I. ĐỐI VỚI ĐẠO PHÁP
Người Huynh trưởng phải hiểu Đạo để bảo vệ Đạo pháp
1. Hiểu đạo:
Để thấy rõ chân tinh thần của Phật giáo, không phải chỉ nghiên cứu trên sách vở, nô lệ cho một mớ lý thuyết khô khan rồi chấp vào một số giáo điều. Phật Pháp bất ly thế gian nên đòi hỏi người Phật tử phải học và phải tu.
a- Học Đạo: Đạo Phật là đạo của giải thóat tuệ giác siêu việt và là kết quả tu tập lâu dài của Đức Từ Phụ. Học Đạo là làm lại công việc của Bậc Đạo Sư ấy, bắt đầu từ phản tĩnh, đối chiếu và kiểm chứng với những điều ta học hỏi, nhìn các hiện tượng với cái nhìn lý trí (Chánh Kiến – Thấy đúng như thật). Có thấy một cách chân chánh, đúng đắn thì mới có đức tin vững chắc (Chánh Tín).
Phật dạy: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Lời dạy đó của Đức Từ Phụ cần phải luôn ghi nhớ để làm phương châm cho việc học Đạo.
b- Tu trì: Chư Tổ dạy: “Tu mà không học là tu mù; học mà không tu chỉ là cái đãy đựng sách”. Thật vậy, lý trí chưa phải là khí cụ tuyệt đối đạt đến chân lý, bởi lý trí, kiến thức vẫn bị vô minh che lấp vì vẫn còn ở trong đối đãi phân biệt do vậy, vẫn chịu sự chi phối của vô thường, sinh diệt. Nếu không tu thì không bao giờ phá được màn vô minh che lấp từ vô thỉ đến nay. (Ví dụ về việc toa thuốc và việc uống thuốc…)
Tu (Giới) là phần thực chứng bản thể (thắp sáng hiện hữu) để tạo nên định lực (Định) và phát huy, đưa đến Tuệ giác (Huệ). Người Huynh trưởng phải khéo lựa chọn cho mình một pháp môn thích hợp để tu trì.
c- Hành Đạo: Phương pháp xiển dương Đạo pháp hữu hiệu nhất là hành đạo. Đức Phật được gọi Đấng Chánh Đẳng, Chánh Giác vì hạnh giác ngộ của Ngài -Tự Giác và Giác Tha- đều được viên mãn. Người Huynh trưởng khi đã phát nguyện nhận lãnh vai trò của mình thì đương nhiên đã gánh vác công việc hành đạo của một người Phật tử mà đối tượng của chúng ta là các em đòan sinh. Người Huynh trưởng có đối tượng riêng với 3 thành phần tâm lý (Thanh, Thiếu, Đồng) và những sinh hoạt đặc thù của đòan thể, như:
– Giáo dục đòan sinh
– Hoạt động thanh niên
– Công tác xã hội từ thiện
– Đào tạo Phật tử chân chánh
– Xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.
Việc hành đạo của người Huynh trưởng là góp sức, chung tay với Giáo hội trong hai mục đích chính là xây dựng và bảo vệ Đạo Pháp, Dân tộc mà tuổi trẻ là thành viên quan trọng vì đó chính là “những chủ nhân tương lai của đất nước”
Hãy nhập tâm bài hát này của Huynh trưởng Võ Tá Hân để thấu hiểu bổn phận của người Phật tử trong nhiệm vụ bảo vệ Đạo pháp:
“Yêu Sự Thật, yêu Chân Lý, yêu Hòa Bình, yêu Tự Do nên ta mến yêu Đạo Phật, nên ta mến yêu Đạo Phật.
Yêu mọi người, yêu muông thú, yêu giống nòi, yêu thiên nhiên, nên ta mến yêu Đạo Phật, nên ta mến yêu Đạo Phật.
