Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Người phụ nữ cúng dường 10 tỉ đồng cho Đại lễ Phật...

Người phụ nữ cúng dường 10 tỉ đồng cho Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008

150

Tất nhiên, không phải bằng tiền mặt, mà phải đứng ra tổ chức một nhà bếp khổng lồ phục vụ cho gần 6.000 đại biểu tham dự đại lễ và hơn 10.000 Phật tử trong suốt ba ngày (14, 15, 16-5).


Có nghĩa là mỗi ngày chị phải cung cấp hai bữa ăn (trưa và chiều) với hơn 16.000 suất ăn mỗi bữa, trong đó có gần 6.000 suất ăn cho khách VIP của hơn 100 quốc gia, lãnh thổ về dự lễ.

Đó là chưa kể trong các ngày trước lễ (ngày 12, 13-5), chị cũng tổ chức phục vụ suất ăn miễn phí cho hàng trăm người làm công tác chuẩn bị cho lễ hội tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.








Chị là một đầu bếp – Nguyễn Thị Ái Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay Âu Lạc.








Công tác chuẩn bị

Trưa 14-5, hơn 4.000 quan khách sau buổi lễ khai mạc đại lễ đã hoàn toàn bị chinh phục bởi một bữa ăn chay thịnh soạn với hơn 60 món chay độc đáo. Có lẽ họ không thể tưởng tượng được rằng để có một bữa chay cho chừng ấy người, Âu Lạc đã phải chuẩn bị công phu như thế nào.

Hai ngày sau lễ, chị Trinh vẫn còn bị khan tiếng, không thể nói ra lời. Mấy ngày sau chúng tôi mới có thể nói chuyện được với chị.

Chị cho biết, chính chồng chị, anh Võ Quốc Ngữ, nhận lời mời tài trợ phần ẩm thực miễn phí cho Ủy ban Tổ chức Vesak, vì lúc ấy chị đi công tác ở Singapore.

Khi đó chỉ còn chưa đầy một tháng là đại lễ diễn ra. Vậy là chị bắt tay vào công tác chuẩn bị. Đầu tiên, quan trọng là chọn đầu bếp. Chị yêu cầu Hiệp hội Đầu bếp Việt Nam giúp đỡ, vì Âu Lạc chỉ là đơn vị sản xuất thức ăn chay.

Hiệp hội này trả lời không kham nổi, vì số lượng thực khách quá lớn.

Vậy là chị Trinh đóng thế vai, nhận làm bếp trưởng! Và huy động toàn bộ hơn 300 CB-CNV, trong đó có cả thợ hàn, thợ máy của Công ty Âu Lạc bay ra Hà Nội phục vụ.

Toàn bộ số lượng CB-CNV này ở chật kín ba khách sạn! Sáu container hàng vận chuyển gấp rút ra Hà Nội, trong đó có máy móc để nấu thức ăn nặng hàng tấn, như máy xào, nồi hơi, máy nấu xúp…

Và tất nhiên nhiều tấn hàng khô, hàng lạnh nhập khẩu từ Đức, Mỹ, Nhật cũng được nhanh chóng chuyển ra.

Bộ máy phục vụ của Âu Lạc phục vụ hết công suất, gần như 24/24 giờ.

Riêng chén, đĩa phục vụ cho khách VIP, chị Trinh kiên quyết không dùng chén đĩa có tại Hà Nội, vì chị cho rằng nó không “tinh khiết”, do đã dùng đựng thức ăn mặn.

Chị đặt riêng một lô hàng chén, đĩa sứ Minh Long (Bình Dương) mới tinh, hơn một container, chuyển ra Hà Nội…

Hàng loạt kỷ lục được xác lập, nhưng chị hoàn toàn không để ý đến, chị chú tâm hoàn thành nhiệm vụ của một bếp trưởng phục vụ cho hơn 16.000 người ăn trong suốt ba ngày đại lễ.








Áp lực công việc quá lớn

Chị cho biết, để phục vụ cho từng ấy người ăn ngon, ăn no, thức ăn phải đẹp mắt, phải mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, không đơn giản chút nào.

Hơn 300 CB- CNV của Âu Lạc được chia ra nhiều tổ, nhóm khác nhau, do chị điều hành qua máy bộ đàm, qua điện thoại di động, nhưng vẫn hết sức căng thẳng, bởi phải phục vụ đúng giờ.

Chị bảo, trong những ngày phục vụ đại lễ không ai nhận ra chị là giám đốc, cứ nghĩ chị là một đầu bếp chuyên nghiệp, bận đến độ mỗi ngày chị chỉ ngủ vài giờ.

Chị cho biết thêm, phục vụ một đại lễ trang nghiêm như vậy, chất lượng phải đặt lên trên hết. Riêng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức nghiêm ngặt, được kiểm tra bởi Bộ Y tế.

