Đây là tâm nguyện của Hòa thượng Thích Như Niệm, Phó ban thường trực Ban từ thiện xã hội Trung ương, trụ trì chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận, TPHCM). Người đã xây trên 130 cây cầu cho khu vực Tây Nam Bộ.
Hòa thượng Như Niệm đứng sát bên tấm biển tên cầu |
Làm cầu để bà con bớt khổ
Trong mỗi chuyến đi công tác, cứu trợ ở các vùng quê miền Tây, Hòa thượng thấy cuộc sống của bà con gặp quá nhiều khó khăn. Địa thế sông rạch chằng chịt, việc đi lại cách trở, chủ yếu bằng đò ngang hoặc cầu “khỉ”.
Di chuyển trên những cây cầu “khỉ” như thế này quá nguy hiểm và nhiều rủi ro, nhất là đối với người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Chính vì thế Hòa thượng nghĩ rằng “Muốn giúp bà con bớt khổ thì phải giúp cái cần hơn là cho con cá” nên Ngài quyết định tìm cách xóa những cây cầu “khỉ” thay bằng cầu bê tông.
Theo Hòa thượng việc xây dựng những cây cầu xi măng sẽ giúp việc di chuyển giữa đôi bờ thuận lợi, khi đó cuộc sống của người dân hai bên bờ sông bớt khó khăn, giao dịch làm ăn, buôn bán hàng hóa tốt hơn từ đó đời sống, kinh tế sẽ dần đi lên. Chỉ có làm được như vậy bà con miền Tây mới bớt khổ.
Từ đó những cây cầu bê tông đầu tiên được xây dựng bằng số tiền đền bù giải tỏa hai miếng đất, tài sản thừa kế từ gia đình của cá nhân hòa thượng.
Một trong những cây cầu bê tông được Hòa thượng Như Niệm vận động làm |
Về sau thấy việc làm đúng đắn của Hòa thượng, bà con Phật tử cùng nhau góp sức ủng hộ và dần dần Quỹ xây cầu được lập tại chùa, bình quân mỗi năm có 12 cây cầu được xây dựng từ nguồn quỹ này…
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Hòa thượng trong những lần đi xây cầu đó là khi làm lễ khánh thành cây cầu thứ 10 tại Mỏ Cáy – Bến Tre. Tại buổi lễ, Hòa thượng thầy một người phụ nữ cứ đứng nhìn cây cầu mới xây mà rưng rưng nước mắt.
“Lúc đó tôi lại hỏi thăm thì mới biết trước đó mẹ cô đi qua cây cầu khỉ trượt chân mà chết đuối. Cha cô ấy quyết tâm gom góp tiền để xây cầu nhưng lâm bệnh chết mà chưa làm được. Giờ cây cầu đã hoàn thành sẽ không có những người nào bị chết đuối và đúng với tâm nguyện của cha cô” – Hòa thượng kể.
Mỗi cây cầu là một bờ vui
Tại mỗi vùng quê ở các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu… hễ nơi đâu cần thiết xây cầu là có bóng dáng của Hòa thượng xuất hiện. Nơi nào Ngài cũng đích thân tìm đến trực tiếp khảo sát tìm hiểu xem cần làm gì, để bắt đầu dành dụm, gom góp thực hiện.
Để xây dựng một cây cầu tốt, Hòa thượng đã phải cùng cán bộ địa phương đến tận nơi khảo sát. Có khi phải leo qua chiếc cầu khỉ chênh vênh giữa dòng nước, lúc ngồi trên chiếc xuồng chông chênh, có lúc lại xắn quần lội bùn để vào sâu bên trong tìm hiểu cuộc sống của người dân, nhưng không có gì khiến Ngài nản lòng.
Đối với người dân miền Tây mỗi cây cầu bê tông được đưa vào hoạt động là một niềm vui |
Sau khi khảo sát và chấp thuận vị trí, Hòa thượng đầu tư toàn bộ vật tư xây cầu, dưới sự hỗ trợ của Hội Khoa học – kỹ thuật của tỉnh, còn chính quyền địa phương sẽ phụ trách phần nhân công.
Cứ thế, ngày qua ngày, tháng lại trôi nhanh, dưới sự giúp sức của chính quyền địa phương, đến nay Hòa thượng Như Niệm đã xây được hơn 130 cây cầu từ thiện. Trong đó hơn 100 cái được xây dựng tại Bến Tre. Ngoài ra tại đây Ngài cũng đã làm được 4 km đường giao thông nông thôn cho bà con đi lại.
Với hòa thượng việc hoàn thiện một cây cầu là một niềm vui. Đây là niềm vui rất bình dị, đơn sơ, nhưng cũng chất chứa hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Thông qua những chiếc cầu bê tông sẽ kết nối hai bờ trên những con rạch, nhánh sông, thắt chặt tình quê hương, tình làng nghĩa xóm của người dân Nam Bộ.