.
Chú bé vù ra cửa. Lát sau, lư trầm được đốt lên, ấm cúng, thơm thoang thoảng, nó xua tan ngay âm khí và sự cô liêu. Lời kinh từ miệng đứa bé vang vang trong lều. Đại ý là: tội lỗi con đã nhiều, từ vô thỉ đến nay. Vậy con xin sám hối với ba đời chư Phật…
– Thôi! Thôi! Cụ già nói – Có lẽ không phải là cái ấy. Cái ấy không làm cho lão yên tâm.
Im lặng một lát.
– Này Tô-ni-ka! Lão muốn sám hối với một người. Cháu có thể giúp lão điều đó không?
– Có thể được! Đứa bé gật – Bên kia thung lũng có một tu viện. Cháu sẽ đến đó tức khắc và thỉnh một ông thầy tu.
– Không! Không! Lão không thích thầy tu.
Chú bé ngơ ngác. Cụ già Mê-đa-su tiếp:
– Như thế này, Tô-ni-ka! Cháu hãy đi ra đường và mời người đầu tiên mà cháu gặp. Lão sẽ sám hối với người ấy. Không ai nỡ từ chối lời thỉnh cầu của người sắp chết đâu, Tô-ni-ka.
– Có ngay!
Chú bé vụt chạy đi. Chú nổi da gà khi băng qua khu vườn tối đen, lạnh lẽo. Mưa lay lắt và gió buốt xương. Đám mây đen đục từ trời cao như sa xuống thấp. Một ánh đèn le lói phía cuối đường. Đêm đông, dường như mọi sự sống đều cuộn mình trong lớp kén dày. Đường sá vắng ngắt. Một bóng đen đang chậm rãi bước ven lộ, gục gặc đầu. “À, y đang ngâm thơ!”
– Hãy đứng lại! Chú bé hét to.
Bóng đen giật mình thối lui, nom cho rõ.
– A, chú bé con! Ghê gớm thế! Chú bé thân mến, có chuyện gì nào?
“Thì ra là người đàn ông, tốt!” Chú bé lầm thầm rồi vội vã đến cầm tay bóng đen, cố gắng diễn tả tóm tắt lời thỉnh nguyện của lão làm vườn.
– Được! Được! Người đàn ông gật đầu – Sám hối, ấy là cái sự vụ rất đàng hoàng, rất nghiêm chỉnh. Ta đi nào.
Họ dắt tay nhau lầm lũi đi vào nhà. Dưới ánh sáng của ngọn đèn yếu ớt, Tô-ni-ka cũng nom rõ người đàn ông gầy gò bé nhỏ. Y cởi khăn quàng để lộ cái đầu trọc. Y cởi luôn chiếc áo choàng ngăn mưa, bên trong là chiếc áo nâu rêu giản dị, sạch sẽ. Đôi giày đi mưa đã cũ nhưng lành lặn. Tóc muối tiêu lún phún. Sau vai vác một cái đãy to, thò ra cây đàn Kôtô đã ngả màu đen lóng lánh. Tất cả nom có vẻ tươm tất pha chút tuế sương bãng lãng.
Người đàn ông nửa trẻ, nửa già, nửa thầy tu, nửa thế tục, đưa hai bàn tay đẹp thon thả vuốt đầu, rồi nhanh nhẹn lấy chiếc ghế đẩu ngồi xuống bên cạnh giường. Dáng y hơi cúi, hai tay chấp lại, chăm chú và vui vẻ nhìn người hấp hối.
– Nói đi nào, cụ già – Người đàn ông nói – Tôi là một tu sĩ. Một tu sĩ đam mê nghệ thuật. Đam mê tất cả những cái gì thuộc về nghệ thuật. Ồ! Ham mê, nói ham mê mới đúng. Cái đó bậy. Nhưng biết làm thế nào! Cái nghiệp chướng nó vậy. Tôi chọn con đường lẫn lộn với quỷ ma và làm cho nở hoa mọi sự. Tôi nói điều đó cụ già có hiểu không?
– Nở hoa mọi sự, hay lắm! Cụ già thều thào – Ít khi mà lão nghe được lời nói hay như vậy.