Lại có quá nhiều khách Tây, với những yêu cầu ẩm thực khác nhau. Chị cười giòn tan, khi bảo rằng những món như bún ốc Việt Nam (tất nhiên là món chay) được các nhà sư Tây khen hết lời.

Còn những món Tây như spaghetti, xà lách, xúc xích các loại thì khỏi chê, ngon hết biết!

Một nhà sư người nước ngoài bảo với chị rằng ông đã ăn chay khắp nơi trên thế giới nhưng chưa ở đâu ăn ngon, thức ăn lại được trang trí đẹp mắt như ở đây.

Điều sung sướng nhất của chị, của nhân viên Âu Lạc là ở chỗ đó và khi thấy những món ăn dọn ra không còn thừa, có nghĩa là thực khách đã được ăn ngon!








Khi chúng tôi hỏi, điều gì chị lo nhất? Áp lực công việc – chị nói. Áp lực công việc quá lớn, quá căng thăng, chỗ nấu bếp lại xa nhà ăn, nhân viên phục vụ bở hơi tai. Cho đến khi đưa một số xe vận tải nhỏ vào phục vụ mới đỡ vất vả hơn.

Chị bảo, đến chiều 17-5, khi dọn dẹp, vệ sinh xong bếp, cả chị và nhân viên đều kiệt sức!








Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà Ủy ban Tổ chức Vesak giao cho. Tôi đã phục vụ cho Đức Phật với cả tấm lòng của một Phật tử. Đó là điều tôi vui nhất”- chị nói thanh thản, dù số tiền chị cúng dường lên đến hơn 10 tỉ đồng. Con số này có thể còn nhiều hơn, vì cho đến nay chị vẫn chưa thể quyết toán.








Một Phật tử

Người phụ nữ 41 tuổi ấy thật xinh đẹp, mới nhìn, chị trẻ hơn nhiều so với tuổi của mình. Chị nói mình là một Phật tử, nhờ ăn chay trường từ năm 1991 đến nay, nên mới được như vậy!

Ba chị người Quảng Nam, mẹ người Hà Nội, lớn lên ở TPHCM, lấy chồng dân Nam Bộ, nên chị bảo quê tôi là ở cả… ba miền. Và chị thích món ăn của cả ba miền, thích nấu bếp từ nhỏ.

Từ khi ăn chay, chị thấy nhu cầu ăn chay đang là một xu hướng, một cách sống của xã hội, kể cả ở nước ngoài. Trong khi đó, thực phẩm chay chế biến sẵn ở nước ta quá hiếm.

Trong những lần đi nước ngoài, chị thấy thức ăn chay chế biến sẵn rất ngon và đa dạng. Chị nảy ra ý định thành lập công ty chuyên sản xuất thức ăn chay.

Nhiều máy móc, bếp ăn công nghiệp chế biến thức ăn chay, nguyên liệu từ đậu nành, lúa mì, các loại đậu… của Đức, Mỹ, Nhật được nhập về. Sản phẩm thức ăn chay do chính tay chị thiết kế từ mẫu mã đến chất lượng, dần dần nổi tiếng.








Giờ đây, Âu Lạc có thể cung cấp hàng vạn suất ăn chay mỗi ngày, với hàng trăm món khác nhau cho thị trường, với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Âu Lạc còn làm một điều ngoạn mục là xuất khẩu thức ăn chay qua Mỹ. Hiện Âu Lạc có một cửa hàng ở California. Nên nhớ rằng xuất khẩu thức ăn qua Mỹ là rất khó khăn, vì tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mỹ hết sức nghiêm ngặt.

Sắp tới, Âu Lạc sẽ xuất khẩu qua châu Âu, bởi theo chị, người nước ngoài do ý thức giữ gìn sức khỏe, ý thức bảo vệ môi trường nên nhu cầu về thực phẩm chay rất cao.








Âu Lạc giờ đã là một công ty lớn. Điều đặc biệt là tất cả CB-CNV công ty đều được ăn chay miễn phí ngày ba bữa và hầu hết họ đều thích ăn chay!

Chị đối xử với công nhân như trong gia đình, dựng vợ gả chồng cho từng người, được ở miễn phí trong khu tập thể đầy đủ tiện nghi, kể cả thư phòng, phòng giải trí…








Chị bảo kinh doanh thức ăn chay có điều gì đó đặc biệt lắm, hình như có ý nghĩa tâm linh… Chị chỉ muốn, trong thời hiện đại này ngày càng có nhiều người ăn chay hơn, bởi ăn chay không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường…

 






Những kỷ lục









– Vận chuyển hơn sáu container từ TPHCM ra Hà Nội, gồm máy móc, bếp công nghiệp, hàng lạnh, hàng khô, chén, đĩa…









– Hơn 300 CB-CNV Âu Lạc phải di chuyển từ TPHCM ra Hà Nội bằng đường hàng không, ô tô, để phục vụ đại lễ. Ngoài ra, còn có hơn 1.100 phật tử phục vụ hỗ trợ.















