Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Người cung tiến 25 tỷ đồng đúc tượng Thánh Gióng kể chuyện...

Người cung tiến 25 tỷ đồng đúc tượng Thánh Gióng kể chuyện “phát tâm công đức”

314

“Đã phát tâm công đức là không được tính toán”

Người phụ nữ đã bước qua ngưỡng tuổi 40 nhưng vẫn còn giữ được những nét đẹp đài các của thời con gái ấy mở đầu câu chuyện với chúng một lời từ chối. Mấy chục năm nay, dù đã cung tiến rất nhiều tiền của để góp phần làm khang trang hệ thống đền chùa Việt Nam, thế nhưng chị Nguyễn Thị Kim Thoa – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ATS – vẫn chưa một lần chịu xuất hiện ồn ào trên báo chí.

Ngay cả khi Công ty chị được trao bằng khen hay giải thưởng, chị cũng nhường niềm vinh dự trên sân khấu cho những người khác trong công ty. Chị tâm niệm, mọi công việc chị làm chỉ để thần Phật chứng giám cho tấm lòng thành chứ không cần phải thu hút sự chú ý của thế nhân hay để sưu tầm những tấm bằng khen đỏ chói.

Mẫu tượng đài Thánh Gióng bằng thạch cao và chị Thoa – người phát tâm cúng dường tiền đúc tượng. (Ảnh: Quốc Đô)

Kể chúng tôi nghe về lý do phát tâm công đức đúc tượng đài Thánh Gióng, chị cho biết: “Bình thường tôi hay đi lễ chùa vào các dịp rằm, đầu tháng. Cách đây gần 1 năm, nhân dịp đi lễ chùa Phúc Khánh, tôi nhìn thấy phác thảo phương án tượng đài treo trong chùa. Lân la hỏi, được Thượng Tọa Thích Thanh Quyết (Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự TW Giáo hội phật giáo Việt Nam – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam) tiếp và trò chuyện, lúc đó tôi đã quyết định sẽ cung tiến một số tiền để góp một phần nhỏ sự thành tâm vào dự án mà Thượng tọa đang triển khai – chỉ đơn giản thế thôi, bởi không ai sống trên cõi đời này khi có điều kiện mà không vài lần phát tâm công đức đi làm việc thiện phải không em(?)

Đền Gióng là ngôi đền đã có 1927 năm tuổi, Thánh Gióng là vị thánh hiếm hoi được 2 vị vua nhà Đinh, nhà Lê dâng tặng bát hương. Đây mới chính là công trình xứng đáng để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Chính vì những mối duyên với Phật giáo mà tôi chẳng bao giờ tính toán, băn khoăn khi quyết định cung tiến một khoản tiền nào đấy, dù 25 tỉ đủ để mua một biệt thự đẹp giữa lòng Thủ đô hay dùng để thực hiện những việc lớn khác mà người đời vẫn mơ ước".

Hai mẹ con chị Thoa chụp ảnh cùng các đại biểu  trong lễ khởi đúc tượng đài Thánh Gióng tại Sóc Sơn, Hà Nội.

Chị Thoa là người phụ nữ mang trong mình dòng máu của người cha xứ Thanh và những câu à ơi khi chào đời từ lời ru của người mẹ xứ Nghệ mưa nắng dãi dầu. Sau hơn 20 năm bôn ba lập nghiệp, giờ đây khi đã có cho mình sự thành đạt, điều quan trọng được chị quan tâm nhất vẫn là công việc.

Ngoài ra, thời gian còn lại chị tập trung cho việc đọc và nghiên cứu văn hóa phật giáo. Chị bật mí là chị “mê” và rất sùng đạo Phật, cùng với tượng đài Thánh Gióng, hiện chị đang còn đang trăn trở với Dự án tuyến đường tâm linh Yên Tử (Quảng Ninh) mà kinh phí đầu tư rất lớn. Chị mong rằng có đủ điều kiện và cơ hội để chị có thể hoàn thành tâm nguyện của một người con Phật với hy vọng đây sẽ là bức tranh hoàn chỉnh cuối cùng trong “duyên tu” của chị.

