– PV: Chào anh, xin anh giới thiệu đôi nét về bản thân?
– ĐKG Võ Công Thắng: Tôi sinh ra tại vùng quê Cần Đước thuộc tỉnh Long An. Vì có người anh trai là Võ Công Chiến theo nghề điêu khắc (hiện đang dạy tại Trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM) nên từ nhỏ tôi rất thích về công việc này. Năm 1995, tôi thi vào Trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM, học ngành Điêu khắc Mỹ thuật. Đến năm 2000, sau khi tốt nghiệp tôi vào sinh hoạt mỹ thuật về ngành Điêu khắc tại Hội Mỹ thuật TP.HCM cho đến nay.
– Anh cho biết về quá trình sáng tác mẫu tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức? Ý nghĩa của tượng đài thể hiện cảm xúc như thế nào trong lúc anh sáng tác và khi mẫu tượng của anh được bình chọn dùng để xây dựng công viên tượng đài?
– Khi còn là sinh viên, tôi đã tìm đọc các quyển sách viết về cuộc đời Đức Phật Thích Ca hay những bài giáo lý căn bản. Một lần tôi đọc được quyển sách viết về cuộc đời và sự hy sinh vì đạo pháp và dân tộc; một “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức, làm tôi xúc động và vô cùng ngưỡng mộ. Từ đó, tôi thường đến nghe các cuộc hội thảo về Ngài. Và, những lần sáng tác điêu khắc cùng các đồng nghiệp, tôi lại nghiêng về đề tài sáng tác hình tượng Bồ tát Thích Quảng Đức. Tôi ước nguyện một ngày nào đó sẽ có được một tác phẩm ưng ý.
Đầu năm 2007, khi nghe tin Sở Văn hóa & Thông tin TP.HCM phát động cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài, tôi vô cùng mừng rỡ. Có một điều không biết có nên nói không (anh cười). Có lẽ đây là vấn đề thuộc về tâm linh! Trước khi sáng tác mẫu tượng đài dự thi, mỗi khi có dịp lên TP.HCM, tôi thường đến đảnh lễ ngôi tháp thờ Bồ tát Thích Quảng Đức tại ngã tư CMT8 và Nguyễn Đình Chiểu, Q.3. Với khấn nguyện làm sao dành hết tâm trí vào việc sáng tác tượng đài và cầu nguyện Bồ tát phù trì.
Nói thật, trong quá trình sáng tác mẫu tượng đài, tôi hoàn toàn không nghĩ mình đoạt giải gì đó, chỉ mong sao tượng đài được toát lên vẻ uy nghiêm và xứng đáng với ý nghĩa cao cả của Ngài. Tôi dành hết thời gian và tâm trí để đầu tư ý tưởng sáng tác. Với ý nghĩ làm sao mẫu tượng phải dễ hiểu, gần với hình ảnh lịch sử. Ngọn lửa thiêng mềm mại, uyển chuyển bao trùm cả thân của Ngài, tạo nên một biểu tượng của tinh thần từ bi cao cả của Phật giáo, đồng thời gợi lên hình ảnh “quả tim bất hoại” nói lên sự chứng đắc của Ngài, một vị Bồ tát hiện thân, và là một biểu tượng trường tồn cùng Phật giáo và dân tộc.
Cho đến khi tôi được tin mẫu tượng của mình được Hội đồng tuyển chọn làm mẫu tượng chính để đưa vào xây dựng Công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức, tôi thật sự rất vui, như thể đã mãn nguyện một phần nào ý nguyện khi quỳ trước ngôi tháp thờ Bồ tát.
Tôi chỉ mong sao, trong quá trình xây dựng tượng đài, các cơ quan chức năng nên dành hết tâm sức trong thiết kế tổng thể cũng như chất lượng xây dựng, kết hợp hài hòa giữa các hạng mục công trình sao cho phù hợp để công trình Công viên Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức thể hiện đúng theo nguyện vọng của người dân thành phố và đồng bào Phật tử trong cả nước. Vì sự hy sinh của Bồ tát chính là sức mạnh của Phật giáo và dân tộc; ngọn lửa thiêng là biểu tượng tinh thần Bi, Trí, Dũng của Phật giáo Việt Nam.
– Chân thành cảm ơn anh!