– Mô Phật! Còn có cái hay nữa – người đàn ông mỉm cười – cái mà tôi phụng sự, yêu thích, nó “nâng bổng” cuộc đời, nó đẩy tinh thần con người lên cao. Bởi vậy, xin cụ cứ an tâm mà nói đi. Tôi hy vọng vào phút cuối cùng này, bên tôi, tâm hồn cụ sẽ nở hoa và bay vút thênh thang lên trời cao như một cánh chim trắng.
– Bay vút thênh thang… Cụ già lập bập – trong ánh mắt mờ đục dường như loáng lên một ánh sao – Nhưng tu sĩ ạ! Cụ già tiếp – Lão có một sự bất an, một chút thôi, mà tâm hồn cũng trở nên nặng nề quá lắm. Lão muốn sám hối!
– Mô Phật! Tu sĩ nói – Cụ hãy sám hối nếu đấy là từ mà cụ thích. Hãy sám hối đi nào. Tôi sẽ nâng cụ lên, chắc chắn là như vậy. Tôi có nghệ thuật. Tôi nắm vững, nắm chắc bí quyết nghệ thuật ấy. Tôi sẽ nâng cụ lên, không cần phải cố gắng lắm đâu.
– Nó như thế này, tu sĩ ạ! Biết tu sĩ có phiền lòng không? Lão không thích thầy tu. Lão tin Phật mà lão không tin thầy tu – khó khăn lắm ông lão mới nói được – điều đó có trở ngại cho sự sám hối không?
– Mô Phật! Tu sĩ giơ tay cười vui vẻ – Không có gì trở ngại cả. Chính tôi, tôi cũng không tin ông thầy tu ở nơi tôi, tôi chỉ tin ông Phật ở nơi tôi thôi.
– Mô Phật! Ngài tu sĩ nói thiệt hay.
Cụ già dường như cố gắng nở nụ cười. Tu sĩ mỉm cười. Đứa bé Tô-ni-ka cũng mỉm cười. Con chó ư ử và ve vẩy đuôi.
Bất chợt cụ già Mê-đa-su rướn dậy nắm tay người đàn ông kéo về phía mình.
– Suốt đời lão làm việc – cụ già nói – chỉ lo làm việc thôi cũng đã khá lương thiện rồi. Huống nữa, lão trồng hoa. Lão phụng sự cái đẹp. Lão làm cho thị trấn nở hoa, đem mùa xuân cho lòng người. Điều đó hẳn là tốt thôi, phải không tu sĩ?
– Tuyệt!
– Thế nhưng – cụ già giọng như yếu đi – cũng chính do nơi phụng sự cái đẹp ấy mà lão phạm tội. Cũng không biết có phải là tội không, nhưng nó làm cho lão bất an.
– Hãy nói nữa đi cụ. Sám hối tức là nói ra những gì làm cho mình bất an. Sau khi nói ra rồi, tôi sẽ làm cho tâm hồn cụ nhẹ thênh thênh ngay lập tức. Chắc chắn như vậy.
– Mô Phật! Này tu sĩ – cụ già có vẻ suy nghĩ giây lát – có bao giờ tu sĩ thấy một thanh bảo đao chém ngọt một thân chuối tơ nõn chưa?
– Có thể tưởng tượng được cụ ạ! Tu sĩ ngạc nhiên.
– Chuyện nó như thế này. Buổi sáng kia, mùa xuân về, sự sống rạt rào trong cây cỏ. Những nụ hoa thấy nắng ấm, gió thanh lương bèn tỉnh giấc ngủ dài, mở mắt ra chào đón cuộc đời. Những nụ hoa tươi nõn, mơn mởn, hứa hẹn những bình hoa thắm sắc để chưng trang trọng tại các phòng khách. Thế là với cái kéo trong tay, lão ra vườn…
Cụ già Mê-đa-su đột ngột im lặng, đôi mắt lão như đứng tròng vào một cõi xa xăm nào.
