Còn về nét chơi Tết thì Hà Nội cũng là nơi có nhiều điểm đi đầu. Truyện Hương Cuội trong tùy bút Nguyễn Tuân cũng là xảy ra trên đất Thăng Long Hà Nội. Tết đến, người cha dặn người con trai nhắc con dâu làm nồi mứt Tết bằng cách chọn những viên cuội đẹp, to bằng nhau, mầu vàng giống nhau, rửa sạch, để khô, ta tưởng như đó là những hòn bi ve thời nay. Sau đó đun kỹ kẹo mạch nha, đổ sỏi vào cho mạch nha bao kín viên sỏi, khi nó nguội và khô đi, trở thành viên kẹo, có thể ngậm trong miệng như một thứ kẹo ngọt, đó là món mứt Tết. Mạch nha tan hết, cái lõi là viên sỏi, bỏ đi. Ăn mứt ấy là ăn hương ăn hoa theo kiểu người xưa quân tử “thực vô cầu bão”, ăn mà không cần no.
Chúng ta biết từng có một nhà văn Nguyễn Tuân tỉ mẩn, cầu kỳ, trang nhã, tinh tế và cẩn thận. Ông viết theo kiểu ông sống. Thứ mứt làm bằng sỏi đó có lẽ chỉ duy nhất nằm trong văn ông. Còn ngoài đời, ở trên phố Hàng Ðường, Hàng Buồm, v.v. không nhà ai làm món mứt đó. Thành ra nó là món cá biệt, món ngoại lệ, món Nguyễn Tuân, tức là món có thể có, mà có trong Nguyễn Tuân. Có lẽ đó là một cách chơi của một Hà Nội kiêu kỳ, thanh lịch một thời “vang bóng”?
Cũng kiểu hào hoa, thanh lịch ấy, người Hà Nội thửa trà sen, rượu cúc để chơi Tết, thứ mứt thông thường nhất của các gia đình trung lưu trở lên, thứ ngon nhất, đó là mứt sen trần.
Tiếp khách, nhẩn nha trò chuyện, nâng chén rượu cúc đã ngà ngà tâm hồn, hoặc tách trà sen, đưa đẩy đôi ba viên mứt sen ngọt sắc ấy, người Hà Nội không cần no, không cần nhiều, không cần dùng đến hàm răng mà dùng cái lưỡi là chủ yếu.
Một thú chơi đã có từ trên năm trăm năm của Hà Nội (theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng) là thú chơi hoa đào. Bắt đầu từ nhà Trần rời vùng Thiên Trường ra Thăng Long, đem theo loài hoa như môi thiếu nữ điểm trang cho kinh đô, nhà vua, phủ chúa và các đại gia, nhà quyền quý, mà thành lệ.
Một chợ hoa Hàng Lược còn đến ngày nay (và đã phát triển ra cả một vùng đường Lạc Long Quân và Âu Cơ) chứng tỏ thú chơi này của người Hà Nội ngày càng được tôn trọng và phát huy. Hầu như không một gia đình nào, dù giàu sang hay túng thiếu lại không có một nhánh hay cành đào ngày Tết. Có thể thiếu thứ này thứ khác như thiếu một cân giò lụa, một tấm áo mới, một đôi guốc đẹp… nhưng không thể thiếu một mầu hoa đầy hương trời sắc Tết ấy. Một cành đào cân đối, tròn trịa, nhiều cành tăm, hoa nở đều, nụ bộp, nụ ruồi, hoa bán khai cứ run rẩy những ngày xuân, được cắm trên bàn thờ hoặc trong bình nơi phòng khách. Nhà ai eo hẹp có thể sắm chút cành tăm, người làng hoa tỉa từ cành to ra, cắm lẫn vào bình hoa cắt, cũng là thỏa lòng với hoa đào.
Bên cạnh đào đỏ thắm, người ta còn chơi mai. Ðó là loài chi mai, thứ mai hoa nhỏ, trắng muốt, chứ không phải mai vàng miền nam mới chuyển ra từ sau năm 1975. Nó cũng không phải hoa mai trắng muốt rừng mơ cho quả mơ vào tháng ba, vì giữa tháng chạp, loài hoa mai này đã rụng tả tơi trong mùa đông giá rét.
Thủy tiên là loài hoa nở vào dịp tết, có củ và rễ trắng muốt, hoa như cái chén xinh xinh bằng vàng mười. Củ thủy tiên nhập từ Trung Hoa về Hà Nội vào tháng chạp. Mua củ về, phải rửa sạch, thay nước sạch hằng ngày cho rễ cây trắng muốt, không một chút rớt nào, và đặt cây trong bình pha lê có chân, ít nhất là bình thủy tinh trong suốt để có thể ngắm cả rễ cây phát triển như bộ râu cước tiên ông trên thượng giới. Từ giữa tháng đã phải tỉa, phải gọt cho củ cân đối, phát triển mầm theo ý người chơi. Phải có bộ dụng cụ từ con dao lá lúa, chiếc dao lòng máng làm từ chiếc gọng ô hỏng, gọt nhẹ tay cho củ không bị thương.
Lá xanh cũng phải rửa hằng ngày bằng nước sạch. Nếu nóng phải tưới nước lạnh, nước đá càng tốt. Nếu trời lạnh phải tưới nước ấm liên tục. Nếu cây có chiều hướng hoa nở sớm phải hãm cho chậm lại, bằng cách phết lòng trắng trứng gà lên nụ cho cánh hoa không phát triển. Nếu có chiều hướng nở muộn phải tưới nước ấm để kích thích cây, làm thế nào tính được đúng đêm giao thừa hoa nở đón giờ phút đầu tiên mùa xuân mới.
