Trang chủ Diễn đàn Người cư sĩ Phật giáo trong thời đại mới

Người cư sĩ Phật giáo trong thời đại mới

199

Lúc sinh thời  Đức Phật, đã có nhiều vị vua có công với Phật giáo. Các nhà nghiên cứu thường nêu tên các vua như Bimnbisara, Ajatasattu, Pasenadi, các đại cư sĩ như Anathapindica, Visakhà Magaramata, Jivaka, Mahanàma, Ambapàli…Trong Kinh điển Đại thừa dẫn chứng Ngài Duy Ma Cật là vị cư sĩ có tuệ giác bậc nhất trong thời kỳ ấy ở Ấn Độ. Sau ngày Đức Phật nhập Niết Bàn, nhiều vị vua, chúa Phương Đông có công đức rất lớn đối với Phật giáo. Vua Asoka của Ấn Độ là người đã có nhiều thành tựu trong hoằng dương chánh pháp. Ở Việt Nam ta, nếu xem vua Trần Nhân Tôn là Asoka Việt Nam thì Tuệ Trung Thượng Sĩ  là Duy Ma Cật của Ấn Độ, Bàng Uẩn của Trung Hoa. Với hàng ngàn năm phát triển, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có biết bao vị Cư sĩ nổi tiếng. Đặc biệt trong thời kỳ Chấn hưng Phật giáo những năm ba mươi của thế kỷ XX, lịch sử còn ghi lại hàng trăm tên tuổi cư sĩ uyên bác đông tây đã góp phần không nhỏ trong việc truyền bá giáo lý Phật giáo, chấn hưng Phật giáo, tổ chức Giáo hội, dịch Kinh, làm báo Phật giáo phù hợp với thời đại Việt Nam bắt đầu Âu hoá. Riêng tại miền Trung mà chúng tôi may mắn được biết qua tư liệu, qua người thực việc thực và qua truyền khẩu của các thầy của chúng tôi, số lượng các cư sĩ có công cũng không nhỏ.


1. Vai trò  của cư sĩ trong lịch sử phát triển Phật giáo ở miền Trung


Năm 1932, sau khi hồi loan, vua Bảo Đại ban Chiếu cho thành lập Hội An Nam Phật Học. Người có công thúc đẩy vua Bảo Đại cho ra đời Hội ANPH chính là Hoàng thái hậu Đoan Huy (tức bà Từ Cung). Ngoài chư tôn hoà thượng, thượng toạ, các cư sĩ có công đầu trong Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung lúc ấy có thể kể các cụ Hoàng giáp Đinh Văn Chấp (thân sinh của Hoà thượng Minh Châu và cư sĩ Minh Chi su nầy), bác sĩ Lê Đình Thám, các nhân sĩ Hoàng tộc Ưng Bàng, Bửu Bác, Viễn Đệ, Tôn Thất Tùng, Tráng Đinh, các nhân sĩ xuất thân trong các đại gia chốn Đế kinh: bà Cao Xuân Xang (tức bà Hồ Thị Hạnh, sau nầy là Sư bà Diệu Không), ông Nguyễn Khoa Tân .v.v. Các cư sĩ tân học nầy đã ghi công đầu vào các việc;


– Xây dựng và phát triển Giáo hội;


– Cải tiến và chấn hưng Phật giáo;


– Dịch kinh, trùng tu xây dựng các cơ sở tu học;


– Tổ chức Gia đình Phật tử (1940);


– Xuất bản tạp chí Viên Âm v.v…


Phong trào Chấn hưng Phật giáo đã góp phần đào tạo nhiều tăng tài, nhiều bậc cư sĩ đức trọng tài cao có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX. Những cư sĩ miền Trung được trực tiếp hay gián tiếp trưởng thành từ Phong trào Chấn hưng Phật giáo trước năm 1945 đã đóng góp vào lịch sử Phật giáo Việt Nam nửa sau thế kỷ XX trong nhiều lĩnh vực. Những thành tựu nổi bậc mà bất cứ Phật tử  nào cũng thấy được là:


– Về văn hoá văn nghệ: Nhà văn Võ Đình Cường với Tiểu thuyết Ánh Đạo Vàng, nhạc sĩ Lê Cao Phan với nhạc phẩm Phật Giáo Việt Nam, nhạc sĩ Văn Giảng với nhạc phẩm Từ Đàm Quê Hương Tôi;


– Về giáo dục:Tổ chức hệ thống trường học từ từ Mẫu giáo đến Đại học (Vạn Hạnh), đặc biệt là hệ thống trường Bồ Đề trên khắp các tỉnh thành miền Nam Việt Nam, những cư sĩ tiêu biểu trong lãnh vực giáo dục là các ông Lê Mộng Tùng, Lê Mộng Đào.v.v.


