Trang chủ Đời sống Người đi làm công quả được gì?

Người đi làm công quả được gì?

88

Để phục vụ cho một bữa ăn sáng và trưa cho khoảng từ ba ngàn đến tám ngàn người ăn thì quả thật là một điều khó có thể tin được, nếu bạn không tận mắt chứng kiến, tận tay mình làm. Mặc dù chỉ là đồ chay nhưng khối lượng công việc thì quả thất là khổng lồ. Ngoài các Sư Thầy còn có khoảng vài chục người làm công quả ở tại chùa phải dậy từ ba giờ sáng, còn có khoảng vài chục người thay vì ngồi trên chùa nghe giảng pháp thì họ đã tình nguyện xuống bếp để phục vụ.

Bữa sáng thì ăn đơn giản hơn, có lần chỉ là tô mì, có sáng thì là một ổ bánh mì kẹp nhân chay. Đơn giản vậy đó nhưng để thu dọn và rửa tô, đũa muỗng cho bữa sáng cũng phải cả trăm con người phục vụ.

Bữa trưa chỉ là cơm chay đơn giản nhưng cũng phải có đủ đến bốn, năm món ăn. Nồi để nấu cơm cho bữa trưa là những thùng Inox đường kính 1mét, cao hết khổ 1,2mét là 20 thùng, kèm theo khoảng 15-20 khay cơm có đường kính 1,2mét cao 0,1 mét nữa. Rau, đậu thì có lẽ phải trên 100 rổ, toàn những rổ lớn đến trên 0,5m .Chậu để đựng đồ ăn lớn nhất thì cũng phải trên 0,7 m khoảng trên 50 chậu như vậy. Còn nồi, xoong, chảo, chén, tô, đũa, muỗng thì ôi thôi không thể nào mà đếm cho xuể, đó là 70% là cơm và thức ăn được bới vào hộp rồi đó.

Vậy mà mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp, vẫn đâu vào đấy, chu đáo, tận tình, ngon miệng, sạch sẽ, gọn gàng, an toàn, chưa một ai ăn xong bữa trưa ở đây trong suốt bao năm qua mà bị ngộ độc bao giờ.

Một điều rất đặc biệt là không thấy có ai chỉ huy, vậy mà hơn trăm con người  vẫn làm việc miệt mài, không ngơi tay, không ai đùn đẩy việc cho ai, ai cũng làm việc với một trách nhiệm cao nhất. Người làm công quả ở đây có Nam, Nữ từ người già bảy, tám mươi tuổi đến  trẻ em tám chín tuổi ( người già thì ngồi sắp từng đôi đũa ra ống, xếp gọn loại nào ra loại đó, tô, chén, muỗng ra từng ô, từng rổ, trẻ ăn xong thì phụ cùng người lớn nhặt, dồn cơm thừa lại, các vỏ hộp xếp gọn lại cho vào thùng rác).

Ai cũng làm việc trong im lặng, ai cũng vừa làm vừa nghe pháp hay khi đến lúc niệm Phật mọi người cũng lẩm bẩm niệm theo ( hệ thống truyền thanh ở đây rất tốt).

Có người đã đi làm công quả ở chùa rất nhiều năm rồi, cũng có người thì là mới toanh. Điều thú vị là có rất nhiều Nam, Nữ thanh niên thay vì ngồi trên chùa nghe pháp thì họ lại xuống phụ công việc cho nhà bếp.

Công việc nặng nhọc nhất ngoài các Sư Thầy và một số Phật Tử đứng trực tiếp nấu trong điều kiện nóng bức, khói, lửa (ngoài gas, điện, có cả đun bằng củi) các thầy phải đứng bếp suốt từ ba giờ sáng đến  mười giờ, cả người các thầy ướt đầm mồ hôi. Có thầy thì vác cả những thùng bự nặng lắm. Thứ nữa là những người làm công việc rửa nồi, xoong ,chảo… nhiều người quần áo ướt nhèm. Vậy mà không thấy ai tỏ vẻ mệt nhọc, không một tiếng than mệt.

Mỗi lần đi lao động ở chùa về, ai cũng bảo là khi làm thì không thấy mệt, nhưng khi về đến nhà mới thấy toàn thân dã rời thật, hai bàn tay thì nhăn và nhợt nhạt do phải tiếp xúc và ngâm lâu trong dầu rửa chén, hay thâm đen lại do nhặt rau, cọ nồi (dù có bao tay nhưng cũng không tránh khỏi) các móng tay đẹp đẽ là thế cũng gãy tiêu luôn, sáng ra đến chỗ làm gõ trên bàn phím các ngón tay vẫn còn đau nhức, nhưng được cái tối đó ngủ ngon lắm.

