Càng bất ngờ hơn khi được biết có một cô Phật tử đã dành ngôi nhà nhỏ của mình để làm ngôi niệm Phật đường cho tín đồ và Gia đình Phật tử đến lễ Phật vào những ngày đầu và cuối tháng.
Đường vào đạo là đường hạnh phúc
Cô Phật tử Mai Thị Sính, PD Nguyên Bình, ở khóm 1, thị trấn Krong Klang, huyện Dakrong, tỉnh Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, người dân tộc, từ đó cô Sính đã vào bản làng của chồng để sống. Đến năm 1999 khi tình cờ cô nghe một người hàng xóm từ Triệu Lăng mới vào sinh sống gần nhà tụng kinh Phật, tiếng tụng kinh mỗi chiều tối làm cô thấy thích và từ đó cô tìm hiểu học hỏi về đạo Phật. Như một nhân duyên nhiều đời với nhà Phật nên cô và chồng nhanh chóng hiểu đạo, mến và rồi ao ước “Mình có được ít tiền để thỉnh tượng Phật về thờ”. Ước mơ ngày hôm trước thì hôm sau chồng cô làm được 800.000 đồng – “số tiền mà có nằm mơ cô cũng không dám nghĩ đến”, cô Sính tâm sự. Có tiền cô đi thỉnh tượng Quán Thế Âm Bồ tát cùng một bộ chuông mõ về thờ và hàng đêm đều thời khóa tịnh độ.
Kể từ khi vào đạo, hiểu được những giáo lý căn bản của Phật dạy cô và gia đình cảm thấy đời sống hạnh phúc hơn, an lạc hơn và “đặc biệt là ít sân si cũng như không còn những lo lắng về những khổ cực, nghèo khó”, cô Sính nói. Đó là do khi vào đạo cô hiểu được nhân quả, nghèo khó hay giàu sang đều do mình tạo ra nên cô và chồng không còn những phiền não như trước. Cô Sính chia sẻ: “Đường vào đạo đúng là con đường đem lại hạnh phúc cho mình và mọi người”.
Biến cố và cơ duyên
Biết đạo, thực tập và thấy được hạnh phúc nên cô Mai Thị Sính đã chia sẻ niềm hạnh phúc ấy với những người xung quanh. Lúc đầu chỉ có một vài người, sau đến vài chục người đến nhà cô để lễ bái, nghe cô nói về những điều cô hiểu về giáo lý của Phật. Thấy hay nên mọi người dần dần tin theo và cùng đến tụng kinh lễ Phật cũng như về nhà ăn chay.
Đến năm 2002, trong một tai nạn bất ngờ người chồng thân yêu của cô và là cha của 6 đứa con thơ ra đi vĩnh viễn. Cô cùng 6 người con lăn lộn vào Sài Gòn mưu sinh, bỏ lại căn nhà nhỏ với nỗi nhớ quê hương da diết. Đến năm 2006 cô về lại quê hương và bắt đầu đi chùa, dần dà quen được nhiều Phật tử ở các chùa lớn trong tỉnh. Cô ngỏ ý muốn có một nơi ở tại thị trấn Krong Klang cho những người thờ Phật đến sinh hoạt. Thế là những Phật tử có lòng hảo tâm ấy đã cúng dường tượng Phật, hào quang, pháp khí… để cô lập nên một bàn thờ Phật trang nghiêm. Địa phương thấy Phật tử biết đạo đến sinh hoạt với đời sống tốt nên cũng đồng ý cho cô hiến căn nhà của mình làm niệm Phật đường. “Cô mừng lắm vì từ khi có niệm Phật đường nhiều người đã biết đạo và được sống hạnh phúc hơn”, cô Sính chia sẻ.
Ước mơ có một ngôi Tam bảo
Từ chỗ không có nơi sinh hoạt đến chỗ có một niệm Phật đường để bà con Phật tử có nơi sinh hoạt, thực tập theo con đường Phật dạy là một niềm hạnh phúc của cô Sính. Tuy nhiên số Phật tử đạo hữu hiện có trên 200 người nhưng diện tích của niệm Phật đường tại nhà cô Sính chỉ chưa đầy 50m2 nên những lúc sinh hoạt tu học đều gặp khó khăn.
Đối với cô Sính cũng như những Phật tử tại thị trấn Krong Klang thì ước mơ lớn nhất là có một ngôi Tam bảo để Phật tử có nơi nương tựa. Cô Nguyễn Thị Vinh ở Krong Klang bộc bạch: “Từ khi biết đạo Phật cô cảm thấy mình sống có niềm vui hơn. Nhưng ở đây vẫn chưa có một ngôi chùa để Phật tử sinh hoạt. Đây cũng là một trong những khó khăn. Hơn nữa niệm Phật đường tại nhà chị Sính nhỏ, ít người biết đến nên cũng không có kinh sách nhiều. Do đó có thể nói Phật tử ở đây đang… tu mù”.
Chia tay chúng tôi cô Sính nói “Ước mơ có một ngôi Tam bảo là ước mơ lớn nhất của cô. Nếu được cô sẽ hiến đất của mình để làm chùa, có một ngôi Tam bảo sẽ là hạnh phúc lớn cho bà con Phật tử ở đây”.