– Về các cuộc vận động yêu nước: Lớp cư sĩ nầy và các lớp cư sĩ đàn em, học trò của họ đã góp phần đáng kể trong việc hộ trì Giáo hội tăng già tổ chức và lãnh đạo cuộc vận động chống chế độ độc tài, kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, cuộc vận động cho hoà bình Việt Nam từ năm 1964 cho đến năm 1975. Những sư sĩ tiêu biểu trong các cuộc vận động nầy được lịch sử quan tâm là Bác sĩ Lê Khắc Quyến, ông Mai Thọ Truyền, GSTS Vũ Văn Mẫu, tướng Dương Văn Minh, tướng Đỗ Mậu, đạo hữu Nguyễn Khắc Từ, đạo hữu Văn Đình Hy, đạo hữu Hoàng Thị Kim Cúc, đạo hữu Đặng Tống Tịnh Nhơn, đạo hữu Phan Văn Gái, đạo hữu Lê Văn Dũng.v.v. 


Có thể nói nếu không có sự hộ trì của các lớp cư sĩ thì Phật giáo Việt Nam khó đạt được sự phát triển đến như ngày nay.


2. Những vấn đề của xã hội và Phật giáo hiện nay cần đến vai trò của cư sĩ


Đã từ lâu Phật giáo Việt Nam luôn chủ trương theo đuổi lý tưởng “đạo pháp và dân tộc”. Hai nhiệm vụ ấy không tách rời nhau mà trái lại quyện chặt vào nhau. Người cư sĩ ngoài nhiệm vụ hộ trì chư tăng ni truyền bá giáo pháp còn phải vận dụng giáo pháp bi trí dũng vào việc xây dựng đời sống tâm linh của dân tộc. Dân tộc Việt Nam hôm nay đang bước vào thời kỳ đổi mới, hoà nhập với ba làn sóng: kỹ nghệ hoá, tin học hoá và toàn cầu hoá. Các vị tôn đức chư tăng ni lo hoằng dương đạo pháp, lo phần tu tập cho Phật tử, người cư sĩ là những thành viên của Giáo hội lo việc liên quan đến xã hội không thể đứng ngoài ba làn sóng ấy. Nếu Phật giáo Việt Nam đứng ngoài ba làn sóng ấy tức là tự mình giạt ra bên lề lịch sử và sẽ bị bánh xe lịch sử đào thải. Người cư sĩ với ba làn sóng trên xin dành cho một tham luận khác. Trong tham luận nầy, với cách thế của một Phật tử bình thường tôi thấy những lãnh vực sau không thể thiếu vai trò cư sĩ:   


2.1. Trong tổ chức Phật giáo: Trong tổ chức Giáo hội có một số thành viên phụ tá cho quý tôn đức lãnh đạo chuyên lo về các hoạt động hoá đạo, văn hoá, giáo dục, xã hội, kinh tế, xây dựng….Trong tổ chức Giáo hội Phật giáo hiện nay rất thiếu vắng cư sĩ;  


2.2. Trong việc truyền bá đạo Phật, trong một số địa phương, một số hoàn cảnh, một số tầng lớp, các chư tăng ni không thể đến được và cũng không đủ các vị xuất gia để đến mà cần có đông đảo cư sĩ. Hiện nay chưa có đông đảo đội ngũ cư sĩ hộ trì nên nhiều vùng (từ Quảng Bình ra Bắc, miền núi) đang thiếu ánh sáng của đạo giải thoát. Thế thì làm sao có thể thực hiện được nhiệm vụ góp phần xây dựng một nền đạo đức bền vững cho các tầng lớp xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên ?