Người đi lao động ở chùa (theo nhà chùa gọi là làm công quả) nhưng không có lương, tất cả là tự nguyện, không có ai ép buộc cả. Có người làm vì ý nghĩ muốn đóng góp sức nhỏ bé của mình cho khóa tu được an lạc. Những người là Phật tử thì không vì lý do nào cả, chỉ mong muốn là có sức khỏe để được phục vụ mãi. Có người  thì cho rằng mình đã có quá nhiều phương tiện và điều kiện truyền thông hiện nay để nghe Pháp bất cứ lúc nào vì vậy mình đi phụ việc nhà bếp để dành cho người khác được thảnh thơi ngồi nghe Pháp.

Nhưng có người đi chùa làm công quả  là để tu cho chính mình.

Thật vậy.

Bởi vì khi đã đi làm công quả thì không nhất thiết phải đúng chuyên môn, bằng cấp đã học nhất là những công việc phục vụ tại nhà bếp, dọn vệ sinh trong chùa thì lại càng không. Đâu có cần phải chức danh, chuyên môn gì mới làm được. Tâm lý chung của nhiều người cho rằng mình là doanh nhân, hay quan chức, kỹ sư, bác sĩ, người nhà giầu, người nổi tiếng, người của công chúng… sao lại đi làm những việc lặt vặt, thấp kém này. Việc này cần thì mình hô một tiếng hay bỏ ra ít tiền là mọi việc sẽ có người làm xong hết.

Có người nổi tiếng lại quan niệm rằng một giờ đồng hồ của mình bỏ ra có thể thu về hàng tiền triệu thì tại sao lại đi làm vài tiếng công quả ở chùa, thay vì phải trực tiếp làm thì mang tiền triệu, triệu đó ra làm công quả tốt hơn, kinh tế hơn, hiệu quả hơn gấp bao nhiêu lần. Suy nghĩ đó đúng, không có gì sai cả nếu tính về hiệu quả kinh tế, hơn nữa lại được tiếng tăm càng nổi hơn. Còn khi làm lao động những việc vặt ở chùa thì đâu có ai biết đến. Nếu đề làm một cuộc trưng cầu thì có thể tới 95% chọn cách làm công quả của những người có chức danh trong xã hội đều sẽ chọn cách làm bằng dùng tiền hay sai bảo người khác làm… mà không  chọn cách đích thân mình làm.

Nhưng đúng là chỉ đến khi đích thân mình làm công quả tại chùa mình mới là người đang tập tu. Bởi vì khi đó trước hết trong đầu mình không còn tính toán một giờ mình làm sẽ được bao nhiêu tiền, cũng không có ai cung kính thưa gửi, không ra lệnh được cho ai, không có ai để sai bảo, không hạch sách ai được, không mặt đỏ, trợn mắt quát tháo ai, cũng không ai nịnh bợ mình, không ai đưa rước, không ai biết đến mình là ai, không có ai biếu bổng lộc, mà cũng không có gì để tham ô, không có ai nâng ly ca tụng, bữa ăn cũng không có sơn hào, hải vị …

Lần đầu tiên mà đi làm công quả thì rất lấy làm khó chịu đã không ra lệnh được cho ai  lại thỉnh thoảng còn bị có người nhờ giúp (cũng rất ít  thôi). Nhưng mỗi tháng một buổi đi làm công quả qua đi là mỗi lần trong tâm thay đổi: từ cao ngạo, hạch hỏi, ra lệnh, hò hét, quát tháo hay bắt người khác phải cung phụng, quan tâm, và luôn cho là nhân vật quan trọng, không bao giờ biết xin lỗi cấp dưới khi làm sai… trở lên trân trọng tất cả mọi người, cảm thông, chia sẻ, bình tâm, dịu dàng, nhẫn lại, nhỏ nhen, ích kỷ cũng dần biến mất, cái tôi không còn ngự trị trong tâm …và vui vẻ ăn cả thức ăn dồn của người ăn trước còn lại một cách ngon lành( thường người phục vụ trong nhà bếp hay ăn sau cùng)…

Cái được của người đi làm công quả là thế đấy. Nhưng cũng rất tiếc những quan chức, những doanh nhân, những người nổi tiếng… đi làm công quả trực tiếp còn quá ít ỏi.

Chúng ta hãy trải nghiệm thử mà xem rất thú vị và kỳ diệu đấy.

Giá như những người thành danh trong xã hội và tất cả những thanh thiếu niên, trong đời có ít nhất một lần đi làm công quả thì chắc chắn rằng xã hội này sẽ vơi bớt đi nhiều lắm những chuyện đau lòng.

Sài Gòn – tháng 12 năm 2011
Giác Hạnh Hoa