Khách uống nước rất đông, nhiều khách vì không biết nên uống nước xong rút tiền ra trả nhưng bà không nhận với lý do: “Tôi chỉ làm phúc, không lấy tiền”.
25 năm, trừ những ngày ốm hoặc bận việc gia đình còn bình thường, không khi nào bà vắng mặt. Trời nắng đã có bóng cây, trời mưa thì bà nhờ chồng che bạt. Bà nói: “Tôi không ngại mệt, không ngại thời tiết, chỉ sợ khách lên chùa vừa khát, vừa mệt mà lại không có nước uống thôi”. Vì thế những ngày nghỉ, bà thường nhờ chị Hường (phụ giúp nấu nước cho bà, nhà ngay dưới chân núi) nấu hộ. Khi chúng tôi hỏi về gia đình, bà nói: “May mọi người trong gia đình thông cảm và cùng giúp chứ không cũng khó”; rồi bà mời chúng tôi về nhà chơi.
Trời nhá nhem tối, khách lên chùa đã hết cũng là lúc bà dọn hàng. Chúng tôi bước theo bà trên con đường rải nhựa. Đi khoảng 2km thì rẽ vào một ngôi làng nhỏ. Đó là một ngôi nhà ngói bình thường nhưng rất ấm cúng. Một ông cụ bước ra nhìn chúng tôi với vẻ mặt rất hiền từ, rồi vui vẻ nói: “Các cháu rửa chân tay rồi vào mời cơm cùng ông bà luôn”.
Trong nhà bà Lý có rất nhiều Huân, Huy chương. Một bữa cơm đạm bạc được dọn ra. Ăn cơm xong, chồng bà Lý chuẩn bị lá để nấu nước, còn bà dọn dẹp bát đũa rồi ra giúp ông. Ngày nào cũng vậy, lúc bà đi mời nước ở cổng chùa là lúc ông cụ lên rừng tìm lá cho bà nấu nước. Hai ông bà đã cưới nhau gần 50 năm nhưng hơn một nửa thời gian đó vào ban ngày không thấy bóng dáng bà ở trong nhà, nhưng mọi việc vẫn diễn ra bình thường và ông thay bà đảm nhiệm mọi công việc. Có lẽ chỉ có tình yêu lớn lao dành cho bà, ông mới làm được.
Hai ông bà sinh được 6 người con, họ đều đã trưởng thành hiện đang sống và làm việc ở: Hà Nội, Hà Nam, Sơn La. Từ lúc cưới tới giờ, trong nhà ông bà chưa bao giờ nặng lời với nhau. Bà nói: “Ông ấy là động lực lớn nhất của tôi và giúp tôi rất nhiều trong công việc”.
Có lẽ cuộc đời bà Lý sinh ra đã có duyên với cửa phật. Từ bé, bà đã vào chùa. Đến lúc thành lập gia đình, bà cũng không quên thành tâm hướng phật.
Bà Lý còn tham gia vào Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình cách đây 10 năm.