2.3. Sau thời kỳ chấn hưng của những năm ba mươi cho đến nửa thập niên những năm bảy mươi, Phật giáo có một hệ thống giáo dục Phật giáo từ Mẫu giáo đến Đại học. Hệ thống giáo dục Phật giáo đã đào tạo nên biết bao người ưu tú và hiện nay vẫn đang còn tác dụng ở trong và ngoài nước. Hệ thống giáo dục đó đã tạm ngưng sau 30.4.1975 và ngày nay đang được phục hồi từng bước. Và tôi tin, trong một ngày không xa nhà nước Việt Nam sẽ cho Phật giáo phục hồi toàn bộ hệ thống giáo dục của Phật giáo. Chuyện cho đó khi có chủ trương của lãnh đạo Việt Nam chỉ cần một quyết định của một cuộc họp của các ban ngành có trách nhiệm trong vài ngày, nhưng nếu không có đội ngũ cư sĩ củ Phật giáo lo việc giáo dục thì cơ hội đó sẽ bỏ lỡ. Mà muốn có đội ngũ cư sĩ lo việc giáo dục không phải được chuẩn bị trong năm ba năm; 


2.4. Không chỉ có giáo dục Phật giáo, Phật giáo còn phải có các hoạt động nghiên cứu lịch sử, triết lý Đạo Phật, vận dụng tinh thần bi trí dũng của Phật giáo vào cuộc đời, vào hoạt động văn hoá văn nghệ, báo chí Phật giáo. Những hoạt động nầy chư vị tôn đức tăng ni không thể quán xuyến hết, mà quý tôn đức có muốn quán xuyến cũng không thể thay thế cư sĩ để quán xuyến được. Vậy thì trong hàng ngũ Phật tử trên toàn quốc hiện nay có được mấy ai làm được ? 


2.5. Phật giáo thường cho rằng tám mươi chín mươi phần trăm dân chúng Việt Nam đều thờ tổ, thờ Phật, là Phật tử. Vậy thì Phật giáo chịu trách nhiệm đến đâu về tình hình tham nhũng, ăn cắp ăn trộm, bạo lực, mua bán dâm, cờ bạc, bia rượu, lừa đảo, phá hoại môi trường, vọng ngoại, tiếp thu văn hoá vật chất nước ngoài không chọn lọc, trái với văn hoá đạo đức truyền thống dân tộc ….của xã hội hiện nay ? Phật giáo phải làm gì, làm như thế nào để hạn chế tình hình xã hội đáng lo ngại ấy ?  Cho nên dù muốn dù không Phật giáo cũng phải có người tham gia vào các tổ chức dân cử, tổ chức chính quyền, các đoàn thể xã hội với ước mong góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức ở những nơi ấy. Những người đó là ai, nếu không phải là cư sĩ ?


2.6. Bước vào thế kỷ XXI, thế giới Âu Mỹ đang phải chịu đựng với tình hình đối đầu giữa các tôn giáo độc thần (Thiên chúa giáo và Hồi giáo). Cuộc đối đầu nầy đang ngày càng nghiệt ngã và đe doạ có thể sử dụng đến bom nguyên tử. Phật giáo đang được Âu Mỹ và một số nước có nền công nghiệp tiên tiến Á châu (Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore…và ngay cả Trung Quốc) xem như một lối thoát. Trong mấy năm qua tôi có dịp đi du lịch xa, tôi đã tận mắt thấy bóng dáng Phật về trên rất nhiều nơi ở Âu Mỹ. Cuối tháng 4 vừa rồi, ngay ở trung tâm ăn chơi, cờ bạc Las Vegas (Hoa Kỳ) cũng có một đêm Phật. Phật giáo VN đã được Thiền sư Nhất Hạnh đưa lên ngang tầm quốc tế. Làng Mai của Thiền sư Nhất Hạnh ở Pháp được xem như một trung tâm Phật giáo lớn nhất thế giới. Cuốn sách Đường Xưa Mây Trắng của Thiền sư Nhất Hạnh đã được ký hợp đồng lên phim với số vốn 120 triệu USD, là những chuyện chưa từng có trên thế giới. Vậy thì, Phật giáo Việt Nam ở ngay chính quốc của Thiền sư Nhất Hạnh phải làm gì ? Ai làm ? Nếu đó không phải là giới cư sĩ ?


2.8. Cũng qua tổ chức Phật giáo, cư sĩ Phật giáo VN cùng với các tôn đức đạo cao đức trọng gặp gỡ, giao lưu với Phật tử trong và ngoài nước, xoá bỏ hận thù do lịch sử để lại, để thương yêu nhau, tin cậy nhau góp phần hoằng dương chánh pháp, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng Việt Nam xứng đáng với một nước có hơn 80 triệu dân với lịch sử phát triển Phật giáo trên hai ngàn năm, có tiềm lực kinh tế hàng đầu ở vùng  Đông Nam Á châu.