Nhân viên Âu Lạc chuẩn bị cơm hộp chay cho phật tử tại Vesak 2008. Ảnh: C.T.V

– Trong ba ngày, tổng cộng có khoảng 100.000 suất ăn được phục vụ miễn phí. Đó là chưa kể hàng ngàn suất ăn khác phục vụ lượng người làm công tác chuẩn bị cho đại lễ trong hai ngày 12 và 13-5.









– Sử dụng hơn 25 tấn gạo tám thơm.









– Thực đơn hơn 60 món thức ăn chay, trái cây, nước uống, sữa đậu nành, bánh ngọt các loại…

















Ăn chay như một lối sống

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy đạo Phật gần gũi với khoa học. Riêng trong lĩnh vực ăn uống, Đức Phật khuyên các sư sãi, tăng ni phật tử ăn chay, chỉ dùng rau, quả, củ, gạo… Lời khuyên này Đức Phật muốn con người không sát sinh, phải khổ hạnh trong tu hành.

Ngày nay, ở kỷ nguyên số, khoa học chứng minh lời dạy của Đức Phật rất hiện đại và khoa học, nó còn bao hàm cả ý nghĩa bảo vệ chính con người trước những bệnh tật ngày càng phức tạp, bảo vệ môi trường sống, chống hiệu ứng nhà kính, bảo vệ thiên nhiên, cân bằng sinh thái. Con người nguyên thủy chỉ ăn hoa quả, rau củ. Càng tiến hóa, con người càng thích ăn thịt, cá, đặc biệt là thịt đỏ. Chính vì vậy hàng loạt căn bệnh thời đại nảy sinh như gout, tiểu đường, tim mạch, béo phì, ung thư các loại…

Ngày nay ăn chay đã thành một lối sống trong cộng đồng. Ở Việt Nam, ước tính có 10% dân số ăn chay, có thể theo những cách khác nhau. Ở phương Tây, lối sống ăn chay ngày càng lan rộng.

Ở Anh, Pháp có nhiều báo, tạp chí dành cho người ăn chay, như ở Pháp vừa có thêm tạp chí Végétariens Magazine, chẳng hạn. Ở Pháp, Mỹ, Canada còn có cả hiệp hội những người ăn chay. Ở Anh, chính phủ nước này đang vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt động vật, bớt ăn cá.

Mục đích không ngoài việc bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Vì các nhà khoa học cho rằng chính các trang trại cũng gây hiệu ứng nhà kính, thải nhiều khí méthane, dioxid carbon… Và ngay cả những người béo phì cũng góp phần tăng hiệu ứng nhà kính, vì họ tiêu xài năng lượng nhiều hơn trên mọi bình diện!

Trong xu thế đó, các nhà nghiên cứu đưa ra một số liệu khá ấn tượng: Có khoảng 20% dân số châu Âu ăn chay. Có thể họ ăn chay theo kiểu của họ, có nghĩa là được phép ăn trứng hoặc sữa, thay thịt đỏ bằng cá.

Thực ra ăn chay theo truyền thống đạo Phật cũng đã đủ dinh dưỡng. Các loại thực phẩm như nước cốt dừa, đậu phộng, đậu nành, dầu thực vật có dư thừa prrotein; trong đậu nành còn có chất lecithin làm cho cơ thể trẻ trung ra, giúp phụ nữ mãn kinh phục hồi xuân sắc.

Vì vậy bạn có thể thấy những người ăn chay cũng bị béo phì, nếu ăn không đúng cách. Cho nên bác sĩ cũng khuyên nếu muốn giảm hoặc tăng cân, đều có thể ăn chay là vậy.

Vì sao? Những người gầy, do cơ thể họ không hấp thu lượng thức ăn đưa vào. Ăn chay sẽ giúp ruột bạn hoạt động tốt nhất, hấp thu những dưỡng chất cần thiết, làm cho người gầy mập lên.

Còn với những người mập, thực phẩm chay cung cấp nhiều chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, lại ít calori… Cho nên cách giảm cân tốt nhất là ăn chay, là điều hiển nhiên.

Chính vì vậy ăn chay đã trở thành một cách sống, một lối sống. Nếu bạn không ăn chay theo cách “cổ điển” được, tức ăn chay trường, có thể mỗi tuần hoặc mỗi tháng bạn nên ăn chay vài ngày. Ăn chay theo “kiểu Tây”, có nghĩa là có bổ sung thêm chất đạm như trứng, cá, sữa…, đều tốt và nhớ ăn nhiều rau quả.