Trang chủ Tết Việt Du xuân Người Hà Nội nô nức đi lễ chùa đầu năm mới

Người Hà Nội nô nức đi lễ chùa đầu năm mới

58

Sáng mồng một Tết Canh Dần trờ mưa nhỏ và rét buốt, nhưng khoảng 6 giờ sáng, nhiều gia đình gia đình ở Hà Nội náo nức xuất hành đầu năm đi lễ. Thậm chí có nhiều cụ già xuất hành từ 5h đến các chùa, phủ lớn của Hà Nội…

Những con đường Hà Nội ngày thường ồn ào đông đúc xe máy, thì sáng mồng 1 Tết đường phố vắng lặng nhưng tại phủ Tây Hồ, đền Ngọc Sơn, Đến Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, nườm nượp người vào lễ.

Trời rét nhưng trong đền Quán Thánh người đến khá đông: “Giống như nhiều bạn đi lễ chùa đầu năm, đều coi việc đi lễ chùa là một nhu cầu về tín ngưỡng. Mình đi lễ chùa sáng nay cầu mong cho gia đình mạnh khỏe, sống hòa thuận. Đi lễ sáng mồng 1 Tết cảm thấy yên bình trong lòng, thấy lòng thanh thản lạ thường. Sáng mồng 1 là thời tiết và bản thân mình thấy không khí ở chùa rất đặc biệt.- Nguyễn Minh Thu (ĐH Ngoại ngữ) cho biết.

Không chỉ  có Minh Thu mà rất đông người cả già  trẻ đều đến chùa cầu mong cho gia đình hòa thuận, cầu mong cho bản thân và các con các cháu ngoan ngoãn, học hành tấn tới, đi xa về gần bình an vô sự, tấn lộc tấn tài…

Đông không kém đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc từ 5h sáng đã đông nghịt người đến lễ đầu năm mới. Lư hương ở sảnh trước đền nghi ngút khói tạo nên một màn sương mù dày đặc làm cho chốn thiền càng thêm linh thiêng.

Theo dòng người đi lễ đầu xuân , nhiều người đến vãn cảnh để tìm những giờ phút tĩnh tâm, thanh thản và hy vọng, cầu mong một năm mới an bình…

Bác Tống Quỳnh Hoa (36 Hàng Cân- Hà Nội) đến chùa Trấn Quốc từ rất sớm. Bác Hoa cho biết, đi lễ chùa sáng mồng 1 trở  thành một thói quen của gia đình từ nhiều năm. Năm nào cũng thế, từ 6h sáng vợ chồng bác đã chuẩn bị lễ: “Sau đây vợ chồng tôi còn về lễ chùa bên Gia Lâm là quê ngoại của tôi để cầu mong an khang thịnh vượng cho gia đình. Đi lễ chùa đầu năm vừa là cầu an bình cho gia đình nhưng cũng là cách để tâm hồn mình được tĩnh tâm”.

Nhưng đông nhất là  phủ Tây Hồ. Mặc cho sáng nay trời mưa nặng hạt nhưng nhiều cụ già đã đến lễ phủ từ  lúc 5h sáng. Hai bên đường dẫn vào Phủ là các hàng bán hoa quả, hương, oản,  bánh kẹo, những cành vàng lá ngọc lấp lánh. Nhiều ông đồ cắm cúi viết sớ không kịp nghỉ tay trước hàng đoàn người đứng xếp hàng chờ đến lượt.

Tại phủ Tây Hồ  lúc 7h sáng nay, cụ Lê Thị Định (Yên Phụ) đang ngồi vãn cảnh và nói chuyện với hai cụ bà  gần nhà. Cụ Định cho biết, sáng nay 6h sáng đã  đi bộ cùng bạn bè đến phủ lễ chùa rồi: “Đi lễ thì lúc nào cũng được. Nhưng sáng mồng 1 Tết là thời khắc đặc biêt của năm mới nên đến cầu phúc cho gia đình và con cháu sang năm mới có nhiều hạnh phúc, niềm vui”.

Là người Hà  Nội lâu năm, bác Hoàng Trọng Tuấn (Dịch Vọng- Cầu Giấy) sáng mồng 1 Tết nào cũng đến phủ Tây Hồ đầu tiên cầu mong cho gia đình hạnh phúc, thuận hòa: “mới 6h nhưng phủ đã đông nghịt người, ai cũng đến cầu xin hạnh phúc cho gia đình”.

Anh Đỗ Hoàng Giang ở  Mỹ Đình là người thường xuyên đến đây lễ. Năm nay gia đình anh Giang đi đón năm mới từ 12h đêm đến 7h sáng: “12h30 phút vợ chồng và con gái mình đi lễ tại chùa làng ở Mỹ Đình, sau đó đến đền Quán Đôi và giờ về phủ Tây Hồ đón năm mới”- Anh Giang cho biết.

Rất nhiều bạn trẻ đã tới Văn Miếu- Quốc Tử  Giám từ sáng sớm hôm nay, mồng 1 tết. Ảnh : Đỗ Hợp

Tại Văn Miếu- Quốc Tử  Giám những ngày đầu năm khách ra vào nườm nượp. Khách chủ yếu là những học sinh, có em được cha mẹ đưa đến cầu mong một năm mới học hành tấn tới, đỗ đạt.

Em Nguyễn Thế Việt (Quán Sứ- Hà Nội) có mặt ở Quốc Tử  Giám sáng nay cầu mong năm nay được đỗ đại học: “Năm nay em học lớp 12, đến đây em cầu mong cho gia đình được mạnh khỏe, hạnh phúc và đặc biệt năm nay em có thể đạt được ước mong là đỗ đại học”.

Hà Nội 1000 năm tuổi sáng mồng 1 Tết năm nay dường như linh thiêng và ấm cúng hơn trong lòng mỗi người dân Hà thành.

Đi lễ chùa Quán Sứ
Sắp lễ tại phủ Tây Hồ sáng nay
Mua vàng hương đi lễ tại Phủ Tây Hồ
Mẹ đưa con tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám cầu học hành thành đạt
Cả gia đình đi lễ chùa đầu năm
Các cụ già ngồi nghỉ sau khi đi lễ phủ Tây Hồ