Có hẳn một cuộc thi hoa tổ chức trong đền Ngọc Sơn, có ban giám khảo là những vị lão làng từng được giải thưởng và biết chơi thủy tiên. Ai có giò hoa quý dự thi phải đăng ký theo thứ tự. Tối giao thừa mọi người bưng giò hoa ra đền. Chờ thời khắc xuân đến cũng là chờ hoa nở, lòng người hồi hộp say sưa, đó là nhà giáo, là ông đồ, là cụ Tú già, là nhà doanh nghiệp lớn, là vị quan về trí sĩ, là nhân sĩ đáng kính, v.v.
Ðúng giao thừa, mọi tấm lòng, mọi con mắt hướng về nơi đặt hoa, và sau đó là công bố giải thưởng. Giò hoa của ai nở đúng lúc này, thả làn hương quý phái và sang trọng vào mùa xuân, sẽ chiếm giải. Chơi hoa thủy tiên tốn kém, mà giải thưởng lớn nhất cũng chỉ là một bao trà, tấm lụa đỏ, không đáng giá một phần mười giò hoa. Nhưng vật chất không đáng kể. Giò hoa được thưởng được rước linh đình từ Ngọc Sơn về nhà, đó mới là niềm vinh dự lớn cho người chơi hoa và gia đình trong mùa xuân và cả năm sắp tới.
Hoa thủy tiên nở, tươi được dăm ngày, thơm nhẹ như có như không, mang lại niềm vui thanh tao cho người chơi. Một thời gian dài không có thủy tiên. Vài năm gần đây, hoa xuất hiện trở lại nhưng chưa có cuộc thi hoa thủy tiên nào, không hiểu có phải một phần vì người biết gọt thủy tiên đã ra đi gần hết rồi không?
NẾU đàn ông hay mải mê với rượu cúc, trà sen và hoa đào thì các bà các cô chú ý nhiều đến trang phục Tết. Người có tuổi hay chọn gấm, nhất là gấm thất thể, mình khô hoa ướt tức ngày nay gọi là kim tuyến. Giới trẻ chọn nhung the, mầu đỏ tươi hay xanh lam, có người “chơi chua” chọn nhung đen quý phái. Mặc tấm áo dài nhung (thời xưa váy hay jupe chưa phổ biến), để khoe khoanh cổ trắng nõn có ba ngấn kiêu kỳ và trên vòng cổ đó có cái kiềng vàng, thì hình như đó là tuyệt đỉnh của thời trang Tết.
Trang phục không thể không chú ý đến đôi giày. Gót chân son, đi đôi hài cong, bước đi càng uyển chuyển. Nếu không là hài thêu thì phải là giầy cườm, thêu rồng thêu phượng và lấp lánh sợi kim sa. Mái tóc cũng quan trọng không kém. Giới cao sang ít chít khăn vuông khăn vấn mà để tóc trần. Mái tóc đen mượt, dài như suối, quấn thành vòng trên đầu còn thừa bỏ đuôi gà sang bên vai như thế gọi là vấn trần. Hình ảnh này đã đi vào văn chương lãng mạn Tự lực Văn đoàn và tranh Tô Ngọc Vân.
Nếu lớp trí thức, nhà sang và người có tuổi chú ý nhiều đến những thú chơi thanh tao nhưng có phần đài các đó thì lớp trẻ thanh niên hay người dân bình thường lại chú ý đến cách chơi dân dã, mộc mạc, dành cho tất cả mọi người.
Ðó là chơi đu. Trên nhiều bãi cỏ, ngày Tết có trồng những cây đu bằng tre tươi (Hà Nội thời đó còn rộng rãi, còn nhiều bãi cỏ rộng. Ngay phố Hàng Bông Thợ Nhuộm còn là bãi cỏ để dân nhuộm vải mang phơi trên đó).
Ở đây là áo tứ thân, mớ ba mớ bảy, có thể có cả váy lĩnh, váy sồi cho khi đu bay bổng, tạo ra cái ỡm ờ thích thú tuổi thần tiên mơ mộng. Từng đôi trai gái nắm tay nhau nhún nhảy trên cây đu, trời đất cũng chao đảo ngất ngây vì tình hay vì sức trẻ không ai biết được thật sự nó sung sướng bàng hoàng thế nào.
Hà Nội còn nhiều thú chơi khác cũng đáng nhớ như thú chơi câu đối Tết, các nho gia, danh sĩ, thi nhân đều hay viết câu đối. Nhiều người còn khai bút ngày xuân bằng câu đối.
Rất nhiều gia đình sắm đôi câu đối Tết viết trên giấy đỏ để mong may mắn và cũng là trang trí. Còn lại nhiều câu đối hay cũng như nhiều giai thoại về câu đối. Câu đối phải lạ trong vế ra, và vế đối phải chỉn chu nên rất khó.
Cùng với câu đối, nhiều người cũng thích chơi tranh Tết, nên có cả một dòng tranh dân gian gọi là tranh Hàng Trống, với bức Lý ngư vọng nguyệt, tranh Thần hổ, tranh Tứ bình tố nữ, v.v. Ngắm bốn cô tố nữ có thể làm ta ngây ngất đắm say tấm lòng trần.
Hà Nội còn rất nhiều thú chơi Tết khác không thể kể hết trong một bài báo.
Ngày nay, đời sống thay đổi, thú chơi cũng thay đổi nhiều. Có thú xưa mất đi, thú mới xuất hiện ghi dấu thời đại mới. Ðó là lẽ tất nhiên như mùa xuân năm nào cũng mới vậy.