Với thời gian hội thảo cho phép chúng tôi không thể nêu hết những công việc của Phật giáo Việt Nam hiện nay cần đến sự có mặt của giới cư sĩ. Nhưng với 8 Phật sự trên chúng tôi cũng đã thấy “khớp” rồi. Bởi vì ….


3. Nhìn vào thực trạng cư sĩ hiện nay:


Lớp cư sĩ trước tuổi đã quá lớn, hầu như đã qua đời. Số còn lại có thể đếm trên đầu ngón tay và còn hiện diện với tư cách cố vấn, biểu tượng chứ không còn đảm nhận được bất cứ một Phật sự nào. Đó là các đạo hữu Võ Đình Cường, đạo hữu Tống Hoà Cầm, đạo hữu Phan Xuân Sanh .v.v. Lớp đàn em trẻ hơn cũng còn rất ít, một số đã ra nước ngoài, số còn lại phần lớn đã ngưng hoạt động từ sau năm 1975. Những người đeo đẳng hoạt động như Lý Việt Dũng (TP HCM), Trụ Vũ (nhà thơ), Trần Tuấn Mẫn (TP HCM), Châu Văn Thuận (TP HCM), Phạm Văn Xuân (TP HCM), Minh Mẫn ( TP HCM), Châu Trọng Ngô (Huế)… thật quá hiếm.


Sự thiếu vắng cư sĩ hiện nay có nhiều nguyên nhân. Cho đến năm 1963 số lượng cư sĩ làm Phật sự rất hùng hậu, đông đảo về số lượng, cao rộng về kiến thức chung và đạo Phật. Nhưng từ sau ngày cuộc vận động chống chế độ Ngô Đình Diệm kết thúc, giới tăng già hầu như không quan tâm đến giới cư sĩ, không những không đào tạo thêm mà còn hạn chế việc sử dụng cư sĩ vào các Phật sự (Ý kiến của GSTrần Quang Thuận). Sau 30.4.1975, chính quyền mới chưa thấy hết vai trò của Phật giáo đối với xã hội nên hạn chế hoạt động của giới cư sĩ. Giáo hội Phật giáo của nước Việt Nam thống nhất ra đời (1982) ngại chủ trương ấy nên cũng không khuyến khích đào tạo và sử  dụng cư  sĩ. Những nguyên nhân chủ quan và khách quan đó giải thích cho sự thiếu vắng cư sĩ ngày nay.


Từ sau khi nhà nước có chủ trương cởi mở hơn với các hoạt động  xã hội của Phật giáo, một số Phật tử trí thức trẻ xuất hiện, họ tự học tập Phật pháp, làm Phật sự, phấn đấu trở thành cư sĩ Phật giáo của thời đại mới. Tôi chưa có điều kiện điền dã để thống kê một cách đầy đủ, riêng những người hoạt động tôi thường gặp có thể nêu tên các đạo hữu Hà Xuân Liêm (nhà biên khảo), Lê Quang Thái (nhà biên khảo), Lê Cung (Giáo sư sử học), Nguyễn Văn Lợi (nhiếp ảnh), Dương Đình Châu (Bác sĩ)…Cho đến nay dưới mắt Giáo hội và Phật tử, những Phật tử trí thức nầy mới chỉ là những Phật tử tích cực, còn lâu nữa mới đạt được các tiêu chí của một cư sĩ như các bậc tiền bối. 