“Duyên lạ” từ quả chuông đồng hàng chục tấn

Sau gần một giờ đồng hồ thuyết phục, cuối cùng, chị Thoa cũng chịu kể cho tôi nghe một vài câu chuyện gắn liền với cuộc đời, đức tin và cuộc hành trình cung tiến không ngừng của chị. "Tôi người gốc xứ Thanh nhưng đã bôn ba lập nghiệp khắp trong Nam ngoài Bắc. Đúng là ai đó trong cuộc đời không gặp những câu chuyện lạ kỳ liên quan đến đạo Phật như tôi thì dễ dàng nghĩ tôi bị điên hoặc chơi ngông, ném tiền qua cửa sổ". 

Chị Thoa nhớ lại: "Cách đây 7 năm, trong một lần đi du lịch Hải Dương, tôi có dừng chân tại đền Cao An Phụ thuộc huyện Kinh Môn, nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Đền Cao tọa lạc trên đỉnh An Phụ, là nơi phong thủy hữu tình đã được ca ngợi nhiều trong sử sách. Bị hút hồn bởi cảnh đẹp nơi đây, tôi đã bạch với trụ trì đền Cao cho phép tôi được công đức một quả chuông đồng để treo ở cổng tam quan. Sau khi được trụ trì đồng ý, tôi đã về Hà Nội thuê một nhóm thợ đúc đồng danh tiếng, cũng là nhóm thợ đúc tượng đài Thánh Gióng bây giờ, đúc một quả chuông đồng rất đẹp, nặng tới gần 30 tấn rồi thuê xe chở lên đỉnh An Phụ.

Do có việc gấp phải vào miền Nam, lại không có số điện thoại để liên lạc với quản lý đền Cao, tôi đành phải nhờ thầy trụ trì một ngôi chùa làng ở Hải Dương đón xe ô tô chở chuông và đưa giúp lên An Phụ.

Câu chuyện công đức 1 quả chuông đồng thành hai quả chuông – chị Thoa luôn ghi nhớ.

Đêm đó, sau khi xong việc, dù đã rất muộn nhưng tôi vẫn thấy bồn chồn không yên. Tôi quyết định bay ra Hà Nội rồi lên xe đi Hải Dương ngay trong đêm. Khi tôi về đến đền Cao thì sững người vì không thấy quả chuông treo ở vị trí đã định. Tá hỏa, tôi yêu cầu lái xe chở đi hỏi đường tìm về ngôi chùa làng của vị sư trụ trì tôi nhờ đón quả chuông. 

Gần sáng, khi hỏi thăm được đến nơi, tôi mừng rơi nước mắt khi thấy quả chuông vẫn còn trùm nguyên vải đỏ an tọa trong sân ngôi chùa. Thì ra ông thầy trụ trì vì quá mê quả chuông nên muốn đưa về ngôi chùa làng mấy ngày để dân làng chiêm bái.

Nhưng có một rắc rối là các sãi và người dân trong làng cứ tưởng có vị quan chức nào quan tâm cung tiến quả chuông cho nhà chùa nên kéo nhau xếp hàng để bỏ tiền công đức. Vì thế, nếu lúc này tôi cho xe chở quả chuông đi thì chắc chắn sẽ gặp rắc rối với dân làng. 

Cuối cùng, ông thầy trụ trì nghĩ ra một cách là lấy một loại lá gì đó sát vào thân quả chuông làm nó sùi lên như bị rỉ rồi mời một vài đại diện dân làng đến nói là quả chuông bị lỗi nên phải đem sửa lại, nửa tháng nữa mới xong. Lúc đó tôi mới có thể gọi xe chở quả chuông về đền Cao An Phụ, đánh sạch và treo lên đúng vị trí của nó. 

Nửa tháng sau, tôi lại phải đặt thợ làm một quả chuông có kích thước y hệt để chở về ngôi chùa làng đó, giúp cho ông sư trụ trì nọ khỏi khó ăn khó nói với dân làng". 

Tượng đài Thánh Gióng sau khi hoàn thành nặng khoảng 85 tấn, được đặt trên đỉnh núi cao nhất khu di tích – núi Đá Chồng. Tổng chi phí dự án khoảng 50 tỷ đồng, trong đó có 25 tỷ đồng dùng cho việc đúc tượng đài Thánh Gióng do chị Nguyễn Thị Thoa phát tâm công đức theo chủ trương kêu gọi nguồn đóng góp xã hội hóa từ Giáo hội phật giáo Việt Nam.

Dự kiến, Tượng đài được làm nguội hoàn thiện và hoàn thành vào tháng 9/2010, kịp vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.