Trang chủ PGVN Cửa thiền Người thầy của trẻ em cơ nhỡ

Người thầy của trẻ em cơ nhỡ

96

Đại đức Thích Quảng Tâm, trụ trì chùa Long Thạnh được mọi người gọi với cái tên thân thuộc là thầy Út, cũng là người có tuổi thơ bất hạnh và từng được nhà chùa cưu mang, nuôi dưỡng nên thầy thấu hiểu, yêu thương những đứa trẻ nghèo chịu nhiều thiệt thòi.

Thầy đã dành cho các em những tình cảm cao quý nhất của người thầy, người cha; luôn quan tâm đạo tạo về kiến thức và dạy cho các em nhiều điều hay lẽ phải trong cuộc sống.

Lớp dạy tin học của thầy Út

Thầy nhờ lại cách đây hơn 20 năm, huyện Thủ Thừa là vùng thường xuyên bị ngập lũ, học sinh đi học rất khó khăn, rất nhiều trẻ em bị thất học. Thương những trẻ em học giỏi nhưng phải dang dở việc học vì nhà nghèo, thầy nảy ra ý tưởng nhận nuôi các em tại chùa. Ban đầu, do không gian chật hẹp và điều kiện không cho phép chỉ nhận nuôi được 4 em.

Cũng bắt đầu từ đó, mọi người trong vùng quen với hình ảnh nhà sư mặc áo nâu sồng, vai đeo túi vải đi làm thủ tục nhập học, đóng học phí và họp phụ huynh cho các con của nhà chùa. Tiếng lành đồn xa, đến năm 2000 chùa đã nhận 40 trẻ về nuôi dưỡng và lo cho ăn học. Đến nay, số trẻ đã lên đến 68 em.

Ngoài việc cưu mang và lo cho các em được đến trường, thầy Út còn truyền nghề công nghệ thông tin (CNTT) cho các em với ý nghĩ giúp các em dù không được học lên đến cao đẳng, đại học cũng có một nghề để kiếm sống.

Duyên dạy học đến với thầy Út cũng thật tình cờ, bắt đầu từ việc thầy mày mò tự học tin học. Vào khoảng những năm 1990, thầy Út có dịp vào Sài Gòn và được một thầy giáo tặng cho chiếc máy vi tính cũ. Từ đó, thầy Út mua sách tin học căn bản về tự học và biết đến tin học.

Chia sẻ sự hiểu biết của mình với mọi người, lớp tin học miễn phí của thầy Út ra đời trở thành lớp phổ cập tin học đầu tiên ở Long An thu hút rất nhiều người đến học, cả những cán bộ, viên chức đến những trẻ em nghèo cơ nhỡ.

Vì có công trong việc truyền bá CNTT thầy Út được bầu chọn là “Hiệp sĩ CNTT” và được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen vì đã cưu mang, nuôi dưỡng, dạy dỗ và đào tạo tin học cho nhiều lớp thanh, thiếu niên ở huyện Thủ Thừa.

Các học trò của thầy Út biết đến CNTT từ rất sớm. Có em học lên đến Cao Đẳng, Đại học về ngành CNTT rồi quay về chùa chỉ lại cho thầy những điều mới. Vì vậy, từ lớp tin học căn bản thì giờ ở chùa còn đào tạo kĩ thuật viên cài đặt và sửa chữa máy tính.

Thầy Út tận tình chỉ dạy tin học cho các trẻ ở nhà chùa

Nhắc đến các học trò của mình, ánh mắt thầy Út luôn tràn ngập yêu thương và niềm tự hào. Thầy nhớ tên tất cả các học trò của mình, trong đó thầy rất ấn tượng với cậu học trò tên Tuấn. Cậu học trò ngày ấy vừa học xong lớp 9 thì cha mẹ ly dị, không nơi nương tựa em phải nghỉ học đi bán vé số để kiếm sống. Tuấn đã được thầy cưu mang đưa về chùa nuôi cho ăn học tiếp. Tuấn học rất giỏi và đã thành công với nghề tin học. Bây giờ Tuấn sinh sống, lập nghiệp tại Sài Gòn nhưng vẫn luôn nhớ về thăm mái ấm của mình là ngôi chùa Long Thạnh.

Học trò ở chùa Long Thạnh đến từ nhiều vùng khác nhau ở khắp nơi trong cả nước nhưng chúng đều có một điểm chung là những đứa trẻ bất hạnh, đa phần bị cha mẹ bỏ rơi, bơ vơ, không nơi nương tựa. Đến đây chúng xem nhau như anh em một nhà, cùng gắn bó, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.

Do các em ở chùa đều là những đứa trẻ bất hạnh, thiếu thốn tình yêu thương của gia đình nên ngoài việc chăm lo cho các em thầy Út còn luôn quan tâm đến đời sống tấm lý, tình cảm của các em. Có em được cha hoặc mẹ dẫn đến chùa gởi đã 6 – 7 năm mà không hề quay lại thăm lần nào. Cũng vì vậy, nhiều em bỗng sinh ra buồn bã, lơ là việc học. Để lấy lại tinh thần cho các em thầy phải động viên, an ủi và lặn lội tìm đến nhà các em để khuyên cha mẹ các em dù không đến thăm cũng cố gắng gọi điện hỏi thăm để các em không còn cảm giác bị bỏ rơi.

Em Thạch Văn, 11 tuổi, ở Trà Vinh, dân tộc Khơme, được bà nội đưa đến chùa mới hơn 2 tháng. Văn chia sẻ: “Ba mẹ bỏ đi, em sống với ông bà nội từ nhỏ, ông bà ngày càng già yếu không lo cho em được nữa nên gởi em vào chùa để em được đi học. Đến đây, em được thầy Út dạy tin học và được đi học tiếp lớp 6”.

Biết bao cảnh đời bất hạnh, bao trẻ em lang thang cơ nhỡ đã được thầy Út dang rộng cánh tay cưu mang, dạy dỗ. Thế hệ này đi, thế hệ khác lại đến. Đối với tất cả những em đã sống và đang sống ở chùa Long Thạnh thì thầy Út là một người thầy nhiệt tình, tận tụy; người cha độ lượng và yêu thương. Tấm lòng nhân ái của người thầy, người cha ấy đã làm thay đổi cuộc đời của biết bao đứa trẻ bất hạnh.

Chứng kiến những gương mặt ngây thơ, chăm ngoan, lễ phép đã được cưu mang từ tấm lòng nhân ái của nhà chùa mới thấy giá trị của người thầy trong cuộc đời các em. Từ mái nhà chung này, những đứa trẻ bơ vơ đã có một nơi nương tựa để tuổi thơ các em bớt nhọc nhằn và tiếp sức cho các em vững bước vào đời.