Tuy nhiên trong mấy năm vừa qua, tôi có dịp qua Âu Mỹ tìm gặp các bạn cũ và bạn mới, tôi hết sức vui mừng được biết ở những nơi xa xôi ấy đã hình thành một lớp cư sĩ mới hết sức uyên bác, ngày đêm âm thầm làm việc để phụng sự đạo pháp và dân tộc. Với khả năng giao tiếp hạn hẹp, tôi cũng đã biết ở Đức có Nguyễn Tường Bách, Thái Kim Lan, Võ Xuân Khôi (Tâm Tuệ Hỷ), ở Pháp có Cao Huy Thuần, Lê Huy Cận, ở Hà Lan có ông bà Trần Tiễn Tiến/Tôn nữ Minh Lý, ở Mỹ có Châu Văn Thọ (Los Angeles), Nguyễn Bá Chung (Boston), Trần Tuệ (Los Angeles), Tôn Thất Tùng (Tôn Thất An Cựu, Orange County), Trần Tiễn Huyến (San Jose), ông bà Trần Tiễn Khanh/Nguyễn Khoa Diệu Lê (Las Vegas), ở Úc có Hoàng Văn Giàu, Phạm Văn Minh, Nguyễn Văn Tuấn.v.v. Đặc biệt, như quí vị đã biết, các cư sĩ đó không chỉ hoạt động tự phát đơn lẻ mà trong thực tế đã hình thành nhiều tổ chức hoạt động tập thể rất có hiệu quả. Tôi xin dẫn chứng nhóm Giao Điểm ở California. Nhiều cư sĩ trong Nhóm Giao Điểm đang hiện diện trong hội thảo nầy. Có thể ngay trong giờ phút nầy, quý vị kích hoạt vào địa chỉ giaodiem.com trên mạng toàn cầu quí vị sẽ gặp ngay những cư sĩ Giao điểm Bắc Cali, hoặc có thể hỏi ngay ở đây tập san Giao Điểm của Giao Điểm Nam Cali. Với những tên tuổi Đỗ Hữu Tài, Hồng Quang, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Văn Hoá, Phan Mạnh Lương, Trần Chung Ngọc, Trần Văn Kha.v.v. Các cư sĩ trong nhóm Giao Điểm đã không mệt mỏi bảo vệ Phật giáo Việt Nam trước những luận điệu thù địch từ bên ngoài bôi bác xuyên tạc Phật giáo, góp phần làm rõ vai trò của Phật giáo (hiển chánh) trong đời sống hiện đại và tích cực làm từ thiện cứu giúp người nghèo, giảm nhẹ nỗi khổ do thiên tai gây ra cho dân nghèo trong nước. Và, như nhiều vị tham gia hội thảo nầy đã biết, trong mấy chục năm qua Phật giáo Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã qui tụ và đào tạo được một lực lượng cư sĩ khá lớn. Nếu nhóm Giao Điểm thu hút được nhiều tín đồ đạo độc thần đứng về phía Phật giáo Việt Nam (như Charlie Nguyễn, Nguyễn Mạnh Quang, Giu-xe Phạm Hữu Tạo .v.v.) thì Phật giáo Làng Mai cũng đã thu hút được hàng trăm cư sĩ ngoại quốc hoạt động tu tập theo truyền thống Phật giáo Việt Nam (đã được Thiền sư Nhất Hạnh hiện đại hoá). Lực lượng cư sĩ Phật giáo hải ngoại có những thế mạnh: Giỏi ngoại ngữ; Có phương tiện làm việc tiên tiến, có tài chính dồi dào, môi trường nghiên cứu, học tập, tu dưỡng thuận lợi. Nhờ thế họ đã có những đóng góp cho Phật giáo và dân tộc nhiều sự việc có ý nghĩa lớn như giới thiệu Phật giáo Việt Nam và văn hoá Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là với xã hội Âu Mỹ; dịch thuật, biên soạn được nhiều công trình Phật học với  nhiều sinh ngữ khác nhau; góp phần gìn giữ sự ấm nóng của lý tưởng đạo pháp và dân tộc của Phật tử hải ngoại; đương đầu với những thế lực thù địch xuyên tạc Phật giáo và đất nước. Và, điều mà Phật tử nào cũng thấy là sự đóng góp tài chính của Phật tử hải ngoại – trong đó có nhiều cư sĩ, cho việc xây dựng trùng tu chùa chiền trong nước cũng như việc từ thiện xã hội rất đáng kể. Trong tương lai, lực lượng cư sĩ Phật giáo hải ngoại còn đóng góp nhiều hơn nữa trong việc mở lại hệ thống giáo dục Phật giáo, góp phần đào tạo con người Phật giáo cho thời đại mới, nâng vị thế tư tưởng Phật giáo Việt Nam ngang tầm thế giới.


Tuy vậy, lực lượng cư sĩ Phật giáo hải ngoại không thể đảm trách công việc của các cư sĩ sống và làm Phật sự trong nước. Muốn thực hiện 8 phạm vi hoạt động của người cư sĩ trong nước nêu trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải có ngay kế hoạch tổ chức, đào tạo, sử dụng đội ngũ cư sĩ thật thiết thực và linh hoạt. Nếu giới tăng già Phật giáo Việt Nam không được một đội ngũ cư sĩ đông đảo hộ trì thì Phật giáo Việt Nam sẽ bị bỏ lỡ cơ hội thêm một lần nữa.