Việc ác ta không làm – Việc thiện ta hăng say – Thân, khẩu, ý thanh tịnh – Là lời Chư Phật dạy”
2- Bảo vệ Đạo
a- Về sự: Bảo vệ cơ sở chùa chiền, kinh tượng, pháp khí…Tuy đó không phải là Đạo nhưng là hình tướng của Đạo. Cái áo không làm nên thầy tu, nhưng thầy tu không thể không cần chiếc áo. Người Huynh trởng cần phải lưu tâm, chớ có lơ là, hời hợt, vô cảm.
b- Về lý:
– Bảo vệ tinh thần giáo lý: Cương quyết trừ bỏ những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc cố ý hay vô ý làm mất giá trị và làm sai lạc ý nghĩa của giáo lý. (Vở cải lương Lan & Điệp; việc ăn mặn…)
– Bảo vệ đặc tính của giáo pháp: Trừ bỏ những hình thức không phải Phật giáo xâm nhập, trừ bỏ những khuynh hướng mô phỏng vô ý thức làm mất đặc tính của Phật giáo trong mọi lĩnh vực: Nghệ thuật, văn chương, nghi lễ…
– Đem Đạo pháp và cuộc đời: Cây Phật pháp có chăm bón mọi nơi, mọi thời cho thích hợp mới xanh tươi. Phật pháp không xa lìa thế gian pháp. Người Huynh trưởng có đủ điều kiện để đem Đạo Phật vào cuộc đời.
– Bảo vệ Đạo pháp bằng thực hành giáo pháp: Đây chính là phương pháp bảo vệ hữu hiệu nhất. Phật dạy: “Sau khi ta diệt độ hãy lấy giới luật làm Thầy. Giới luật còn, giáo pháp ta còn”. Người Phật tử phải thực hành lời Phật dạy trong đời sống của mình. Dựa vào giáo lý để trau dồi nhân cách. Tuân giữ giới luật để thăng tiến phẩm hạnh. Người mang tiếng là Phật tử mà không có nhân cách, không thực hành đúng giáo pháp của Phật lại còn làm điều xằng bậy, xấu xa thì còn ai tin vào giáo pháp, còn ai tôn trọng Đạo Pháp nữa? (Trong Kinh nói: Phá kiến mang tội nặng hơn phá giới). Như vậy chính mình đã làm suy đồi Đạo Pháp chứ không ai khác. (Sư tử trùng sư tử nhục)
3- Đối với tổ quốc và dân tộc:
Gọi là quốc gia khi hội đủ 3 yếu tố: Lãnh thổ; Ngôn ngữ và Dân tộc. Đối với Tổ quốc, người Huynh trưởng cần :
– Làm tròn bổn phận công dân: Trong khả năng của mình, góp phần vào việc bảo vệ sự tòan vẹn của lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, danh dự Tổ Quốc
– Bảo vệ ngôn ngữ, tiếng nói dân tộc: Cụ Phạm Quỳnh xưa có câu nói bất hủ: “Truyện Kiều còn, tiếng nước ta còn. Tiếng nước ta còn, đất nước, dân tộc ta còn”. Phải luôn có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…” Không được sanh tâm tôn thờ, vọng ngoại rồi phỉ báng, cười nhạo tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc.
– Bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc: Giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa khác nhưng không bị đồng hóa. Tiếp nhận có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của người nhưng phải giữ vững bản sắc của dân tộc mình. Sự xâm lăng về văn hóa là điều đáng lo ngại hơn cả. Trước tình hình giới trẻ hiện nay, trong đó có các em đòan sinh của chúng ta, đang bị sự tấn công như vũ bão trên các phương tiện giải trí nghe nhìn, các lọai hình văn hóa ngoại lai cổ xúy cho một lối sống thác lọan, suy đồi, tôn sùng vật chất, người Huynh trưởng cần phải nêu cao ý thức tự tôn dân tộc. Đánh thức, khơi dậy trong các em đòan sinh niềm tự hào về văn hóa dân tộc. Chỉ ra những tác hại của nền văn hóa độc hại ngọai lai, hướng dẫn cho các em một nhận thức đúng đắn, một lối sống lành mạnh để tự bảo vệ.
II- KẾT LUẬN
Phật giáo là tôn giáo truyền thống của dân tộc, đã đồng hành cùng với dân tộc hơn hai ngàn năm nay, từ thuở các Vua Hùng mở nước. Phật giáo và Dân tộc đã quyện chặt vào nhau, hòa lẫn với nhau như nước với sữa. Lịch sử đã chứng minh: Đạo Phật được xương minh thì quốc gia cường thịnh. Hai triều đại hiển hách của dân tộc đã xây dựng nên những trang sử vàng chói lọi Lý Trần đã là một minh chứng hùng hồn.
Người Huynh trưởng GĐPT phụng sự Đạo Pháp là bao hàm luôn nhiệm vụ phục vụ Tổ Quốc – Dân Tộc nữa. Nhiệm vụ đối với Dân tộc có thể hòan thành nhờ dựa trên nền tảng của Giáo pháp của Đức Bổn Sư.