Chiều muộn, khi khán phòng của Trung tâm Triển lãm Tràng Tiền đã dần thưa thớt khách, người ta vẫn thấy có một người phụ nữ đứng trầm ngâm bên bức tranh thiền Giác Ngộ của họa sỹ Lê Mạnh Hùng.
Đấy là một bức tranh vẽ về một người đứng trên hồ sen, tay cầm bông hoa sen và đang bước trên một không gian vô định.
Theo lời người họa sỹ, vài hôm sau, người phụ nữ đó đã liên lạc với anh. Cô ấy bộc bạch: Khi nhìn thấy bức tranh sao cô cảm giác lòng mình tĩnh lặng và thanh thản.
Rồi theo mong muốn của người phụ nữ lạ ấy, anh gửi cho cô bức tranh Giác ngộ. Cũng từ đó mối lương duyên này, họ trở thành những người bạn tri âm, thường xuyên trao đổi với nhau những kiến thức hội hoạ, kiến thức Phật giáo qua email hay điện thoại.
“Giờ cô ấy như là một fan hâm mộ những tác phẩm của tôi”, họa sỹ Lê Mạnh Hùng mỉm cười, bộc bạch.
Câu chuyện người phụ nữ và bức tranh Giác ngộ có lẽ là một trong những kỷ niệm khó quên đối với người họa sỹ vẽ tranh thiền Lê Mạnh Hùng.
Họa sỹ Lê Mạnh Hùng đến với nghệ thuật vẽ tranh thiền như một mối lương duyên. Là giảng viên trường trường Mỹ nghệ (Bộ Xây dựng), anh được phân công nhiệm vụ viết giáo trình về hệ thống tượng Phật tại Việt Nam.
Hoạ sỹ Lê Mạnh Hùng tại triển lãm tranh Thiền |
Để có chất liệu cho cuốn sách, ngoài việc phải thường xuyên đến những ngôi chùa tại Hà Nội, anh phải nghiên cứu để có đủ kiến thức về Phật giáo.
Rồi cũng tình cờ, em trai anh rủ anh đi học thiền. Từ học thiền, phối hợp với khí công, anh ngộ ra nhiều điều mà mình chưa biết.
Anh cảm nhận được những điều kỳ diệu khi ngồi thiền. Tham gia vào trạng thái thiền, anh thấy tâm mình trở nên thoải mái, tĩnh tại. Thả hồn vào trạng thái thiền anh cảm nhận hết được sự lay động của cuộc sống, từ những biến chuyển nhỏ nhất, sự thay đổi mà mắt thường không nhìn thấy được. Từ những thắc mắc khó lý giải đó, anh đã quay lại nghiên cứu sâu hơn về Phật học.
Ngộ ra nhiều điều từ chính nghệ thuật thiền và đạo Phật, anh mạnh dạn áp dụng vào nghệ thuật vẽ tranh của mình. Anh lấy cái tâm tĩnh để cảm nhận cuộc sống, lấy tư tưởng đạo Phật để phác họa nên ý tưởng của những bức tranh.
“Nghệ thuật thiền và tư tưởng của đạo Phật trong đó đã làm thay đổi tất cả tư duy của tôi về nghệ thuật”, anh Hùng cho biết.
Trước đây trong những tác phẩm của anh phải luôn sặc sỡ với tông màu vàng- Vì anh thích gam màu chủ đạo này. Nhưng từ khi đến với nghệ thuật thiền, tư tưởng đạo Phật, vận dụng chân lý này vào nghệ thuật vẽ tranh, tư duy trừu tượng của người nghệ sỹ này cũng đã có nhiều thay đổi. Mỗi tác phẩm của anh trở nên hài hòa hơn, sống động hơn.
“Nếu trước đây những tác phẩm của tôi chỉ thể hiện được sự khô cứng của thể xác thì với nghệ thuật thiền và tư tưởng đạo Phật, các tác phẩm ấy đã thể hiện được sự lay động của tâm hồn”, họa sỹ Hùng bộc bạch.
Đặc biệt, với thiền và đạo Phật, anh cảm nhận cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, nhìn con người thân thiện hơn. “Đến với thiền và Phật học, tôi cảm nhận được ánh sáng thánh thiện trong tâm hồn mỗi nhân vật. Nó như ngọn gió thoảng đưa xua tan đám mây mịt mùng để ánh trăng được phát ra những ánh sáng thân thiện, thuần khiết nhất”.
Chỉ có vẽ bằng chính bàn tay, hoạ sỹ Lê Mạnh Hùng mới lột tả được cảm xúc của mình |
Khi rơi vào trạng thái thiền, cảm xúc về một tác phẩm đối với anh trở nên dạt dào. Nó không đến một cách từ từ, nhịp nhàng mà cuồn cuồn và dồn dập như sóng vỗ.
Chiếc cọ, bay không đáp ứng sự dâng trào cảm xúc, anh quyết định vẽ bằng chính đôi bàn tay của mình. “Chỉ có bàn tay mình, với cảm giác bằng da thịt mới đủ toát lên hết những cảm xúc của chính bản thân tôi vào mỗi tác phẩm”, họa sỹ Hùng giãi bày.
Nếu trước đây, để vẽ một bức tranh, anh phải mất một khoảng thời gian khá dài, thì nay, với nghệ thuật thiền với đôi bàn tay làm ngòi bút, mỗi tác phẩm anh vẽ chỉ mất từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ.
7 năm nghiền ngẫm để phác họa tranh bằng nghệ thuật thiền cũng là quãng thời gian khá dài, nhưng với anh, đấy vẫn mới chỉ là một chặng đường ban đầu của việc khám phá sự kết hợp giữa thiền, đạo Phật và hội hoạ.
Nhớ lại quãng thời gian phải làm vật lộn với miếng cơm manh áo để nuôi niềm đam mê, có lẽ những giá trị hội hoạ mà anh đang đạt được cũng chính là trái ngọt xứng đáng với những sáng tạo nghệ thuật của người hoạ sỹ này.
Đã hai lần tổ chức triển lãm tranh thiền, cả hai lần anh khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. “Nhiều đồng nghiệp khi nhìn tranh thiền của tôi mới vỗ vai: Giờ tôi mới công nhận ông là hoạ sỹ”. Tất nhiên, đấy chính là niềm vui khó tả, nhưng với Lê Mạnh Hùng, anh vẫn cảm thấy chưa thoả mãn khi chưa đạt đến cảnh giới tư tưởng mà anh theo đuổi.
“Tôi dự định sẽ đi một chuyến xuyên đất nước, đến những ngôi chùa từ Bắc vào Nam để thấm nhuần thêm những tư tưởng mà tôi chưa đạt tới”, hoạ sỹ Lê Mạnh Hùng bộc bạch.