4. Một vài đề nghị:


Muốn có một đội ngũ cư sĩ theo những tiêu chí giống như các cư sĩ trước đây thì phải còn chờ thời gian. Trong lúc đó Phật sự hiện nay đang diễn ra có tính cấp bách không thể chờ được nữa. Để thích hợp với hoàn cảnh, Giáo hội nên quan niệm người cư sĩ trong thời đại mới phải linh hoạt hơn, thực tế hơn và rộng rãi hơn. Nên chăng sử dụng danh từ “tiếp hiện” của Làng Mai để thay cho “cư sĩ” ? Hoặc một từ nào đó thích hợp hơn ?


Đối với giáo lý đạo Phật, danh từ không quan trọng, điều đáng quan tâm là ý nghĩa nội dung của từ ấy. Trong lúc chờ có một từ mới tôi tạm dùng cụm từ “cư sĩ thời đại mới” gọi tắt là “cư sĩ” (có tiêu chí khác với cư sĩ  vốn có trước đây).


4.1.Trong tổ chức giáo dục, giáo viên, giáo sư của các nước được sắp theo nhiều bậc, trong tổ chức cư sĩ thời đại mới cũng phải quan niệm có nhiều bậc từ thấp lên cao để đảm nhiệm những Phật sự khác nhau. Và, phải có nhiều tổ chức thích hợp để tập hợp những cư sĩ có cùng bậc vào sinh hoạt với nhau; 


4.2. Trong lúc chờ đào tạo lớp trẻ, trước mắt nên bồi dưỡng cho trí thức (cán bộ, giáo viên) lớn tuổi còn khoẻ để họ làm giáo thọ sơ cấp đi “thuyết trình” những vấn đề tu học đạo Phật ở cơ sở, trong đó có vùng nông thôn, miền Bắc và miền núi;


4.3. Có tổ chức cư sĩ thời đại mới chính thức để tiếp nhận những người hết duyên với hạnh nguyện xuất gia có thể tiếp tục làm Phật sự với vai trò cư sĩ một cách tích cực (giống như trường hợp của quý Phật tử Trần Quang Thuận, Hồng Quang, Minh Mẫn…);


4.4. Những hoạt động xã hội, từ thiện, giáo dục, văn hoá…nói chung là những hoạt động liên quan đến xã hội các vị tôn đức tăng già chỉ nên là người lãnh đạo, việc tổ chức thực hiện nên giao cho cư sĩ thời đại mới; 


4.5. Tạo điều kiện cho trí thức Phật tử trẻ xuất ngoại, bồi dưỡng thêm trí thức, về những phương thức tổ chức truyền bá đạo Phật ở các nưóc tân tiến (Dòng tu Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh);


4.6. Để khuyến khích giới trẻ phấn đấu, Giáo hội Phật giáo phải thường xuyên biểu dương các cư sĩ đã có công với Phật giáo trong quá khứ. (Cho đến nay chưa có một công trình gì ghi công đức của một cư sĩ Phật giáo nào cả).


Kết luận


Trong thời đại mới, muốn hội nhập và phát triển, tổ chức Phật giáo Việt Nam không thể thiếu “đệ tứ chúng” là tầng lớp cư sĩ. Tình hình hoạt động Phật giáo thiếu năng động hiện nay một phần vì thiếu vắng cư sĩ. Nhưng trong thực tế không hẵn là không còn cư sĩ. Qua tiếp xúc, tôi được biết lực lượng cư sĩ còn tiềm ẩn rất lớn. Những nơi có điều kiện hoạt động như ở hải ngoại thì cư sĩ Phật giáo xuất hiện khá đông, nhiều cư sĩ có trình độ ngang tầm thế gới. Những cư sĩ hải ngoại đã đạt được những thành quả có ý nghĩa lịch sử. Họ đã chứng tỏ được rằng người cư sĩ Phật giáo ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là những người yêu nước, gắn bó với nước và muốn giúp nước.Tuy nhiên, họ không thể lấp đầy được khoảng trống cư sĩ ở trong nước. Các cư sĩ ở trong nước quá ít, phân bố không đều, đặc biệt ở miền Bắc rất thưa thớt, nhiều địa phương không có. Do đó, thiếu vắng cư sĩ dù Giáo hội có muốn cũng không phát triển được Phật giáo “ở vùng đất mới” (như vùng Tây nguyên, miền Bắc). Trọng tâm của tham luận nầy xem như một kiến nghị thỉnh cầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới hãy đặc biệt quan tâm đến vai trò người cư sĩ nếu không muốn đứng bên lề lịch sử.


Huế, cuối tháng 5/2006


Đây là bài viết tham dự Hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới – Cơ hội và Thách thức do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.