– Hãy nói nữa đi cụ! Với cái kéo trong tay, thế là… thế là… Tu sĩ nói lầm thầm – thế là…
– Như vậy đấy, ngài tu sĩ ạ! Với cái kéo trong tay, lão cắt ngọt xớt, lão đoạn tuyệt những sự sống ấy, giống như đoạn tuyệt những hài nhi mới sinh, chẳng khác gì thanh bảo đao chém vào thân chuối tơ nõn. Ôi! Nó mở mắt tháo láo, rỉ máu, ngạc nhiên, chắc hẳn vậy. Lần đầu tiên, lão run rẩy, tim ngừng đập. Đêm về, lão nằm mơ. Mơ thấy những chiếc cổ trắng nõn, nổi gân hồng đến đòi nợ…
Tiếng nói của cụ già mỗi lúc mỗi nhỏ dần đi. Cậu bé Tô-ni-ka thoáng rùng mình, nổi gai ốc.
Tu sĩ trấn tĩnh.
– Chẳng có gì quan hệ đâu, cụ già ạ! Chỉ là tâm và tưởng nó huyễn hoặc bùa chú vậy thôi. Cái tay thợ vẽ tài hoa ấy nó vẽ gì mà chẳng được! Tu sĩ cất tiếng cười giòn tan – rồi sau đó thế nào, chẳng có chuyện gì cả chứ?
– Không có chi – cụ già thở ra như trút bớt gánh nặng – một lần đó rồi thôi. Sau này nó quen đi. Nhưng một lần mà vĩnh viễn không quên mới là điều đáng nói. Khi nào vừa chớm tưởng đến, lão lại rùng mình. Cụ già nghỉ một lát – Này tu sĩ ơi! Cái đó là tội hay không phải tội?
– Vậy khi đó, khi cắt những cánh hoa, cụ có khởi lên ác niệm như khi giết một sanh mạng? Tu sĩ chăm chú hỏi.
– Không. Không có điều đó. Cắt xong lão mới tưởng tượng.
– Ồ! Nó chỉ là tưởng tượng thôi thì hơi đâu mà chấp vào những cái tưởng tượng. Tu sĩ tủm tỉm cười – Này, nhà trồng hoa, chắc cụ đã cắm những bình hoa đẹp lắm nhỉ?
– Không! Lão không cắm. Lão làm cho nó “mọc” ra từ một góc tâm hồn thanh khiết nhất của lão.
– Thật là tuyệt! Tu sĩ nói rồi đặt hai bàn tay thon thả ấm áp của mình lên đôi má hóp của cụ già – Nếu cụ là kẻ có tội thì ngàn năm trước, ngàn năm sau không có ai lên Thiên đường. Trước mọi người, trước lương tâm, cụ là người hiền thiện. Sao lại có tội được khi cụ đem mùa xuân cho cuộc đời, an ủi và xoa dịu lòng người? Này nhà nghệ sĩ! Hãy mỉm cười đi nào!
– Phải! Phải! Lão cũng biết thế – cụ già nở nụ cười hóm hém rồi thở phào – Này tu sĩ! Sao kỳ lạ quá? Tu sĩ nói những điều như từ trong bụng của lão vậy!
– Mô Phật! Vậy thì cụ hãy an tâm – Tu sĩ nghĩ một lát – Bây giờ cụ còn ước nguyện gì nữa không?
– Có chứ – Cụ già Mê-đa-su bỗng nói lớn – Lão muốn nhìn thấy mặt trời và khu vườn cũ này về mùa xuân. Đã hơn mười năm rồi, lão không còn tưởng tượng ra được cái gì nữa cả. Chú bé Tô-ni-ka tốt bụng đây, bảo là hoa nở chỗ này, chỗ kia, từng chòm, từng khóm. Lý nào vậy được? Nó phải thành vùng, thành rừng. Mấy luống tuyết mai, nhị độ mai đã quá lâu không ai cắt tỉa, chắc chúng phải lan ra các ra lối đi! Mấy bụi bạch mẫu đơn, sơn trà, tử vi chắc quá sâm si rậm rịt. Này tu sĩ! Tuy thế, ước nguyện ấy thật ngu xuẩn. Hãy quên nó đi. Thật là càng già, càng trẻ con, càng lẩm cẩm.
– Ước nguyện đó được, chắc hẳn là được. Tu sĩ nói lớn và đột ngột, một âm thanh vang dội khắp lều như hàng ngàn viên pha lê chạm vào nhau. Cụ hãy nghe đây – tu sĩ nói – cụ hãy nghe và hãy nhìn đi!
Tu sĩ đã ngồi trên chiếc ghế, cây đàn Kôtô trong tay và y bắt đầu chơi.
Chú bé Tô-ni-ka chăm chăm nhìn người tu sĩ lạ mặt. Khi sợi dây đàn đầu tiên vừa rung lên, một thiên thần từ cõi trời hiển hiện. Trong đôi mắt tối của y lung linh hai ngọn lửa. Căn lều như tỏa một lớp ánh sáng, và tất cả người vật như chìm đi, như ngất đi trong biển âm thanh kỳ lạ. Con chó Tô-ki sau một hồi ngạc nhiên, chợt rên ư ử rồi bò đến bên chân tu sĩ, vẫy đuôi khe khẽ. Thỉnh thoảng nó nghiêng tai, vểnh tai, trong mắt nó tỏa ra niềm bình an, hoan hỷ.
– Lão thấy rồi – Cụ già Mê-đa-su nói như hét – đầu tiên là khung cửa sổ mờ nhạt, sau chuyển ra màu trắng lam. Bình hoa mùa xuân bên cửa chỉ vỏn vẹn hai đóa hồng bạch mà nó mang cái vẻ hoàn toàn xiết bao! Ô kìa! Có nắng ấm. Tuyết tan đi. Từng làn gió mát mẻ thổi qua làm rung rinh cành lệ liễu…
Tu sĩ vẫn không quay lại, đôi bàn tay với những ngón tay kỳ diệu bật lên dây đàn, mắt nhìn ra khung cửa tối – biển âm thanh xao động rồi ngưng lắng một lúc – Còn bây giờ – tu sĩ nói, hãy ngưng lắng tâm thần để nhìn ra bên ngoài.
Âm thanh như bắt đầu từ bỏ căn phòng. Cụ già lắng tai nghe ngóng. Tô-ni-ka và con chó Tô-ki như đồng một lúc nhìn ra bầu trời tối đen
Âm thanh bây giờ như từng chùm ánh sáng từ trời cao đổ xuống. Từng sợi nắng ấm áp tủa xiên khoai. Tuyết tan từng nụ nhỏ. Cây cối trong vườn bắt đầu chao động và những chồi li ti trên cành khô, hoa trắng nở bung ra, chảy tràn ra. Hơi nước bốc lên. Và trời trở nên trong xanh, cao lên, cao lên mãi…
– Lão thấy rồi! Cụ già Mê-đa-su hét lên vì sung sướng – Lão thấy tất cả những cái đó rồi. Tô-ni-ka! Thế mà cháu bảo là từng chòm, từng khóm! Nó chảy lan ra thành dòng chứ lại!
– Phải rồi, Tô-ni-ka nói. Nhưng những chùm màu trắng kia không biết có phải là tuyết mai hay không, vì dường như nó ưng ửng hồng…
– Ửng hồng thì đó là nhị độ mai! Cụ già cãi rồi hét lên – Mở cửa sổ ra! Cụ hở hổn hển, cố rướn người dậy. Mở cửa sổ ra cho lão xem với nào!
Tô-ni-ka mở bung cửa sổ, một luồng khí lạnh lùa vào phòng. Dường như có tuyết rơi nhẹ hạt ở bên ngoài. Đêm đang tối đen như tối đen thêm.
Cụ già ngả xuống gối, thở dốc.
– Thật tuyệt vời! Cụ thều thào – Cả rừng hoa mà nó dám bảo từng chòm, từng khóm! Ít ra là như vậy, thấy được một lần cuối cùng ở trong đời cái rừng hoa trắng tinh khiết. Mãn nguyện. Mãn nguyện lắm rồi…
Tô-ni-ka kêu lên. Con chó Tô-ki chồm dậy sủa inh ỏi rồi rống lên từng tràng não nuột, nước mắt trào ra.
Tu sĩ buông đàn, bước nhanh lại giường bệnh. Tu sĩ khẽ nâng cụ lên, sửa lại dáng nằm cho thoải mái. Cụ già Mê-đa-su đôi mắt nhắm bình thản. Và trên môi cụ, dường như còn phảng phất nụ cười…
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Trích tác phẩm “Người trồng hoa và chàng tu sĩ”